Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024  
Thứ hai, ngày 13 tháng 3 năm 2017 | 2:3

Tái cấu trúc để biến thách thức thành cơ hội

Làm gì để "biến nguy thành cơ" trong bối cảnh kinh tế của cả vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) tăng trưởng chậm? Đây là thách thức lớn cho các nhà hoạch định chính sách, nhà quản lý và doanh nghiệp (DN) vùng ĐBSCL trong năm 2017. ĐBSCL đang đứng trước yêu cầu tái cơ cấu kinh tế để đối phó với những thay đổi thị trường.

Thách thức tăng trưởng chậm

Năm 2016, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thu hút vào vùng khoảng 1,36 tỉ USD, chiếm 9% về vốn và 6,7% về dự án FDI cả nước thu hút được trong năm. Dòng vốn FDI có xu hướng gia tăng về số lượng và chất lượng so với các năm trước, phân bố đều hơn ở các tỉnh, thành trong vùng, chứ không còn tập trung ở các tỉnh gần TP Hồ Chí Minh như trước. Tuy nhiên, các DN trong vùng chịu sức ép cạnh tranh lớn về thị phần xuất khẩu so với DN khối ngoại. Năm qua, kim ngạch xuất khẩu toàn vùng đạt khoảng 14,5 tỉ USD; các tỉnh có vốn FDI lớn chiếm kim ngạch xuất khẩu cao. Các mặt hàng xuất khẩu truyền thống của vùng ĐBSCL như: gạo, thủy sản tăng chậm; chỉ có trái cây, rau quả tăng nhanh nhưng chiếm tỷ trọng khiêm tốn trong tổng kim ngạch. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ toàn vùng ĐBSCL chiếm 19% cả nước, với trên 66,69 ngàn tỉ đồng, song, thị phần nội địa tại vùng cũng đang bị chi phối lớn, hàng hóa các nước trong khu vực ASEAN, đặc biệt là Thái Lan vào vùng đang gia tăng. Tác động của biến đổi khí hậu đang đe dọa nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp, vốn là thế mạnh của vùng. Thêm vào đó, ngân hàng cũng thận trọng hơn trong cho vay vốn, ngân hàng "o bế" những DN tốt, trong khi rủi ro tín dụng đối với DN rất lớn, đặc biệt là lĩnh vực chế biến nông sản.

Lúa gạo là mặt hàng thế mạnh của vùng ĐBSCL, nhưng chuỗi giá trị ngành hàng chưa cao. Trong ảnh: Thu hoạch lúa trong cánh đồng lớn tại huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang. Ảnh: K. CA

Tiến sĩ Võ Hùng Dũng, Giám đốc VCCI chi nhánh tại Cần Thơ, cho rằng các DN vùng ĐBSCL đang đối mặt với rất nhiều thách thức. Sự thay đổi cấu trúc của thị trường xuất khẩu, cùng với những cuộc chơi mới trong xu hướng toàn cầu hóa. Sự thay đổi ngay tại thị trường trong nước, đòi hỏi tiêu dùng cao hơn, trong khi nền sản xuất không theo kịp xu hướng phát triển. Tỷ lệ hàng hóa đang gia tăng, ngay cả với những sản phẩm tương đồng mà vùng ĐBSCL đang sản xuất và có thế mạnh. Trong khi đó, chuỗi giá trị ngành hàng đang phát triển dị dạng, các ngành hỗ trợ phụ thuộc phần lớn vào các DN nước ngoài; mô hình quản trị của DN không theo kịp sự phát triển… Những khó khăn dai dẳng về cơ sở hạ tầng, giao thông, chất lượng nguồn nhân lực, môi trường kinh doanh,… cũng là tác nhân khiến kinh tế vùng đứng trước nhiều thách thức.

Theo Tiến sĩ Đỗ Thiên Anh Tuấn, chuyên gia Chương trình giảng dạy Kinh tế Fulbright, lãi suất cho vay và huy động của Việt Nam đang cao hơn các nước trong khu vực. Thời gian qua, lãi suất cho vay đã giảm, nhưng khó mà giảm thêm thời gian tới, do việc trích lập dự phòng rủi ro đang ảnh hưởng đến lợi nhuận hằng năm của nhiều ngân hàng, nên các ngân hàng phải tìm mọi cách để bù đắp. Trong khi đó, tỷ giá biến động cũng là thách thức lớn cho DN xuất nhập khẩu. Một số ý kiến của chuyên gia cũng cho rằng, các nước trong khu vực đang tìm cách phá giá đồng nội tệ của họ, như: RMB giảm 11%, Ringit Malaysia giảm 20%,… tạo sức ép lớn lên tỷ giá đồng VNĐ. Các ngành dệt may, các sản phẩm gia công sẽ khó khăn lớn nếu không có chiến lược thích ứng tốt. Và sự chuyển động của các nền kinh tế lớn trên thế giới sẽ có thể làm thay đổi cán cân thương mại giữa các quốc gia, khu vực và buộc các nước phải đẩy tiến trình tái cấu trúc kinh tế để thích ứng.

