Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024  
Thứ tư, ngày 17 tháng 6 năm 2020 | 14:11

Thực hiện EVFTA: Cú hích mạnh nếu tận dụng tốt

Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) sẽ thúc đẩy quan hệ song phương, giúp Việt Nam nâng cao nội lực và củng cố vị thế.

Đặc biệt, Hiệp định mang lại lợi ích giúp tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm, thu ngân sách, tạo ra sức ép cải cách...

 

tr8.jpg
Phân loại chanh dây tại Trung tâm chế biến rau quả Doveco Gia Lai. Ảnh: Hoài Nam.

 

Nhiều kỳ vọng

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho rằng, bên cạnh những tác động tích cực về mặt kinh tế và cải cách pháp luật - thể chế theo hướng tiệm cận với chuẩn mực quốc tế, Hiệp định dự kiến sẽ giúp việc giảm nghèo nhanh hơn.

Ông Tuấn Anh dẫn kết quả nghiên cứu của báo cáo “Việt Nam: Tăng cường hội nhập quốc tế và thực thi EVFTA” do Ngân hàng Thế giới (WB) thực hiện vào cuối tháng 4 vừa qua cho thấy, EVFTA có thể giúp Việt Nam tăng thêm 0,8 triệu người thoát nghèo vào năm 2030, tương đương với mức giảm tỉ lệ nghèo 0,7%.

Hiệp định này cũng có khả năng giúp thu hẹp khoảng cách tiền lương theo giới tính thêm 0,15%, đặc biệt cho các hộ gia đình thuộc nhóm 40% có thu nhập thấp nhất.

Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, EVFTA sẽ giúp doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội tiếp cận các chuỗi cung ứng mới thay thế cho các chuỗi cung ứng truyền thống vốn đang bị đứt đoạn hoặc đình trệ.

Đối với Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA), Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, Hiệp định sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Việt Nam thông qua tác động tới đầu tư, thương mại, cải thiện năng suất và cải thiện môi trường thể chế.

Trong ngắn hạn (giai đoạn 2019-2021), tăng trưởng thương mại do giảm các hàng rào phi thuế quan có tác động tích cực hơn đến tăng trưởng GDP. So với trường hợp không tham gia các hiệp định này, GDP của Việt Nam tăng thêm 0,28-0,63%/năm.

 

Sáng 8/6, với đa số phiếu tán thành, Quốc hội đã biểu quyết thông qua phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA).

 

Đặc biệt, việc tham gia các hiệp định này dự kiến sẽ có tác động trực tiếp, gián tiếp đến việc tạo việc làm và thu nhập của người lao động. Trong ngắn hạn, trung bình mỗi năm sẽ tạo thêm 26.000-66.000 việc làm.

Cơ hội tiếp cận thị trường 18.000 tỷ USD

Tại “sân chơi mới”, nhiều doanh nghiệp (DN) đang tích cực chuẩn bị tiếp cận thị trường GDP 18.000 tỷ USD.

Theo ông Phan Minh Thông, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Phúc Sinh, sẽ có nhiều đơn hàng từ châu Âu hơn khi thuế giảm xuống 0% so với nhiều mặt hàng thực phẩm chế biến đang phải chịu 6%. 

“Chúng tôi đang xuất khẩu khá nhiều cà phê, điều, hạt tiêu và hương vị sang châu Âu và kỳ vọng sẽ có thêm nhiều đơn hàng mới nhờ tác động của EVFTA. Đây là  hiệp định thương mại mang tính đột phá và sẽ đem tới nhiều cơ hội”, ông Thông nói.

Suốt mấy tháng nay loay hoay tìm thị trường do ảnh hưởng của dịch, bà Vũ Thị Hồng Yến, Giám đốc Công ty TNHH thêu Minh Trang (Ninh Bình), cho biết, đơn hàng xuất khẩu của DN mình bị giảm tới hơn 60%.

“Khách hàng của chúng tôi trước đây có nhiều ở Pháp, Đan Mạch, Anh... nhưng gần đây EU phong tỏa do dịch nên phải tìm thị trường mới. Chúng tôi kỳ vọng dịch bệnh sớm được kiểm soát, đến khi EVFTA được thực thi, DN sẽ có nhiều cơ hội hơn vì đây là thị trường chính của chúng tôi”, bà Yến chia sẻ tầm quan trọng của thị trường EU.

Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, thời gian qua, DN trong nước còn loay hoay tại thị trường EU do cạnh tranh đến từ các nền công nghiệp quy mô khác, đặc biệt là Trung Quốc. Trong đó, giá sản phẩm của Việt Nam thường cao hơn 10-20% nên dù đây là thị trường nhập khẩu lớn thứ 2 thế giới (quy mô tới 2.338 tỷ USD), song thị phần xuất khẩu của nước ta chỉ khoảng 2%.

Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương, hiện cũng chỉ có hơn 42% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU được hưởng mức thuế 0% theo Chương trình ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP). Do đó, với những cam kết mở cửa thị trường mạnh mẽ, cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu gần 100% biểu thuế trong EVFTA, cơ hội gia tăng xuất khẩu là rất lớn, nhất là với những mặt hàng lợi thế như dệt may, da giày, nông thủy sản, đồ gỗ...

6 khuyến nghị

Báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội về việc phê chuẩn EVFTA, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu đã nêu lên 6 khuyến nghị khi EVFTA chính thức có hiệu lực.

Một là, Chính phủ sớm ban hành chiến lược, kế hoạch chi tiết để triển khai Hiệp định. Tổ chức phổ biến, tuyên truyền kịp thời, sâu rộng trong hệ thống chính trị, cộng đồng DN và người dân.

Hai là, các bộ, ngành liên quan phối hợp lãnh đạo các địa phương chọn lựa, xác định danh mục ngành hàng, các sản phẩm là thế mạnh của Việt Nam sớm tham gia vững chắc thị trường rộng lớn này. Trước mắt có biện pháp giữ, duy trì thị phần thị trường các nước Liên minh châu Âu trong điều kiện đại dịch Covid-19. Đồng thời, tận dụng tốt thành tựu cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, nền kinh tế số, trí tuệ nhân tạo.

Ba là, có chính sách hỗ trợ đào tạo nâng cao chất lượng nguồn lao động, chính sách thúc đẩy chương trình phát triển vững chắc DN nhỏ và vừa, nhất là sử dụng gói hỗ trợ kỹ thuật để nâng cao năng lực hội nhập và quản trị hiệu quả đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Bốn là, xây dựng chương trình tăng khả năng đối phó hiệu quả, hạn chế rủi ro thấp nhất với những diễn biến phát sinh phi truyền thống. Nghiên cứu luật pháp nước sở tại để hạn chế vi phạm trong hoạt động thương mại.

Năm là, cung cấp đầy đủ, kịp thời bộ tài liệu Hiệp định, các tài liệu hướng dẫn, phổ biến, tuyên truyền. Các tài liệu hướng dẫn Hiệp định cần thể hiện bằng ngôn ngữ phù hợp để dễ tiếp cận, dễ hiểu và dễ nhớ.

Sáu là, tổ chức bộ máy, đào tạo, tập huấn cho đội ngũ cán bộ của các cơ quan liên quan ở Trung ương, địa phương nhất là đội ngũ cán bộ trực tiếp hướng dẫn, tổ chức thực hiện; thường xuyên tổ chức rà soát và kiểm tra công tác triển khai thực hiện Hiệp định trên thực tế.

Ngoài ra, một số ý kiến đề nghị, bên cạnh việc tuân thủ và nội luật hóa các cam kết để bảo đảm lộ trình thực hiện các cam kết trong Hiệp định, Quốc hội và Chính phủ cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện hệ thống pháp luật, trong đó có pháp luật về dịch vụ công để chủ động khai thác các lợi thế, thời cơ và ứng phó với các thách thức mà Hiệp định mang lại.

Để đạt mục tiêu kép

Ba ngày trước khi Quốc hội bỏ phiếu thông qua hai hiệp định quan trọng nói trên, Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 77-KL/TW về chủ trương khắc phục tác động của đại dịch Covid-19 để phục hồi và phát triển nền kinh tế đất nước.

