Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ bảy, ngày 2 tháng 9 năm 2017 | 2:11

Thí điểm cơ chế tích tụ đất đai, tôm Việt nên hướng về châu Á

Chính phủ vừa có ý kiến chỉ đạo triển khai thí điểm cơ chế tập trung, tích tụ đất đai ở Thái Bình và Hà Nam; ngoài ra, Bộ Nông nghiệp và PTNT yêu cầu phải đẩy mạnh chăn nuôi theo chuỗi và xuất khẩu tôm nên hướng về thị trường châu Á.

Thí điểm cơ chế tích tụ đất đai tại Thái Bình, Hà Nam

Tích tụ ruộng đất sẽ tạo điều kiện cho áp dụng cơ giới vào sản xuất.

Phó thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng vừa có ý kiến chỉ đạo triển khai thí điểm cơ chế tập trung, tích tụ đất đai, phục vụ thu hút đầu tư sản xuất nông nghiệp tập trung tại tỉnh Thái Bình và Hà Nam.

Theo đó, hai địa phương trên được giao lập đề án, gửi Bộ Tài nguyên Môi trường để các bộ ngành liên quan thẩm định, sau đó báo cáo Ban Cán sự Đảng Chính phủ và trình Bộ Chính trị cho ý kiến.

Hiện cả nước có khoảng 10 triệu hộ nông dân với 70 triệu mảnh đất nông nghiệp. Diện tích đất bình quân hộ nông nghiệp chỉ khoảng 0,46ha, trung bình được chia thành 2,83 mảnh. Quy mô diện tích đất của hộ nông dân Việt Nam thấp hơn Trung Quốc và thấp hơn rất nhiều so với các nước khác ở châu Á. Việc phân mảnh nhỏ ảnh hưởng tiêu cực tới tăng trưởng và năng suất lao động do cản trở cơ giới hóa, lãng phí thời gian lao động và đất bờ bao, tăng chi phí trung gian, giảm năng lực chống chọi với rủi ro...

Xuất khẩu tôm nên hướng về châu Á

Xuất khẩu  tôm nên chú ý thị trường châu Á.

Đó là thông tin đáng chú ý được các chuyên gia thủy sản chia sẻ tại Hội thảo “Nhu cầu Tôm thế giới và khả năng cung cấp của Việt Nam”, do VASEP tổ chức.

Theo TS.Phạm Anh Tuấn, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, trong những năm tới, sản lượng tôm trên toàn cầu có khả năng thiếu hụt so với nhu cầu. Sản lượng tôm nuôi thế giới đạt mức kỷ lục 4,1 triệu tấn vào năm 2011. Nhưng từ đó đến nay, sản lượng chưa bao giờ đạt được mức này, chủ yếu do tình hình dịch bệnh. Như vậy, sản lượng tôm sẽ bị thiếu hụt so với nhu cầu, bởi sản lượng tăng thêm từ nuôi tôm chỉ bằng với nhu cầu tăng thêm tại các thị trường lớn là Mỹ, EU và Nhật Bản. Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ tôm cũng sẽ tăng nhanh ở các thị trường quan trọng khác như Trung Quốc, Hàn Quốc… 

Ông Carson Roper, chuyên gia về thị trường EU, cho biết, trong những năm tới, nhu cầu tôm sẽ tăng mạnh ở khu vực châu Á, nhất là ở ASEAN, Trung Quốc, Ấn Độ... Bởi ở khu vực này tập trung nhiều thành phố đang có sự gia tăng mạnh về nhân khẩu như Tokyo, Deli, Mumbai… Còn tại các thị trường cao cấp như Mỹ, EU, Nhật Bản…, sẽ tăng nhu cầu tôm nuôi có chứng nhận hữu cơ. Do đó, các DN XK tôm và cả ngành hàng tôm cần chú ý xu hướng thị trường để sớm có những chuẩn bị cần thiết về cơ sở hạ tầng, logistics, chuỗi cung ứng lạnh… để đáp ứng kịp thời nhu cầu nhập khẩu tôm tăng lên tại các thị trường ở châu Á.

