Thời điểm hiện tại, dịch bệnh gia súc, gia cầm đang tiềm ẩn nguy cơ bùng phát. Do vậy các cơ quan chức năng, các địa phương cũng như người chăn nuôi cần chủ động giải pháp phòng, chống, bảo đảm an toàn cho đàn vật nuôi.
Hà Nội: Dịch bệnh gia súc, gia cầm đang tiềm ẩn nguy cơ bùng phát
Để bảo đảm nguồn cung thực phẩm cho thị trường, ngành Nông nghiệp Thủ đô khuyến cáo các trang trại cần chủ động, tuân thủ chặt chẽ quy định về tiêm phòng vắc xin, chú trọng chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học...
Những ngày này, các hộ chăn nuôi trên địa bàn thành phố Hà Nội đang tập trung bảo vệ đàn vật nuôi để không xảy ra dịch bệnh, bảo đảm nguồn cung thực phẩm cho người tiêu dùng cũng như nguồn thu nhập ổn định vào dịp cuối năm. Tuy nhiên, thời tiết thay đổi, nền nhiệt độ thấp nên nguy cơ xảy ra dịch bệnh rất lớn.
Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Quang - Trưởng phòng Quản lý dịch bệnh (Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội) nhận định: Hiện nay, dịch bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn Hà Nội cơ bản đã được kiểm soát, tuy nhiên, bệnh Dịch tả lợn châu Phi, cúm gia cầm vẫn xảy ra tại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Mặt khác, trên địa bàn thành phố vẫn còn 673 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm thủ công chưa được kiểm soát; các hộ chăn nuôi chưa chú trọng tiêm vắc xin phòng, chống dịch bệnh theo quy định và vẫn mua con giống trôi nổi trên thị trường... Trong khi đó, lượng gia súc, gia cầm đang “đổ vào” thành phố rất lớn (tăng hơn 30% so với trung bình mỗi tháng trong năm), tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây lan dịch bệnh...
Để không xảy ra dịch bệnh gia súc, gia cầm trong dịp cận Tết, ngành Nông nghiệp Thủ đô khuyến cáo: Người chăn nuôi không được chủ quan, lơ là; cần tiêm phòng các loại vắc xin để tạo miễn dịch cho đàn gia súc, gia cầm và chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học.
Thực hiện yêu cầu của các cơ quan chức năng, ông Nguyễn Văn Lâm ở xã Cấn Hữu (huyện Quốc Oai) cho biết, trang trại của gia đình ông đang nuôi 100 lợn nái, 600 lợn thịt và 47.000 con gà đẻ trứng, ngay từ khi tái đàn đã tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin phòng bệnh theo quy định. Thời điểm này, trang trại tiếp tục duy trì vệ sinh, sát khuẩn chuồng trại và tăng cường hệ thống đèn sưởi để bảo vệ đàn vật nuôi khi thời tiết chuyển rét đậm, rét hại.
Còn theo ông Dương Xuân Tĩnh - Trạm trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Thường Tín, trên địa bàn huyện có chợ Hà Vỹ trung bình mỗi ngày tiêu thụ 40-50 tấn gia cầm và vào những ngày gần Tết Nguyên đán có thể tăng lên 100 tấn gia cầm/ngày. Hiện trạm đã phối hợp với các xã trên địa bàn đẩy mạnh tuyên truyền để người dân nâng cao ý thức phòng, chống dịch bệnh; mặt khác, yêu cầu cán bộ thú y giám sát việc tái đàn, xuất bán ở các hộ chăn nuôi. Riêng chợ gia cầm Hà Vỹ phải kiểm tra nguồn gốc xuất xứ và tổng vệ sinh sau mỗi buổi chợ; đồng thời tăng cường lấy mẫu để phát hiện dịch bệnh, kịp thời có biện pháp phòng, chống.
