Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 19 tháng 4 năm 2024  
Thứ hai, ngày 27 tháng 7 năm 2020 | 15:20

Tấm gương về tinh thần: Dám nghĩ, dám làm

Tàn nhưng không phế, tự vươn lên làm giàu cho gia đình và đóng góp cho xã hội luôn được những người lính Cụ Hồ gìn giữ, truyền lại cho thế hệ trẻ. Câu chuyện về bệnh binh Đỗ Anh Xuân ở thôn Kẻn, xã Phương Sơn (Lục Nam - Bắc Giang) là trường hợp như vậy.

tr26.jpg
Từ dám nghĩ, dám làm của bệnh binh Đỗ Anh Xuân, giờ đây Công ty TNHH Tâm và Tài đang giải quyết lao động cho hơn 100 lao động, thu nhập bình quân 7 triệu đồng/người/tháng.

 

Bản lĩnh người lính Cụ Hồ

Có thể nói, bệnh binh Đỗ Anh Xuân (SN 1952) luôn đậm chất người lính Cụ Hồ dám nghĩ, dám làm. Năm 1971, nghe theo tiếng gọi của Tổ quốc, ông nhập ngũ, tham gia chiến đấu ở chiến trường Đông Nam Bộ. Khi xảy ra chiến tranh phía Bắc, ông lại có mặt ở Lạng Sơn để chiến đấu, bảo vệ chủ quyền đất nước. Sau nhiều lần bị thương, sức khỏe suy giảm, năm 1987, ông xuất ngũ về quê, hưởng chế độ bệnh binh.

 Sau 16 năm chiến đấu trở về, lúc này kinh tế gia đình gặp rất nhiều khó khăn, thiếu thốn. Nhưng với tinh thần của người lính, ông vận động gia đình tập trung trồng vải, na - những cây có thế mạnh ở Lục Nam. Từ 10 cây vải thiều ban đầu, ông đã nhân rộng lên tới hàng trăm cây. Từ phát triển vườn đồi kết hợp với buôn bán, kinh tế gia đình ông dần ổn định.

Bên cạnh phát triển kinh tế, bằng tín nhiệm của mình, năm 1989, ông tham gia công tác xã hội ở địa phương với nhiều cương vị như: Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh, Trưởng thôn, Bí thư chi bộ. Năm 1996 là Phó chủ tịch, rồi Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Phương Sơn; đến năm 2017 thì ông về nghỉ hưu.

Ông Xuân tâm sự: “Mình có 5 người con thì có tới 4 con làm công nhân may ở Bắc Ninh, Hải Phòng, Hà Nội, lương làm ra chỉ đủ ăn. Thấy con vất vả, năm 2012, tôi định hướng cho các con thành lập Công ty TNHH Tâm và Tài (chuyên về may) tại nhà do con rể đứng tên. Hàng nghìn mét vuông đất trồng vải được tôi chuyển mục đích sử dụng sang làm nhà xưởng. Lúc bấy giờ nhiều người cho tôi bị hấp bởi cách làm không giống ai”.

Đầu tư xây dựng nhà xưởng hết gần 2 tỷ đồng thì có tới 1 tỷ đồng phải đi vay. Để có tiền, ông Xuân phải nhờ anh em vay, mượn tiền, sổ đỏ, kết quả là có tới 7 sổ đỏ đã được thế chấp để vay tiền. Khó khăn chồng chất khó khăn khi nhà xưởng xây dựng xong thì (năm 2013) ngành may mặc bị khủng hoảng. Những người cho ông Xuân vay tiền thì sợ công ty phá sản, nhiều công nhân xin nghỉ việc chuyển sang công ty khác lớn hơn, ổn định hơn.

Không chịu khuất phục, ông Xuân cùng các con của mình từng bước khắc phục khó khăn, lấy ngắn nuôi dài, từng bước nâng cao tay nghề cho công nhân, nâng cao chất lượng, tìm đầu ra cho sản phẩm. Đến nay, công ty đã hoạt động ổn định, giải quyết việc làm cho hơn 100 lao động với mức thu nhập từ 5 đến 12 triệu đồng/người/tháng. 

Tích cực hưởng ứng phong trào xây dựng NTM

Không chỉ định hướng giúp các con làm kinh tế, trong phong trào xây dựng NTM, ông Xuân còn trực tiếp vận động người dân hiến công sức, vật chất để mở rộng, cứng hóa đường giao thông. Nhờ vậy, trước đây đường vào cụm dân cư hẹp, ôtô không vào được thì giờ đây đã được bê tông hóa dày tới 20cm, rộng 3,5m, dài hơn 400m. Trong đó, Nhà nước hỗ trợ xi măng, phần còn lại là nhân dân đóng góp, riêng gia đình ông Xuân đóng góp tới 60 triệu đồng và hiến 200m2 đất mở rộng đường.

