Thời gian qua, Hà Nội tiếp tục mở rộng diện tích trồng lúa Japonica chất lượng cao theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn, doanh nghiệp và nông dân liên kết với nhau tạo ra chuỗi giá trị. Đây cũng là cơ sở để nâng cao giá trị cho hạt gạo.
Hà Nội: Mở hướng đi mới cho xuất khẩu gạo
Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Quảng Phú Cầu (huyện Ứng Hòa) Nguyễn Lương Hậu cho biết, vụ mùa 2019, hợp tác xã triển khai trồng lúa Japonica chất lượng cao trên diện tích 40ha. Lúa ít bị sâu bệnh, năng suất đạt trung bình 60 tạ/ha, mang lại giá trị kinh tế cao hơn 15-20% so với các giống lúa khác đang canh tác. Để bảo đảm đầu ra, hợp tác xã đã ký hợp đồng liên kết với Công ty Xuất nhập khẩu lương thực Bảo Minh bao tiêu toàn bộ sản lượng cho nông dân với giá 6.000 đồng/kg thóc.
Thực hiện chủ trương của thành phố, nhiều địa phương đã tích cực chuyển đổi sang trồng lúa đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Trưởng phòng Kinh tế huyện Ứng Hòa Đặng Thị Tươi cho biết, đến nay huyện đã mở rộng được hơn 2.000ha gieo cấy giống lúa chất lượng cao, trong đó có nhiều diện tích lúa Japonica. Để thúc đẩy sản xuất, huyện luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tham gia vào chuỗi sản xuất lúa gạo, bao tiêu sản phẩm cho người dân.
Đánh giá về hiệu quả của việc sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao, Giám đốc Trung tâm Phát triển nông nghiệp Hà Nội Hoàng Thị Hòa cho biết, năm 2019 Hà Nội đã xây dựng được 15 mô hình sản xuất lúa Japonica tại 14 xã thuộc 7 huyện, với quy mô 865ha.
Trong đó, gồm 65ha lúa Japonica theo hướng hữu cơ, 600ha lúa Japonica theo chuẩn Việt Nam, 200ha lúa Japonica chất lượng an toàn… Từ việc thực hiện kế hoạch sản xuất, Hà Nội đã kết nối với các doanh nghiệp, thu mua lúa cho nông dân nên đầu ra thuận lợi.
Mặc dù sản xuất lúa ở Hà Nội đã có những chuyển biến tích cực, song đến nay, sản phẩm vẫn chủ yếu phục vụ thị trường Thủ đô và một số tỉnh lân cận; sản lượng, kim ngạch xuất khẩu gạo khá khiêm tốn.
Theo Giám đốc Trung tâm Phát triển nông nghiệp Hà Nội Hoàng Thị Hòa, nguyên nhân là do việc đưa các giống lúa mới vào sản xuất ở một số địa phương còn khó khăn; việc ứng dụng công nghệ trong sản xuất, chế biến còn hạn chế và nông dân vẫn có thói quen canh tác cũ nên ngại chuyển sang các giống lúa chất lượng cao, đòi hỏi phương thức canh tác mới...
Để từng bước khắc phục những bất cập này, Hà Nội sẽ tiếp tục đưa các giống lúa chất lượng cao vào sản xuất, phát triển 35-50 vùng trồng lúa hàng hóa chất lượng cao, đủ tiêu chuẩn xuất khẩu. Dự kiến, năm 2020 cơ cấu giống lúa chất lượng cao của toàn thành phố đạt hơn 55% diện tích gieo cấy.
Để thực hiện được mục tiêu trên, Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Phúc Thọ Hoàng Thị Tuyết đề nghị, ngành Nông nghiệp hỗ trợ 100% giống lúa chất lượng cao trồng thí điểm. Từ hiệu quả thực tế “mắt thấy, tai nghe”, nông dân dễ học tập và nhân rộng hơn.
Là một trong những doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm lúa gạo, bà Phùng Thị Thu Hương - Giám đốc Công ty cổ phần Thương mại và Xuất khẩu Greenpath Việt Nam cho biết, công ty đang làm thủ tục xuất khẩu 80 tấn lúa hữu cơ giống Japonica mua của nông dân Hà Nội sang thị trường Mỹ, Nhật Bản và Australia.
Để kiểm soát toàn bộ quá trình trồng lúa chất lượng cao theo hướng VietGAP, hữu cơ..., công ty đã phối hợp với các đơn vị chức năng của Sở NN&PTNT Hà Nội và các địa phương, hướng dẫn người dân cải tạo đất, đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; kiểm soát toàn bộ quy trình từ khâu gieo mạ đến thu hoạch...
