Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ tư, ngày 19 tháng 1 năm 2022 | 13:54

Tạo sức lan tỏa cho sản phẩm OCOP

Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) của TP. Hải Phòng được triển khai từ năm 2018, như làn gió lan tỏa từ thành thị đến nông thôn.

Đa dạng về chủng loại, mẫu mã, các sản phẩm OCOP đang trực tiếp mở ra hướng phát triển kinh tế hiệu quả, góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển, chuyển dịch cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng bền vững, mang lại cuộc sống ổn định cho người dân.

 

2ok.jpg
54 sản phẩm của 16 chủ thể được UBND TP. Hải Phòng công nhận sản phẩm OCOP đợt 1 năm 2021.

 

126 sản phẩm đạt OCOP

Hải Phòng xác định Chương trình OCOP là hướng đi bền vững cho ngành Nông nghiệp và PTNT, góp phần nâng cao giá trị sản xuất cũng như thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Các HTX, doanh nghiệp, cá nhân trong thành phố đều xác định làm OCOP là thách thức nhưng cũng là cơ hội để tạo dựng thương hiệu sản phẩm và ghi dấu ấn tại thị trường trong nước cũng như xuất khẩu. Chương trình cũng đánh thức nhiều sản phẩm nông nghiệp, nông thôn, biến những sản phẩm làng quê đến gần hơn với người tiêu dùng thành thị.

Từ năm 2018, khi Chương trình OCOP được triển khai tại TP. Hải Phòng, địa phương đã tập trung vào phát triển 6 nhóm sản phẩm, gồm: Thực phẩm; đồ uống; thảo dược; vải và may mặc; lưu niệm, nội thất, trang trí; dịch vụ du lịch cộng đồng và phát triển du lịch. Đồng thời, tổ chức tập huấn về phương thức quản lý, kinh doanh, chiến lược phát triển sản phẩm cho các đơn vị.

Năm 2021, Hải Phòng có 81 sản phẩm được Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP thành phố phân hạng sao. Trong đó đợt 1/2021, UBND TP. Hải Phòng đã công nhận 54 sản phẩm của 16 cơ sở sản xuất đạt chứng nhận sản phẩm OCOP. Đợt 2/2021, Hội đồng đánh giá, phân hạng 27 sản phẩm của 6 chủ thể tham gia.

 

4ok.jpg
Công ty cổ phần Doanh nghiệp xã hội cộng đồng Xanh (Đồ Sơn) tham gia 5 sản phẩm từ chè xanh, được Hội đồng đánh giá, phân hạng OCOP Hải Phòng đánh giá 5 sao.

 

Trong 54 sản phẩm được UBND TP. Hải Phòng công nhận sản phẩm OCOP đợt 1/2021 có 1 sản phẩm thuộc nhóm sản phẩm tươi sống; 5 sản phẩm thuộc nhóm thực phẩm thô, sơ chế; 25 sản phẩm nhóm thực phẩm chế biến; 7 sản phẩm nhóm mắm, gia vị, tương; 12 sản phẩm đồ gia dụng và trang trí; 3 sản phẩm nhóm đồ uống có cồn...

Trong đó, 18 sản phẩm OCOP đạt 4 sao, gồm: 7 sản phẩm nước mắm (nước mắm loại 50 độ đạm; nước mắm loại cao đạm; nước mắm loại cốt cá cơm; nước mắm loại cốt cá quẩn…) của Công ty CP Chế biến dịch vụ thủy sản Cát Hải; 9 sản phẩm (bộ Cửu Long tranh châu, bộ tứ quý, bộ phù điêu hoa sen, tượng bồ tát quan âm…) của đơn vị gốm Phù điêu Hải Phòng, 36 sản phẩm OCOP đạt 3 sao gồm: gạo lứt Kiến Quốc; gạo đỏ Kiến Quốc; cá basa kho; Pate cá mòi; Rươi kho Thịnh Phát; bộ sản phẩm đồ bếp….

Trải qua 2 đợt đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP năm 2021, Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP Hải Phòng đã phân hạng sao cho 81 sản phẩm của 23 chủ thể. Trong đó, 5 sản phẩm được đánh giá 5 sao, 20 sản phẩm 4 sao, 56 sản phẩm 3 sao.

Từ năm 2018 đến nay,  TP. Hải Phòng đã có 126 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP cấp thành phố.  Hải Phòng phấn đấu phát triển và nâng cấp 335 sản phẩm OCOP trong giai đoạn 2021 – 2025. Doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh có sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP được sử dụng biểu trưng OCOP, hạng sao in trên bao bì của sản phẩm và được cấp giấy chứng nhận sản phẩm OCOP cấp thành phố.

Khát vọng đưa nông sản vươn xa

Năm 2021, chị Vũ Thị Bộ, Giám đốc Công ty cổ phần Doanh nghiệp xã hội cộng đồng Xanh mạnh dạn mang 5 sản phẩm của công ty gồm: Trà Núi Ngọc – Trà xanh; Trà Núi Ngọc – Bột trà xanh; Trà Núi Ngọc – Trà Sâm nam; Trà Núi Ngọc – Trà góp; Trà Núi Ngọc – Trà sen tham gia Chương trình OCOP. Cả 5 sản phẩm trên vừa được Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP Hải Phòng đánh giá 5 sao, và trình Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp quốc gia đánh giá trong thời gian tới.

