Theo GS. Nguyễn Ngọc Kính, nguyên Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Nông nghiệp và PTNT), không định danh nền nông nghiệp Việt Nam là nền sản xuất nông nghiệp hữu cơ bền vững; chỉ làm nông nghiệp hữu cơ theo đơn đặt hàng.
>> Phát triển NNHC: Thiếu hành lang pháp lý
LTS: Sau khi Báo Kinh tế nông thôn đăng bài "Phát triển nông nghiệp hữu cơ: Thiếu hành lang pháp lý", Ban biên tập Báo Kinh tế nông thôn nhận được thư của GS. Nguyễn Ngọc Kính, nguyên Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Nông nghiệp và PTNT) kèm theo thư gửi Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Xuân Cường và Thứ trưởng Thường trực Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Quốc Doanh về những suy nghĩ của giáo sư về định danh nền nông nghiệp hữu cơ.
Nhằm giúp bạn đọc có cái nhìn đa chiều về nông nghiệp hữu cơ, Kinh tế nông thôn xin giới thiệu nội dung thư của GS. Nguyễn Ngọc Kính.
Vườn rau hữu cơ của Tập đoàn TH.
Từ trước Cách mạng Tháng Tám, Việt Nam là nước kinh tế thuần nông với nền nông nghiệp quảng canh (canh tác với các điều kiện sinh thái tự nhiên). Sau đó, cùng với sự phát triển của xã hội và khoa học kỹ thuật, sản xuất nông nghiệp Việt Nam dần dần tiếp cận nền nông nghiệp thâm canh.
Thời gian đầu, nội hàm công nghệ chính trong nền nông nghiệp thâm canh là sử dụng phân bón trong sản xuất nông nghiệp mà chủ yếu là phân hữu cơ (phân chuồng, phân xanh - bèo dâu, cốt khí.., phân rác ) cùng với việc chọn lọc, nhập nội một số ít giống mới và áp dụng một số biện pháp canh tác tiến bộ.
Tiếp sau đó, khi việc sản xuất hóa chất phục vụ sản xuất nông nghiệp trên thế giới phát triển, cùng với trào lưu hiện đại hóa, cơ giới hóa, hóa học hóa trong sản xuất nông nghiệp thì một trong những nội hàm công nghệ của nền nông nghiệp thâm canh là: Sử dụng phân bón hữu cơ kết hợp với phân bón vô cơ và sử dụng hóa chất trong phòng trừ sâu bệnh hại và bảo quản nông sản. Điều đáng tiếc là do công nghệ sử dụng hóa chất trong thâm canh nông nghiệp chỉ với mục đích tăng năng suất, sản lượng nông sản, không quan tâm đến an toàn thực phẩm và môi trường, cho nên việc sử dụng phân bón, hóa chất bảo vệ thực vật, bảo quản nông sản... đã bị lạm dụng, gây tổn hại cho môi trường và không đảm bảo an toàn thực phẩm. Xuất phát từ thực trạng đó, cùng với sự phát triển của khoa học công nghệ , trên các góc độ khác nhau, các đồng chí lãnh đạo Nhà nước, các phương tiện truyền thông đã đưa ra các định danh khác nhau cho nền sản xuất nông nghiệp Việt Nam và một số địa phương. Ví dụ: ĐBSCL phải là nền nông nghiệp thông minh (Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, 27/6/2016); Bình Phước phải là “thủ phủ của công nghệ cao” (Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, 2/1/2017); Xây dựng nền nông nghiệp xanh, giá trị, bền vững (Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển phát biểu trên báo Hà nội mới ngày 24/2/2017); Xây dựng nền nông nghiệp hữu cơ, bền vững (Thời sự 19 giờ VTV1 ngày 23/2/2017)...
Báo Kinh tế nông thôn số 12, ra ngày 24/3/2017 có bài: “Nông nghiệp công nghệ cao: Hiện hữu tầm cao mới” với nội dung: “Đã có lời giải cho bài toán nông nghiệp Việt Nam”, theo đó Khoán 100 và Khoán 10 của 30 năm trước đã tạo động lực cho nông nghiệp Việt Nam cất cánh... Tuy vậy, sau 30 năm, cơ chế của khoán 10 đã không còn phù hợp, tạo ra những điểm nghẽn lớn cho phát triển nông nghiệp... Sản xuất nông nghiệp công nghệ cao là phải sản xuất trên diện tích lớn, được áp dụng cơ giới hóa, công nghệ sinh học, công nghệ thông tin..
Ngày 28/3/2017, Cục Kinh tế hợp tác (Bộ Nông nghiệp và PTNT) phối hợp với Liên minh Nông nghiệp tổ chức hội thảo “Kiện toàn thể chế hướng tới nền nông nghiệp bền vững, có trách nhiệm”.
Theo tôi, như trên đã nói: mỗi định danh nền nông nghiệp phải có nội hàm khoa học công nghệ tương ứng, trong điều kiện có tính khả thi cao với mục đích phát triển phát triển sản xuất bền vững. Từ đó, tôi thấy có băn khoăn một số vấn đề sau:
ĐBSCL đã hội tụ những điều kiện gì để xây dựng nền nông nghiệp thông minh? Vì sao Bình Phước là “thủ phủ” của công nghệ cao mà không phải là Lâm Đồng? Còn các tỉnh khác thì xây dựng nền nông nghiệp gì? Và nền nông nghiệp chung của cả nước sẽ là gì? Xây dựng nền nông nghiệp xanh, giá trị, bền vững thì nội hàm công nghệ của giá trị là gì? Và cuối cùng là những phát biểu mang tính chỉ đạo như vậy, Bộ Nông nghiệp và PTNT có trách nhiệm như thế nào để cùng các địa phương triển khai thực hiện?