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại cho biết, năm 2020 Sở NN&PTNT Hà Nội tiếp tục đưa giống lúa chất lượng cao Japonica vào sản xuất ở các huyện đã được quy hoạch; hỗ trợ các hợp tác xã xây dựng thương hiệu gạo, nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường; phấn đấu xây dựng 3 nhãn hiệu tập thể gạo Japonica ở các vùng sản xuất lúa hàng hóa.
“Cùng với việc đẩy mạnh sản xuất lúa gạo theo chuỗi giá trị để kiểm soát quy trình sản xuất, Sở NN&PTNT Hà Nội sẽ tiếp tục hỗ trợ các hợp tác xã đầu tư vào khâu chế biến, bảo quản sản phẩm. Đặc biệt, Sở NN&PTNT Hà Nội sẽ phối hợp với các doanh nghiệp để ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm và hướng dẫn người dân ở vùng sản xuất lúa chất lượng cao về kỹ thuật, quy trình canh tác”, ông Nguyễn Xuân Đại nói.
Hà Nam: Sản phẩm cây vụ đông được mùa, trúng giá
Tìm hiểu tại các địa phương cho thấy, sản phẩm vụ đông năm nay đem lại hiệu quả cao cho người nông dân.
Từ đầu vụ đông đến nay, HTX Đức Huy, xã Nhân Nghĩa (Lý Nhân) thu mua sản phẩm cây vụ đông từ các hộ liên kết sản xuất với giá ổn định và ở mức cao. Cụ thể, bí xanh được thu mua giá 7 – 10 nghìn đồng/kg bí bò và 13 – 15 nghìn đồng/kg bí giàn; bắp cải duy trì giá 5 nghìn đồng/kg; đậu xào cũng đạt mức từ 7 – 10 nghìn đồng/kg… Được biết, mỗi ngày HTX Đức Huy thu mua từ 2 – 3 tấn sản phẩm vụ đông xuất bán cho các cửa hàng, bếp ăn theo hợp đồng.
Ông Dương Văn Ước, Giám đốc HTX Đức Huy cho biết: Các sản phẩm cây vụ đông năm nay đều có giá cao so với cùng thời điểm vụ đông trước. Mặc dù đang là giữa vụ, sản phẩm thu hoạch tăng nhưng giá vẫn không thay đổi so với đầu vụ.
Nông dân HTX Phú Sơn (TP. Phủ Lý) thu hoạch dưa vụ đông.
Chị Hoa cho biết: Từ đầu vụ đến nay, tôi đã thu được hơn 1 tấn bí xanh, đạt giá trị 10 triệu đồng. Với giá bí xanh duy trì như từ đầu vụ đến nay chắc chắn sẽ thu được ít nhất hơn 3 triệu đồng/sào, cao nhất từ trước đến nay.
Với cây dưa chuột xuất khẩu vụ đông năm nay cũng đang cho giá trị cao. Tuy thời tiết vụ này nhiệt độ cao không thuận lợi với cây dưa dẫn đến thời gian thu hoạch ngắn hơn những vụ đông trước, nhưng cây dưa vẫn đạt năng suất cao do kích cỡ của dưa chuột bao tử vụ này được lấy to hơn những vụ trước; đồng thời, tỷ lệ dưa bị loại do không đạt tiêu chuẩn rất thấp. Không những vậy, giá thu mua dưa chuột xuất khẩu giữ được mức ổn định cao với giá 8 – 9 nghìn đồng/kg dưa cỡ 3 - 5, dưa loại to hơn đạt bình quân hơn 5 nghìn đồng/kg.
Tại HTX Phú Sơn (phường Lê Hồng Phong, thành phố Phủ Lý) trồng hơn 4 ha dưa chuột bao tử xuất khẩu, do doanh nghiệp thu mua nhập dưa với kích cỡ to hơn những vụ trước, giá duy trì 7 nghìn đồng/kg dưa loại 1 và 5 nghìn đồng/kg dưa loại 2, nên người dân vẫn thu được lãi cao. Bình quân mỗi sào dưa chuột xuất khẩu trừ mọi chi phí còn lãi 5,5 – 6 triệu đồng.
Theo ông Đinh Duy Trực, Giám đốc HTXDVNN Phú Sơn, vụ đông năm nay diện tích sản xuất dưa chuột của HTX bị thu hẹp đến gần 20% so với năm trước, nhưng bù được bằng năng suất và giá trị. Do vậy, khả năng giá trị sản xuất vụ đông trên địa bàn vẫn được bảo đảm. Nhận định, sang vụ tới cây dưa chuột vẫn được người dân duy trì và có khả năng được mở rộng hơn.