"Thế giới sẽ chuyển sang một giai đoạn phát triển nhanh chóng, đổi mới liên tục. Cái gì đúng ngày hôm nay, có thể đã lỗi thời ngay ngày mai"- Tiến sĩ Lê Đăng Doanh nói. Mô hình tăng trưởng dựa vào tài nguyên thiên nhiên và lao động giá rẻ đã đến giới hạn. Thời gian qua, nhiều địa phương dựa quá nhiều vào DN khối ngoại, trong khi giá trị gia tăng của khối này tại Việt Nam lại rất thấp. Xuất khẩu của DN Việt lại khó khăn do các bẫy tự do hóa thương mại, thị trường nội địa bị lấn chiếm, đẩy DN và cả nông dân đứng trước nhiều lựa chọn.

Xây dựng chiến lược dài hạn

Ông Nguyễn Thanh Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ cho rằng, năm 2016 là năm đột phá trong tiến trình hội nhập của Việt Nam với hàng loạt hiệp định thương mại song phương, đa phương được ký kết. Điều này tạo nên luồng gió mới về các cơ hội phát triển đối với DN Việt Nam và DN vùng ĐBSCL nói riêng. Các DN, nhà quản lý và cả người lao động cùng chung hy vọng các FTA sẽ đem đến cơ hội phát triển thương mại giữa các thành viên tham gia FTA tăng lên nhanh chóng. Tuy nhiên, những biến động của các nền kinh tế lớn trên thế giới đang tác động đến nền kinh tế Việt Nam nói chung và ĐBSCL nói riêng. Các DN cần những lời khuyên xác đáng từ các chuyên gia và cần lực đẩy từ chính sách để có định hướng phát triển tốt.

ĐBSCL có thế mạnh về xuất khẩu nông sản, nhưng nhiều DN trong vùng bị chi phối lớn bởi thị trường Trung Quốc. Thống kê của ngành chức năng, Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc các mặt hàng chủ yếu như: máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; xơ, sợi dệt các loại; rau quả, thủy hải sản… Trung Quốc xuất khẩu qua chính ngạch và tiểu ngạch, Việt Nam xuất qua tiểu ngạch, biên mậu, qua thương lái Trung Quốc nên rất bị động, dễ thua thiệt. Trong khi, DN thiếu thông tin về chính sách nhập khẩu, nhu cầu thị trường, hệ thống thương nhân để kết nối và giao dịch. Ngành gạo, thủy sản, trái cây nói riêng của vùng ĐBSCL vừa chịu sức ép cạnh tranh tại sân nhà, vừa bị sức ép cạnh tranh khi vào thị trường Trung Quốc với các quốc gia ASEAN. Do đó, để giảm sự phụ thuộc, các DN vùng ĐBSCL phải đa dạng, mở rộng các thị trường, tránh phụ thuộc vào một thị trường duy nhất. Cùng đó, tín dụng phải về ĐBSCL với tỷ lệ tương ứng với đóng góp của ĐBSCL để DN, người dân đầu tư đổi mới công nghệ, tạo thêm việc làm; bảo vệ môi trường, chống ô nhiễm.

Năm 2017, trong 50 nền kinh tế được dự báo sáng tạo nhất thế giới, không có tên Việt Nam và Hàn Quốc được dự báo là quốc gia đứng đầu về sáng tạo. Do đó, các nhà quản lý phải tìm ra giải pháp mới, sáng tạo để thích ứng với những thay đổi. DN phải chủ động cạnh tranh ngay trên sân nhà với đối thủ mạnh, DN cần đầu tư vào nguồn nhân lực, khoa học- công nghệ, đa dạng hóa thị trường. Theo Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế cao cấp, xếp hạng môi trường kinh doanh năm 2016, Việt Nam tăng 3 bậc, xếp 90/189 nền kinh tế; năm 2017 tăng 9 bậc, xếp thứ 81. Chính phủ đã có nhiều nghị quyết và nỗ lực cải cách, tái cơ cấu kinh tế. Đặc biệt, Nghị quyết 35/NQ-CP về hỗ trợ DN đến năm 2020 và Nghị quyết 19-2017/NQ-CP cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia với 250 nhiệm vụ cụ thể. Người đứng đầu Chính phủ cũng tiến hành gặp gỡ, đối thoại với DN tư nhân sau 10 năm gián đoạn hoạt động này, để thúc đẩy, xúc tiến hoạt động khởi nghiệp. Đồng thời thúc đẩy quá trình giao thương, mở rộng thị trường quốc tế (EU, Trung Đông, Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc…). Sự cải cách này đang tác động mạnh mẽ tạo cơ hội mới cho sự phát triển của DN. Đối với ĐBSCL, các DN cần tập trung vào các sản phẩm nông sản chủ lực, đồng thời phát triển thêm một số sản phẩm, dịch vụ để giảm rủi ro. Chú trọng hợp tác, liên kết giữa các DN cùng ngành, với các viện, trường, các nhà khoa học để thúc đẩy nghiên cứu, sáng tạo, chuyển giao công nghệ. Bởi nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao là xu hướng phát triển tất yếu trong tương lai.

Theo Gia Bảo/Báo Cần Thơ

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
Top