Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ hai, ngày 19 tháng 6 năm 2017 | 4:15

Tam Đảo bảo tồn, phát triển nguồn “vàng xanh”

Là địa phương có hoa cỏ bốn mùa xanh tốt và nhiều loài dược liệu quý hiếm, song trong thời gian dài, Tam Đảo (Vĩnh Phúc) thiếu chiến lược dài hơi để bảo tồn, phát triển cây thuốc Nam và ngành y học cổ truyền (YHCT). Chính điều này đã khiến nguồn “vàng xanh” đang dần cạn kiệt, nhiều loài đứng trước nguy cơ tuyệt chủng. Để sớm khắc phục tình trạng trên, cùng với sự hỗ trợ của tỉnh Vĩnh Phúc, huyện Tam Đảo đã có nhiều nỗ lực trong việc bảo tồn, phát triển cây dược liệu, nhất là trong giai đoạn 2017 - 2021.

Những gốc trà hoa vàng trong vườn nhà  Phó bí thư Huyện ủy Tam Đảo.

“Vàng xanh” đi về đâu...

Một ngày đẹp trời, chúng tôi đến thăm khu vườn trồng cây trà hoa vàng 2 năm tuổi của Phó bí thư Huyện ủy Tam Đảo, ông Nguyễn Văn Đăng. Dạo quanh khuôn viên rộng 4.300m2 chi chít những cây trà hoa vàng đang ươm và gốc trà nhiều lứa tuổi, chúng tôi mới biết những gốc to, đường kính 15 - 17cm có giá lên tới 10 triệu đồng/gốc. Gốc bé hơn, tầm 7 - 10cm cũng 3 - 4 triệu đồng.

Tam Đảo chỉ còn khoảng 6 -7ha trà hoa vàng, chủ yếu ở các xã ven chân núi như Tam Quan, Đại Đình. Đây là cây dược liệu quý hiếm, có tác dụng phòng ngừa ung thư, cao hơn cả xạ trị, ức chế và tiêu diệt vi khuẩn. Ngoài ra, còn giúp hạ huyết áp; lá loại cây này giúp giảm tới 36,1% lượng protein trong máu, cao hơn 10% so với liệu pháp sử dụng tây dược hiện nay.

Nếu chế biến thành hoa trà khô, giá bán có thể lên tới 15 triệu đồng/kg, lá khô  300.000đồng/kg.

Hiện, khu vườn này ông Đăng giao cho con trai Nguyễn Đức Độ, tốt nghiệp Học viện Nông nghiệp Việt Nam quản lý.

Nói về nguồn gốc những gốc trà như cây cổ thụ, anh Độ phân tích: Đây là cây dược liệu đặc biệt quý hiếm của Việt Nam, có nhiều ở rừng Tam Đảo và tỉnh Tuyên Quang, song đã bị người dân đào bán cho thương lái Trung Quốc hàng chục năm nay nên đã cạn kiệt. Tuy nhiên, cũng theo anh Độ, hiện thị trường Việt Nam đang có tình trạng trà hoa vàng bán ở Tam Đảo không rõ nguồn gốc, giá 400.000 đồng/lọ 400g (khoảng 4 triệu đồng/kg). Dưới đáy lọ tuy có dán tem, mã vạch nhưng đó là thông tin về… cái lọ, không phải nơi sản xuất trà.

Kiểm tra chất lượng 2 loại chè của gia đình và loại không rõ nguồn gốc, anh Độ nhận định: trà mua về cánh mỏng, pha một nước đã loãng, không có mùi thơm; trong khi trà Tam Đảo cánh dày, hoa thơm, pha 2 - 3 nước vẫn còn hương vị. “Chúng ta đã có nhiều bài học từ thương lái Trung Quốc, vì vậy, không loại trừ đây có thể là sản phẩm đã chiết xuất hết tinh chất, họ bán lại cho Việt Nam cái “bã”, nên  mới có giá như vậy”, anh Độ phân vân.

