Sau nhiều mâu thuẫn và bất đồng trong thời gian qua liên quan đến vụ tàu vỏ thép đóng theo Nghị định 67 liên tục hư hỏng tại Thanh Hóa, mới đây, đơn vị đóng tàu đã đền bù 500 triệu đồng cho một hộ dân có tàu gặp sự cố.
Liên quan đến vụ tàu vỏ thép được đóng theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP liên tục hư hỏng ở Thanh Hóa thời gian vừa qua, vừa qua, ông Nguyễn Duy Muộn, chủ tàu số hiệu TH-93968-TS (công suất 829 CV, chuyên hành nghề lưới chụp), trú tại khối phố Tiến Lợi, phường Quảng Cư, TP Sầm Sơn (Thanh Hóa) cho hay, ông đã nhận được 500 triệu đồng tiền đền bù của công ty Đại Dương, đơn vị đóng tàu có địa chỉ tại xã Thụy Hải, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình.
Được biết, ban đầu, gia đình ông Muộn yêu cầu được hỗ trợ 800 triệu đồng để sửa chữa con tàu. Tuy nhiên, với số tiền 500 triệu từ công ty Đại Dương, mặc dù không đạt được mức như gia đình mong muốn, ông Muộn vẫn vui vẻ chấp thuận.
Con tàu vỏ thép trị giá 18 tỉ của ông Nguyễn Duy Muộn đã nằm bờ suốt thời gian qua
“Công ty đã có thiện chí hợp tác, tôi cũng không muốn tranh chấp kéo dài thêm, sẽ chỉ thiệt hại cho cả đôi bên. Thời gian tàu hỏng hóc phải nằm bờ quá lâu, chi phí phát sinh rất nhiều khiến tôi ăn không ngon ngủ không yên. Đến đây coi như mọi chuyện khép lại, chúng tôi đã đồng ý với mức hỗ trợ của phía đơn vị đóng tàu”, ông Muộn chia sẻ.
Ông Muộn cũng cho biết thêm, gia đình ông phải chi thêm 300 triệu mới đủ chi phí sửa chữa con tàu. Hiện tại, con tàu đang trong quá trình khắc phục và hoàn thiện các hạng mục có sự cố, chỉ còn vài ngày nữa, con tàu sẽ được sửa xong và vươn khơi. “Hi vọng lần này con tàu sẽ hoạt động suôn sẻ, không gặp sự cố gì thêm nữa”, ông Muộn nói.
Trước đó, con tàu vỏ thép của ông Nguyễn Duy Muộn được đóng theo NĐ 67/2014/NĐ-CP, có tổng vốn đầu tư gần 18 tỉ đồng, trong đó vốn vay ngân hàng 16 tỉ 800 triệu đồng, vốn đối ứng hơn 886 triệu đồng. Từ khi đưa vào hoạt động tháng 10/2016, con tàu liên tục xảy ra sự cố, theo như phản ánh của gia đình ông Muộn, tính ra từ ngày nhận tàu đến giờ gia đình ông lỗ trên dưới 1 tỷ đồng, 9 lần vươn khơi thì cả 9 lần gặp sự cố.
Để tìm cách khắc phục, ông Muộn nhiều lần gửi đơn đến các cơ quan chức năng và yêu cầu công ty đóng tàu hỗ trợ giải quyết. Tuy nhiên, phía đơn vị đóng tàu cho rằng, nghề chính của ông Muộn trước đây là nghề thợ lặn, do bỡ ngỡ mới vào nghề chụp mực, chưa có nhiều kinh nghiệm trong quản lý, vận hành và khai thác tàu cá lưới chụp vỏ thép công suất trên 800 CV, có thể dẫn đến việc khai thác thiếu hiệu quả và có thể làm hỏng máy móc, thiết bị.
Sau nhiều bất đồng và mâu thuẫn, nhờ nỗ lực của các bên và sự tác động của cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa cũng như các ban ngành liên quan, công ty Đại Dương đã chấp nhận hỗ trợ gia đình ông Muộn 500 triệu đồng để sửa chữa con tàu.
Xuân Sơn
Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim cho biết, chuyến thăm chính thức của Tổng Bí thư Tô Lâm tới Malaysia lần này có ý nghĩa quan trọng khi hai nước nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện. Hai bên nhất trí tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực an ninh, quốc phòng, hợp tác biển và một số lĩnh vực hợp tác về điện, kinh tế số…
Biến đổi khí hậu, thời tiết ngày càng cực đoan, thiên tai ngày càng phức tạp, gây nhiều thiệt hại trong sản xuất nông nghiệp. Tại tỉnh Quảng Bình, nông dân đã triển khai nhiều mô hình chuyển đổi trên đất gò đồi, đất kém hiệu quả để thích ứng, giảm nhẹ tác động của các loại hình thiên tai đối với sản xuất nông nghiệp, mang hiệu quả kinh tế cao.