Quyết định cuối cùng về phương án mở rộng, nâng cấp Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất đã được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đưa ra tại cuộc họp Thường trực Chính phủ hôm nay (28/3).
Phương án Công ty tư vấn ADP-I đề xuất. Ảnh: VGP/Xuân Tuyến |
Theo báo cáo của Bộ Giao thông vận tải (GTVT) tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về kết quả nghiên cứu, mở rộng Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất do Công ty tư vấn ADP-I (Pháp) thực hiện, Công ty này đã khảo sát, thu thập số liệu, đánh giá lại hiện trạng Cảng hàng không quốc tế (CHKQT) Tân Sơn Nhất để tìm ra các điểm hạn chế, các điểm tắc nghẽn trong từng hạng mục kết cấu hạ tầng của cảng hàng không.
Đề xuất 6 phương án
Hiện tại, Sân bay Tân Sơn Nhất đang phải phục vụ quá công suất, với lượng khách khoảng 35 triệu hành khách/năm.
Trên cơ sở đánh giá khả năng nâng cao công suất CHKQT Tân Sơn Nhất, Tư vấn đề xuất 6 phương án mở rộng, gồm 2 phương án mở rộng về phía bắc đạt công suất 70 triệu hành khách/năm và 50 triệu hành khách/năm, 4 phương án mở rộng về cả phía nam và phía bắc, nâng tổng công suất lên 50 triệu hành khách/năm.
Công ty tư vấn đã xây dựng một bộ tiêu chí để đánh giá ưu, nhược điểm của từng phương án.
Dựa trên bộ tiêu chí, đơn vị tư vấn kiến nghị không lựa chọn phương án mở rộng về phía bắc đạt công suất 70 triệu khách/năm vì diện tích giải phóng mặt bằng rất lớn. Bên cạnh đó, với phương án này, chi phí xây dựng rất lớn, tiến độ triển khai chậm (khoảng 7-9 năm), tác động môi trường lớn vì dự kiến khu vực ảnh hưởng tiếng ồn được mở rộng gấp gần 2 lần so với các phương án khác. Ảnh hưởng về vấn đề môi trường là lâu dài và nghiêm trọng. Phương án này cũng làm giảm năng lực khai thác khu bay, không thuận tiện trong dây chuyền phục vụ hành khách.
Tư vấn cũng kiến nghị không lựa chọn phương án mở rộng về phía bắc đạt công suất 50 triệu hành khách/năm vì diện tích giải phóng mặt bằng lớn, chi phí xây dựng lớn, tiến độ triển khai chậm (khoảng 5-7 năm). Ngoài ra, việc khai thác dây chuyền hàng không không thuận lợi, làm giảm năng lực khai thác khu bay.
Tư vấn chọn 1 phương án
Trong nhóm các phương án mở rộng Sân bay về cả phía nam và phía bắc, đơn vị tư vấn kiến nghị lựa chọn phương án xây dựng thêm một nhà ga hành khách của Sân bay Tân Sơn Nhất với tổng diện tích sàn lên đến 200.000 m2, để có thể phục vụ 20 triệu hành khách mỗi năm ở phía nam, tức là phía nhà ga hiện hữu. Còn diện tích đất phía bắc, trong đó có sân golf và 16 ha đất do Bộ Quốc phòng quản lý sẽ được sử dụng để xây dựng các công trình phụ trợ, như nhà ga hàng hóa, sửa chữa máy bay, logistics và chế biến suất ăn từ năm 2025 trở đi.
Theo ADP-I, phương án này sẽ bảo đảm tiến độ xây dựng các hạng mục công trình thiết yếu gồm hệ thống sân, đường khu bay và nhà ga hành khách nhanh nhất có thể. Bởi việc xây dựng hệ thống đường lăn song song, đường lăn nối... phần lớn là đất hiện hữu của cảng, vì vậy có thể triển khai được ngay.
Việc xây dựng nhà ga T3 công suất 20 triệu hành khách/năm tại khu phía nam có thể phân kỳ đầu tư xây dựng theo tiến độ giải phóng mặt bằng. Theo đó, sẽ triển khai xây dựng giai đoạn 1 trên phần đất Bộ Quốc phòng có thể bàn giao được ngay với diện tích khoảng 16,37 ha, tổng thời gian xây dựng 2-3 năm. Giai đoạn 2 sẽ triển khai mở rộng nhà ga hành khách và sân đỗ tàu bay phía nam, đồng thời mở rộng các công trình dịch vụ sang phía bắc khi hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng.
Với phương án này, chi phí xây dựng thấp hơn so với các phương án khác, thuận tiện cho quy trình quản lý điều hành bay, bảo đảm quy trình khai thác kết nối giữa các nhà ga và quy trình cung cấp dịch vụ mặt đất cho các đơn vị.
Khi triển khai phương án này, khu bay sẽ được nâng cấp để bảo đảm có thể khai thác với tần suất 57 lượt cất hạ cánh/ giờ, tương đương 50 triệu hành khách/năm.
Về tiến độ triển khai và phân kỳ đầu tư (chưa bao gồm thời gian GPMB), dự kiến giai đoạn 1 sẽ xây dựng các công trình khu bay gồm hoàn thiện lại đường cất hạ cánh 25L, xây mới hệ thống đường lăn song song, đường lăn nối, đường lăn vòng; xây dựng nhà ga T3, mở rộng sân đỗ tàu bay. Thời gian thi công 2-3 năm.
