Trước diễn biến phức tạp về dịch cúm A/H7N9 tại Trung Quốc, tỉnh Bắc Giang và huyện Bình Liêu (Quảng Ninh) đang tập trung triển khai đồng bộ nhiều biện pháp phòng, chống dịch bệnh, ngăn chặn vi rút cúm gia cầm và các chủng vi rút khác xâm nhiễm vào địa bàn.
Các ngành chức năng tăng cường kiểm soát gia cầm và các sản phẩm gia cầm tại chợ trung tâm huyện Bình Liêu (Quảng Ninh).
Đồng bộ các giải pháp
Huyện Bình Liêu (Quảng Ninh) có 43km đường biên giới tiếp giáp với Trung Quốc, để phòng chống dịch cúm xâm nhiễm qua đường biên giới vào nước ta, các ngành chức năng huyện này đã và đang tăng cường phối hợp, quản lý chặt chẽ toàn tuyến biên giới nhằm ngăn chặn triệt để việc nhập lậu gia cầm trái phép vào địa phương. Đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, tăng cường thanh, kiểm tra các hoạt động sản xuất, chế biến, kinh doanh gia cầm, sản phẩm gia cầm trên địa bàn.
Ông Mè Quý Hưng, Phó trưởng ban quản lý chợ Bình Liêu cho biết, Ban đang quản lý 3 chợ, để chủ động phòng, chống dịch cúm A/H7N9, Ban đã phối hợp với Đội quản lý thị trường, Đội quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm huyện thường xuyên tuyên truyền đến từng hộ kinh doanh mặt hàng gia cầm, thủy cầm tại các chợ, cấm thu mua, nhập khẩu đối với gia cầm và thủy cầm không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.
Về vấn đề này, ông Đỗ Cao Sơn, Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 10 cho biết, để ngăn chặn dịch cúm, đội đã tập trung tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát trên các tuyến quốc lộ, đường biên giới, nhằm phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu.
Tại khu vực cửa khẩu Hoành Mô, các lực lượng chức năng cũng đã tăng cường các biện pháp kiểm tra, giám sát chặt chẽ người và hàng hoá lưu thông qua cửa khẩu, giám sát chặt chẽ hành khách nhập cảnh, những người đi về từ vùng đang có dịch, sử dụng máy đo thân nhiệt để phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh, cách ly và xử lý kịp thời. Đồng thời, kiểm tra và xử lý nghiêm, triệt để các đối tượng vận chuyên, tập kết, buôn bán gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu qua biên giới hoặc không chứng minh được nguồn gốc, xuất xứ.
Trao đổi với phóng viên, Đại úy Vũ Văn Lương, Trạm trưởng Trạm biên phòng cửa khẩu Hoành Mô cho biết, trước tình trạng dịch cúm A/H7N9 đang diễn biến phức tạp ở Trung Quốc, Đồn đã chỉ đạo các trạm và các đội nghiệp vụ phối hợp tốt với các ngành chức năng ở cửa khẩu kiểm soát chặt chẽ người, phương tiện hàng hóa qua lại khu vực cửa khẩu Hoành Mô cũng như các điểm xuất hàng tại khu vực đơn vị quản lý.
Ngoài ra, đồn còn tăng cường phối hợp với Trạm kiểm dịch y tế quốc tế Cửa khẩu Hoành Mô duy trì tốt việc kiểm tra người bằng máy đo thân nhiệt; tham mưu cho huyện về công tác vệ sinh phòng dịch cũng như chuẩn bị triển khai phòng cách ly tại cửa khẩu để đề phòng khi có dịch có thể cách ly giữa người có dịch và không có dịch để đảm bảo an toàn.
Ông Đặng Bá Bắc, Chủ tịch UBND huyện Bình Liêu cho biết, huyện đã chỉ đạo tất cả các xã, thị trấn tăng cường tuyên truyền cho nhân dân hiểu đúng về tình hình và mức độ nguy hiểm của dịch bệnh. Trên cơ sở đó, có các biện pháp để phòng ngừa kịp thời. Đồng thời, chỉ đạo các ngành chức năng kiểm soát chặt chẽ hàng hóa, người đi lại qua khu vực biên giới, góp phần ngăn chặn có hiệu quả tình trạng gia cầm nhập lậu qua lại giữa biên giới Việt Nam và Trung Quốc.
