Xuất khẩu gạo đang có dấu hiệu tăng mạnh; lần đầu tiên sau 9 năm đàm phán, thanh long Việt Nam đã có mặt ở thị trường Úc; trong khi đó, các con tàu vỏ thép bị hư hỏng của ngư dân Bình Định vẫn phải nằm bờ.
Xuất khẩu gạo tăng mạnh
Xuất khẩu gạo ở cảng Sài Gòn.
Năm ngoái, xuất khẩu (XK) gạo đạt mức thấp nhất trong nhiều năm qua với sản lượng chưa tới 5 triệu tấn. Nhưng năm nay, lượng gạo XK sẽ tăng mạnh và có thể cao hơn gần 1 triệu tấn so với năm ngoái.
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), trong 8 tháng đầu năm nay, các doanh nghiệp (DN) đã XK được 3,874 triệu tấn gạo, trị giá 1,666 tỷ USD (giá FOB). So với cùng kỳ năm ngoái, lượng gạo XK tăng 17,7% và giá trị tăng 16,6%.
Trung Quốc tiếp tục là thị trường lớn nhất của gạo Việt Nam với lượng nhập khẩu (NK) 1,56 triệu tấn, trị giá trên 700 triệu USD (tăng tới 31,9% về lượng và 30,3% về giá trị so với cùng kỳ 2016). Tiếp đó là Philippines với 421.769 tấn (tăng 115,26%), trị giá 167,251 triệu USD (tăng 100,17%); Malaysia 365.705 tấn (tăng 80,64%), trị giá 141,677 triệu USD (tăng 61,67%)… Sự tăng trưởng mạnh mẽ của các thị trường truyền thống nói trên là nguyên nhân quan trọng giúp cho XK gạo Việt Nam năm nay khởi sắc hơn nhiều so với năm 2016.
Trong những tháng cuối năm nay, XK gạo được dự báo vẫn có những diễn biến khả quan hơn so với cùng kỳ năm ngoái, khi mà lượng gạo cần phải XK theo các hợp đồng đã ký hiện còn khá nhiều. Cụ thể, trong tháng 8 vừa rồi, lượng gạo mà các DN đăng ký hợp đồng XK là 842.000 tấn, tăng 207% so với tháng 7 và tăng gần 115% so với tháng 8/2016.
Trong khi đó, với nhu cầu từ các nước NK, nhiều khả năng các DN sẽ còn ký thêm được những hợp đồng mới để thực hiện XK trong những tháng cuối năm. Thông tin từ VFA cho hay, sau khi tổ chức đấu thầu vào ngày 27/8 để mua 60.000 tấn gạo từ Pakistan và Uruguay (mỗi nước 30.000 tấn), Iraq đã hoàn tất thỏa thuận mua trực tiếp 60.000 tấn gạo từ Việt Nam không qua đấu thầu. Tại một số thị trường quan trọng, nhu cầu NK gạo vẫn còn. Bangladesh vẫn đang giữ vững kế hoạch NK 1,5 triệu tấn gạo đến tháng 6/2018. Philippines đã mở hạn ngạch NK gạo theo cơ chế MAV (cơ chế tiếp cận thị trường tối thiểu) 2017-2018. Trung Quốc cũng vẫn sẽ tiếp tục NK gạo từ Việt Nam trong những tháng cuối năm. Ngoài ra, việc Chính phủ Sri Lanka đang xem xét NK 2 triệu tấn gạo nhằm bù đắp thiếu hụt do mưa và lụt lội, cũng sẽ ít nhiều có những tác động tích cực tới thị trường gạo thế giới, qua đó tạo thuận lợi hơn cho XK gạo Việt Nam.
Hoàn thành danh mục hàng xuất nhập khẩu sản phẩm nông nghiệp trước 15/11
Thứ trưởng Hà Công Tuấn kiểm tra việc thực hiện dịch vụ công trực tuyến tại Cục Thú y
Sau khi Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 65/2017/TT-BTC ngày 27/6/2017 ban hành danh mục hàng hóa xuất nhập khẩu Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị rà soát chuẩn bị cho việc ban hành danh mục hàng hóa xuất nhập khẩu kèm theo mã số HS thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ và sẽ hoàn thành trước 15/11/2017.