Thực tế, cây vụ đông năm nay đang cho hiệu quả cao, nhất là giá bán. Theo dõi từ đầu vụ đến nay, giá các loại rau, củ, quả luôn duy trì ở mức cao, không có tình trạng giữa vụ thu hoạch rộ giá xuống thấp như những vụ trước. Các loại sản phẩm có giá bình quân gấp 1,5 lần so với vụ trước, có những sản phẩm gấp 2 lần. Như cây ngô nếp, vẫn đang có giá bán từ 9 – 10 nghìn đồng/kg, gấp 2 lần cùng thời điểm vụ đông 2018.
Bác Phạm Thị Loan, xã Nhật Tân (Kim Bảng) trồng 4 sào ngô nếp, do thâm canh tốt, bắp to và đều nên xuất cho đại lý 10 nghìn đồng/kg. Với năng suất đạt 4 tạ ngô tươi/sào cho bác thu 4 triệu đồng, gấp 2 lần vụ trước. Theo bác Loan, giá ngô nếp vụ này ổn định kéo dài từ đầu vụ. Với giá bán như hiện nay, thu nhập cho người sản xuất được bảo đảm hơn và khuyến khích chúng tôi duy trì, phát triển sản xuất ở những vụ sau.
Có khá nhiều nguyên nhân lý giải cho năng suất và giá trị của sản phẩm vụ đông năm nay đang duy trì ở mức cao. Trong đó, việc chuyển dịch cơ cấu thời vụ khi các loại cây trồng ưa ấm chủ lực được đẩy lên sớm đã đáp ứng được nhu cầu thị trường. Điển hình, cây bí xanh, bí đỏ thu hoạch đúng thời điểm sản xuất các loại mứt hoa quả phục vụ dịp Tết Nguyên đán nên bán được giá. Hay cây dưa chuột xuất khẩu, diện tích sản xuất ở nhiều tỉnh, thành phố bị thu hẹp, tạo đầu ra tốt cho sản phẩm trong tỉnh. Cùng với đó, thị trường tiêu thụ truyền thống khu vực Đông Âu và Nga của các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản đã nối lại dẫn đến nhu cầu nguyên liệu chế biến tăng cao, đẩy được giá thu mua lên…
Đánh giá về hiệu quả của giá nông sản vụ đông năm nay, bà Trần Thị Nga, Phó chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt – Bảo vệ thực vật (Sở NN & PTNT) cho biết: Từ giá bán của sản phẩm vụ đông năm nay sẽ tác động tích cực đến những vụ đông tiếp theo. Trong đó, sẽ hình thành được những vùng trồng cây vụ đông có giá trị cao và bảo đảm được đầu ra cho sản phẩm.
Hải Dương: Hỗ trợ 13 triệu đồng/ha rau màu VietGAP
Vụ đông xuân này, UBND tỉnh hỗ trợ 2,5 triệu đồng/ha cho vùng lúa sản xuất tập trung có quy mô từ 30 ha/vùng trở lên với tổng diện tích hỗ trợ tối đa là 1.985 ha.
Vùng trồng rau màu VietGAP sẽ được UBND tỉnh hỗ trợ 13 triệu đồng/ha
Đối với vùng rau màu chuyên canh có diện tích tối thiểu 5 ha/vùng, tỉnh hỗ trợ 9,5 triệu đồng/ha, ưu tiên hỗ trợ sản xuất rau màu VietGAP là 13 triệu đồng/ha. Những diện tích trồng lúa chuyển sang trồng hoa, rau màu, cây ăn quả được hỗ trợ 9 triệu đồng/ha.
UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phân bổ diện tích được nhận hỗ trợ theo nhu cầu của từng địa phương và đôn đốc thực hiện quy vùng theo đúng quy định.
Vĩnh Phúc: Người trồng hoa Tết: Khó kỳ vọng được mùa, được giá
Trong năm thời tiết liên tục có những diễn biến phức tạp, đến cuối năm, nguồn cung hoa nhiều khiến giá một số loại hoa được trồng phổ biến trên địa bàn tỉnh như hồng, cúc rớt giá. Đây là một thực tế được nhiều nhà vườn trồng hoa ở các xã Đạo Đức, Thiện Kế (Bình Xuyên) chia sẻ.
Người dân thôn Nhân Vực, xã Đạo Đức (Bình Xuyên) thu hoạch hoa cúc.
