Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ bảy, ngày 18 tháng 5 năm 2019 | 12:21

“Thủ phủ vàng đen” trở thành mảnh đất nợ nần

Thủ phủ hồ tiêu trù phú của Tây Nguyên giờ trở thành mảnh đất nợ nần, nhiều gia đình tán gia, bại sản, phải xa xứ làm ăn để trả nợ.

 

Tỷ phú thành con nợ

Hơn 800ha hồ tiêu ở huyện Chư Pưh, tỉnh Gia Lai bị chết vì dịch bệnh và khô hạn trong những năm qua, đã đẩy hàng nghìn hộ dân lâm vào cảnh trắng tay, hơn 6.500 hộ khác mất khả năng trả nợ khoảng 1.400 tỷ đồng tại các ngân hàng.

 

ho-tieu.jpg

Khung cảnh hoang tàn tại các vườn tiêu ở Chư Pưh, Gia Lai.

 

Xã Ia Blứ, huyện Chư Pưh, tỉnh Gia Lai từng có hàng trăm tỷ phú nhờ hồ tiêu được mùa, được giá trong nhiều năm liên tiếp. Thế nhưng, từ đầu 2016 tới nay, hơn 400/800 ha hồ tiêu tại đây bị xóa sổ, không thể phục hồi vì dịch bệnh và khô hạn, khiến hơn 1.000 hộ dân nợ hơn 200 tỷ đồng tại các ngân hàng.

Mất nguồn thu, nhiều hộ dân đã phải bán đổ, bán tháo trụ tiêu, thậm chí bán đất, bán nhà để trả nợ.

Tính riêng năm 2017, tại Ia Blứ có hơn 1.000 người dân rời địa phương đi làm ăn xa xứ và nhiều học sinh cấp 3 phải nghỉ học đi làm nghề để phụ giúp gia đình. Tại đây hàng chục ngôi nhà đã bị các ngân hàng kê biên tài sản hoặc niêm phong vì không làm việc được với chủ nhà.

Nhìn con bán nhà trả nợ, cháu bỏ học đi làm thuê, ông Mai Liệu ở thôn Thủy Phú, xã Ia Blứ buồn rầu nói “Tôi có 9 đứa con, thì 1 đứa phải bán đất, bán nhà trả ngân hàng. 2 đứa cháu ngoại học lớp 12 phải bỏ đi làm nghề, còn mấy đứa cháu nội về quận Tân Bình, thành phố Hồ Chí Minh làm thuê. Cả xã Ia Blứ chỉ còn đất, không còn trụ tiêu nữa. Xóm tôi đêm đi, ngày đi”.

Cùng với cảnh tán gia bại sản của hàng trăm hộ dân, nhiều đại lý thu mua nông sản tại xã Ia Blứ cũng lâm vào cảnh nợ nần.

Anh Trịnh Văn Dũng, chủ đại lý thu mua hồ tiêu tại thôn Thủy Hà, xã Ia Blứ, huyện Chư Pưh cho biết, để người dân chấp thuận bán hồ tiêu cho mình, năm 2016, gia đình anh đầu tư hơn 70 tỷ đồng cho hơn 200 hộ dân để sản xuất.

Thế nhưng, hàng trăm ha hồ tiêu bị xóa sổ bởi dịch chết nhanh, khiến nhiều người trắng tay, hàng chục tỷ đồng đầu tư của anh Dũng trở thành món nợ khó đòi.

Theo thống kê của UBND huyện Chư Pưh, từ 2016 tới nay, tại đây có hơn 870 ha hồ tiêu chết vì dịch bệnh và hạn hán không thể phục hồi. Điều đó kéo theo hơn 6.500 hộ dân gần như mất khả năng chi trả các khoản vay tại các ngân hàng, với tổng dư nợ lên tới 1.400 tỷ đồng, chủ yếu là nợ. Nợ cũ chưa trả được, nông dân không thể vay tiếp tại các ngân hàng để tái thiết vườn cây.

 

hoi-tieu-1.jpg

Nhiều nông dân tại xã Ia Blư, Chư Pưh treo biển bán nhà trả nợ.

 

Ông Phan Văn Linh, Chủ tịch UBND xã Ia Blứ cho biết nông dân có đất, nhưng đành bỏ hoang, đó là tình cảnh bế tắc tại thủ phủ hồ tiêu Chư Pưh nói chung.

“Muốn vay tiếp trong ngân hàng thì phải không có nợ xấu. Đi vay lãi nóng bên ngoài, sau 1 năm tăng lên không biết bao nhiêu nữa. Bà con nông dân địa phương mong muốn được khoanh nợ, giãn nợ, đồng thời được tạo điều kiện vay tiếp với những kênh khác, nguồn khác để đầu tư sản xuất. Giờ vay 1 tỷ, 1 tháng phải trả 10 triệu rồi. Trong vòng 1 năm đó đã là 120 triệu rồi, không có nguồn thu thì không có tiền trả lãi”, ông Linh nói.

