Trong kỷ nguyên công nghệ 4.0, nền kinh tế không thể phụ thuộc vào vốn đầu tư, tài nguyên khoáng sản và lực lượng lao động giá rẻ mà phụ thuộc vào năng suất lao động.
Năng suất lao động: Chìa khóa của tăng trưởng
Mặc dù năng suất lao động của Việt Nam thời gian qua đã có sự cải thiện đáng kể theo hướng tăng đều qua các năm, nhưng còn ở mức thấp so với các nước trong khu vực. Chính vì vậy, muốn tăng trưởng kinh tế bền vững, cần phải tăng năng suất lao động.
Cần đẩy mạnh áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất để tăng năng suất lao động.
Không có con người tồi, chỉ có quá trình tồi!
Đó là triết lý của người sáng lập ra Toyota - ông Sakichi Toyoda - khi nói về bí quyết để làm nên thành công của hãng xe danh tiếng này. Tăng năng suất lao động phải dựa trên những cái còn yếu kém. Vì vậy, ngoài việc tập trung tái cơ cấu nguồn nhân lực, nâng cao kỹ năng tay nghề, kỹ năng nghề thì cần phải đẩy mạnh tốc độ triển khai khoa học công nghệ thông tin vào quy trình làm việc và thay đổi phương thức làm việc.
Năm 2017, năng suất lao động (NSLĐ) của chúng ta tăng 5,87%, cao hơn so với mức tăng của năm 2016 là 5,29%. Đây là kết quả rất đáng ghi nhận. Tuy nhiên, tốc độ tăng năng suất lao động cao của năm 2017 không bền vững, bởi đóng góp rất lớn vào tốc độ tăng năng suất lao động chung là từ lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản (nông nghiệp). Cụ thể, năm nay, lĩnh vực nông nghiệp ước tăng 2,9%, thay vì chỉ tăng 1,36% của năm 2016. Năng suất lao đông của Việt Nam thấp hơn Philippines, Indonesia, Thái Lan… là do tỷ lệ lao động nông nghiệp và phi chính thức quá lớn. Cụ thể, tính đến đầu quý III/2017, lao động 15 tuổi trở lên đang làm việc ước tính có 53,52 triệu người, trong đó, 40,4% làm việc ở khu vực nông nghiệp. Trong khu vực phi nông nghiệp (công nghiệp, xây dựng, dịch vụ) thì tỷ lệ lao động phi chính thức chiếm 57%. Lao động trong lĩnh vực nông nghiệp và phi chính thức hiệu quả thấp, năng suất thấp là nguyên nhân kéo lùi năng suất lao động chung của Việt Nam.
Ông Bùi Sỹ Lợi, Phó chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội, cho rằng: lao động trong khu vực nông nghiệp và lao động phi chính thức có năng suất thấp hơn rất nhiều so với khu vực công nghiệp, dịch vụ phi nông nghiệp; lao động ở khu vực phi chính thức thấp hơn rất nhiều so với lao động ở khu vực chính thức (có hợp đồng lao động). Nhưng điều đáng nói là, dù có muốn thì tốc độ tăng năng suất lao động khu vực nông nghiệp cũng không thể cao được vì phụ thuộc vào thiên nhiên, thời tiết, sự biến đổi của khí hậu, thị trường xuất khẩu nông sản. Tương tự, rất khó tăng NSLĐ ở khu vực phi chính thức vì thị trường lao động ở khu vực này rất bấp bênh, hoạt động theo mùa vụ.
“Vì vậy, muốn tăng NSLĐ, theo tôi, thứ nhất, cần phải đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu lao động, chuyển từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp; từ phi chính thức sang chính thức. Thứ hai, tăng cường đào tạo, đào tạo lại lực lượng lao động đi đôi với việc nâng cao ý thức làm việc, kỷ luật lao động theo tác phong công nghiệp cho người lao động. Thứ ba, đầu tư máy móc, công nghệ sản xuất phù hợp theo hướng tiên tiến, hiện đại”, ông Lợi nhấn mạnh.
