Kể từ khi thành lập đến nay, Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc (NOMAFSI) đã và đang đóng góp tích cực vào việc phát triển kinh tế của bà con nông dân và các địa phương.
100 năm xây dựng và phát triển
Chỉ sau 3 ngày chiếm Kinh đô Thăng Long, chính quyền Pháp đã chú ý ngay đến việc khai thác và kinh doanh cây chè, một sản phẩm quý hiếm lúc bấy giờ ở Viễn Đông. Từ năm 1885 – 1917, người Pháp đã điều tra điều kiện tự nhiên, điều kiện sinh thái, sản xuất, tiêu thụ chè ở Đông Dương và Việt Nam.
Khởi đầu là cuộc điều tra về cây chè Bản Xang (Miền núi Bắc kỳ năm 1885) của G. Baux, sau đó là việc triển khai trồng 60 ha chè tại Tinh Cương, Thanh ba, Phú Thọ năm 1890 của nhà tư bản Paul Chaffanjon; tiếp đến là các khảo sát ở vùng sông Đà và sông MeKong của Pavie.
Từ các cuộc khảo sát, đồng thời căn cứ vào nhu cầu thực tiễn thị trường chè, người Pháp đã thấy sự cần thiết phải thành lập một cơ quan nghiên cứu, phát triển chè ở An Nam. Năm 1918, Thống sứ Bắc kỳ lúc đó là Bourcier Saint Chaffray đã ký Quyết định thành lập Trạm nghiên cứu nông nghiệp Phú Thọ.
Trải qua hơn 100 năm thành lập, với nhiều lần thay tên, mở rộng lĩnh vực nghiên cứu, tới nay Viện nghiên cứu Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc (xã Phú Hộ, thị xã Phú Thọ, tỉnh Phú Thọ) vẫn liên tục được kế thừa và phát triển; nhiều giống cây mới được nghiên cứu, khảo cứu, phục tráng được triển khai gieo trồng khá hiệu quả cho bà con nông dân,...
Cái nôi của những giống chè
Nổi bật trong việc gà đẻ trứng vàng của Viện chính là sản phẩm những giống chè. 100% các giống chè trên cả nước đều do Viện nghiên cứu và chuyển giao, Viện cũng là đơn vị đã thực hiện nhiều đề tài nghiên cứu giống, kỹ thuật canh tác, bảo vệ thưc vật, sinh hóa và chế biến nhằm chuyển giao hiệu quả cho bà con,...
Tới nay, đã có tới 173 giống chè trong thư viện giống của Viện; nhiều giống chè mới đã được công nhận tạm thời và chính thức như: LDP1, LDP2, Hùng Đinh Bạch, Keo An Tích, Phúc Vân Tiên, PT95, Kim Tuyên, Thúy Ngọc, Bát Tiên,... được bà con nông dân và chính quyền các địa phương tin tưởng áp dụng, đã có 60% diện tích trồng chè được đưa giống mới vào thay thế.
Ngoài ra, Viện còn nghiên cứu về một số cây trồng khác như khảo nghiệm các giống lúa chịu hạn, giống đậu tương; khảo nghiệm các chế phẩm sinh hóa phục vụ cho vấn đề chăm sóc cây trồng.
Với cây ăn quả, Viện còn thực hiện tốt việc đánh giá các quỹ gen, kết hợp điều tra khảo nghiệm và so sánh giống; đến nay đã tuyển chọn được 18 giống cây ăn quả triển vọng, gồm 03 giống dứa, 3 giống chuối, 4 giống hồng, 3 giống vải, 3 giống bưởi, 01 giống xoài, 01 giống lạc tiên. Đặc biệt, 4 giống của Viện đã được Bộ Nông nghiệp và PTNT công nhận, cho sản xuất thứ đó là các giống: chuối tiêu lùn VN1.064; giống lạc tiên LPH4; giống xoài Vân Du XPH11 và giống vải chín sớm Hùng Long.
Là một trong những cơ sở nghiên cứu hàng đầu về lĩnh vực nông lâm nghiệp của đất nước, NOMAFSI đã và đang đóng góp rất lớn vào quá trình tái cơ cấu nông nghiệp, tái cơ cấu cây trồng của cả nước, góp phần giúp bà con nông dân mang lại hiệu quả kinh tế ngày một cao hơn trong sản xuất nông lâm nghiệp.
Tin tưởng rằng, với tâm huyết về nghiên cứu khoa học kỹ thuật và tinh thần trách nhiệm với Đảng và Nhà nước của đội ngũ cán bộ, giáo sư, kỹ sư của Viện, thời gian tới những hạt giống vàng sẽ tiếp tục được sinh ra, làm đa dạng hơn thư viện giống cây trồng của nước nhà.
Việt Nam và Nhật Bản có nhiều tiềm năng, lợi thế riêng để thúc đẩy hợp tác phát triển nông nghiệp. Tuy nhiên, hiện giá trị xuất khẩu nông sản của Việt Nam vào thị trường Nhật Bản chiếm chưa tới 2% tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam vào quốc gia này. Để gia tăng xuất khẩu nông sản vào thị trường Nhật Bản, còn nhiều việc phải làm.