Từ đầu năm đến nay, UBND huyện Chư Pưh và UBND tỉnh Gia Lai đã có 2 buổi làm việc với Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Gia Lai cùng 7 ngân hàng cổ phần thương mại là chủ nợ của nông dân địa phương, đề nghị các ngân hàng khoanh nợ, giãn nợ, đồng thời hỗ trợ cho vay mới để người dân tái sản xuất.

Tuy nhiên, đại diện Ngân hàng Nhà nước tỉnh cho biết, vì Gia Lai không công bố dịch bệnh trên cây hồ tiêu, nên không được hưởng chính sách này.

Ông Phạm Đức Ngọc, Chánh Văn phòng UBND huyện Chư Pưh cho biết, chính quyền và ngành chức năng huyện Chư Pưh đang tìm giải pháp giúp người dân địa phương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đồng thời khuyến cáo nông dân không tiếp tục mở rộng diện tích hồ tiêu, tránh rủi ro.

Ngân hàng lúng túng

Hơn 6.500 ha hồ tiêu tại Gia Lai bị chết khiến tổng số nợ quá hạn của nông dân trong tỉnh tại các tổ chức tín dụng đã vượt mốc 2.000 tỷ đồng, trong đó có hàng trăm tỷ đồng đã chuyển sang nợ xấu. Thực trạng này không chỉ khiến người trồng hồ tiêu khốn khổ mà các tổ chức tín dụng cũng gặp khó khăn.

Hiện nay, Gia Lai là tỉnh có tổng dư nợ cho vay sản xuất hồ tiêu lớn nhất tại Tây Nguyên. Tính đến tháng 3/2019, tổng dư nợ cho vay trồng tiêu là 4.300 tỷ đồng, trong đó, nợ quá hạn là 2.200 tỷ đồng. Nhưng chưa đến 2 tháng sau, thống kê tháng 5/2019, nợ quá hạn đã vượt mốc 2.600 tỷ đồng, riêng nợ xấu là hơn 450 tỷ đồng.

Để tự cứu mình, 15 tổ chức tín dụng cho vay sản xuất hồ tiêu đã chủ động triển khai nhiều giải pháp tình thế như điều chỉnh lãi suất, cơ cấu lại nợ. Tuy vậy, theo các điều kiện ngặt nghèo của Luật Các tổ chức tín dụng, lượng khách hàng được hưởng lợi chiếm tỷ lệ thấp.

Ông Phạm Toàn Vượng, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, tổ chức tín dụng có dư nợ cho vay sản xuất hồ tiêu lớn nhất tại Gia Lai nhận định, trong thời gian tới, nợ xấu sẽ tăng nhanh.

Theo ông Vượng: “Hiện nay, nợ xấu thể hiện trên bảng cân đối kế toán là 4% của 849 tỷ đồng. Nhưng dự kiến đến 31/12/2019, thì nợ xấu xấp xỉ 10%, tức là gần 100 tỷ đồng. Nếu không có giải pháp thiết thực và cụ thể, dự kiến những năm tiếp theo, sẽ phát sinh khoảng hơn 200 tỷ đồng, tức là 30% tổng dư nợ cho vay hồ tiêu.

Khi xác định được thiệt hại từ cây tiêu thì giá trị tài sản đảm bảo bị suy giảm rất nhiều, bán không ai mua, để chăm sóc thì không được. Chúng tôi đã cơ cấu lại cho các khoản vay trung, dài hạn. Nhưng khoản vay ngắn hạn thực sự khó, nếu cho vay 1 năm được cơ cấu lại thành 2 năm thì cũng không tháo gỡ được, sẽ chuyển thành nợ xấu.”.

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Gia Lai, hiện nay có hơn 6.500 ha hồ tiêu trên toàn tỉnh đã bị chết. Nguyên nhân chính là do ảnh hưởng của nắng hạn trong mùa khô 2016 - 2017 và 4 tháng mưa liên tục năm 2018.

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho rằng, giải pháp căn cơ hiện nay là các tổ chức tín dụng thực hiện khoanh nợ theo Nghị định 116/2018/NĐ-CP về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn năm 2018 của Chính phủ. Bởi khoanh nợ sẽ giúp nông dân có đủ thời gian tái thiết sản xuất để tạo ra nguồn lực cứu mình và trả nợ.