TS.Phạm Anh Tuấn, cho biết, giá trị thương mại tôm toàn cầu hiện vào khoảng 22,2 tỷ USD, chiếm 15,3% tổng giá trị XK thủy sản thế giới. Hiện tại, diện tích tôm Việt Nam vào khoảng 700.000 ha, tổng sản lượng khoảng 600.000 tấn. Đến năm 2020, nếu vẫn giữ nguyên diện tích và tăng được năng suất (tôm sú đạt 0,7 tấn/ha; tôm thẻ 5,7 tấn/ha), tổng sản lượng có thể đạt 933.000 tấn (tôm sú 420.000 tấn, tôm thẻ 510.000 tấn).

Thủ phủ chè giảm mạnh diện tích

Tin đồn thất thiệt đã làm ngành chè Lâm Đồng gặp khó.

Những năm gần đây, ngành sản xuất chè của tỉnh Lâm Đồng liên tục gặp khó khăn về đầu ra, không ít gia đình và doanh nghiệp đã hết kiên trì, buộc phải phá bỏ một diện tích không nhỏ loại cây trồng này để chuyển sang trồng cà phê hoặc một số loại hoa màu khác.

Sự việc bắt nguồn từ cuối năm 2014, tin đồn thất thiệt bị tung ra từ phía Đài Loan, cho rằng vùng trồng chè của Lâm Đồng, trong đó có dòng chè cao cấp Ô long được trồng trên vùng đất bị nhiễm chất độc dioxin từ thời còn chiến tranh. Lập tức, hàng trăm tấn chè của Lâm Đồng bị chặn lại tại các cửa khẩu, không thể thông quan vì phải đợi nhà chức trách địa phương làm rõ thông tin này.

Mặc dù ngay sau đó, UBND tỉnh Lâm Đồng đã ra thông cáo bác bỏ tin đồn nhưng hệ lụy của nó đã gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng tới ngành chè của tỉnh. Hầu hết các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chè bị các đối tác nghi ngờ về chất lượng chè, sản lượng chè thương phẩm xuất khẩu của Lâm Đồng giảm ít nhất 50% chỉ trong vài tháng. Trong vòng hai năm qua, nhiều gia đình, doanh nghiệp không còn đủ sức kiên trì chờ chè lên giá và đầu ra ổn định, buộc phải phá bỏ một phần diện tích cây trồng này.

Theo số liệu của Sở NN-PTNT Lâm Đồng, năm 2010, diện tích chè của tỉnh này đạt gần 26.000ha. Tuy nhiên, sau những tháng năm “khủng hoảng” của ngành chè, đến nay còn chưa tới 19.000ha, tức khoảng 7.000ha chè đã phải “hóa kiếp” vì sự bế tắc của thị trường. Trong khi diện tích cây chè giảm mạnh thì diện tích cây cà phê lại tăng lên nhanh chóng. Hiện Lâm Đồng có trên 162.000ha cà phê, trong khi đó theo quy hoạch đến năm 2020 có 150.000ha.

Trước sự sụt giảm mạnh diện tích cây chè, tỉnh đưa ra các giải pháp duy trì, phát triển diện tích, chuyển đổi giống chè để tăng năng suất, sản lượng nhằm đáp ứng nhu cầu nguyên liệu cho các nhà máy chế biến nhưng đến nay vẫn chưa đem lại kết quả khả quan. Nguyên nhân chính vẫn là do đầu ra của cây chè vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn.

Cơ cấu lại ngành hàng chăn nuôi theo chuỗi

Đó là chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Xuân Cường tại hội nghị “Đánh giá kết quả triển khai các biện pháp ổn định thị trường và phát triển ngành chăn nuôi lợn”. 

