Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ bảy, ngày 12 tháng 11 năm 2016 | 8:12

Tái cơ cấu ngành nông nghiệp được tín dụng ngân hàng “trợ lực”

KTNT - “Đối với khu vực kinh tế nông nghiệp, nông thôn, trong những năm qua, nguồn tín dụng ngân hàng đóng góp một vai trò rất quan trọng, giúp cho nông nghiệp phát triển, nông thôn ngày càng đổi mới, tỷ lệ hộ nghèo đã giảm, đời sống của người dân nông thôn được cải thiện rõ rệt”, đó là khẳng định của đồng chí Lại Xuân Môn, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam. 
 
Ngân hàng “sợi dây” trong chuỗi liên kết
 
Có thể nói, những thành tựu của ngành nông nghiệp trong 30 năm đổi mới vừa qua có đóng góp không nhỏ của nguồn vốn tín dụng ngân hàng. Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, tính đến 30/9/2016, đầu tư tín dụng vào nông nghiệp, nông thôn đã đạt trên 925.000 tỷ đồng (chưa bao gồm dư nợ cho vay của Ngân hàng Chính sách xã hội và Ngân hàng Phát triển Việt Nam), tăng 9,6% so với cuối năm 2015 và 13,43% so với cùng kỳ. Tăng trưởng tín dụng bình quân trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn giai đoạn 2010-2015 đạt 17,4%, cao hơn mức tăng trưởng tín dụng bình quân chung. Tỷ trọng cho vay đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn chiếm trên 18% tương đương với mức đóng góp của ngành vào GDP của nền kinh tế. Lãi suất cho vay đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn cũng đã giảm mạnh, phổ biến từ 6-8%/năm, riêng lãi suất cho vay ngắn hạn được khống chế ở mức dưới 7%/năm.
 

Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú phát biểu tại Hội thảo "Tín dụng ngân hàng thúc đẩy tái cơ cấu ngành Nông nghiệp"
 
Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, đây là mức tăng trưởng tín dụng thực chất đối với nền kinh tế, được tổ chức tín dụng (TCTD) cho vay và giải ngân theo nhu cầu vay vốn của cá nhân, doanh nghiệp. Phó Tổng Giám đốc Agribank Phạm Toàn Vượng cho biết, dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn của Agribank tăng đều qua các năm. Năm 2013 dư nợ đạt 378.985 tỷ đồng; đến năm 2014 tăng lên 411.295 tỷ đồng; năm 2015 đã đạt 444.660 tỷ đồng, tăng 17,3% so với năm 2013, chiếm trên 70% dư nợ cho vay nền kinh tế của Agribank, chiếm trên 50% dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn toàn ngành Ngân hàng.

Lãi suất ngắn hạn  6,5%/năm, thậm chí một số dự án có lãi suất còn thấp hơn và được vay tín chấp, đó là chính sách đột phá với những ưu đãi vượt trội nhằm tháo gỡ khó khăn trong cho vay thí điểm mô hình liên kết, ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp theo Nghị quyết 14 của Chính phủ. Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho rằng, cho vay các doanh nghiệp, dự án, hộ gia đình tham gia vào chuỗi liên kết giá trị sản phẩm từ khâu chế biến, sản xuất, tiêu thụ trong nước hoặc xuất khẩu và ngân hàng như sợi dây trong chuỗi liên kết. Các bên tham gia  và tham gia một cách tự nguyện, chặt chẽ chỉ khi nào đảm bảo hài hòa lợi ích  chung từ các bên. Vai trò  sợi dây  kết nối của ngân hàng góp phần tạo ra lợi ích chung cho các thành phần tham gia chuỗi liên kết này.

