Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 18 tháng 5 năm 2018 | 14:14

Thị xã Phổ Yên chú trọng vệ sinh môi trường nông thôn

Trong xây dựng nông thôn mới (XDNTM), tiêu chí môi trường là bài toán khá nan giải đối với nhiều địa phương.

tr2t.jpg
Ông Bùi Văn Lương, Phó bí thư Thị ủy, Chủ tịch UBND thị xã Phổ Yên cùng lãnh đạo các phòng ban chuyên môn kiểm tra tiến độ XDNTM tại xã Thành Công.

 

Thấu hiểu vấn đề này, những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thị xã Phổ Yên (Thái Nguyên) đã chung sức đồng lòng, quyết tâm từng bước cải thiện môi trường khu vực nông thôn ngày một tốt hơn.

Với mục đích làm rõ hơn những kết quả đạt được và những tồn tại cần khắc phục, phóng viên Báo Kinh tế nông thôn đã trao đổi với ông Dương Văn Hiến, Trưởng phòng Kinh tế thị xã về vấn đề này.

Xin ông cho biết một số tồn tại, hạn chế trong công tác gìn giữ môi trường khu vực nông thôn trên địa bàn thị xã?

Mặc dù đã có sự vào cuộc rất mạnh của các cấp ủy Đảng trên toàn địa bàn thị xã cho vấn đề môi trường và kết quả trong công tác xây dựng, gìn giữ môi trường khu vực nông thôn cũng đã được nâng lên khá nhiều trong những năm gần đây, tuy nhiên, chương trình phối hợp về bảo vệ môi trường mới dừng lại mức tuyên truyền, chưa trở thành phong trào quần chúng mạnh mẽ. Tư tưởng xem nhẹ công tác bảo vệ môi trường (BVMT) còn khá phổ biến; ý thức, trách nhiệm của một bộ phận nhân dân, doanh nghiệp và các cơ sở sản xuất kinh doanh còn hạn chế; cán bộ làm chuyên trách công tác quản lý môi trường cấp xã còn thiếu, đều là cán bộ kiêm nhiệm; nhiều cơ sở sản xuất công nghệ còn lạc hậu, đầu tư cải tạo, nâng cấp có hạn nên việc xử lý chất thải chưa đạt quy chuẩn về môi trường,...

Bên cạnh đó, nguồn kinh phí đầu tư cho lĩnh vực BVMT không nhiều, không  đáp ứng yêu cầu thực tiễn; công tác xã hội hóa về BVMT chưa mạnh, mới chỉ phát triển trong hoạt động thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải.

Tình hình rác thải, chất thải và công tác xử lý vấn đề này trên địa bàn nông thôn thị xã hiện nay ra sao, thưa ông?

Các xã đều chú trọng tới công tác này cho nên rác thải trong sinh hoạt được nhân dân thu gom, tự xử lý đối với rác hữu cơ thông thường; hoặc tập kết đến điểm thu gom của thôn, xóm để các tổ thu gom chuyển rác thải đến nơi xử lý tập trung của huyện. Các chất thải, nước thải chăn nuôi, đa số được xử lý qua bể biogas nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Đối với việc khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường tại các làng nghề, các hộ sản xuất đều có cam kết thực hiện việc BVMT; công tác BVMT tại các cơ sở này thường xuyên được quan tâm, giám sát; các cơ sở luôn có ý thức thu gom và xử lý các chất thải phát sinh đảm bảo không để ảnh hưởng đến môi trường chung.

Bên cạnh việc xử lý rác thải, chất thải, việc vận động bà con xây hố tiêu hợp vệ sinh cũng được thị xã quan tâm chỉ đạo sâu sát tới từng địa phương trong nhiều năm qua. Nhờ vậy, 29.327 hộ có nhà tiêu và hệ thống tiêu thoát nước thải hợp vệ sinh, chiếm  78,54%.

Xin ông cho biết tình hình sử dụng nước sạch của người dân nông thôn trên địa bàn thị xã?

Tới nay, toàn thị xã đã triển khai đầu tư xây dựng được 9 công trình cấp nước tập trung sử dụng hiệu quả nguồn nước mặt và nước ngầm tại 4 xã gồm: Thành Công, Nam Tiến, Minh Đức, Phúc Thuận với tổng công suất thiết kế  1.560m3/ngày đêm, đảm bảo đủ nhu cầu sử dụng cho 4.880 người. Tuy nhiên, cũng chỉ một bộ phận nhân dân được sử dụng nguồn nước sạch từ các xí nghiệp, công trình cung cấp nước sạch này; còn lại đại đa số cư dân nông thôn vẫn sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh từ các giếng khoan hoặc giếng khơi, kết hợp với việc sử dụng các công cụ lọc nước.

Tính đến hết năm 2017, tỷ lệ người dân sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh trên địa bàn thị xã đạt khoảng 90,1%, trong đó,  người dân ở nông thôn sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh chiếm 87,8%.

Xin cảm ơn ông!

 

 

 

 

 

Đình Hợi (thực hiện)
Ý kiến bạn đọc
  • “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.

  • “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.

  • Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.

Top