Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ tư, ngày 19 tháng 1 năm 2022 | 10:48

Tạo chính sách đột phá, sản xuất nông nghiệp hàng hoá ở Tuyên Quang bứt phá

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang lần thứ XVII chọn lĩnh vực nông nghiệp là một trong ba khâu đột phá.

Cụ thể hóa Nghị quyết Đảng bộ tỉnh, Sở Nông nghiệp và PTNT Tuyên Quang đã tham mưu, trình HĐND, UBND tỉnh ban hành 14 nghị quyết, đề án, kế hoạch...

Cụ thể hoá Nghị quyết Đại hội

Khâu đột phá về sản xuất nông nghiệp hàng hoá được Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang lần thứ XVII xác định: “Phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp hàng hóa, tập trung vào các sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc sản bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng, giá trị gia tăng cao”.

Năm 2021 là năm đầu thực hiện kế hoạch 5 năm 2021 - 2025, Sở Nông nghiệp và PTNT đã kịp thời tham mưu cho HĐND, UBND tỉnh ban hành các nghị quyết, đề án, kế hoạch triển khai thực hiện khâu đột phá, các mục tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII. Trong đó, đáng chú ý là Đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp; Nghị quyết về phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021-2030; Nghị quyết về chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản hàng hóa; sản phẩm OCOP và xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025.

 

1ok.jpgTheo Đề án Cơ cấu lại ngành nông nghiệp, đến năm 2025, Tuyên Quang có trên 68% số xã đạt chuẩn NTM.

 

Để thực hiện và hiện thực hoá các đề án, kế hoạch, nghị quyết, cần thiết phải có chính sách. Vì vậy, ngành Nông nghiệp và PTNT tiếp tục tham mưu HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết 03 về chính sách hỗ trợ nông nghiệp hàng hoá, xây dựng NTM, gồm 21 nhóm chính sách hỗ trợ cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.

Ông Nguyễn Văn Việt, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Tuyên Quang, cho biết, kết quả lớn nhất của ngành là sau Đại hội Đảng bộ tỉnh, Sở đã cụ thể hoá mục tiêu của Nghị quyết  về khâu đột phá trong ngành Nông nghiệp bằng việc tham mưu cho tỉnh ban hành 14 nghị quyết, đề án, kế hoạch. Giờ đây, các xã, huyện đã có định hình, mục tiêu cụ thể như: trồng cây gì, nuôi con gì, ở đâu, chỗ nào đều đầy đủ, cụ thể. Bây giờ tổ chức thực hiện như thế nào để mang lại hiệu quả?

“Sau khi các văn bản được ban hành, tỉnh đã thành lập đoàn công tác làm việc với các huyện để kiểm tra tiến độ; kiểm tra các huyện, xã đã cụ thể hoá những việc này như thế nào, cách triển khai thực hiện, tháo gỡ kịp thời những vướng mắc. Qua các buổi làm việc, tôi thấy rất ý nghĩa và hiệu quả. Nhiều vấn đề đã được làm rõ ngay tại buổi làm việc. Với cách làm bài bản này, tôi tin tưởng sẽ hoàn thành các mục tiêu mà Nghị quyết Đảng bộ tỉnh đề ra”, ông Việt cho biết thêm.

Đến năm 2025, trên 68% số xã đạt chuẩn NTM

Ngày 8/6/2021, UBND tỉnh Tuyên Quang ban hành Quyết định số 358/QĐ-UBND phê duyệt Đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.

Theo đó, phấn đấu đến năm 2025, giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản đạt 11.348,7 tỷ đồng, tăng bình quân trên 4%/năm.

Giá trị sản phẩm nông, lâm, thủy sản được sản xuất theo các hình thức hợp tác và liên kết đạt trên 30%.

Tỷ lệ giá trị sản phẩm sản xuất theo các quy trình sản xuất tốt hoặc tương đương trên 25%.

Tỷ trọng giá trị sản phẩm nông sản ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao đạt trên 15%. Tổng diện tích đất trồng trọt hữu cơ trên 1% tổng diện tích đất cây trồng chính (1,5% diện tích các cây trồng chủ lực).

 Tỷ lệ HTX nông nghiệp hoạt động hiệu quả trên 80%. Xây dựng 116 liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản, trong đó có ít nhất 76 chuỗi sản phẩm thực hiện liên kết các khâu từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm.

Giá trị sản phẩm thu hoạch bình quân 1ha canh tác nông nghiệp, rừng trồng, nuôi trồng thủy sản gấp 1,3 lần so với năm 2020; trong đó,  trồng trọt 130 triệu đồng/ha, rừng trồng 150 triệu đồng/ha/chu kỳ, đất chuyên nuôi thủy sản 125 triệu đồng/ha. Toàn tỉnh có trên 68% số xã đạt chuẩn NTM; thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt trên 44 triệu đồng/năm; giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân 2-2,5%/năm.

Đến năm 2030, giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng bình quân trên 3%/năm. Tỷ lệ giá trị sản phẩm nông, lâm, thủy sản được sản xuất dưới các hình thức hợp tác và liên kết đạt trên 60%. Tỷ lệ giá trị sản phẩm nông sản được sản xuất theo các quy trình sản xuất tốt hoặc tương đương đạt trên 60%. Tỷ trọng giá trị sản phẩm nông sản ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao đạt trên 30%.