Ông Lợi cũng cho rằng: Muốn tăng năng suất lao động nhanh để thu hẹp khoảng cách với các nước cần đầu tư máy móc, thiết bị, công nghệ tiên tiến, hiện đại không khó, vì cùng với sự gia tăng khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, máy móc, thiết bị, dây chuyền, công nghệ hiện đại sẽ được đầu tư. Còn khu vực kinh tế trong nước, trước sức ép cạnh tranh ngày càng dữ dội, để tồn tại, buộc phải đầu tư máy móc, thiết bị, dây chuyền, công nghệ hiện đại.
Đồng quan điểm trên, Viện trưởng Viện Năng suất Việt Nam - ông Nguyễn Anh Tuấn - cho rằng, việc cần thiết để cải thiện năng suất là tập trung khoa học công nghệ.
Những phần mềm mới được phát minh như phần mềm khai bảo hiểm xã hội điện tử, phần mềm hóa đơn điện tử, phần mềm văn phòng điện tử, phần mềm quản lý văn bản, số hóa tài liệu chính là những giải pháp hữu ích cho việc nâng cao hiệu suất công việc.
Những giải pháp này đã được triển khai áp dụng và cho kết quả rất khả quan. Trong đó, phương thức làm việc truyền thống được xóa bỏ mà thay vào đó là phương thức làm việc hiện đại, toàn diện và có hệ thống. Nhờ phần mềm văn phòng điện tử, toàn bộ doanh nghiệp được làm việc trên một hệ thống điện tử hiện đại từ việc quản lý văn phòng toàn diện đến các bộ phận quản lý nhân sự, quản lý điều hành công việc, văn bản giấy tờ khoa học, nhanh chóng, tiết kiệm thời gian, chi phí.
Nông nghiệp vẫn là ngành sản xuất chính
TS. Phùng Đức Tùng, Viện trưởng Viện nghiên cứu Phát triển Mekong, cho rằng: Để nâng cao NSLĐ, Việt Nam cần giảm đi sự cồng kềnh của bộ máy hưởng lương từ ngân sách nhà nước và lượng người làm trong lĩnh vực nông nghiệp. Bởi lẽ 2 lĩnh vực này chiếm đến gần 70% cơ cấu lao động và có năng suất rất thấp.
Đối với lĩnh vực nông nghiệp, đây là ngành có năng suất lao động thấp nhất ở Việt Nam nhưng lại có tỷ trọng lao động lớn, khoảng 43- 46%. Để tăng năng suất lao động cho ngành, theo ông Tùng, vấn đề cốt lõi là sửa được Luật Đất đai, làm cho thị trường đất nông nghiệp hoạt động và vấn đề tích tụ ruộng đất được thực hiện... mới có thể khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, khắc phục được vấn đề sản xuất nhỏ lẻ, manh mún tồn tại từ trước đến nay.
Với hai giải pháp trên, nếu khắc phục được, vị chuyên gia này cho rằng, trong ngắn hạn sẽ giải quyết được vấn đề về năng suất lao động của Việt Nam do hơn 70% lao động nước ta vẫn hoạt động trong lĩnh vực này.
Viện trưởng Viện Mekong cũng đề cập đến việc Nhà nước cần phải có chính sách hỗ trợ đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, chiếm đến 95% tổng số doanh nghiệp trên cả nước. Nếu những doanh nghiệp này không có động lực để lớn lên dẫn đến chi phí cho doanh nghiệp luôn cao do thiếu quy mô thì năng suất không thể tăng được.
Ngoài ra, các vấn đề về quy hoạch đô thị, hạ tầng, chi phí logistics cao hay câu chuyện về văn hoá hiện đang là điểm nghẽn tăng năng suất lao động cũng cần phải được thay đổi trong tương lai.
“Đơn cử như việc người Việt dành quá nhiều thời gian cho tụ tập bạn bè, cưới xin, ma chay kéo dài cũng ảnh hưởng đến năng suất lao động. Một nước công nghiệp mọi thứ phải công nghiệp hoá thì năng suất mới cao được”, ông Phùng Đức Tùng cho biết.
Nói về giải pháp nâng cao năng suất lao động trong nông nghiệp, ông Raymond Mallon, chuyên gia tư vấn chính sách cấp cao của Australia cho rằng: Việt Nam cần giảm các rào cản đối với việc chuyển từ sản xuất giá trị thấp, kể cả gạo, sang sản xuất có giá trị cao hơn; để cho các doanh nghiệp hoạt động kém phá sản, bao gồm cả doanh nghiệp nhà nước.
