Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 14 tháng 10 năm 2016 | 2:5

Tích tụ ruộng đất: Cánh cửa đã mở?

Trong một thời gian dài, chúng ta duy trì mô hình kinh tế hộ với mỗi gia đình vài sào ruộng chia theo nhân khẩu nhằm mục tiêu đảm bảo an ninh lương thực. Nhưng hiện nay, trong bối cảnh cần thiết phải đổi mới nền sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, tích tụ ruộng đất được xem là đòi hỏi cấp thiết. Cái nhìn về an ninh lương thực cũng cần khác đi.

Sản xuất tập trung trên quy mô lớn có điều kiện cơ giới hóa, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật...

Kinh tế hộ đã hoàn thành nhiệm vụ

Tại hội nghị “Phát triển doanh nghiệp nông nghiệp trong tiến trình tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới”, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình nhận xét, từ chỗ đói ăn đến nay Việt Nam đã khá giả hơn nhờ những chính sách trong nông nghiệp như Khoán 100, Khoán 10 lấy kinh tế hộ làm hạt nhân, giúp giải phóng sức sản xuất. Mô hình kinh tế hộ là tự cung tự cấp, lo cái ăn cho gia đình, cho nhu cầu trong nước. “Giờ sứ mệnh lịch sử đã xong. Chúng ta phải sản xuất hàng hóa lớn để tham gia vào thị trường và chuỗi giá trị toàn cầu. Mục tiêu đã khác, quan hệ cũng đã khác”, ông Bình nhấn mạnh - “Không thể lấy hộ gia đình mà phải lấy hợp tác xã và doanh nghiệp làm hạt nhân. Nhưng tư liệu sản xuất lớn nhất là đất đai lại đang manh mún, làm sao đảm bảo tích tụ ruộng đất mà vẫn đảm bảo quyền lợi người nông dân”, ông nói.

Nhận định này của Trưởng ban Kinh tế Trung ương cũng đồng nghĩa với việc, lẽ ra Việt Nam cần phải chuyển đổi mô hình kinh tế hộ sang kinh tế hợp tác và cho phép tích tụ đất đai từ cách đây hơn 20 năm. Ngay từ đầu những năm 90 của thế kỷ trước, Việt Nam đã không còn là quốc gia thiếu lương thực và thậm chí đã có thể xuất khẩu lúa gạo cả triệu tấn mỗi năm. Ngay từ thời điểm đó Việt Nam đã đủ điều kiện để chuyển sang kinh tế hợp tác và sản xuất nông nghiệp quy mô lớn theo hình mẫu các nước phát triển, nhưng chúng ta đã chậm trễ hơn 20 năm.

Ông Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh, muốn khuyến khích doanh nghiệp đầu tư làm nông nghiệp thì chỉ có hai cách: tích tụ ruộng đất và đẩy mạnh kinh tế hợp tác, kinh tế tập thể trong nông nghiệp.

Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Mía đường Lam Sơn, ông Lê Văn Tam nói, Đảng cần đổi mới quan hệ sản suất quy mô nhỏ sang quy mô lớn, cũng như đổi mới phương tiện sản xuất sang cơ giới hóa để giảm giá thành, giảm chi phí, và nâng cao năng suất lao động. “Nhà nước đã có chính sách khuyến khích doanh nghiệp như hỗ trợ vốn để đổi mới công nghệ, nhưng chưa đủ. Nếu không đổi mới phương thức sản xuất sang quy mô lớn thì không cách nào đổi mới công nghệ được”, ông Tam nói và kiến nghị: “Sớm có chính sách phù hợp về đất đai. Đất đai thì manh mún, nông dân thì bỏ ruộng rất nhiều. Tài sản quý như vậy đang bị lãng phí, chúng ta không thể làm ngơ”.

Theo Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, tình trạng canh tác nhỏ lẻ, manh mún, thiếu liên kết chặt chẽ trong các mô hình kinh tế tập thể, sản xuất theo chuỗi, cánh đồng lớn… là những hạn chế phổ biến, tồn tại lâu đời, dẫn đến hàng loạt hạn chế khác. Đơn cử như ở An Giang, tỉnh có sản lượng lúa đứng thứ nhất, nhì vùng nhưng hiện nay có đến 75% hộ nông dân có diện tích canh tác lúa dưới 1ha. Nông hộ nhỏ lẻ khiến họ rất khó thoát nghèo và làm giàu từ cây lúa vì muốn làm giàu họ phải có trên 3 ha.