Ngoài ra, huyện đã trích kinh phí dự phòng để đầu tư thiết yếu cho công tác phòng dịch như: vôi bột, vắc xin, các trang thiết bị y tế để phục vụ cho công tác phòng chống dịch. Để phòng chống dịch trên người, huyện chỉ đạo phòng y tế bố trí phòng cách ly đặt tại khu vực Cửa khẩu để nếu phát hiện trường hợp nào lây nhiễm bệnh thì cách ly ngay và báo cho cơ quan chức năng giải quyết các quy trình tiếp theo.
Ngăn chặn triệt để nguồn bệnh
Bắc Giang hiện có khoảng 16 triệu con gia cầm, thủy cầm, trong đó tập trung lớn nhất ở huyện Yên Thế. Là tỉnh có diện tích rộng, giao thông thuận lợi, lại giáp với tỉnh Lạng Sơn, nơi có đường biên giới với Trung Quốc - nơi đang có dịch, do vậy tỉnh này đang thực hiện nhiều giải pháp nhằm phòng chống dịch cúm A/H7N9. Đặc biệt, tỉnh này xác định ngăn chăn triệt để nguồn bệnh ngay từ vòng ngoài không cho dịch vào địa bàn.
Hiện, Bắc Giang có khoảng 16 triệu con gia cầm, thủy cầm. Tỉnh này xác định ngăn chặn triệt để nguồn bệnh ngay từ vòng ngoài.
Trao đổi với phóng viên, ông Vũ Trí Hải, Chủ tịch UBND huyện Yên Thế cho biết, với sự chỉ đạo của UBND tỉnh, huyện Yên Thế đã chủ động làm tốt công tác phòng dịch, kiểm tra, kiểm soát thị trường. Ngăn chặn mọi biểu hiện của việc nhập lậu trứng và giống gà có nguồn gốc từ Trung Quốc, kiểm soát chặt chẽ nguồn đầu vào.
Ông Dương Thanh Tùng, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Bắc Giang cho biết: “Khó khăn nhất hiện nay của Bắc Giang là làm sao ngăn chặn được gia cầm nhập lậu từ Trung Quốc vào địa bàn. Thứ 2, dịch cúm A/H7N9 chỉ cư trú trên gia cầm nhưng không gây chết gia cầm nên không thể biết gia cầm có cúm hay không, mà chỉ lây từ gia cầm sang người, gây chết người. Chúng tôi buộc phải phối hợp với Trung ương lấy mẫu xét nghiệm, vừa rồi Cục Thú y thông báo, Bắc Giang không có trường hợp nào dương tính với dịch cúm”.
Cũng theo ông Tùng, Bắc Giang đã và đang thực hiện nhiều việc làm cụ thể để phòng chống dịch. Trong đó, tập trung tuyên truyền cho bà con chăn nuôi, chính quyền địa phương hiểu rõ, hiểu đúng tình hình dịch bệnh từ đó có ý thức phòng chống.
Tuyên truyền tránh gây hoang mang, tránh tình trạng tẩy chay, không ăn gà, không tái đàn. Đặc biệt, tuyệt đối không sử dụng nguồn giống từ Trung Quốc, không sử dụng nguồn giống gia cầm không rõ nguồn gốc. Kiện toàn ban chỉ đạo các cấp từ tỉnh đến xã, tham mưu thành lập 4 đoàn kiểm tra, tới đây sẽ kiểm tra công tác phòng chống dịch ở các huyện, thành phố.
Theo ông Tùng, hiện Bắc Giang chưa phát hiện ổ dịch nào nhưng tỉnh đã tăng cường công tác giám sát kể cả dịch bệnh tại cơ sở. Thực hiện chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và PTNT, tỉnh Bắc Giang sẽ thực hiện tháng tiêu độc khử trùng trong tháng 3/2017 để tiêu diệt mầm bệnh, phun tiêu độc vệ sinh chuồng trại, khơi thông cống rãnh; tiêm phòng vắc-xin A/H5N1 theo kế hoạch của tỉnh, kiểm tra kiểm dịch, kiểm soát giết mổ.