Nằm ngay “thủ phủ” cây thuốc quý, với 2.000m2 vườn, anh Nguyễn Ngọc Tú ở xã Tam Quan cung cấp cây giống thuốc Nam cho thị trường miền Bắc hàng chục năm nay, với giá bình quân 15.000 đồng/cây 1 năm tuổi. Người mua nhiều có thể lên tới hàng vạn cây, ít cũng 1.000 - 2.000 cây. Vườn ươm của anh đang trồng hàng trăm loài dược liệu quý hiếm mà Việt Nam chưa có như: la hán quả, thiên môn đồng, sói rừng... Ngoài ra, anh còn có trang trại 2ha, chủ yếu trồng những dược liệu quý hiếm như: ba kích, cà gai leo, xạ đen, kim ngân hoa, thu lợi nhuận 300 - 500 triệu đồng/năm. Đặc biệt, vườn ươm và trang trại của anh đã được Phó thủ tướng Vũ Đức Đam về thăm và khen ngợi; ngành dược liệu Vĩnh Phúc tự hào vì có những thanh niên đi đầu trong việc bảo tồn, phát triển loại “vàng xanh” đặc biệt quý hiếm này.

Công tác bảo tồn, phát triển    

Được biết, Tam Đảo đã và đang khôi phục, phát triển các loại dược liệu bản địa, di thực các loài có giá trị cao, phù hợp khí hậu, thổ nhưỡng để bảo tồn. Cụ thể, đã đưa vào bảo tồn trên 250 loài cây dược liệu, lưu giữ nguồn gen đặc hữu có giá trị và nguy cơ tuyệt chủng cao; xây dựng, củng cố 5-7 vườn ươm giống và lưu giữ nguồn giống. Dự kiến, đến cuối năm 2021 sẽ cung cấp 80% giống dược liệu sạch bệnh, chất lượng cao cho thị trường; trên 560ha cây dược liệu được đầu tư, khôi phục và phát triển. Trong đó, có 45ha dược liệu cũ, 510ha trồng mới và khoảng 5ha đang quy hoạch, bảo tồn như: trà hoa vàng, ba kích, đinh lăng, sâm nam và cà gai leo. Ngoài ra, còn trồng một số dược liệu ngắn ngày như: gừng, nghệ, giảo cổ lam, chuối hột..., giải quyết việc làm cho 1.800 - 2.500 lao động nông thôn. Phấn đấu đến cuối giai đoạn có 30% số hộ tham gia trồng cây dược liệu; 100% trạm y tế xã, trung tâm y tế huyện có vườn thuốc đảm bảo phục vụ tại chỗ; có 30% dân số tuyến huyện, 40% tuyến xã được khám- chữa bệnh bằng y học cổ truyền.  

Địa điểm bảo tồn là những vườn thuốc Nam tại xã, thị trấn và một số gia đình ở Tam Đảo. Song, tập trung ở 3 đơn vị: Đạo Trù, Đại Đình, Tam Quan; chia làm 2 khu vực, diện tích từ 2 - 4ha. Địa điểm trồng mới 510ha, tại 8/8 xã trên địa bàn, từng bước đưa cây dược liệu thành ngành sản xuất hàng hóa; ứng dụng khoa học công nghệ; đổi mới trang thiết bị nghiên cứu, chọn tạo giống. Trồng trọt đi đôi với chế biến, nhằm tạo ra sản phẩm chất lượng cao, có sức cạnh tranh trên thị trường và xây dựng thương hiệu “Dược liệu Tam Đảo”. Dự kiến nguồn vốn đầu tư ban đầu là trên 433,7 tỷ đồng, bao gồm ngân sách nhà nước, ngân sách tỉnh, nguồn sự nghiệp kinh tế, nguồn đầu tư phát triển, ngân sách huyện, ngân sách nhân dân và doanh nghiệp.

Tam Đảo có 23.587,62ha đất tự nhiên, trong đó đất nông nghiệp 4.854ha, đất trồng cây lương thực 3.127ha, đất trồng lúa 2.129ha, đất lâm nghiệp 14.704.33ha, đất phi nông nghiệp 4.114,9ha.  Đất đai rộng lớn, nhất là đất tự nhiên, đất đồi rừng nên thuận lợi cho việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ cây ăn quả, cây lâm nghiệp hiệu quả thấp sang trồng dược liệu. Trước mắt, trồng mới các loại cây như: trà hoa vàng 100ha, ba kích 130ha, đinh lăng 50ha, cà gai leo 50ha, sâm nam 30ha và một số cây dược liệu ngắn ngày khác (150ha). Địa điểm trồng mới tại 8/8 xã gồm: Bồ Lý 40ha, Yên Dương 50ha, Đạo Trù 90ha, Đại Đình 100ha, Tam Quan 90ha, Hồ Sơn 30ha, Hợp Châu 40ha, Minh Quang 70ha.

