Hoạt động kinh tế thu hút nhất trong những ngày đầu năm 2018 chính là Diễn đàn Kinh tế Việt Nam vừa được tổ chức trong tuần qua tại Hà Nội. Bên cạnh đó, bạn đọc cũng dành sự quan tâm cho phiên tòa xét xử ông Đinh La Thăng và các bị cáo trong vụ thất thoát hàng trăm tỷ đồng của Tập đoàn Dầu khí VN – PVN, cũng như các thông tin về việc thu phí của BOT Sóc Trăng…
Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2018: VN phấn đấu thành con hổ kinh tế mới ở châu Á
Chủ đề chính của Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ hai là “Tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững: Những thách thức và động lực mới”. Sự kiện do Ban Kinh tế Trung ương chủ trì, phối hợp với các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công Thương, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ngân hàng Nhà nước và Viện Hàn lâm Khoa học xã Việt Nam cùng một số tổ chức phát triển quốc tế, đại sứ quán….
Diễn đàn bao gồm chuỗi các hội thảo chuyên đề và đối thoại chính sách cấp cao với khoảng gần 1.500 đại biểu lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương, các nhà khoa học, chuyên gia nghiên cứu trong và ngoài nước, doanh nghiệp, các hiệp hội và đại diện một số tổ chức phát triển quốc tế. Qua đó, nhiều vấn đề “nóng” của nền kinh tế Việt Nam đã được mổ xẻ.
Phát biểu tại Phiên đối thoại chính sách của Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, năm 2017 là một năm thành công của ngành kinh tế Việt Nam với tốc độ tăng trưởng GDP là 6,81%. Việt Nam là quốc gia có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong khu vực Đông Nam Á và châu Á. Theo đó, việc cải cách kinh tế được đẩy mạnh, tăng cường công khai minh bạch, phòng chống tham nhũng. Năm 2018, môi trường kinh doanh được cải thiện đáng kể, cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng và công bằng, qua đó củng cố niềm tin của các nhà đầu tư và công đồng doanh nghiệp tạo ra một sinh khí mới cho nền kinh tế.
“Cần thẳng thắn thừa nhận kinh tế Việt Nam còn đối mặt nhiều thách thức trong trung và dài hạn, trong đó làm thế nào để phát triển nhanh và bền vững, thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình là yêu cầu quan trọng nhất thời gian tới” - Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng khẳng định, Chính phủ đã yêu cầu các bộ ngành và địa phương phải phấn đấu cùng mục tiêu tăng trưởng trên mức Quốc hội giao, năng suất lao động xã hội cao hơn hẳn so với trước, các chỉ số môi trường được cải thiện, nền kinh tế có chuyển biến mạnh mẽ, sức sống, năng lực cạnh tranh nền kinh tế từng ngành, từng địa phương, từng doanh nghiệp; Mọi người dân Việt Nam nhất là người nghèo phải có cuộc sống tốt hơn, cả về vật chất lẫn tinh thần.
"Cần biến khát vọng của dân tộc thịnh vượng thành hành động cụ thể, tận dụng cơ hội và vượt qua thách thức, phấn đấu trở thành con hổ kinh tế mới của châu Á. Bây giờ chưa được, nhưng tại sao lại không và luôn phải tìm câu trả lời làm gì để đạt được điều ấy"- Thủ tướng nói.
Ông Đinh La Thăng bị đề nghị 14-15 năm tù
Ông Đào Thịnh Cường - Phó viện trưởng VKSND Hà Nội thay mặt cơ quan giữ quyền công tố tại tòa đọc bản luận tội và đề nghị mức án với bị cáo Đinh La Thăng (nguyên Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Dầu khí Việt Nam - PVN) và 21 bị cáo khác.
Theo đó, VKS đề nghị án 14-15 năm tù với ông Đinh La Thăng về tội Cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Bị cáo Trịnh Xuân Thanh, cựu Chủ tịch HĐQT PVC, bị đề nghị 13-14 năm tội Cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và chung thân tội Tham ô tài sản. Tổng mức hình phạt với bị cáo Thanh bị đề nghị là chung thân...
