Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 19 tháng 4 năm 2024  
Thứ tư, ngày 23 tháng 1 năm 2019 | 14:25

Thăm xã biên giới đầu tiên của xứ Thanh về đích NTM

Năm 2018 khép lại, Tam Lư điểm một “mốc son” khi trở thành xã đầu tiên của huyện miền núi Quan Sơn và là xã biên giới tiên phong của tỉnh Thanh Hóa về đích nông thôn mới (NTM).

1.jpg
Diện mạo mới Tam Lư hôm nay.

 

Trong những ngày đầu năm  2019, chúng tôi thăm lại xã vùng cao biên giới Tam Lư và không khỏi ngạc nhiên trước sự “thay da đổi thịt” ở nơi đây.

Đoàn kết, đồng lòng ắt thành công

Tam Lư là xã biên giới nằm ở phía Tây Nam huyện Quan Sơn, cách trung tâm huyện khoảng 12km. Tổng diện tích đất tự nhiên 6.175,69ha, trong đó, đất nông, lâm nghiệp là 4.328,28ha; đất phi nông nghiệp 185,97 ha và nhóm đất chưa sử dụng  1.661,44ha. Toàn xã có 672 hộ gia đình,  3.126 khẩu, gồm 3 dân tộc Thái, Mường, Kinh cùng sinh sống (dân tộc Thái chiếm 96% dân số).

Vào thời điểm bắt đầu triển khai XDNTM (năm 2012), Tam Lư mới đạt 4/19 tiêu chí và các tiêu chí còn lại đạt thấp. Thêm vào đó, là xã thuần nông, nông nghiệp chiếm 98%, tỷ lệ hộ nghèo chiếm hơn 50%, đời sống của nhân dân còn nhiều khó khăn… Chính vì thế, việc huy động sức dân để XDNTM gặp nhiều trở ngại.

Ban chỉ đạo Chương trình MTQG về XDNTM của xã đã phân công các thành viên trực tiếp phụ trách các thôn - bản, để “cầm tay chỉ việc”, quyết tâm sớm hoàn thành các tiêu chí NTM. Tất cả  thành viên trong Ban chỉ đạo bất chấp địa hình hiểm trở, thường xuyên bám cơ sở, để nắm bắt và kịp thời phát huy lợi thế, khắc phục  tồn tại, khó khăn trong quá trình XDNTM. Trong các hội nghị, thành viên Ban Chỉ đạo luôn đặt dân làm chủ thể, nên đã tạo được sự đồng thuận, nhất trí cao từ phía nhân dân trong công cuộc XDNTM ở thôn, bản.

Nhằm tạo nên phong trào “Toàn dân chung tay XDNTM”, Ban chỉ đạo đã phát động các phong trào thi đua, như: Tuổi trẻ Tam Lư chung tay XDNTM; Phụ nữ Tam Tư XDNTM; Hội thi Nhà nông tài giỏi… Những phong trào này đã tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của nhân dân đối với chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về Chương trình XDNTM. Bởi vậy, toàn dân Tam Lư đã xác định XDNTM là trách nhiệm của mỗi công dân trên nền tảng “Dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân thụ hưởng”.

Ngoài các chương trình, dự án do Nhà nước đầu tư,  Tam Lư cũng là điểm sáng trong việc vận động nhân dân đóng góp vật chất, ngày công lao động để xây dựng nhà văn hóa thôn, bản. Theo đó, xã có 6 nhà văn hóa được xây dựng khang trang, trong đó có 3 nhà văn hóa do nhân dân tự đóng góp ngày công, nguyên vật liệu xây dựng. Có được nơi sinh hoạt cộng đồng khang trang, nên tình làng, nghĩa xóm được thắt chặt. Qua đó, nhiều bản sắc văn hóa dân tộc được bảo tồn, giữ gìn và phát huy.

 

2.jpg
Đoàn thẩm định công nhận xã đạt chuẩn NTM tỉnh gặp gỡ, trao đổi với bà con nhân dân xã Tam Lư.

 

Với sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị và  sự đoàn kết, đồng lòng của Đảng ủy, chính quyền, các đoàn thể cùng với toàn dân, sau 7 năm triển khai, Tam Lư đã trở thành xã đầu tiên của huyện Quan Sơn và là xã biên giới tiên phong của tỉnh Thanh Hóa về đích NTM.