Thu hoạch rau xà lách được trồng theo phương pháp thủy canh tại Đà Lạt (Lâm Đồng) sau 25 ngày gieo trồng, 13 vụ/năm.
Theo tôi, một vài định danh như nền nông nghiệp hữu cơ, nền nông nghiệp sạch là chỉ dưới một góc nhìn về môi trường và an toàn thực phẩm, không bao quát được những nội hàm công nghệ chung của nền sản xuất nông nghiệp cả nước.
Riêng về nền nông nghiệp hữu cơ, bền vững thì tôi không tán thành, bởi vì, về cơ bản, phương thức canh tác hữu cơ trong sản xuất nông nghiệp là không sử dụng hóa chất. Tổng kết các mô hình nông nghiệp trên thế giới và trong nước đều cho thấy với phương thức sản xuất này, năng suất cây trồng giảm trên dưới 30%. Điều này có căn cứ khoa học về sinh lý cây trồng như sau:
Mỗi loại cây trồng có nhu cầu dinh dưỡng khác nhau về khối lượng và tỷ lệ các thành phần dinh dưỡng. Ví dụ, cây mía với năng suất 60 tấn/ha lấy đi từ đất và phân bón 96kg N, 37kg P và 115kg K. Cây chè với năng suất 5 tấn búp/ha hàng năm cần bón 200kg N trên nền 30 tấn phân hữu cơ/ha ( 2-3 năm bón một lần).
Hãy tính hàm lượng NPK có trong 1 tấn phân hữu cơ rồi cộng với hàm lượng NPK có trong đất, sau đó đem so sánh với nhu cầu dinh dưỡng NPK/1 tấn sản phẩm cây trồng thì sẽ thấy một sự chênh lệch, thiếu hụt rất lớn. Bổ sung lượng NPK ấy bằng phân hữu cơ là không khả thi vì sẽ cần một khối lượng phân bón rất lớn do hàm lượng NPK trong phân hữu cơ thấp, trong thực tiễn sản xuất không thể đáp ứng được.
Mặt khác, cây trồng hút các chất dinh dưỡng theo các giai đoạn sinh trưởng dinh dưỡng và sinh trưởng sinh thực khác nhau. Chính vì vậy, trong kỹ thuật bón phân cho cây trồng có bón lót và bón thúc. Trong kỹ thuật bón thúc, tùy theo loại cây trồng chỉ bón một lần hoặc nhiều lần theo giai đoạn sinh trưởng của cây. Trong khi đó, phân hữu cơ bao gồm phân chuồng, phân xanh và phân rác có hàm lượng các yếu tố đa lượng N, P, K thấp và được phân giải từ từ nên không đáp ứng được yêu cầu về khối lượng các yếu tố dinh dưỡng theo nhu cầu các thời kỳ sinh trưởng của cây trồng.
Đó là 2 nguyên nhân làm cho phương thức sản xuất nông nghiệp hữu cơ giảm năng suất trên dưới 30% và không hợp lý khi định danh cho nền sản xuất nông nghiệp trong phạm vi cả nước.
Sản xuất theo phương thức canh tác hữu cơ phải đáp ứng các điều kiện nghiêm ngặt như:
Đất không có kim loại nặng hoặc kim loại nặng dưới ngưỡng cho phép.
Đất canh tác chưa được sử dụng phân hóa học, nếu đã bón phân hóa học thì phải có 3 năm chuyển đổi, tức là sau 3 năm không bón phân khoáng và sử dụng hóa chất BVTV và bảo quản thì sản phẩm mới được chính thức mang tên sản phẩm hữu cơ.
Khu vực canh tác hữu cơ phải được cách ly để tránh xâm nhập nguồn nước ô nhiễm, tránh xâm nhập ô nhiễm không khí do sử dụng hóa chất BVTV và các nguồn hóa chất khác.
Với những điều trình bày trên đây, tôi đề nghị, không định danh nền nông nghiệp Việt Nam là nền sản xuất nông nghiệp hữu cơ bền vững; chỉ làm nông nghiệp hữu cơ theo đơn đặt hàng. Doanh nghiệp và người tham gia sản xuất nông nghiệp hữu cơ phải có hiểu biết về nông nghiệp hữu cơ, vùng sản xuất hữu cơ phải được quy hoạch, doanh nghiệp phải công khai làm nông nghiệp hữu cơ theo quy chuẩn nào và phải có cơ quan giám sát.
GS. Nguyễn Ngọc Kính
Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim cho biết, chuyến thăm chính thức của Tổng Bí thư Tô Lâm tới Malaysia lần này có ý nghĩa quan trọng khi hai nước nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện. Hai bên nhất trí tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực an ninh, quốc phòng, hợp tác biển và một số lĩnh vực hợp tác về điện, kinh tế số…
Trong phiên giải trình mới đây tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, liên quan tới bảo hiểm nông nghiệp (BHNN), Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan cho biết, sau bão Yagi (bão số 3), bộ đã thiết kế lại dự thảo để trình Bộ Tài chính sửa đổi Nghị định 58 về BHNN. Chưa bao giờ chúng tôi thấy BHNN cần thiết như sau bão Yagi.
Trên những triền núi đá ở xã Xuân Quang (Bảo Thắng - Lào Cai), có người đàn ông lặng lẽ theo nghề nuôi ong mật suốt bao năm. Đó là ông Cao Văn Chiến, Giám đốc Hợp tác xã Nậm Dù, người đã miệt mài xây dựng giấc mơ lớn từ những điều nhỏ bé, mang về cho vùng đất khô cằn này nghề nuôi ong đầy triển vọng.