Sau khi ra soát 49 văn bản cần sửa đổi, bổ sung, thay thế và áp mã HS theo yêu cầu, đến nay, đã có 39 văn bản đã sửa đổi, bổ sung, thay thế và còn 10 văn bản đang sửa đổi, bổ sung. Các cơ quan chuyên ngành của Bộ đã từng bước chuyển đổi phương thức kiểm tra, kiểm dịch theo hướng giảm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp.
Cụ thể, đối với kiểm tra lô hàng thủy sản xuất khẩu đã chuyển sang phương thức kiểm tra trước trong quá trình sản xuất và cấp Giấy chứng nhận ngay khi doanh nghiệp có yêu cầu, rút ngắn thời gian từ 5-7 ngày làm việc xuống còn 1 ngày làm việc (8 giờ) cho 1 lô hàng (thực tế nhiều lô hàng được cấp giấy chứng nhận trong 2-3 giờ), tiết kiệm cho doanh nghiệp từ 15-20% chi phí.
Thời gian kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật nhập khẩu từ 5 ngày giảm xuống còn 3 ngày; không yêu cầu doanh nghiệp nhập khẩu hàng mẫu phải có giấy chứng nhận kiểm dịch do cơ quan thẩm quyền nước xuất khẩu cấp.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng tiếp tục rà soát các văn bản quy phạm pháp luật về kiểm tra chuyên ngành. Với mục tiêu giảm thời gian làm thủ tục xuất khẩu xuống còn không quá 70 giờ và thủ tục nhập khẩu xuống còn không quá 90 giờ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chuyên môn thực thi các giải pháp đơn giản hóa thủ tục hành chính, áp dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong thực thi công vụ.
Ngư dân Đinh Công Khánh buồn bã vì chưa thể ra khơi.
Nhiều ngư dân Bình Định có tàu 67 hư hỏng (đóng tại Công ty TNHH MTV Nam Triệu) vẫn chưa thể di chuyển đến nơi sửa chữa. Với lý do, máy tàu không chính hãng lại gặp trục trặc khi vận hành.
Ngư dân Lê Văn Thải - Chủ tàu vỏ thép BĐ 99016 TS (940 CV, trị giá 18,7 tỷ đồng được đóng tại Công ty TNHH MTV Nam Triệu) cho biết, ông và Công ty đã thống nhất địa điểm sửa chữa tàu 67 tại Cam Ranh (Khánh Hòa). Tuy nhiên, sau nhiều lần vận hành, tàu chỉ chạy được 1 đoạn và không thể di chuyển tiếp tục do máy gặp trục trặc. “Máy tàu không phải chính hãng, thời gian dài chúng tôi thu thập chứng cứ đấu tranh thì công ty đã cam kết thay máy mới. Nhưng, cái khó hiện nay là tàu tôi vừa chạy ra khỏi cảng Đề Gi (Phù Cát) vài hải lý là dừng lại, không chạy nổi”- ông Thải nói.
Theo ông Thải, con tàu trị giá gần 19 tỷ đồng của gia đình ông đã phơi nắng nhiều tháng nay. Sau gần 20 cuộc họp, đến nay tàu của ông vẫn nằm bờ, loay hoay tìm mọi phương án nhưng vẫn chưa sửa chữa xong để ra khơi.
Cùng cảnh ngộ, ngư dân Đinh Công Khánh- Chủ tàu BĐ 99086 TS (đóng tại Công ty TNHH MTV Nam Triệu) cũng đang thấp thỏm vì máy tàu gặp trục trặc, không thể di chuyển đến nơi sửa chữa. Con tàu vỏ thép mang “trọng bệnh” đã khiến gia đình lâm nợ, vợ chồng cãi vã… mọi chuyện rơi vào túng quẫn, chưa có lối thoát. Trong khi đó, số nợ ngân hàng đang giục ông từng ngày, tàu thì vẫn nằm bờ.