“Thay da đổi thịt”

Đến Tam Lư hôm nay, chúng ta sẽ thấy được một diện mạo mới nơi miền cao biên giới Việt - Lào. Từ thôn, bản, công sở, trường học, trạm y tế, đường sá… đều được khoác “áo mới” khang trang, sạch đẹp. Trong 7 năm triển khai XDNTM, xã đã huy động được 117 tỷ đồng để xây dựng các công trình phúc lợi mà không có nợ đọng. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 51% (năm 2012) xuống còn 6,4% (năm 2018).

Kết quả đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi trồng thuỷ sản, phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, kinh doanh thương mại dịch vụ đã góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Bình quân thu nhập tăng từ 19 triệu đồng/người (năm 2016) lên 30,6 triệu đồng/người (năm 2018). Kết quả đó là cơ sở để Tam Lư giảm nghèo nhanh và bền vững…

Trước niềm vui về đích NTM, ông Vi Văn Piên, Chủ tịch UBND xã Tam Lư, phấn chấn: “Trong quá trình XDNTM, chúng tôi đã vận động nhân dân tình nguyện hiến đất và đóng góp ngày công lao động để xây dựng nhà văn hóa thôn, trường học, đường giao thông, trạm y tế... Hiện, Tam Lư đã hoàn thành tất cả các tiêu chí NTM. Sau khi được cấp có thẩm quyền công nhận đạt chuẩn NTM, chúng tôi sẽ vận động nhân dân giữ gìn vệ sinh môi trường, nhân rộng các mô hình sản xuất, nhằm đảm bảo cuộc sống của dân ngày càng được nâng cao, để tiếp tục phấn đấu sớm đạt xã NTM kiểu mẫu”.

Được biết, UBND huyện Quan Sơn đã thẩm tra và có báo cáo đề nghị UBND tỉnh, Văn phòng Điều phối NTM tỉnh Thanh Hóa công nhận Tam Lư đạt chuẩn NTM. Theo đó, sau khi kiểm tra thực tế, Đoàn thẩm định công nhận xã đạt chuẩn NTM tỉnh Thanh Hóa đã thống nhất Tam Lư đủ điều kiện về đích NTM năm 2018.

Trao đổi với phóng viên Báo Kinh tế nông thôn, ông Vũ Văn Đạt, Chủ tịch UBND huyện Quan Sơn, cho biết: “Tam Lư là xã biên giới, người dân nơi đây chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số, kinh tế chưa phát triển, thu nhập bình quân đầu người còn thấp. Song, kế từ khi XDNTM, bộ mặt nông thôn có nhiều thay đổi; đời sống người dân nơi đây được nâng lên rõ rệt”.

Có thể khẳng định, Tam Lư về đích NTM là thành quả xứng đáng cho những nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong xã 7 năm qua. Đây là nền tảng vững chắc, tạo cơ sở, động lực để địa phương tiếp tục duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí theo hướng bền vững và phấn đấu sớm trở thành xã NTM kiểu mẫu.

 

 

 

Văn Cương – Xuân Sơn
Ý kiến bạn đọc
  • Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Những người từ 15 đến 30 tuổi được gọi là thanh niên. Đây là lứa tuổi đang trưởng thành, đang vào đời, bắt đầu hành trình lập thân lập nghiệp.

  • Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Trong hơn 40 năm qua, kể từ khi thực hiện Khoán 100 (Chỉ thị số 100-CT/TW, ngày 13/1/1981 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về cải tiến công tác khoán, mở rộng “khoán sản phẩm cuối cùng đến nhóm lao động và người lao động” trong hợp tác xã nông nghiệp), rồi Khoán 10 (Nghị quyết số 10-NQ/TW, ngày 5/4/1988 của Bộ Chính trị về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp.

  • Giải pháp tiếp đà tăng tốc

    Giải pháp tiếp đà tăng tốc

    Năm 2023 để lại nhiều dấu ấn trong cả sản xuất, chế biến và xuất khẩu nông sản, nhất là đối với hai mặt hàng lúa gạo và rau quả.

Top