Tổng diện tích đất trồng trọt hữu cơ trên 2% tổng diện tích đất cây trồng chính. Tỷ lệ HTX nông nghiệp hoạt động hiệu quả trên 90%. Có ít nhất 150 liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản. Giá trị sản phẩm thu hoạch bình quân 1ha canh tác nông nghiệp trên 150 triệu đồng; giá trị sản phẩm thu hoạch bình quân 1 ha rừng trồng 180 triệu đồng/chu kỳ; giá trị sản phẩm thu hoạch bình quân 1ha đất chuyên nuôi thủy sản 145 triệu đồng. 100% số xã trên địa bàn tỉnh đạt chuẩn NTM; 06/06 huyện đạt chuẩn NTM.

 

2ok.jpg
Khi các tổ chức, cá nhân chuyển từ rừng trồng gỗ nhỏ sang gỗ lớn được hỗ trợ 50% lãi suất, trong thời gian tối đa 36 tháng, mức tiền vay tối đa 70 triệu đồng/ha.

 

Chính sách hỗ trợ nông nghiệp phát triển

Ngày 16/7/2021, HĐND tỉnh Tuyên Quang ban hành Nghị quyết 03/2021/NQ-HĐND về chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản hàng hóa; sản phẩm OCOP và xây dựng NTM trên địa bàn giai đoạn 2021-2025.

Nghị quyết quy định mức hỗ trợ ở nhiều lĩnh vực lớn trong ngành Nông nghiệp. Với chính sách hỗ trợ lãi suất tín dụng quy định, hỗ trợ 50% lãi suất tiền vay cho các HTX vay vốn để tổ chức sản xuất nông nghiệp hàng hoá, sản phẩm OCOP, mức vốn vay tối đa không quá 5 tỷ đồng/HTX.

Hỗ trợ 50% lãi suất tiền vay cho chủ trang trại vay để sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp, thủy sản, mức vốn vay tối đa 1 tỷ đồng/trang trại. Hỗ trợ 50% lãi suất tiền vay cho các tổ chức, cá nhân vay nuôi cá đặc sản, cá chủ lực, mức vốn vay tối đa 1 tỷ đồng/tổ chức, cá nhân...

Tỉnh hỗ trợ một lần chi phí cho các tổ chức, cá nhân ghép cải tạo giống vườn cây ăn quả với mức 50.000 đồng/cây; thụ tinh nhân tạo cho trâu, bò  200.000 đồng/con; nuôi lợn đực giống để khai thác tinh 25 triệu đồng/con, 1 con/HTX, cá nhân; 100% cây giống lâm nghiệp trồng rừng tập trung, làm giàu rừng tự nhiên, rừng sản xuất.

Đối với sản xuất nông sản xuất khẩu, hỗ trợ 50% chi phí đầu tư, tối đa không quá 1 tỷ đồng/dự án cho doanh nghiệp, HTX. Hỗ trợ 50% chi phí vật liệu, máy thi công và thiết bị tưới tiên tiến, tiết kiệm nước, tối đa không quá 40 triệu đồng/ha.

Tuyên Quang hỗ trợ 100 triệu đồng/sản phẩm khi xây dựng và quản lý nhãn hiệu; mỗi tổ chức, cá nhân được hỗ trợ tối đa không quá 02 sản phẩm. Hỗ trợ tối đa 100 triệu đồng/sản phẩm đối với tiêu chuẩn trong nước; tối đa 300 triệu đồng/sản phẩm đối với tiêu chuẩn guốc tế khi đánh giá và cấp giấy chứng nhận.

Trong xây dựng NTM, hỗ trợ 100% xi măng, ống cống (nếu có) và chi phí vận chuyển, bốc xếp khi xây dựng đường giao thông ngõ, xóm. Hỗ trợ 5 triệu đồng/hộ xây dựng bể Biogas hoặc bể tự hoại. Hỗ trợ 10 triệu đồng/vườn hộ gia đình đạt chuẩn “Vườn mẫu NTM” và 20 triệu đồng/thôn đạt chuẩn “Thôn NTM kiểu mẫu”.

Hoàng Văn
Ý kiến bạn đọc
  • Quảng Nam định hướng đưa sâm Ngọc Linh thành Thương hiệu quốc gia

    Quảng Nam định hướng đưa sâm Ngọc Linh thành Thương hiệu quốc gia

    Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Lương Nguyễn Minh Triết vừa ký ban hành Nghị quyết số 40-NQ/TU về tăng cường công tác quản lý, bảo tồn và phát triển sâm Ngọc Linh trên địa bàn tỉnh đến năm 2030, định hướng đến năm 2035.

  • Việt Nam – Mông Cổ hướng tới tăng trưởng bền vững trong nông nghiệp

    Việt Nam – Mông Cổ hướng tới tăng trưởng bền vững trong nông nghiệp

    Sáng 20/11, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan tiếp và làm việc với ông Jadamba Enkhbayar - Bộ trưởng Lương thực, Nông nghiệp và Công nghiệp nhẹ Mông Cổ, Chủ tịch Phân ban Mông Cổ trong Ủy ban liên Chính phủ song phương.

  • Ngành gỗ tăng tốc về đích sớm

    Ngành gỗ tăng tốc về đích sớm

    Một trong những điểm nhấn nổi bật trong "bức tranh" xuất khẩu nông lâm thủy sản từ đầu năm đến nay là kết quả xuất khẩu đồ gỗ và các sản phẩm từ gỗ. Đây là 1 trong 6 mặt hàng có thặng dư thương mại đạt trên 1 tỷ USD và hứa hẹn sẽ lập kỷ lục mới xuất khẩu trong năm 2024.

Top