Đặc biệt, việc khôi phục vùng dược liệu sẽ sử dụng nhiều lao động nông nghiệp, nhất là thanh niên nông thôn. Khai thác, sử dụng tối đa quỹ đất nông, lâm nghiệp, hình thành vùng sản xuất có hiệu quả. Khuyến khích, tạo điều kiện cho các hộ tự dồn điền đổi thửa, thuận tiện cho việc cơ giới hóa, tiến tới sản xuất quy mô lớn theo hướng an toàn, bền vững. Hạn chế tối đa sử dụng hóa chất trên cây dược liệu, thực hiện quy trình bón phân cân đối bảo vệ môi trường đất, nước. Áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến, sản xuất theo quy trình VietGAP để đảm bảo chất lượng sản phẩm. Tăng cường tập huấn, hướng dẫn người dân sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học. 

Cuối cùng là vấn đề bảo quản, chế biến sau thu hoạch. Theo đó, bà con cần xác định thời điểm thu hoạch thích hợp nhất. Có biện pháp phân loại, sơ chế trước khi chuyển về nhà máy hoặc các điểm thu mua, để sản phẩm đạt hiệu quả cao nhất. Trước mắt, hình thành một số điểm thu mua, buôn bán dược liệu có quy hoạch, và dưới sự quản lý của cấp xã để đảm bảo chất lượng.

Chú trọng công tác tiếp thị, quảng bá sản phẩm. Đẩy mạnh liên doanh, liên kết với một số đơn vị như: Công ty Traphaco, Viện Dược liệu, các công ty cổ phần dược phẩm, các nhà thuốc trong và ngoài địa bàn,... Có cơ chế, chính sách, tạo điều kiện phát triển các loại hình dịch vụ, tổ hợp tác chuyên tiêu thụ sản phẩm cho nông dân.

Trao đổi với chúng tôi, Chủ tịch UBND huyện Tam Đảo, ông Lưu Đức Long, cho biết: “Những mô hình trồng cây dược liệu đem lại hiệu quả kinh tế cao thời gian qua chính là hạt nhân quan trọng để hình thành vùng dược liệu quy mô lớn hiện nay ở Tam Đảo. Tổng diện tích dược liệu trên địa bàn hiện đạt khoảng 45ha, với các loại chủ yếu: Ba kích, đinh lăng, trà hoa vàng..., có mặt ở hầu hết các xã trong huyện, song nhiều nhất là 3 xã Đạo Trù, Đại Đình, Tam Quan. Toàn huyện có khoảng 5 - 7 vườn dược liệu/20 vườn ươm giống cây các loại, gồm những  dược liệu quý như: Hà thủ ô đỏ, ba kích, hoài sơn, cát xâm, khôi nhung, kim tuyến, trà hoa vàng các loại. Tuy nhiên, việc phát triển cây dược liệu thời gian qua còn mang tính tự phát, thiếu quy hoạch, sản xuất chưa đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng, cũng như vệ sinh an toàn thực phẩm. Tốc độ phát triển chậm, chưa hình thành vùng hàng hóa; việc chế biến mới dừng lại ở mức sơ chế đơn giản và xuất bán thô…”.                 

Ông Long cho biết thêm, để gìn giữ, bảo tồn nguồn “vàng xanh”, trước mắt, cần xây dựng thương hiệu sản phẩm “Trà hoa vàng Tam Đảo”. Cụ thể, trồng mới trên 100ha trà hoa vàng, xây dựng quy trình chế biến, đóng gói trà hoa vàng, có chỉ dẫn địa lý và đăng ký thương hiệu sản phẩm. Mặt khác, hỗ trợ các vườn ươm giống, bảo tồn nguồn giống để đảm bảo giống cây dược liệu phù hợp với nhu cầu địa phương, kiểm soát được chất lượng nguồn giống. Hỗ trợ kỹ thuật xử lý, bảo quản sau thu hoạch; hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác tham gia sản xuất, xúc tiến thương mại và tiêu thụ sản phẩm. 

Thiết nghĩ, các địa phương trên cả nước có thể học tập cách làm của Tam Đảo trong công tác bảo tồn, phát triển cây dược liệu để ngành y học cổ truyền sớm có chỗ đứng trong nền y học nước nhà và trên trường quốc tế.

Dương An Như

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
Top