Ông Tùng cho biết thêm, Sở tiếp tục phối hợp với Sở Công Thương tập trung cao việc ngăn chặn kiểm soát gia súc, gia cầm. Đặc biệt là với giống và thịt gia cầm từ Trung Quốc vào địa bàn hoặc trung chuyển qua địa bàn.
Với sự vào cuộc quyết liệt, triển khai đồng bộ nhiều biện pháp trong việc phòng, chống, ngăn chặn dịch cúm A/H5N9 của các địa phương hy vọng dịch cúm này sẽ không có cơ hội xâm nhập vào Việt Nam.
Bộ Nông nghiệp và PTNT vừa phối hợp với UBND Lạng Sơn tổ chức Hội nghị triển khai các biện pháp ngăn chặn chủng virus cúm A/H7N9 và các chủng virus khác xâm nhiễm qua biên giới. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, chỉ trong 2 tháng đầu năm nay, Trung Quốc đã ghi nhận 112 trường hợp người bị nhiễm cúm A/H7N9 ở 16 tỉnh, thành, đặc biệt là những tỉnh phía Nam giáp biên giới Việt Nam. Do đó, virus cúm A có thể xâm nhập vào Việt Nam bất cứ thời điểm nào nếu Việt Nam không có biện pháp kịp thời và quyết liệt để ngăn chặn. Ngoài cúm A/H7N9, tại Trung Quốc cũng xuất hiện một số chủng cúm khác trên gia cầm như cúm A/H5N2, H5N6… Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Vũ Văn Tám đề nghị: Tất cả các cấp từ Trung ương đến các địa phương, đặc biệt là các tỉnh có biên giới với Trung Quốc cần xây dựng kế hoạch cụ thể và thực hiện một cách quyết liệt để ngăn chặn virus cúm A/H7N9 cũng như các chủng virus khác trên đàn gia cầm xâm nhập vào Việt Nam. Các địa phương có đường biên giới cần phối hợp chặt chẽ, triển khai đồng bộ các biện pháp ngăn chặn không để gia cầm và sản phẩm gia cầm nhập lậu lọt vào nội địa. Lực lượng chuyên ngành cũng như các địa phương cần thành lập đoàn công tác, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống dịch bệnh tại cơ sở. Đặc biệt, chú trọng phòng bệnh trên đàn gia cầm chăn nuôi trong nước, kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc gia cầm đang bán tại các chợ. |
Hoàng Văn - La lành
Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính: “Thời gian, trí tuệ, quyết định kịp thời, đúng lúc là yếu tố quyết định thành công. Vừa qua Tổng Bí thư nêu lãng phí thời gian, mà thời gian là tiền bạc, sao cứ để loay hoay mãi. Phân cấp mạnh ra, quy định trong luật cho rõ cái gì được làm và không được làm để người ta sáng tạo”
Cà Mau được thiên nhiên ưu đãi với địa lý, thiên nhiên án ngữ vùng cực Nam của Tổ Quốc. Nơi đây tồn tại 3 hệ sinh thái ngập nước ngọt, lợ, mặn riêng biệt, tạo nên một môi trường phát triển kinh tế thuận lợi. Đối với du lịch, môi trường tự nhiên của tỉnh này đang là tiềm năng, vận hội mới cho ngành công nghiệp không khói phát triển.
Mỗi năm, huyện Yên Thế (Bắc Giang) bán ra thị trường trên 10 triệu con gia cầm thương phẩm, giá trị sản xuất năm 2024 ước đạt trên 1.600 tỷ đồng. Tuy chăn nuôi đã trở thành một nghề quan trọng trong kinh tế địa phương nhưng vẫn còn nhiều khó khăn trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ. Trước thực trạng này, nhiều giải pháp đã được đưa ra.