Sau hai năm thực hiện thí điểm “Chuỗi liên kết dọc cá tra” tại An Giang cho thấy mô hình này đã giải quyết được những khó khăn, bế tắc tồn tại nhều  năm nay đối với lĩnh vực này. Được doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm sau thu hoạch với giá cả hợp lý, các hộ dân tham gia chuỗi liên kết  cá tra của Công ty TNHH TMDV Thuận An – An Giang giảm chi phí được 500 đồng/kg, có lãi cao gấp đôi so với hộ dân ngoài chuỗi liên kết. Đứng giữa khu ao nuôi cá rộng 0,8hecta, ôngLê Quang Vinh xã Vĩnh Hanh (huyện Châu Thành, An Giang) hồ hởi cho biết, “Tham gia chuỗi cho vay liên kết tôi khỏe  ra. Cá tới lứa, thu hoạch ngay đưa về nhà máy để chế biến xuất khẩu. Sau khi công ty quyết toán, lấy giá trị của sản lượng cá trừ đi phí thức ăn, thuốc men đã sử dụng…, phần dôi dư là lợi nhuận, nông dân chỉ việc đến ngân hàng nhận tiền”.

Còn Tổng giám đốc Công ty CP Mía đường Sơn Dương (Tuyên Quang) Nguyễn Hồng Minh cho biết,tham gia vào chuỗi liên kết góp phần tăng thu nhập của người nông dân, gắn kết giữa Công ty với nông dân trong chuỗi giá trị mà theo đó các bên đều có lợi. Góp phần đảm bảo thị trường đầu ra cho các hộ nông dân trồng mía, hạn chế khâu trung gian trong việc thu mua mía nguyên liệu thông qua việc ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm trực tiếp giữa Công ty CP Mía đường Sơn Dương và các hộ dân trồng mía.

Tháo gỡ khó khăn

Đến thời điểm hiện nay nông nghiệp nước ta gần như đa số đất sản xuất đã được giao cho các hộ kinh doanh cá thể. TS. Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội cho biết, theo số liệu điều tra cập nhật, 90% đất nông nghiệp đã chia cho nông dân, 6% là thuộc đất doanh nghiệp. Trong đó, theo số liệu công bố năm 2011, có tới 35% số hộ nông dân Việt Nam có diện tích đất sản xuất rất nhỏ, dưới 6 sào Bắc Bộ (chưa được 2.000 m2). Với thực trạng về nền sản xuất đất nông nghiệp phân bổ tư liệu sản xuất như thế thì nông dân gần như không có khả năng tiếp cận đến một nền nông nghiệp sản xuất lớn, theo hướng hiện đại.
 

Nguồn vốn Agribank đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn hiện chiếm trên 50% thị phần tín dụng toàn ngành Ngân hàng đầu tư cho lĩnh vực quan trọng này
 
TS. Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội cho rằng, nhìn vào thực trạng khu vực nông thôn của chúng ta hiện nay tuyệt đại đa số nông dân Việt Nam là kinh tế nhỏ, hộ gia đình. Chúng ta không thể hay đúng hơn là không có quyền đòi hỏi ngân hàng hạ chuẩn cho vay với nông dân, mà ngân hàng chỉ có thể điều chỉnh thời gian cho vay theo chu kỳ phát triển nông nghiệp và quy định lãi suất vay theo tình hình kinh tế vĩ mô, năng lực thực tế của ngân hàng. Cần làm rõ điều này để tránh cách hiểu sai lầm rằng là Ngân hàng nhà nước hay Nhà nước phải hỗ trợ cho nông dân vay. “Nên chăng đặt vấn đề là người nông dân có ý tưởng mới trong sản xuất nông nghiệp, cần thực hiện liên kết lại với nhau để hình thành những diện tích đất lớn nhằm thực hiện sản xuất theo quy mô công nghiệp, áp dụng được khoa học công nghệ”, ông Kiên chia sẻ.

Còn TS.Phùng Giang Hải - Trưởng bộ môn Nghiên cứu Thể chế nông thôn, Viện Chính sách Chiến lược Phát triển nông nghiệp, nông thôn, thì doanh nghiệp tham gia vào nông nghiệp, nông thôn còn hạn chế và số lượng chỉ chiếm chưa đến 1% các doanh nghiệp của Việt Nam, quy mô chủ yếu là vừa và nhỏ, chiếm tới gần 97%.
 
