Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 29 tháng 4 năm 2016 | 2:53

Thành tựu của Việt Nam qua lăng kính quốc tế

Sau 41 năm thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2016), nước ta đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật, qua lăng kính của các nhà báo quốc tế, đó  là “kỳ tích” trong hành trình tái thiết đất nước, xây dựng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.

TP.Hồ Chí Minh ngày càng phát triển năng động, hiện đại sau 41 năm giải phóng.

Dấu ấn đặc biệt

Trong số báo đặc biệt ra ngày 23-24/4, báo Neues Deutschland (Nước Đức mới) đã dành một bài khổ lớn ở trang 4 để nói về những thành quả của công cuộc bảo vệ và xây dựng đất nước của Việt Nam, cùng những kỷ niệm mà tờ báo này trải qua trong 70 năm qua về đề tài Việt Nam. 

Mở đầu bài viết, nhà báo Detlef Pries nhắc lại một sự kiện quan trọng diễn ra ở Việt Nam 70 năm về trước. Đó là cuộc bầu cử Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa một năm sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập. 

Dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, dân tộc Việt Nam đã giành thắng lợi vĩ đại trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. 

Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, tờ Neues Deutschland đã luôn theo sát những diễn biến ở Việt Nam, cổ vũ tinh thần chính nghĩa của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của Việt Nam, cũng như thúc đẩy tinh thần phản chiến ở Đức và châu Âu, lên án các hành động chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ. Với những đóng góp không mệt mỏi của báo, những địa danh như Hà Nội, Hải Phòng, cầu Hàm Rồng, Đà Nẵng, Pleiku, Đồng bằng sông Cửu Long, Mỹ Lai... đã trở thành thân thuộc với những độc giả Đức, góp phần tạo nên phong trào đoàn kết rộng khắp của nhân dân Đức với nhân dân Việt Nam. 

Tác giả đánh giá chính sách đổi mới được Đảng Cộng sản Việt Nam thực hiện từ năm 1986 đã tạo ra những thành quả to lớn khi hàng chục triệu người đã thoát khỏi đói nghèo, đất nước mở cửa hội nhập với thế giới.

Cuối bài viết, nhà báo Detlef Pries một lần nữa khẳng định, đối với cả một thế hệ thanh niên Đức những năm 1960-1970, nói đến Việt Nam là nói đến một dấu ấn đặc biệt. 

Tác giả nhận định, thành quả bảo vệ và xây dựng đất nước Việt Nam có công lao đặc biệt to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người đã đặt nền móng đầu tiên cho nước Việt Nam như ngày hôm nay.

Việt Nam là tấm gương

Trong bài viết: “30 năm đổi mới với mục tiêu dân giàu, nước mạnh”, nhà báo Joseph Ahekoe của tạp chí tiếng Pháp “Francophonie Actualités” (tờ tạp chí có uy tín được xuất bản tại Pháp và phát hành rộng rãi tại nhiều nước trên thế giới) khẳng định, sự nghiệp đổi mới được khởi xướng từ năm 1986 về bản chất là một cuộc cách mạng với quá trình chuyển đổi sâu sắc, toàn diện nhằm thực hiện mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh”. Theo bài báo, sau 30 năm đổi mới (1986-2016), Việt Nam đã thoát khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế-xã hội và tình trạng kém phát triển để trở thành nước có thu nhập trung bình. Việt Nam ngày nay đang đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa-hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Kinh tế Việt Nam tăng trưởng nhanh và các thể chế của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ngày càng được hoàn thiện. 30 năm đổi mới là một giai đoạn lịch sử quan trọng trong sự phát triển của đất nước, đánh dấu sự trưởng thành và lớn mạnh của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam.

“Chủ nghĩa xã hội và các cuộc chiến tranh đã tạo ra số phận của một cường quốc mới nổi”, là bài phân tích sâu, trong đó tác giả đưa ra các nhận định nhằm lý giải con đường phát triển riêng biệt và độc đáo của Việt Nam đã dẫn đến những thành tựu to lớn và toàn diện ngày nay. Tác giả đã nhắc lại lịch sử 4.000 năm dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, cuộc chinh phục của thực dân Pháp từ năm 1858 và hai cuộc kháng chiến trường kỳ chống Thực dân Pháp và Đế quốc Mỹ cho đến ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước năm 1975. Theo tác giả, trong suốt chiều dài lịch sử, dân tộc Việt Nam luôn biết đoàn kết, tạo nên sức mạnh để chống lại kẻ xâm lăng, giữ gìn bờ cõi. Trải qua các cuộc chiến tranh, tình yêu Tổ quốc, thái độ không cúi đầu khuất phục trước giặc ngoại xâm luôn là yếu tố quyết định để Việt Nam có một dải giang sơn hòa bình, thống nhất.

Đan xen giữa các bài viết phân tích và nhận định là các tài liệu nhìn lại các kỳ Đại hội Đảng, các bài phỏng vấn các nhà lãnh đạo Việt Nam như Trưởng ban Đối ngoại Trung ương Đảng Hoàng Bình Quân, Phó thủ tướng - Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh, trò chuyện cùng nhà ngoại giao Tôn Nữ Thị Ninh… Tạp chí cũng dành nhiều không gian để giới thiệu sự chuyển mình của các thành phố lớn - những đầu tàu phát triển kinh tế, công nghiệp và du lịch của đất nước như Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng, Hội An (Quảng Nam). Tờ báo cũng đăng các tư liệu và bản đồ lịch sử khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Trao đổi với phóng viên TTXVN tại Pháp, nhà báo Joseph Ahekoe cho rằng, từ lâu Việt Nam đã được nhìn nhận như là tấm gương đối với nhiều nước đang phát triển trên thế giới do giữ được ổn định chính trị, đạt được những thành tích ấn tượng về tăng trưởng kinh tế và tiến bộ xã hội. Đại hội XII của Đảng CSVN là sự kiện quan trọng có tính chất định hình tương lai cho sự phát triển của Việt Nam. Trong bối cảnh đó, việc tạp chí “Francophonie Actualités” ra số đặc biệt là một lẽ rất tự nhiên. Tấm gương Việt Nam cho thấy tất cả các nước đều có thể tìm cho mình con đường phù hợp nhằm đưa đất nước tiến lên.

P.V (Theo TTXVN)

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
Top