Giai đoạn 2 sẽ mở rộng nhà ga hành khách (công suất đạt 20 triệu HK/năm) và sân đỗ tàu bay phía nam (106 vị trí đỗ). Mở rộng khu nhà ga hàng hóa, khu logistics và các công trình dịch vụ hàng không khác tại khu phía bắc. Thời gian thi công 1-2 năm khi giải phóng mặt bằng xong.
Nhất trí phương án của tư vấn
Tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể khẳng định Công ty tư vấn ADP-I là hoàn toàn độc lập và tư vấn trên cơ sở nghiên cứu khoa học. Phương án trình Thường trực Chính phủ là phương án tối ưu. Tổng Tham mưu trưởng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang khẳng định ủng hộ phương án này và Bộ sẽ bàn giao nốt 16 ha còn lại trong 36 ha đất đang quản lý để mở rộng Sân bay Tân Sơn Nhất.
Ý kiến các thành viên Thường trực Chính phủ cũng thể hiện sự ủng hộ phương án chỉ nâng công suất của Sân bay Tân Sơn Nhất lên từ 45 đến 50 triệu hành khách/năm chứ không thể là 60-70 triệu vì đây vừa là quy hoạch vừa không có một nước nào có sân bay quá lớn trong lòng Thành phố.
Phát biểu kết luận, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận và đánh giá cao Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng và Bộ Giao thông vận tải đã chỉ đạo quyết liệt việc thuê tư vấn độc lập để xây dựng và lấy ý kiến rộng rãi của các nhà khoa học và người dân; đánh giá cao công ty tư vấn đã nghiên cứu một cách khoa học, kỹ lưỡng, bài bản việc mở rộng Sân bay Tân Sơn Nhất. Đơn vị tư vấn đã xây dựng được bộ tiêu chí để đánh giá ưu điểm, nhược điểm của từng phương án, từ đó giúp Thủ tướng có cơ sở để lựa chọn một cách chính xác nhất.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc quyết định thực hiện việc mở rộng Sân bay Tân Sơn Nhất theo phương án của Công ty tư vấn độc lập của Pháp ADP-I.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh phương án này đã đảm bảo hiệu quả toàn diện từ sử dụng vốn, đất đai cũng như kinh tế, kỹ thuật và an ninh, an toàn.
Trên tinh thần đó, Thủ tướng giao Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo Công ty tư vấn ADP-I phối hợp với tư vấn trong nước hoàn thiện phương án trên cơ sở bảo đảm sử dụng đất tốt nhất cả ở phía nam và phía bắc, đồng thời tìm nguồn vốn và hoàn thiện hồ sơ pháp lý với tinh thần nhanh chóng và quyết liệt nhất để có thể khởi công xây dựng nhà ga mới sớm nhất, nhằm giảm tải cho Sân bay Tân Sơn Nhất hiện đã vượt 44% công suất quy hoạch đến năm 2020.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định sau khi mở rộng, Sân bay Tân Sơn Nhất sẽ có khả năng phục vụ tối thiểu 50 triệu hành khách mỗi năm. Đây cũng là sân bay lưỡng dụng, phục vụ cho cả dân dụng lẫn quân sự và được sử dụng lâu dài cùng với Sân bay Long Thành, dự kiến sẽ được hoàn thành vào năm 2025.
Thủ tướng cũng giao UBND TPHCM chủ động trong quy hoạch và đầu tư nâng cấp hạ tầng giao thông xung quanh Sân bay Tân Sơn Nhất để tránh xảy ra ùn tắc giao thông nghiêm trọng hơn sau khi Sân bay được mở rộng.
Trước đó, thực hiện sự chỉ đạo của Thủ tướng, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã nhiều lần làm việc với lãnh đạo Bộ GTVT và các đơn vị liên quan, trong đó có 3 lần trực tiếp nghe đơn vị tư vấn ADP-I báo cáo các phương án mở rộng, nâng cấp Sân bay Tân Sơn Nhất trên tinh thần khách quan, khoa học, nhiều chiều, lắng nghe tất cả các ý kiến đóng góp của chuyên gia, nhà khoa học và người dân. Tại các cuộc họp này, Phó Thủ tướng đã cụ thể hóa “đề bài” và góp ý để ADP-I hoàn thiện tất cả các phương án khả thi cũng như xây dựng bộ tiêu chí để đánh giá các phương án một cách khoa học nhất. |
Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim cho biết, chuyến thăm chính thức của Tổng Bí thư Tô Lâm tới Malaysia lần này có ý nghĩa quan trọng khi hai nước nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện. Hai bên nhất trí tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực an ninh, quốc phòng, hợp tác biển và một số lĩnh vực hợp tác về điện, kinh tế số…
Biến đổi khí hậu, thời tiết ngày càng cực đoan, thiên tai ngày càng phức tạp, gây nhiều thiệt hại trong sản xuất nông nghiệp. Tại tỉnh Quảng Bình, nông dân đã triển khai nhiều mô hình chuyển đổi trên đất gò đồi, đất kém hiệu quả để thích ứng, giảm nhẹ tác động của các loại hình thiên tai đối với sản xuất nông nghiệp, mang hiệu quả kinh tế cao.