Hàng năm, toàn vùng Đồng bằng Sông Cửu Long sử dụng khoảng 100.000 tấn thuốc bảo vệ thực vật, trên 2 triệu tấn phân đạm, trong khi theo các nhà khoa học chỉ cần khoản 50% lượng này là đủ. Tính đến cuối năm 2015, số doanh nghiệp tham gia cánh đồng lớn mới chỉ phủ được 3,5% diện tích đất lúa toàn vùng. Tổn thất sau thu hoạch còn quá lớn. Hiện nay tổn thất sau thu hoạch lúa ở đồng bằng sông Cửu Long đang ở mức 12% về khối lượng và 13% về giá trị thương mại. Tổng tổn thất ở mức 25%, tương đương với 5 triệu tấn lúa mỗi năm, trị giá 25.000 tỉ đồng.

Các dấu hiệu báo động về tình hình sản xuất nông nghiệp đã liên tiếp xuất hiện trong thời gian gần đây, mà điển hình là tình trạng người nông dân bỏ ruộng ngày càng nhiều trên khắp cả nước. Điều này có những điểm tương đồng với những gì xảy ra tại nhiều vùng sản xuất nông nghiệp của Việt Nam trước khi chính sách Khoán 10 được ban hành. Thu nhập từ sản xuất nông nghiệp quy mô nhỏ lẻ tăng không đáng kể, trong khi các chi phí đầu vào như giống, phân bón, giá nhân lực, nhiên liệu thì ngày càng tăng với tốc độ chóng mặt.

Tích tụ ruộng đất đi đôi với bảo vệ quyền lợi nông dân

Một điều được các doanh nghiệp, người nông dân và các chuyên gia kinh tế chờ đợi rất lâu trong nhiều năm qua đối với ngành nông nghiệp nước nhà có vẻ như sắp trở thành sự thực: Nhà nước sẽ cho phép tích tụ đất đai. Bài phát biểu kết luận tại hội nghị của ông Nguyễn Văn Bình có lẽ sẽ khiến các nhà kinh tế, doanh nghiệp và người dân cảm thấy hết sức vui mừng, khi ông Bình tuyên bố: “Nội dung của hội thảo ngày hôm nay sẽ được Ban Kinh tế Trung ương, Bộ Nông nghiệp và PTNT cùng các bộ ngành liên quan chắt lọc, đề xuất Bộ Chính trị, Ban Bí thư trong thời gian sớm nhất thông qua hai chủ trương lớn là tích tụ ruộng đất và đẩy mạnh kinh tế hợp tác trong sản xuất nông nghiệp”. Nếu như phát biểu của ông Bình trở thành sự thực, đó sẽ là cả một cuộc cải cách lớn đối với nền nông nghiệp Việt Nam tính từ thời điểm ban hành chính sách Khoán 10 cách đây ba thập kỷ, khi mà cái nút thắt cứng đầu nhất và quan trọng nhất là vấn đề tích tụ đất đai cuối cùng cũng đã bắt đầu được cởi dần ra.

Trên thực tế, thời gian qua, để giải quyết “bài toán” này, nhiều địa phương đã có những cách làm sáng tạo. Ví dụ tại tỉnh Hà Nam, những nơi nông dân thấy việc chủ động canh tác không hiệu quả bằng dồn vào cho doanh nghiệp (DN) làm thì người dân tự nguyện, tỉnh đứng ra đại diện giao lại đất cho DN. Quyền sử dụng đất thực chất vẫn của nông dân và chỉ được chuyển cho DN trong giới hạn thời gian nhất định. Nông dân vẫn có cơ hội được làm việc trên chính mảnh đất của mình khi quay trở lại làm công cho DN.

Còn tại tỉnh Nam Định, một số DN mạnh dạn tiếp nhận quyền sử dụng đất qua việc chuyển nhượng của người dân. Hình thức tiếp theo có thể kể đến là hình thành các HTX. Nhiều nông dân cùng nguyện vọng, thống nhất mục tiêu sản xuất, liên kết chặt với DN.