Ông Cường nêu rõ: Việc VKSND Tối cao truy tố các bị cáo tội Cố ý làm trái và Tham ô tài sản là hoàn toàn có căn cứ, đúng người, đúng tội, đúng quy định của pháp luật. Theo vị đại diện VKS, thực hiện Bộ Luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017, căn cứ nghị quyết 41 ngày 20/6/2017 về việc áp dụng BLHS 2015 theo nguyên tắc có lợi cho người phạm tội thì hành vi Tham ô tài sản của các bị cáo trong vụ án được áp dụng theo Điểm a, Khoản 4, Điều 333 BLHS 2017 sửa đổi sửa đổi bổ sung năm 2017, có hiệu lực thi hành ngày 1/1/2018.
Hành vi phạm tội của các bị cáo nêu trên là biểu hiện một phần tệ tham nhũng lãng phí, quan liêu, cục bộ, lợi ích nhóm. Việc này không chỉ gây thiệt hại lớn về kinh tế mà còn tác động xấu tới chính trị - xã hội, gây bức xúc trong dư luận nhân dân.
Vì vậy việc đưa vụ án này ra xét xử thể hiện quyết tâm của Đảng, Nhà nước trong việc kiên quyết đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí, thể hiện thượng tôn pháp luật, tỏ rõ thái độ không khoan nhượng, không có vùng cấm với bất kỳ ai, dù họ ở cương vị nào, khi vi phạm pháp luật, đặc biệt là các hành vi liên quan đến tội phạm tham nhũng đều phải xử lý, tài sản phải được thu hồi, công lý phải được thực thi. Qua đó củng cố lòng tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước.
Tổng cục Đường bộ khẳng định không dừng thu phí BOT Sóc Trăng
Ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ, khẳng định phí qua trạm BOT Sóc Trăng đã giảm sau khi được tính toán kỹ lưỡng về phương án tài chính. Việc giảm giá này căn cứ vào nhiều yếu tố và không thể giảm giá thêm.
Trước tình hình phức tạp, Tổng cục Đường bộ yêu cầu các cơ quan chức năng tỉnh Sóc Trăng tuyên truyền để các lái xe hiểu rõ. Nếu lái xe nào cố tình đỗ xe gây ách tắc sẽ bị xử lý.
Lãnh đạo Cục đường bộ khẳng định sẽ tiếp tục thu phí BOT Sóc Trăng.
Ông Huyện cho rằng các lái xe có thể tạm dừng mấy phút để trả phí, kể cả bằng tiền lẻ nhưng cố tình đỗ xe ở đó là vi phạm. Trách nhiệm xử lý thuộc về chính quyền địa phương.
Mới đây, lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng cho biết đã có kiến nghị Tổng cục Đường bộ tạm dừng thu phí tại BOT Sóc Trăng để ổn định tình hình. Về vấn đề này, ông Huyện khẳng định chưa nhận được văn bản của địa phương.
Tổng cục trưởng cho rằng phương án tạm dừng thu phí không ổn. Bởi sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến phương án tài chính của dự án.
Từ 7/1, các tài xế phản đối trạm BOT Sóc Trăng. Họ cho rằng đã đóng phí bảo trì đường bộ nên không phải trả phí khi đi trên quốc lộ 1 nữa.
Lãnh đạo BOT Sóc Trăng cho biết từ chiều đến khuya 9/1, nhiều thanh niên lạ mặt đã tụ tập tại trạm. Những người này liên tục dọa tài xế, không cho lái xe mua vé khiến BOT Sóc Trăng phải xả trạm liên tục trong đêm. Thậm chí, trong một giờ đồng hồ, trạm thu phí này phải xả trạm 5 lần.
Ngày 11/1, Bộ GTVT có văn bản hỏa tốc thống nhất việc giảm phí qua trạm từ 0h ngày 12/1.
Văn bản của Bộ GTVT nêu rõ miễn 100% đối với các loại xe buýt; Giảm 50% đối với các loại phương tiện không sử dụng để kinh doanh; các loại phương tiện khác giảm 20%.