Tuy nhiên, hiện nay, điều kiện căn bản nhất để khoanh nợ là công bố thiên tai, dịch bệnh hồ tiêu xảy ra trên phạm vi rộng thì UBND tỉnh Gia Lai chưa thực hiện.

 

ho-tieu-2.jpg

Hơn 6.500 ha hồ tiêu tại Gia Lai đã bị chết, hơn 11.000 nông dân trồng tiêu gặp khó khăn trong việc trả nợ ngân hàng.

 

Ông Nguyễn Quốc Hùng chỉ rõ: “Tại Nghị định 116, Chính phủ rất quan tâm, đặt vấn đề rất rõ. Bên cạnh giải pháp giãn nợ, thì chỉ có giải pháp tốt nhất là khoanh nợ: thời gian 2 năm, giữ nguyên nhóm nợ, miễn lãi 2 năm, ngân sách địa phương hoặc ngân sách trung ương hỗ trợ tiền lãi. Nhưng muốn được khoanh nợ, thì ít nhất tỉnh phải công bố dịch bệnh, thiên tai hồ tiêu trên diện rộng. Hoặc là đối với trường hợp Nghị định 02/2017/NĐ-CP về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh. Hiện nay, cần có sự vào cuộc đồng bộ của ngành ngân hàng, Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và UBND tỉnh Gia Lai”.

Loay hoay xử lý nợ cũ, hầu hết các tổ chức tín dụng đều dè dặt trong việc cho nông dân vay mới để chuyển đổi cây trồng, tái thiết sản xuất. Tiêu chết, lãi ngân hàng đè nặng trên vai, không có vốn để bắt đầu lại, hàng nghìn người dân địa phương đã bỏ xứ đi nơi khác làm ăn.

Theo thống kê của UBND huyện Chư Pưh, nơi có diện tích hồ tiêu chết lớn nhất tại Gia Lai, đã có hơn 3.000 người dân địa phương bỏ nhà, bỏ đất đi làm ăn xa. Tình trạng này đang diễn ra tượng tự tại nhiều huyện khác như Chư Sê, Chư Prông. Hàng nghìn ha đất bazan màu mỡ đang bị bỏ hoang, hoặc đầu tư theo kiểu được chăng hay chớ vì thiếu vốn.

Ông Nguyễn Đức Hoàng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai cho rằng, điều này gây lãng phí nguồn lực tại địa phương: “Những giải pháp chúng tôi đã nói hết, mà không làm được việc khoanh nợ thì bảo bà con trở về làm ăn xa vời lắm. Bà con không về thì khả năng thu hồi nợ của ngân hàng cũng xa. Như vậy, nguyên một vùng đất bazan sẽ bị hoang hoá trong thời gian dài. Tôi đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu lại nếu đủ điều kiện thì công bố thiên tai. Các ngân hàng đã đồng hành với địa phương, địa phương không thể đứng ngoài".

Trong tình cảnh hiện nay, việc tháo gỡ khó khăn cho nông dân sản xuất hồ tiêu, cũng chính là lời giải chung cho nút thắt tín dụng tại địa phương. Do vậy, ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục triển khai các giải pháp tự cứu mình, cứu khách hàng. Đồng thời, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cũng đề nghị tỉnh Gia Lai có những hành động cụ thể, phối hợp để cùng tháo gỡ khó khăn cho nông dân sản xuất hồ tiêu.

Ông Đào Minh Tú cho biết: “Câu chuyện của chúng ta là sử dụng tất cả các cơ chế, chính sách hiện nay, tạo điều kiện cho người vay vốn, hỗ trợ bà con nông dân là nhiệm vụ hết sức quan trọng; tạo sự đồng thuận trong chính sách cho vay, chính sách hỗ trợ của ngân hàng với bà con. Khoanh nợ thế nào, kéo giãn thời hạn trả nợ, tái cơ cấu nợ thế nào thì cơ chế Ngân hàng nhà nước đã có, nhưng cụ thể thế nào, thống nhất thế nào là phải giải quyết được bài toán. Đề nghị lãnh đạo tỉnh chỉ đạo các đơn vị chức năng của tỉnh cùng ngành ngân hàng đánh giá thực trạng thiệt hại, có chỉ đạo truyền thông tới bà con, tránh tâm lý ỉ lại, cùng phối hợp với ngành ngân hàng khắc phục khó khăn”.

Giải quyết nút thắt tín dụng cho vay hồ tiêu tại Gia Lai cũng chính là một phần lời giải cho bài toán kinh tế- xã hội hiện nay tại tỉnh. Điều này cần sự chung tay vào cuộc của các tổ chức tín dụng và ngành chức năng địa phương.

 

P.V (tổng hợp từ VOV)

 

Ý kiến bạn đọc
Top