Phát biểu kết luận hội nghị “Phát triển DN nông nghiệp trong tiến trình TCC nông nghiệp gắn với XDNTM” của Trưởng ban Kinh tế Trung ương đang là những điều đáng để kỳ vọng, nhưng cũng là thách thức không nhỏ, bởi làm sao tích tụ ruộng đất mà vẫn đảm bảo quyền lợi người nông dân. Thực tế là, dù Nhà nước có bật đèn xanh và ban hành chính sách tạo điều kiện cho tích tụ ruộng đất và doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, thì mọi chuyện sẽ không dễ dàng thay đổi, khi vẫn có tới gần 70% người dân sinh sống tại các vùng nông thôn và có thu nhập phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp. Vừa có thể tiến hành tích tụ đất đai và sản xuất nông nghiệp quy mô lớn mà vẫn đảm bảo không ảnh hưởng đến công ăn việc làm và thu nhập của người nông dân là điều không dễ dàng. Và khi ruộng đất được tích tụ, các mô hình kinh tế mới được triển khai với sự đầu tư của doanh nghiệp thì an ninh lương thực sẽ không còn là vấn đề đáng lo ngại khi một nền nông nghiệp hiện đại đã được hình thành.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, hiện nay, chỉ có khoảng 3.643 DN trên tổng số trên nửa triệu DN đầu tư vào nông nghiệp.  Như vậy số lượng DN tham gia đầu tư chưa tới 1%, trong đó 90% là DN nhỏ, thậm chí siêu nhỏ. Từ năm 1993, đất nông nghiệp đã được giao cho nông dân ổn định lâu dài nên khi xuất hiện nhu cầu cần tập trung đất đai thì nảy sinh khó khăn. “Thời gian tới, hai vấn đề nổi cộm được tập trung tháo gỡ là tích tụ và tập trung nhóm giải pháp phát triển kinh tế tập thể, chủ thể là hợp tác xã. Ban Kinh tế Trung ương sẽ tiếp tục chỉ đạo Bộ Nông nghiệp PTNT, Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng các bộ, ngành liên quan bàn thảo sâu về hai vấn đề này”, Bộ trưởng Cường nhấn mạnh.

Trước quan điểm cho rằng, khi ruộng đất được tích tụ vào tay các DN, nông dân có thể mất tư liệu sản xuất, ông Cường lý giải: “Khi Nhà nước thực hiện chính sách giao quyền sử dụng đất cho nông dân cũng đã tính tới vẫn đề tích tụ ruộng đất nên luật pháp có quy định quyền chuyển nhượng của nông dân cho đối tượng sản xuất lớn hơn. Sử dụng đất đã có chế tài quy định. Sản xuất tập trung trên quy mô lớn có điều kiện cơ giới hóa, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật… để tạo ra ra nhiều việc làm hơn, qua đó nâng cao thu nhập của cả người nông dân lẫn doanh nghiệp”.

Còn theo chuyên gia kinh tế, TS.Đặng Kim Sơn, muốn tích tụ được đất đai thì phải giải quyết được 3 vấn đề. Thứ nhất, gắn với thị trường lao động, thậm chí là gắn với chiến lược công nghiệp hóa: làm sao tạo ra việc làm và thu nhập phi nông nghiệp một cách chính thức để rút mạnh lao động nông thôn ra khỏi nông nghiệp. Thứ hai, là tạo điều kiện cho những nông dân có năng lực ở lại, tích tụ được đất: thủ tục thuê đất, mua đất thuận lợi, chi phí giao dịch rẻ, có vốn mua đất, mua máy, có đường, có điện áp dụng cơ giới, mảng này gắn với thị trường đất đai và cơ sở hạ tầng. Thứ ba, gắn với vấn đề phát triển nông thôn, có chính sách để có thể thu hút các DN đầu tư vào nông thôn, hợp tác với nông dân sản xuất lớn giải quyết vấn đề đầu vào và đầu ra cho nông nghiệp. Ba mảng này phải lồng ghép với quá trình tái cơ cấu nền kinh tế chung, kể cả việc sửa đổi Luật Đất đai.

Khánh Nguyên (tổng hợp)

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Quảng Nam định hướng đưa sâm Ngọc Linh thành Thương hiệu quốc gia

    Quảng Nam định hướng đưa sâm Ngọc Linh thành Thương hiệu quốc gia

    Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Lương Nguyễn Minh Triết vừa ký ban hành Nghị quyết số 40-NQ/TU về tăng cường công tác quản lý, bảo tồn và phát triển sâm Ngọc Linh trên địa bàn tỉnh đến năm 2030, định hướng đến năm 2035.

  • Việt Nam – Mông Cổ hướng tới tăng trưởng bền vững trong nông nghiệp

    Việt Nam – Mông Cổ hướng tới tăng trưởng bền vững trong nông nghiệp

    Sáng 20/11, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan tiếp và làm việc với ông Jadamba Enkhbayar - Bộ trưởng Lương thực, Nông nghiệp và Công nghiệp nhẹ Mông Cổ, Chủ tịch Phân ban Mông Cổ trong Ủy ban liên Chính phủ song phương.

  • Ngành gỗ tăng tốc về đích sớm

    Ngành gỗ tăng tốc về đích sớm

    Một trong những điểm nhấn nổi bật trong "bức tranh" xuất khẩu nông lâm thủy sản từ đầu năm đến nay là kết quả xuất khẩu đồ gỗ và các sản phẩm từ gỗ. Đây là 1 trong 6 mặt hàng có thặng dư thương mại đạt trên 1 tỷ USD và hứa hẹn sẽ lập kỷ lục mới xuất khẩu trong năm 2024.

Top