Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ ba, ngày 12 tháng 7 năm 2016 | 8:26

Thủ tướng: Ngành Công Thương phải làm việc với tinh thần khởi nghiệp

Chiều 12/7, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2016 của Bộ Công Thương.

Yêu cầu Bộ Công Thương làm việc với tinh thần khởi nghiệp, phục vụ doanh nghiệp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng phải huy động được khu vực tư nhân tham gia tích cực hơn nữa vào sự nghiệp CNH-HĐH đất nước.

Thủ tướng mong muốn doanh nghiệp ngành công thương phải đi bằng đôi chân của mình để ra biển lớn- môi trường cạnh tranh quốc tế. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Một bộ ít bị doanh nghiệp kêu ca, phàn nàn

Sau khi nghe các ý kiến của đại diện doanh nghiệp, hiệp hội, Sở Công Thương, Thủ tướng đánh giá cao kết quả mà ngành công thương đạt được 6 tháng đầu năm 2016, qua đó, đóng góp tích cực vào sự phát triển của đất nước trong bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, nổi lên là ảnh hưởng của Elnino mạnh nhất trong 100 năm qua, hạn hán, xâm nhập mặn hay sự cố môi trường ở miền Trung mà riêng Thủ tướng phải họp 17 cuộc để chỉ đạo xử lý.

Thủ tướng nêu tên cụ thể các ngành, mặt hàng, lĩnh vực đạt kết quả đáng khích lệ như công nghiệp chế biến chế tạo tăng 10,1%, điện sản xuất tăng 11,6%, sản lượng apatit tăng 13,3%, khí hóa lỏng tăng 11,3%, sắt thép thô tăng 15,1%... Bên cạnh đó, xuất khẩu duy trì đà tăng trưởng khá, mặc dù trong lĩnh vực nông nghiệp, mất 1,4 triệu tấn lương thực do thiên tai nhưng lần đầu tiên kim ngạch xuất khẩu đạt trên 15 tỷ USD. Thị trường trong nước tiếp tục được quan tâm phát triển, hàng hóa đa dạng, không xảy ra tình trạng mất cân đối cung cầu đối với các mặt hàng thiết yếu, cơ bản thực hiện tốt việc bình ổn giá, quản lý thị trường.

Đánh giá cao công tác cải cải cách thủ tục hành chính của Bộ Công Thương, Thủ tướng cho rằng đây là một bộ “ít bị doanh nghiệp kêu ca, phàn nàn”.

Bên cạnh đó, chỉ ra một số mặt tồn tại, hạn chế mà ngành cần khắc phục trong thời gian tới, Thủ tướng bày tỏ không hài lòng về con số tăng trưởng ngành công nghiệp và xây dựng chỉ đạt 7,12%, thấp hơn so với cùng kỳ 2015, đặc biệt là chỉ số sản xuất công nghiệp IIP chỉ tăng 7,5% (cùng kỳ thăng 9,6%), bởi sản xuất, kinh doanh chính là yếu tố quyết định tăng trưởng. Ngoài ra, kim ngạch xuất khẩu tăng thấp, quản lý thị trường còn bất cập, một số chuỗi doanh nghiệp bán lẻ bị nước ngoài chi phối, tình trạng gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng vẫn tiếp diễn, chưa giải quyết được căn bản. Việc quản lý bán hàng đa cấp chưa chặt chẽ, còn gây bức xúc trong xã hội…

Từ tình trạng nêu trên, Thủ tướng nêu một số nhiệm vụ mà ngành công thương cần chú trọng thực hiện. Đó là ngành phải thay đổi cơ bản cách quản lý để xây dựng một nền kinh tế thị trường thực chất, hiệu quả. Việc nào thị trường làm tốt hơn thì để thị trường tự vận động, Nhà nước chỉ tập trung vào những việc mà thị trường làm không tốt hay còn gọi là “thất bại thị trường”. Ngành phải tổ chức, quản lý thị trường bảo đảm cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng, minh bạch, chống độc quyền.

Thứ hai, có giải pháp để công nghiệp, thương mại trong nước có thể dịch chuyển lên nhanh, cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu. Nếu không đổi mới, sáng tạo thì sẽ trở thành nền kinh tế đơn thuần là gia công, Thủ tướng nhấn mạnh.

Thứ ba, phải huy động được khu vực tư nhân tham gia tích cực hơn nữa vào công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, tạo điều kiện và động lực cho họ nỗ lực sáng tạo, tiếp thu công nghệ với tinh thần doanh nghiệp tư nhân là động lực phát triển.

Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Giúp doanh nghiệp ra biển lớn

“Các đồng chí phải làm việc với tinh thần khởi nghiệp, phục vụ doanh nghiệp”, Thủ tướng yêu cầu và nhắc lại định hướng xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo, phục vụ; cho rằng phải đổi mới cả cách làm quy hoạch, xây dựng chiến lược theo hướng thị trường, “nếu cứ làm theo tư duy kế hoạch hóa thì sẽ thất bại”.