Để chủ động bảo đảm an toàn cho đàn vật nuôi trước nguy cơ bùng phát dịch bệnh gia súc, gia cầm, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Huy Đăng thông tin: Hà Nội tiếp tục tổ chức tổng vệ sinh, sát trùng nhằm tiêu diệt các loại mầm bệnh trong môi trường, nhất là ở những nơi có mật độ chăn nuôi cao, các điểm tập kết, buôn bán, giết mổ động vật.
Đồng thời, thành phố duy trì 6 chốt kiểm dịch động vật liên ngành để kiểm soát việc vận chuyển động vật, sản phẩm động vật, tổ chức ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển động vật, sản phẩm động vật trái phép.
"Các địa phương tiêm phòng vắc xin mới, tiêm nhắc lại, tiêm bổ sung cho đàn vật nuôi, bảo đảm tối thiểu trên 80% tổng đàn thuộc diện tiêm phòng được tiêm vắc xin, nhất là đối với bệnh cúm gia cầm, lở mồm long móng, tai xanh... Cùng với đó, người chăn nuôi cần thực hiện tốt các yêu cầu về chuồng trại, con giống, thức ăn, nước uống, chăm sóc, nuôi dưỡng, vệ sinh thú y, xử lý chất thải. Khi tái đàn hoặc nuôi mới, hộ chăn nuôi phải thực hiện nghiêm túc việc kê khai với chính quyền địa phương, để truy xuất nguồn gốc, xuất xứ gia súc, gia cầm...", ông Nguyễn Huy Đăng nhấn mạnh.
Từ những vấn đề nêu trên, có thể nhận định: Thời điểm hiện tại, dịch bệnh gia súc, gia cầm đang tiềm ẩn nguy cơ bùng phát. Do vậy các cơ quan chức năng, các địa phương cũng như người chăn nuôi cần chủ động giải pháp phòng, chống, bảo đảm an toàn cho đàn vật nuôi.
Thanh Hóa: Kiểm soát phòng ngừa bảo đảm an toàn trong chăn nuôi lợn
Thời gian qua, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn phối hợp với chính quyền các địa phương tập trung thực hiện các giải pháp tái đàn, khôi phục đàn lợn. Việc tái đàn lợn trên địa bàn tỉnh đều được thực hiện nghiêm theo quy định về chăn nuôi an toàn sinh học và điều kiện tái đàn lợn. Quá trình tái đàn lợn tại các trang trại, gia trại đều được UBND các xã, thị trấn kiểm tra, giám sát chặt chẽ, thực hiện lấy mẫu xét nghiệm để theo dõi nguy cơ của bệnh dịch.
Để kiểm soát, ngăn chặn bệnh dịch, bảo vệ đàn lợn, UBND huyện Như Thanh đã và đang chỉ đạo UBND các xã, thị trấn trên địa bàn tập trung hướng dẫn kỹ thuật cho các cơ sở chăn nuôi lợn áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp vệ sinh phòng bệnh, thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học theo hướng dẫn của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc chăn nuôi của các cơ sở chăn nuôi lợn, nhất là công tác tái đàn lợn; kiên quyết không thực hiện tái đàn đối với các hộ chăn nuôi không đủ các điều kiện chăn nuôi an toàn sinh học. UBND các xã, thị trấn tổ chức triển khai thực hiện kê khai hoạt động chăn nuôi lợn, trường hợp tái đàn phải báo cáo và được sự đồng ý bằng văn bản của chủ tịch UBND cấp xã.
Cùng với đó, thực hiện nghiêm việc tiêu độc, khử trùng tiêu diệt mầm bệnh theo quy định. Đối với vùng dịch, vùng bị dịch uy hiếp phải thực hiện việc tổng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng liên tục 1 lần/ngày trong vòng 1 tuần đầu tiên; 3 lần/tuần trong 3 tuần tiếp theo; đối với vùng đệm vệ sinh, tiêu độc, khử trùng liên tục 1 lần/tuần liên tục trong vòng 21 ngày kể từ khi có ổ dịch.