Một ví dụ có thể minh chứng cho nhận định của ông Raymond Mallon là chuyện của Đồng bằng sông Cửu Long. Trước đây vùng này tập trung vào vựa nông sản lúa gạo, thuỷ sản, trái cây thì nay chuyển sang thuỷ sản, trái cây và lúa gạo, từ đó vượt qua thách thức của biến đổi khí hậu.
Dẫn câu chuyện Đồng bằng sông Cửu Long, ông Raymond Mallon cho rằng, chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp ở khu vực này là một ví dụ rõ ràng về nâng cao năng suất lao động. Bởi Đồng bằng sông Cửu Long đã chuyển đổi từ mô hình truyền thống là “lúa gạo - trồng cây ăn trái - nuôi tôm” sang một cơ cấu sản xuất có giá trị cao hơn là “nuôi tôm - trồng cây ăn trái - lúa gạo”.
Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh đáng kể cải cách để xây dựng, củng cố thể chế thị trường hiệu quả nhằm nâng cao tốc độ tăng năng suất. Trong quá trình này, cần tiếp tục nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh, tập trung vào đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm gánh nặng chi phí, nhưng đồng thời cũng nâng cao hiệu quả thị trường để tăng cường phân bổ nguồn lực.
Ông Raymond Mallon khuyến nghị: cần tăng cường chính sách về cạnh tranh để bảo đảm sân chơi minh bạch, bình đẳng cho mọi thành phần kinh tế, qua đó góp phần thúc đẩy tăng năng suất lao động.
5 giải pháp tăng năng suất, phát triển bền vững Để đối phó với thách thức tăng năng suất, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu 5 nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu để tăng nâng cao năng suất, tạo đòn bẩy cho phát triển bền vững thời gian tới. - Thứ nhất, để nâng cao năng suất vốn, hiệu quả sử dụng nguồn lực, Việt Nam đang tiến hành cải cách mạnh mẽ hệ thống ngân hàng và thị trường tài chính theo hướng tăng quy mô, tính minh bạch và cạnh tranh lành mạnh. Chính phủ cũng cải thiện cơ chế phân bổ vốn cũng như khả năng tiếp cận tín dụng của khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa, bên cạnh cải cách chính sách đất đai, tháo gỡ nút thắt về hạn điền… - Thứ hai, để cải thiện năng suất lao động, Chính phủ ưu tiên bố trí ngân sách đầu tư cho giáo dục và đào tạo nhằm cải thiện trình độ và kỹ năng lao động, giúp người lao động. Chính phủ tái cơ cấu kinh tế, chuyển dịch lao động từ nông nghiệp năng suất còn thấp sang khu vực công nghiệp, dịch vụ có năng suất cao hơn. - Thứ ba, nâng cao năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP), cải cách thể chế pháp luật, nâng cao năng lực quản trị nhà nước, cải thiện môi trường kinh doanh, giảm chi phí giao dịch cho nền kinh tế. - Thứ tư, Việt Nam chủ động hội nhập quốc tế, khai thác có hiệu quả các cơ hội từ các FTA, nhất là các FTA thế hệ mới như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và và Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP). - Thứ năm, để có thể thực hiện hiệu quả những biện pháp đòn bẩy tăng năng suất nêu trên, Chính phủ sẽ kiên định giữ vững ổn định chính trị - xã hội, củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, phát huy dân chủ cho mọi người dân, đẩy mạnh công cuộc phòng chống tham nhũng, chống lợi ích nhóm, quyết tâm thực hiện thành công 17 mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp quốc. |
Nguyễn Tố
Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim cho biết, chuyến thăm chính thức của Tổng Bí thư Tô Lâm tới Malaysia lần này có ý nghĩa quan trọng khi hai nước nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện. Hai bên nhất trí tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực an ninh, quốc phòng, hợp tác biển và một số lĩnh vực hợp tác về điện, kinh tế số…
Biến đổi khí hậu, thời tiết ngày càng cực đoan, thiên tai ngày càng phức tạp, gây nhiều thiệt hại trong sản xuất nông nghiệp. Tại tỉnh Quảng Bình, nông dân đã triển khai nhiều mô hình chuyển đổi trên đất gò đồi, đất kém hiệu quả để thích ứng, giảm nhẹ tác động của các loại hình thiên tai đối với sản xuất nông nghiệp, mang hiệu quả kinh tế cao.