Không được đầu cơ, tăng giá thuốc đột biến dịp Tết
Cục quản lý dược (Bộ Y tế) vừa có công văn gởi Sở Y tế các tỉnh, TP, các bệnh viện và các cơ sở xuất khẩu, nhập khẩu, sản xuất thuốc về việc đảm bảo cung ứng thuốc dịp tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018.
Theo đó, Cục quản lý dược yêu cầu Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư: Chỉ đạo các BV trực thuộc và trung tâm y tế dự phòng triển khai kế hoạch dự trữ thuốc, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng thiếu thuốc phục vụ cho công tác khám, chữa bệnh, công tác cấp cứu, phòng chống dịch bệnh, đặc biệt là cúm A, tay chân miệng, sốt xuất huyết, rubella, tiêu chảy do vi rút Rota, các dịch bệnh lây truyền qua đường hô hấp, tiêu hóa có nguy cơ bùng phát trong mùa đông, xuân, nhất là dịp tết Nguyên đán, mùa lễ hội.
Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư chỉ đạo các bệnh viện, các doanh nghiệp kinh doanh thuốc trên địa bàn triển khai kế hoạch dự trữ đầy đủ và tăng cường các biện pháp quản lý để tránh tình trạng tăng giá đột biến vào dịp nghỉ lễ kéo dài và khi bùng phát dịch bệnh.
Chỉ đạo Thanh tra Sở Y tế phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện quy chế chuyên môn về dược và các quy định về sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu thuốc và mỹ phẩm đối với các cơ sở kinh doanh trên địa bàn. Đặc biệt chú trọng công tác phát hiện thuốc giả, thuốc kém chất lượng, thuốc không được phép lưu hành, nhất là gần đây đã xuất hiện một số hình thức biến tướng, bất hợp pháp và khó quản lý như bàn hàng qua mạng, bán hàng sách tay…
Chỉ đạo các doanh nghiệp kinh doanh thuốc trên địa bàn tổ chức các địa điểm bán thuôc 24/24 và công bố tin tin rộng rãi trên các phương tiện thông tin địa chúng để kịp thời đáp ứng nhu cầu cuộc người bệnh dịp tết.
Cục quản lý dược cũng yêu cầu Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư phân công cán bộ chuyên trách trực 24/24 trong các ngày nghỉ tết để theo dõi, nắm bắt tình hình và đảm bảo cung ứng thuốc trên địa bàn.
Danh Hùng (tổng hợp)
Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim cho biết, chuyến thăm chính thức của Tổng Bí thư Tô Lâm tới Malaysia lần này có ý nghĩa quan trọng khi hai nước nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện. Hai bên nhất trí tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực an ninh, quốc phòng, hợp tác biển và một số lĩnh vực hợp tác về điện, kinh tế số…
Trong phiên giải trình mới đây tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, liên quan tới bảo hiểm nông nghiệp (BHNN), Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan cho biết, sau bão Yagi (bão số 3), bộ đã thiết kế lại dự thảo để trình Bộ Tài chính sửa đổi Nghị định 58 về BHNN. Chưa bao giờ chúng tôi thấy BHNN cần thiết như sau bão Yagi.
Kế hoạch này nhằm triển khai thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt các Đề án: Phát triển công nghiệp sản xuất giống; công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi; giết mổ, chế biến và thị trường sản phẩm chăn nuôi; đẩy mạnh hoạt động khoa học công nghệ ngành chăn nuôi đến năm 2030 trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Trên những triền núi đá ở xã Xuân Quang (Bảo Thắng - Lào Cai), có người đàn ông lặng lẽ theo nghề nuôi ong mật suốt bao năm. Đó là ông Cao Văn Chiến, Giám đốc Hợp tác xã Nậm Dù, người đã miệt mài xây dựng giấc mơ lớn từ những điều nhỏ bé, mang về cho vùng đất khô cằn này nghề nuôi ong đầy triển vọng.