Ngành công thương phải có tư duy mới, thiết kế chính sách khuyến khích ưu đãi vừa phù hợp với cơ chế thị trường, vừa tạo động lực mạnh mẽ cho chủ thể của nền kinh tế phát triển theo mục tiêu Nhà nước đề ra; hạn chế, tiến tới chấm dứt cơ chế xin- cho, không bao cấp, chống lợi ích cục bộ và lợi ích nhóm. Tập trung xây dựng cơ chế, chính sách, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho đầu tư, kinh doanh, tận dụng hiệu quả các lợi ích từ hội nhập. Tất cả các ngành hàng, tập đoàn, tổng công ty phải tập trung vào sản xuất, coi đó là giải pháp quan trọng trong cho tăng trưởng và có phương án xử lý hiệu quả các dự án trì trệ, thua lỗ kéo dài.

Thủ tướng khẳng định bên cạnh phát triển kinh tế, phải kiên quyết bảo vệ môi trường, bao gồm môi trường tự nhiên và xã hội, môi trường cạnh tranh, đặc biệt là môi trường sống của người dân. “Không thể phát triển với bất cứ giá nào, bài học Formosa để lại cho chúng ta nhiều vấn đề đáng suy ngẫm", Thủ tướng chia sẻ và đề nghị các bộ, ngành, địa phương nêu cao trách nhiệm chính trị trước Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ và nhân dân nếu để xảy ra thảm họa môi trường.

Với các doanh nghiệp thuộc ngành công thương, Thủ tướng mong muốn phải đi bằng đôi chân của mình để ra biển lớn- môi trường cạnh tranh quốc tế.

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, với mục tiêu xây dựng Chính phủ kiến tạo, là đối tác của doanh nghiệp, Bộ đã tập trung triển khai nhiều giải pháp như đã chỉ đạo tiến hành tập trung rà soát hơn 20 văn bản qui phạm pháp luật có các qui định về cấp phép xuất nhập khẩu, quản lý phân bón, hóa chất, khoáng sản, an toàn thực phẩm... thuộc chức năng, phạm vi quản lý Nhà nước của Bộ Công Thương và đã xác định gần 50 nội dung sửa đổi, đơn giản hóa, loại bỏ.

Đến nay, Bộ đã mở rộng triển khai 26 dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 3, mức độ 4 và hầu hết các thủ tục hành chính công của Bộ Công Thương đã được triển khai thành các dịch vụ công trực tuyến.

Bộ Công Thương đã quyết tâm xây dựng và từ ngày 1/6/2016 chính thức đưa vào áp dụng Hệ thống quản lý văn bản điện tử (Hệ thống iMOIT) trong xử lý văn bản đi/đến. Qua đó, tất cả văn bản của các đơn vị trong Bộ sẽ hoàn toàn xử lý trên môi trường điện tử.

Với việc đưa vào áp dụng Hệ thống quản lý này, Bộ Công Thương là bộ đầu tiên áp dụng quy trình quản lý và xử lý văn bản đi, văn bản đến hoàn toàn trên môi trường điện tử, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết.

Theo Đức Tuân/Chinhphu.vn

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Bảo hiểm nông nghiệp, “lá chắn” tài chính cho nông dân

    Bảo hiểm nông nghiệp, “lá chắn” tài chính cho nông dân

    Trong phiên giải trình mới đây tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, liên quan tới bảo hiểm nông nghiệp (BHNN), Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan cho biết, sau bão Yagi (bão số 3), bộ đã thiết kế lại dự thảo để trình Bộ Tài chính sửa đổi Nghị định 58 về BHNN. Chưa bao giờ chúng tôi thấy BHNN cần thiết như sau bão Yagi.

  • Hà Nội thúc đẩy ngành chăn nuôi phát triển bền vững

    Hà Nội thúc đẩy ngành chăn nuôi phát triển bền vững

    Kế hoạch này nhằm triển khai thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt các Đề án: Phát triển công nghiệp sản xuất giống; công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi; giết mổ, chế biến và thị trường sản phẩm chăn nuôi; đẩy mạnh hoạt động khoa học công nghệ ngành chăn nuôi đến năm 2030 trên địa bàn thành phố Hà Nội.

  • Quảng Nam định hướng đưa sâm Ngọc Linh thành Thương hiệu quốc gia

    Quảng Nam định hướng đưa sâm Ngọc Linh thành Thương hiệu quốc gia

    Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Lương Nguyễn Minh Triết vừa ký ban hành Nghị quyết số 40-NQ/TU về tăng cường công tác quản lý, bảo tồn và phát triển sâm Ngọc Linh trên địa bàn tỉnh đến năm 2030, định hướng đến năm 2035.

Top