Bộ Chính trị yêu cầu xác định rõ các cơ hội và thách thức để đưa ra các giải pháp tận dụng, chuyển hóa cơ hội và thách thức thành các động lực tăng trưởng mới, thúc đẩy nhanh hơn quá trình đổi mới, cơ cấu lại nền kinh tế. Cùng với các nhiệm vụ cấp bách, Nghị quyết đề cập các giải pháp dài hạn với yêu cầu nâng cao năng lực, sức cạnh tranh nhằm đón đầu các thời cơ, lợi thế, cơ hội mới, tập trung phục hồi và phát triển mới chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị; đa dạng hóa, tránh phụ thuộc vào một thị trường cả xuất khẩu và nhập khẩu; tăng cường xuất khẩu…

Ngay sau khi Bộ Chính trị ban hành Kết luận, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có ý kiến về việc triển khai Kết luận, trong đó nêu rõ, Quốc hội và Chính phủ kêu gọi đồng bào, chiến sỹ cả nước chung sức, đồng lòng, nỗ lực vượt khó, tận dụng thời cơ, không ngừng đổi mới sáng tạo, phấn đấu đạt mức cao nhất các chỉ tiêu của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020.

Làm rõ hơn quan điểm phát triển trong giai đoạn hiện nay, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị trong Kết luận số 77 là, phát triển kinh tế-xã hội trong nước là chính, đồng thời chuẩn bị sẵn sàng tốt nhất cho tương lai gần để mở cửa hội nhập, tiếp tục xây dựng Việt Nam là điểm đến an toàn của thế giới.

Tại phiên họp ngày 9/6 của Thường trực Chính phủ, Thủ tướng đã đồng ý từng bước mở lại các chuyến bay thương mại quốc tế và cho phép mở cửa trở lại các dịch vụ vũ trường và karaoke. Với các nội dung chỉ đạo này, có thể nói nền kinh tế - xã hội sẽ bước vào giai đoạn phát triển mới sau đại dịch.

Quả thật, đại dịch đã đặt Việt Nam vào một bối cảnh hết sức đặc biệt, nếu không nói là đặc biệt nhất kể từ khi Đổi mới. Trong bối cảnh đó, Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh, “khó khăn gấp đôi thì phải cố gắng gấp ba”..

 

GDP có thể tăng thêm hơn 3,2% trong 3 năm tới

Nghiên cứu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, EVFTA sẽ giúp kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng thêm khoảng 20% vào năm 2020; 42,7% vào năm 2025 và 44,37% vào năm 2030 so với không có hiệp định.

EVFTA góp phần làm GDP của Việt Nam tăng thêm ở mức bình quân 2,18 - 3,25% (năm 2019 - 2023); 4,57 - 5,30% (năm 2024 - 2028) và 7,07 - 7,72% (năm 2029 - 2033).

 

 

 

 

Vân Nhi
Ý kiến bạn đọc
  • Thanh Hóa thu ngân sách đứng đầu khu vực Bắc Trung Bộ

    Thanh Hóa thu ngân sách đứng đầu khu vực Bắc Trung Bộ

    Theo báo cáo tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh tỉnh Thanh Hóa năm 2024, tại phiên họp thường kỳ tháng 11/2024, thu ngân sách Nhà nước tỉnh Thanh Hóa dự kiến đạt hơn 50 nghìn tỷ đồng, đứng đầu khu vực Bắc Trung Bộ.

  • Du lịch sinh thái ở Cà Mau: Tiềm năng và vận hội

    Du lịch sinh thái ở Cà Mau: Tiềm năng và vận hội

    Cà Mau được thiên nhiên ưu đãi với địa lý, thiên nhiên án ngữ vùng cực Nam của Tổ Quốc. Nơi đây tồn tại 3 hệ sinh thái ngập nước ngọt, lợ, mặn riêng biệt, tạo nên một môi trường phát triển kinh tế thuận lợi. Đối với du lịch, môi trường tự nhiên của tỉnh này đang là tiềm năng, vận hội mới cho ngành công nghiệp không khói phát triển.

  • Kỳ vọng của Quỹ tín dụng nhân dân đối với Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam trong giai đoạn phát triển mới

    Kỳ vọng của Quỹ tín dụng nhân dân đối với Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam trong giai đoạn phát triển mới

    Bài viết này tập trung vào chính sách bảo hiểm tiền gửi (BHTG) đối với hoạt động của các tổ chức tín dụng (TCTD) trong nền kinh tế thị trường; vai trò của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN) đối với hệ thống QTDND trong thời gian qua, những đóng góp tích cực và những mặt còn hạn chế.

Top