Các sản phẩm trà xanh nói trên được làm từ vùng trà xanh cổ Đồ Sơn. Cây trà phát triển tự nhiên, rễ cắm sâu xuyên qua đất đá để đón dòng nước ngầm của suối Rồng, chất đất màu mỡ, giàu dinh dưỡng. Quy trình sản xuất được chọn lọc nguyên liệu tươi ngon nhất, chế biến theo bí quyết riêng để giữ nguyên tinh chất gốc. Sản phẩm không sử dụng các chất phụ gia. Các nguyên liệu được kiểm định theo tiêu chuẩn quốc tế thuộc Tập đoàn Eurofins, sản xuất theo tiêu chuẩn ISO 22000:2008, chứng nhận FDA của Hoa Kỳ. Tháng 9/2021, sản phẩm trà xanh của công ty được xuất bán sang thị trường Mỹ.

 

3ok.jpgNgười dân Cát Hải chắt chiu, đóng từng chai nước mắm Hương Biển.

 

Chia sẻ với PV Kinh tế nông thôn, chị Vũ Thị Bộ cho biết: “Quá trình mang 5 sản phẩm trà xanh của công ty tham gia Chương trình OCOP rất khó khăn, vất vả. Để sản phẩm được công nhận, tôi phải liên tục thay đổi mẫu mã cho phù hợp, nhưng vui mừng khi công sức mình bỏ ra được ghi nhận xứng đáng, khi sản phẩm được đánh giá 5 sao. Có lẽ, con đường phía trước khi mang sản phẩm của mình đi xa hơn sẽ còn nhiều khó khăn, tôi sẽ cố gắng khắc phục từng bước. Tôi tin, có hoàn thiện, vượt qua khó khăn thì sản phẩm của công ty mới có chỗ đứng trên thị trường”.

Cùng tham gia sản phẩm OCOP năm 2021, Công ty TNHH TM&DV nước mắm Hương Biển có 2 sản phẩm đạt 4 sao, còn lại 3 sao. Chị Hà Thị Liên, Giám đốc Công ty TNHH TM&DV nước mắm Hương Biển, cho biết, trước đây, các hộ dân trên huyện đảo Cát Hải sản xuất tại hộ gia đình, quy mô nhỏ lẻ, chủ yếu theo phương thức truyền thống. Nay tham gia Chương trình OCOP, cũng mong sản phẩm được hoàn chỉnh hơn cả về mẫu mã và chất lượng. Hiện nay, sản phẩm của công ty được xuất bán trên thị trường Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Thái Bình, Hưng Yên, Thanh Hóa…; sản lượng ước tính bán ra thị trường 15.000 lít/tháng, trừ chi phí, công ty có lãi khoảng 600 triệu đồng/năm.

 

ocop-2.jpg
Công ty TNHH TM&DV nước mắm Hương Biển tham gia Hội chợ nông nghiệp và sản phẩm OCOP năm 2022 tại quận Kiến An.

 

Việc đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP đã khuyến khích và tạo động lực cho các chủ thể tham gia chương trình tiếp tục nâng cấp, hoàn thiện sản phẩm, thúc đẩy phát triển sản xuất theo chuỗi liên kết và tiêu thụ. Đây vừa là cơ hội khơi dậy tiềm năng sản phẩm địa phương, vừa là thách thức trong đổi mới tư duy đối với người dân và các cơ quan, đơn vị nhằm đưa sản phẩm OCOP đến gần hơn với người tiêu dùng.

Ông Tăng Xuân Thọ, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hải Phòng, nhấn mạnh: “Năm 2021, Chương trình OCOP nhận được sự quan tâm của các đơn vị trong thành phố, sản phẩm tham gia tăng cả về chất và lượng. Các sản phẩm được công nhận đều là những sản phẩm đặc sản, đặc trưng, truyền thống của địa phương, được các chủ thể chú trọng đến an toàn vệ sinh thực phẩm, có truy xuất nguồn gốc và bao bì nhãn mác theo quy định. Đây là năm đầu tiên Hải Phòng có sản phẩm OCOP 5 sao được đề xuất cấp Trung ương đánh giá. Chi cục sẽ hướng dẫn chủ thể làm các hồ sơ, thủ tục để trình lên Trung ương đánh giá, phân hạng sản phẩm”.

Với sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền các cấp và  cách làm phù hợp, hiệu quả của các chủ thể sản phẩm OCOP, tin rằng, Chương trình OCOP ở Hải Phòng sẽ tiếp tục mang đến những làn gió mới, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Đồng thời mở ra cơ hội để nâng cao thu nhập, mang lại cuộc sống ổn định cho nhân dân địa phương.

 

 

 

Phạm Trang
Ý kiến bạn đọc
  • “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.

  • “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.

  • Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.

Top