Mặc dù là giải pháp tình thế nhưng việc “giải cứu” thời điểm đầu tháng 5 vừa qua đã giúp người chăn nuôi vượt qua “cơn bão giá”. Báo cáo của Cục Chăn nuôi cho thấy, bài học kinh nghiệm qua đợt giải cứu vừa qua là nhờ giảm quy mô đàn nái, đồng thời kích cầu mặt hàng thịt lợn với sự tham gia của các Bộ, ngành, đoàn thể, tổ chức và cá nhân, cũng như giảm chi phí sản xuất; hỗ trợ tài chính và hạn chế nhập khẩu các sản phẩm thịt lợn đã cơ bản góp phần ổn định thị trường thịt lợn. 

Tuy nhiên nhiều đại biểu cho rằng, về lâu dài để ổn định thị trường và phát triển ngành chăn nuôi lợn cần sản xuất theo tín hiệu thị trường. Trong đó cân đối cung cầu, cải tạo đàn lợn nái theo hướng nâng cao chất lượng; giảm giá thành và nâng cao giá trị bằng công nghệ chế biến. Song song đó ngành chăn nuôi lợn phải chú trọng đến sản xuất chuỗi giá trị.

Thẳng thắn nhìn nhận bất cập của ngành chăn nuôi, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng, ngành nông nghiệp nói chung và ngành chăn nuôi phải thay đổi cách tiếp cận mới trước những tồn tại và hạn chế về tổ chức sản xuất và khai thông thị trường. Sản xuất nông nghiệp hiện nay chủ yếu là quy mô nông hộ với năng suất thấp, rất khó quản trị, nhiều rủi ro khi bất lợi về thị trường. Ngoài ra, công nghệ chế biến và bảo quản cũng như tổ chức khai thác thị trường kể cả trong nước và nước ngoài chưa đáp ứng được yêu cầu.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh: Phải nhận dạng lại ngành chăn nuôi trong bối cảnh mới. Một là sức sản xuất hiện nay cung vượt cầu, thứ hai là nhu cầu và khả năng tổ chức lại thị trường. Cơ cấu lại ngành hàng chăn nuôi lợn theo 2 hướng: một nhánh đi theo hướng sản xuất công nghiệp tập trung hạ giá thành, sử dụng con giống, thức ăn, áp dụng quản trị tốt; thứ hai là cần đẩy nhanh chăn nuôi hữu cơ theo hướng các sản phẩm lợn đặc sản. Tổ chức lại sản xuất cũng phải thay đổi. Theo đó, chăn nuôi nông hộ và doanh nghiệp cũng phải theo chuỗi, bởi đây là yếu tố quan trọng nhất quyết định phát triển chăn nuôi một cách bền vững.

Khánh Nguyên (tổng hợp)

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Quảng Nam định hướng đưa sâm Ngọc Linh thành Thương hiệu quốc gia

    Quảng Nam định hướng đưa sâm Ngọc Linh thành Thương hiệu quốc gia

    Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Lương Nguyễn Minh Triết vừa ký ban hành Nghị quyết số 40-NQ/TU về tăng cường công tác quản lý, bảo tồn và phát triển sâm Ngọc Linh trên địa bàn tỉnh đến năm 2030, định hướng đến năm 2035.

  • Việt Nam – Mông Cổ hướng tới tăng trưởng bền vững trong nông nghiệp

    Việt Nam – Mông Cổ hướng tới tăng trưởng bền vững trong nông nghiệp

    Sáng 20/11, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan tiếp và làm việc với ông Jadamba Enkhbayar - Bộ trưởng Lương thực, Nông nghiệp và Công nghiệp nhẹ Mông Cổ, Chủ tịch Phân ban Mông Cổ trong Ủy ban liên Chính phủ song phương.

  • Ngành gỗ tăng tốc về đích sớm

    Ngành gỗ tăng tốc về đích sớm

    Một trong những điểm nhấn nổi bật trong "bức tranh" xuất khẩu nông lâm thủy sản từ đầu năm đến nay là kết quả xuất khẩu đồ gỗ và các sản phẩm từ gỗ. Đây là 1 trong 6 mặt hàng có thặng dư thương mại đạt trên 1 tỷ USD và hứa hẹn sẽ lập kỷ lục mới xuất khẩu trong năm 2024.

Top