Có mặt tại vườn hoa nhà ông Nguyễn Văn Mai, thôn Nhân Vực, xã Đạo Đức, không khó để nhận ra không khí làm việc hối hả. Tại đây luôn có khoảng 5 người liên tục thu hái, đóng gói hoa cúc thành từng bó để cung ứng ra thị trường.
Nhà ông Mai trồng 2 mẫu hoa cúc, cứ 3 tháng cho thu hoạch một đợt. Để nguồn cung luôn sẵn sàng, nhà ông áp dụng trồng gối vụ. Các thương lái đến thu mua hoa tại vườn.
Khi được hỏi sao không dành toàn bộ diện tích trồng hoa cho thị trường tết được giá hơn, ông Mai cho biết: “Mấy năm gần đây, thị trường hoa chẳng có quy luật gì. Có khi ngày thường đắt hơn ngày rằm. Từ đầu năm đến nay, thời tiết nắng nóng kéo dài, nhiều đợt hoa giống phải trồng lại, tốn kém rất nhiều chi phí. Nếu như mọi năm được giá mất mùa, được mùa mất giá, thì riêng năm nay, đến thời điểm này, có thể khẳng định vừa không được mùa, vừa không được giá. Trừ chi phí, trồng hoa năm nay chỉ gọi là lấy công làm lãi, đủ chi phí trang trải cho người làm thuê, tiền phân bón, công chăm sóc. Hiện giá hoa cúc đang bán tại vườn chỉ gần 1.000 đồng/bông. Không như mấy năm trước, có thời điểm giáp tết được 4.000-5.000 đồng/bông”.
Lý giải về điều này, ông Mai cho biết: “Gần đây, diện tích trồng hoa của các địa phương trong cả nước được mở rộng, làm cho nguồn cung hoa lớn. Bên cạnh đó, hoa từ các tỉnh ở miền Nam cũng được chuyển ra Bắc khá nhiều. Trong khi mọi yếu tố như thời tiết, kỹ thuật, vốn của các hộ dân ở thôn đều không thể theo kịp”.
Để tìm hiểu thêm về vấn đề này, chúng tôi đến gặp anh Nguyễn Quốc Chính, thôn Rừng Sằm, xã Thiện Kế. Là một trong những nông dân tiêu biểu gắn bó với nghề trồng hoa lâu năm, anh Chính cho biết: "Không chỉ nguồn cung hoa trong nội địa lớn, còn có một lý do rất quan trọng, hiện nay hoa cúc của Trung Quốc được nhập về ồ ạt, với giá rất rẻ chỉ từ 300-500 đồng/bông khiến hoa trong nước khó có thể cạnh tranh.
Để đảm bảo thu nhập, trên diện tích 5 mẫu, tôi chỉ dành 2 mẫu trồng hoa cúc, còn lại trồng hoa hồng. Mặc dù giá hoa hồng rẻ hơn, bán tại vườn chưa đến 300 đồng/bồng. Tuy nhiên, đây là loại hoa cho thu hoạch quanh năm, mỗi gốc có thể đạt chu kỳ sinh trưởng kéo dài lên đến 12 năm. Chính vì vậy, sản lượng lớn sẽ bù lại giá cả, chu kỳ sinh trưởng dài sẽ không mất nhiều vốn đầu tư cho cây giống, công chăm sóc cũng giảm đáng kể.
Xuất phát từ suy nghĩ, loại hoa nào càng đại trà thì càng dễ bị cạnh tranh, nên từ năm 2008, tôi đã tìm hiểu, đầu tư 2ha để chuyên trồng hoa ly tại thị trấn Sa Pa, tỉnh Lào Cai. Đây mới chính là nguồn thu nhập ổn định của gia đình, vì hàng năm từ hoa ly, tôi thu lãi từ 800 triệu đến 1 tỷ đồng, sau khi trừ đi tất cả các chi phí.
Cách đây 2 năm, tại thôn Rừng Sằm, tôi cũng triển khai trồng thử nghiệm hoa ly. Nhưng qua mấy vụ xét thấy không phù hợp thổ nhưỡng, khí hậu, khiến hoa có mẫu mã kém hơn hoa ly trồng ở các địa phương có tiếng như Sa Pa, Hà Nội, Đà Lạt… khiến rất khó cạnh tranh về giá cả, mẫu mã. Từ những bài học kinh nghiệm đó cho thấy, người nông dân trước khi đầu tư vào lĩnh vực gì phải nghiên cứu, tìm hiểu kỹ càng, không thể chạy theo phong trào"./.
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.