Ông Bùi Hữu Hùng - Phó tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Nam Triệu cho biết, đã nắm được thông tin trên và hứa sẽ cho công nhân đến khắc phục sự cố. “Hai chiếc tàu của ngư dân Khánh và Thải chạy ra khỏi vị trí neo đậu được khoảng 10 hải lý thì không thể chạy được vì máy tàu bị trục trặc”, ông Hùng lý giải.
Trong số 15 chiếc tàu 67 hư hỏng tại Bình Định, Công ty TNHH MTV Nam Triệu đã sửa chữa xong 7 tàu (hạ thủy được 5 tàu, 2 tàu còn lại sẽ hạ thủy vào cuối tháng 9 này). “Riêng 8 tàu chưa sửa xong (trong đó: 5 tàu phải thay máy mới, 3 tàu sơn lại vỏ) thì hạn cuối là ngày 30.10, chúng tôi phải hoàn thành việc khắc phục sự cố để ngư dân ra khơi”, ông Hùng khẳng định.
Sau 9 năm đàm phán, thanh long Việt Nam lần đầu sang Úc
Cục Bảo vệ thực vật trao giấy chứng nhận lô hàng của Công ty TNHH MTV Hoàng Phát đủ tiêu chuẩn xuất khẩu sang Úc.
Sau 9 năm đàm phán và làm thủ tục, lần đầu tiên, lô hàng thanh long tươi của Việt Nam đã lên máy bay đến Úc, trở thành quốc gia đầu tiên chinh phục thị trường này. Đây là một cột mốc mới trong quá trình trái thanh long chinh phục thị trường thế giới, là lô hàng đầu tiên kể từ khi thanh long Việt Nam được Úc chính thức chấp nhận nhập khẩu thanh long tươi từ tất cả các vùng sản xuất thanh long thương mại của Việt Nam vào tháng 1-2017.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Trần Thanh Nam cho biết hiện tại cả nước có 32 tỉnh, thành trồng thanh long với diện tích hơn 25.000 ha, sản lượng trên 460.000 tấn/ năm, tập trung nhiều nhất ở Bình Thuận, Tiền Giang và Long An.
Là loại trái cây xuất khẩu chủ lực với kim ngạch xuất khẩu năm 2016 đạt hơn 895 triệu USD, chiếm tỷ trọng 50,3% trong xuất khẩu trái cây tươi và 36,1% trong tổng xuất khẩu rau quả của Việt Nam, thanh long đã có thể đáp ứng các tiêu chí và yêu cầu của nhiều thị trường như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật, Mỹ ...
Ông Nguyễn Xuân Hồng, Phó giám đốc Sở Công Thương tỉnh Long An, cho biết để thanh long xuất khẩu được vào Úc, đòi hỏi trái cây nhập khẩu phải từ một nơi có quy hoạch vùng trồng, được kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, có thể truy xuất nguồn gốc đối với sản phẩm và tuyệt đối không được dùng thuốc bảo vệ thực vật mà họ yêu cầu.
Khánh Nguyên (tổng hợp)
Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim cho biết, chuyến thăm chính thức của Tổng Bí thư Tô Lâm tới Malaysia lần này có ý nghĩa quan trọng khi hai nước nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện. Hai bên nhất trí tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực an ninh, quốc phòng, hợp tác biển và một số lĩnh vực hợp tác về điện, kinh tế số…
Biến đổi khí hậu, thời tiết ngày càng cực đoan, thiên tai ngày càng phức tạp, gây nhiều thiệt hại trong sản xuất nông nghiệp. Tại tỉnh Quảng Bình, nông dân đã triển khai nhiều mô hình chuyển đổi trên đất gò đồi, đất kém hiệu quả để thích ứng, giảm nhẹ tác động của các loại hình thiên tai đối với sản xuất nông nghiệp, mang hiệu quả kinh tế cao.