Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024  
Thứ hai, ngày 7 tháng 6 năm 2021 | 13:55

Thu nhập cao từ nuôi cá leo trong ao đất

Cá leo - loài cá có giá trị kinh tế cao - bắt đầu được nông dân Lâm Đồng nuôi thử nghiệm trong ao đất.

Kết quả ban đầu thấy, cá leo thực sự sống được với khí hậu vùng cao nguyên B’Lao, hứa hẹn những mẻ lưới bội thu.

 

ca-leo.jpg
Anh Tự kéo thùng thức ăn cho cá.

 

Anh Trần Hữu Tự (thôn Tân Hóa 2, xã Lộc Nga, thành phố Bảo Lộc) có kinh nghiệm nuôi cá nước ngọt thương phẩm như cá rô phi, cá chép, cá trắm. Năm 2020, theo sự hướng dẫn của cán bộ khuyến nông, anh nuôi thử nghiệm cá leo, giống cá còn rất mới mẻ với hầu hết nông hộ nuôi cá xứ núi. 

Chỉ vào ao cá rộng gần 2.000m2, anh Tự cho biết: Tháng 6/2020, tôi thả 2.000 cá leo giống. Giống do Trung tâm Khuyến nông tỉnh Lâm Đồng hỗ trợ, trung tâm còn hỗ trợ thêm 70% lượng cám cho cá ăn cũng như chuyển giao kỹ thuật chăm sóc.

“Cá leo giống khi thả nặng tầm 7-8 g/con, trọng lượng khoảng 150 con/kg. Hiện, sau 10 tháng nuôi,  cá leo bắt lên cân thử nặng trung bình 1,4 kg/con, coi như phát triển khá tốt”, anh trao đổi.

Theo anh Tự, cá leo là loài ăn đêm. Khi còn nhỏ, cá  ăn cám là chủ yếu. Khi lớn hơn, cá leo ăn mồi sống như cá con, tép...; cá khá dễ chăm và hầu như không mắc bệnh. Cá sống ở tầng đáy nên phía trên vẫn có thể thả cá ăn tầng mặt như trắm, rô phi. Trước khi thả cá, anh làm vệ sinh ao rất kỹ, bỏ vôi, bón phân hữu cơ để nước sạch, giàu dinh dưỡng. Ao lại có hệ thống van, lọc để nước ra - vào suối Lộc Nga nên nước sạch và được thay đổi liên tục. Chính vì vậy, cá leo có môi trường sống khá gần môi trường sống trong tự nhiên.

Ngoài ra, anh Tự còn nuôi cá rô phi. Giống rô phi ăn trên tầng nước mặt, nhiều con rô phi cái đẻ trứng, trứng nở ra cá con, cung cấp thức ăn cho cá leo ở tầng đáy. Cán bộ khuyến nông kiểm tra cá leo nhà anh Tự nhận xét: cá phát triển tốt, nhanh lớn, tương tự với cá leo sống trong tự nhiên.

Anh Nguyễn Văn Thành, cán bộ Trung tâm Khuyến nông tỉnh Lâm Đồng, cho biết, cá leo hay còn gọi là cá nheo, thuộc loại cá da trơn; thường sống ở sông, kênh rạch và đồng ruộng, trên hệ thống sông Đồng Nai cũng từng có nhiều cá leo tự nhiên. Cá có kích thước lớn, giàu giá trị dinh dưỡng, chất lượng thịt thơm ngon, được thị trường ưa chuộng nên bị khai thác nhiều, trong sông suối tự nhiên, lượng cá leo giảm mạnh. Vì vậy, Trung tâm thực hiện mô hình “Nuôi cá leo thương phẩm trong ao đất” để thử nghiệm một vật nuôi có giá trị kinh tế cao.

Theo tính toán của anh Thành, cá leo sau 10 tháng nuôi có thể đạt trọng lượng 1 - 1,5 kg/com. Trên thực tế, cá leo nuôi tại hộ anh  Tự sau 10 tháng đạt trọng lượng trung bình 1,4 kg/con, khả năng sinh trưởng rất tốt. Với giá bán trung bình 90 ngàn đồng/kg, hộ nuôi cá leo thương phẩm có thu 140-160 triệu đồng.

Tuy nhiên, anh Tự cho biết, anh sẽ không thu hoạch ngay mà chờ tới 16-18 tháng nuôi, khi cá đạt trong lượng từ 2 kg/con trở lên mới bán, khi đó cá có chất lượng thịt ngon hơn và thị trường ưa chuộng hơn.

Anh Thành đánh giá, với kết quả mô hình đạt được thấy Bảo Lộc là địa phương có điều kiện phù hợp phát triển nuôi cá leo thương phẩm. Mô hình giúp người dân có thêm lựa chọn đối tượng nuôi mới nhằm thay thế các đối tượng nuôi truyền thống, qua đó nâng cao chất lượng sản phẩm thủy sản, đáp ứng nhu cầu thị trường Lâm Đồng và vùng lân cận.


 

 

Diệp Quỳnh
Ý kiến bạn đọc
Top