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện đàn lợn trên địa bàn tỉnh có khoảng 1.182.000 con, tăng 569.700 con so với cùng kỳ. Chi cục Chăn nuôi và Thú y đánh giá, hiện nguy cơ tiềm ẩn bùng phát các loại dịch bệnh vẫn còn cao, nhất là bệnh dịch tả lợn châu Phi.
Do đó, để chăn nuôi lợn phát triển bền vững, các địa phương, cơ sở và hộ chăn nuôi lợn cần tiếp tục chủ động thực hiện các giải pháp phòng, chống hiệu quả các loại dịch bệnh thông qua việc tăng cường quản lý con giống, tiêm đầy đủ các loại vắc-xin phòng bệnh, vệ sinh tiêu độc, khử trùng cơ sở, môi trường chăn nuôi định kỳ, thường xuyên. Quản lý chặt chẽ công tác vận chuyển, giết mổ, kinh doanh lợn và các sản phẩm từ lợn.
Cùng với đó, các địa phương cần khuyến khích các cơ sở chăn nuôi đầu tư sản xuất con giống, giới thiệu các cơ sở sản xuất con giống đạt chất lượng, an toàn dịch bệnh, có giấy chứng nhận kiểm dịch. Đồng thời, thực hiện việc kiểm dịch, lấy mẫu giám sát định kỳ, thường xuyên kiểm tra chất lượng con giống, tinh lợn đực giống, tăng cường áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học.
Hưng Yên: "Siết" quản lý chất lượng sản phẩm thực phẩm nông, lâm sản và thủy sản
Năm 2020, Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản tỉnh đã tổ chức 13 lớp tập huấn, phổ biến các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm và cơ chế, chính sách trong chế biến, bảo quản nông sản cho gần 1 nghìn lượt người; tham mưu Sở Nông nghiệp và PTNT thành lập 5 đoàn kiểm tra liên ngành, 3 đoàn kiểm tra theo kế hoạch, 1 cuộc thanh tra về lĩnh vực quản lý chất lượng sản phẩm thực phẩm nông, lâm sản và thủy sản, xử phạt hành chính cơ sở vi phạm với số tiền 4 triệu đồng; triển khai Đề án Xây dựng và khuyến khích phát triển mô hình chuỗi sản xuất, tiêu thụ nông sản bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh với 70 tổ chức, cá nhân tham gia; lựa chọn 14 mô hình thí điểm tham gia sản xuất ban đầu quản lý thực phẩm an toàn…
Năm 2021, chi cục tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản; đẩy mạnh tuyên truyền, tăng cường thanh, kiểm tra, phát hiện xử lý vi phạm; xác nhận sản phẩm an toàn, trong đó, tập trung tuyên truyền, phổ biến, giáo dục chính sách, pháp luật về chất lượng, an toàn thực phẩm nông sản. Đặc biệt, chuyển từ thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch sang kiểm tra đột xuất, tập trung vào các công đoạn có nguy cơ mất an toàn thực phẩm cao; triển khai hiệu quả các chương trình, dự án, đề án trong lĩnh vực nông, lâm, thủy sản…/.
Tối 22/11, tại Bảo tàng tỉnh Phú Yên, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh tổ chức khai mạc trưng bày chuyên đề “Bến Vũng Rô và hoạt động tiếp nhận chi viện từ những chuyến Tàu Không số”. Hoạt động nhằm hướng đến kỷ niệm 60 năm Bến Vũng Rô tiếp nhận chuyến hàng đầu tiên của Tàu Không số (28/11/1964 – 28/11/2024).
Thời gian qua, tỉnh Nghệ An triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, cơ chế, chính sách thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, bước đầu đạt được những kết quả tích cực. Đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nâng cao ý thức tự lực, tự cường vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống, góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo nên diện mạo mới cho nông thôn miền núi xứ Nghệ.
Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về bảo hiểm tiền gửi (BHTG) 2024 là một hoạt động quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của công chúng về chính sách BHTG và hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN), qua đó truyền tải nội dung chính sách BHTG một cách mới mẻ, hấp dẫn và thu hút sự quan tâm của công chúng.