Ông Hải đưa ra đề xuất, trong chính sách cho vay nông nghiệp nông thôn, cần làm rõ vai trò trung tâm của doanh nghiệp, đảm bảo tính hiệu quả chính sách cho vay cũng như hình thức cho vay. Đồng thời, cải cách các thủ tục tiếp cận nguồn vốn tín dụng, đặc biệt là các thủ tục về thế chấp tài sản đảm bảo, khơi thông nguồn vốn tín dụng nông nghiệp, nông thôn.

Định hướng sắp tới với tín dụng phát triển nông nghiệp, nông thôn, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, ngân hàng sẽ thực hiện tốt các chương trình tín dụng, hướng dòng vốn vào lĩnh vực  sản xuất và kinh doanh, nhất là những doanh nghiệp, thành phần kinh tế góp phần thúc đẩy nhanh quá trình tái cấu trúc nền nông nghiệp. Chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu tín dụng để phù hợp với chuyển đổi cơ cấu ngành nông nghiệp nói chung.Tập trung vốn tín dụng ưu đãi một cách phù hợp, không triển khai tràn lan cho tất cả các lĩnh vực, ngành nghề. Ngành ngân hàng sẽ chú trọng vốn và những ưu đãi cho những ngành có vai trò chuyển mạnh cơ cấu sản xuất, cơ cấu kinh tế ngành nông nghiệp như là xuất khẩu, ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ cao tạo giá thành thấp, nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm. Tạo điều kiện cả về vốn, thời hạn, lãi suất, điều kiện thủ tục vay cho các đối tượng đó.
 
Phó Thống đốc NHNN cho biết thêm,  ngành Ngân hàng sẽ tiếp tục tham gia vào các chương trình mục tiêu quốc gia như: Chương trình nông thôn mới, chương trình giảm nghèo bền vững…các chương trình tín dụng đã có nhưng có chọn lọc, giảm bớt các chương trình tín dụng đã hoàn thành vai trò của nó. Ví dụ như Ngân hàng Chính sách xã hội hiện có 22 chương trình tín dụng, dàn hàng ngang như thế trong điều kiện nguồn lực khó khăn hiệu quả sẽ không cao.Thực hiện tốt nhất Nghị định 55 của Chính phủ. Nghị định này được xem như cuộc cách mạng hay là sự cởi mở tích cực trong cơ chế tín dụng ngân hàng hỗ trợ cho nông nghiệp nông thôn.Tăng cường sự phối hợp chính sách, điều hành chính sách giữa các Bộ ngành, địa phương để làm sao trong điều kiện nguồn vốn tín dụng còn khó nhưng sự hỗ trợ cho các doanh nghiệp, hỗ trợ nông dân vẫn đạt được mục tiêu tối đa.

Phó Thống đốc Đào Minh Tú nhấn mạnh, Ngân hàng Nhà nước sẽ cố gắng xử lý các vấn đề một cách tích cực nhất, phối hợp  chặt chẽ với các Bộ các ngành, bám sát sự chỉ đạo chung của Chính phủ. Đặc biệt, phối hợp với các tổ chức chính trị xã hội trong quá trình thực hiện hoạt động tín dụng. Ngân hàng sẽ chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu tín dụng để phù hợp với cơ cấu nông nghiệp, cơ cấu nguồn vốn, với quy hoạch của từng vùng, từng miền, các địa phương…
 
Tính đến 24/10/2016, tín dụng đối với nền kinh tế tăng 11,93% so với cuối năm 2015, trong đó tín dụng VND tăng 13,15%, tín dụng ngoại tệ tăng 1,09%, phù hợp với chủ trương chống đô la hóa của Chính phủ. Xu hướng này cũng phù hợp với điều kiện kinh tế vĩ mô và định hướng điều hành của Ngân hàng Nhà nước khi hoạt động sản xuất kinh doanh đang được cải thiện.  

Quang Tùng

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.

  • “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.

  • Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.

Top