 

tr27.jpg

Trong xây dựng NTM, ông Xuân đã vận động người dân và trực tiếp đóng góp làm đường giao thông.

 

Không dừng lại ở việc vận động người dân đóng góp kinh phí, ngày công làm đường, hàng năm gia đình ông Xuân còn quan tâm, dành nhiều suất quà (mỗi suất quà trị giá 300.000 - 500.000 đồng), tặng cho công nhân đang làm việc tại công ty và tặng quà cho người nghèo trong xã.

Trao đổi với phóng viên, ông Xuân cho biết, trong môi trường quân đội, ông được rèn luyện rất bài bản, với bản chất anh bộ đội Cụ Hồ, cả trong chiến đấu và ở thời bình. Cách sống, giáo dục các con trong cuộc sống phải tình cảm, có đạo lý làm người, không phân biệt giàu nghèo, mình có điều kiện thì giúp đỡ người khác. Hàng năm, vào các dịp lễ, Tết, gia đình đều có những phần quà cho người nghèo, cho công nhân, hay đơn giản là tham gia ủng hộ các cuộc vận động do chính quyền địa phương phát động.

Anh Nguyễn Văn Tuyên, con rể ông Xuân, cho biết, năm 2012, mình mới học xong ra trường nên không có vốn, gia đình không có điều kiện, trong khi mở xưởng lại không tiếp cận được vốn của ngân hàng nên gần như phải đi vay bên ngoài. Khoảng hai năm đầu, tay nghề công nhân chưa cao, khách hàng không có nên công ty chỉ lỗ và hòa.

"Hiện, công ty đang giải quyết việc làm cho hơn 100 lao động địa phương, thu nhập bình quân 7 triệu đồng/người/tháng; doanh thu 2019 đạt 2 triệu USD. Nếu không được bố (ông Xuân) định hướng, nhường đất, vay vốn, không quyết liệt làm cùng thì chúng tôi không có như ngày hôm nay", anh Tuyên cho biết thêm.

Anh Đỗ Thanh Quất, Chủ tịch Hội Nông dân, kiêm Phó chủ tịch Hội Làm vườn xã Phương Sơn, cho biết, những năm gần đây, ông Xuân vận động con cái làm ăn kinh tế rất tốt, hàng năm đều dành nhiều phần quà cho người nghèo, đặc biệt là trong công tác vận động người dân tham gia hiến đất, đóng góp kinh phí làm đường giao thông nông thôn.

Qua câu chuyện về bệnh binh Đỗ Anh Xuân thấy thêm về hình ảnh đẹp, ý chí không ngại khó, không sợ khổ của anh bộ đội Cụ Hồ cả trong chiến trường lẫn đời sống thường ngày, không ngừng vươn lên làm giàu, phát triển kinh tế. Nhân kỷ niệm 73 năm Ngày Thương binh - Liệt sỹ (27/7/1947-27/7/2020), xin gửi những lời tri ân sâu sắc nhất đến các thương, bệnh binh, những anh hùng liệt sỹ đã hy sinh cho đất nước tươi đẹp, có cơ đồ như ngày hôm nay..


 

Hoàng Văn
Ý kiến bạn đọc
  • Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Những người từ 15 đến 30 tuổi được gọi là thanh niên. Đây là lứa tuổi đang trưởng thành, đang vào đời, bắt đầu hành trình lập thân lập nghiệp.

  • Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Trong hơn 40 năm qua, kể từ khi thực hiện Khoán 100 (Chỉ thị số 100-CT/TW, ngày 13/1/1981 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về cải tiến công tác khoán, mở rộng “khoán sản phẩm cuối cùng đến nhóm lao động và người lao động” trong hợp tác xã nông nghiệp), rồi Khoán 10 (Nghị quyết số 10-NQ/TW, ngày 5/4/1988 của Bộ Chính trị về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp.

  • Giải pháp tiếp đà tăng tốc

    Giải pháp tiếp đà tăng tốc

    Năm 2023 để lại nhiều dấu ấn trong cả sản xuất, chế biến và xuất khẩu nông sản, nhất là đối với hai mặt hàng lúa gạo và rau quả.

Top