Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 19 tháng 7 năm 2024  
Thứ hai, ngày 1 tháng 2 năm 2016 | 2:47

Tộc người Đan Lai và chặng đường hồi sinh

Từng đứng trước nguy cơ tuyệt chủng vì nghèo đói, lạc hậu và nạn hôn nhân cận huyết nhưng nay tộc người Đan Lai, sống ở đầu nguồn khe Khặng, bản Cọ Phạt, xã Môn Sơn (Con Cuông - Nghệ An), thuộc vùng lõi Rừng quốc gia Pù Mát, đang hòa nhập với các dân tộc anh em.

Ngày ấy, người Đan Lai ngủ ngồi.

Tộc người ngủ ngồi

Sau hơn 5 giờ đồng hồ vượt qua không biết bao thác ngầm hung dữ, cuối cùng chúng tôi cũng đến được bản Cọ Phạt. Hình ảnh đầu tiên tôi thấy là những mái nhà tranh, vách nứa mốc thếch như những tổ chim treo lưng chừng núi. Nơi đây dường như mùa xuân đến sớm, hoa đào đã nở thắm trên nền xanh của núi rừng hùng vĩ. Tiếp chúng tôi bên bếp lửa bập bùng, già bản La Văn Quyết kể về truyền thuyết bi thương của tộc người mình.

Chuyện rằng: Bạo chúa miền Hoa Quân (nay thuộc Thanh Chương, Nghệ An) bắt dòng họ La phải tìm cho ra “100 cây nứa bằng vàng, một chiếc thuyền chèo liền mái”, nếu không sẽ bị thảm sát cả họ. Làm gì có cây nứa bằng vàng, vậy là cả họ La trốn vào rừng sâu và dừng chân nơi thượng nguồn sông Giăng này. Nơi đoàn người của dòng họ La dừng lại “cắm bản” ở gần biên giới Việt - Lào, thuộc địa bàn huyện Con Cuông.

Thời gian trôi đi, mãi đến năm 1985, một người đi rừng lần đầu tiên phát hiện ở vùng bìa Vườn quốc gia Pù Mát có một nhóm người sinh sống. Thế là người họ La lại tiếp tục “nhổ neo” lùi sâu vào tận vùng lõi của khu vườn mới dừng lại để “cắm bản”. Họ nghĩ rằng đấy mới là nơi cư trú “an toàn”. Người họ La nay có một tên gọi mới là người Đan Lai.

Trước kia, vì ở tận nơi thâm sơn cùng cốc đầy thú dữ nên người Đan Lai dựng chòi phủ cành cây ở tạm, không giường, chiếu, chăn, màn. Họ thường dùng chạc cây chống vào cằm ngồi ngủ để phòng thú dữ. Già Quyết cho biết: “Ngủ ngồi là cái nếp tự xa xưa. Ngày xưa con hổ, con báo ở nơi này nhiều vô kể. Nếu mình không cảnh giác là nó vồ ngay, đó là chưa kể quan quân bạo chúa truy lùng bộ tộc có thể đến bất cứ lúc nào, ngủ ngồi để có thể vùng dậy chạy ngay vào rừng sâu. Tập tục ngủ ngồi có lẽ được hình thành từ đấy và cho đến bây giờ vẫn còn được lưu giữ”.

Gần sáng, chúng tôi xin phép đi ngủ nhưng đâu có giường chiếu. Già Quyết uống tiếp một bát rượu bảo: “Không có giường, chiếu đâu! Cán bộ cứ nằm xuống sàn mà ngủ. Nếu sợ muỗi thì mần thêm một bát rượu nữa, muỗi cắn không thấy đau”. Còn già thì chống hai tay vào phía đầu thanh củi tì sát vào trán và ngồi ngủ ngon lành. Nhìn già Quyết, tôi hình dung người Đan Lai từng ngủ ngồi như thế tự bao năm, bao tháng, bao đêm giữa rừng sâu, núi thẳm để chống rét và sẵn sàng chống trả thú dữ hay bọn quan quân truy bắt... Một tư thế ngủ cũng có thể quyết định sự tồn vong của cả một bộ tộc...

Có lẽ sự trốn chạy và lối sống khép kín đã bắt nguồn từ truyền thuyết cho đến tận ngày nay khiến tộc người Đan Lai tách biệt với thế giới bên ngoài. Cái đói, cái nghèo bao phủ cả bản làng nhếch nhác chốn thâm sơn cùng cốc. Đồng bào Đan Lai thiếu tất cả, trừ rượu. Bởi, được bao nhiêu gạo cứu trợ, đồng bào đổi thành rượu hết. Khi nào hết rượu, hết gạo mới chịu vào rừng kiếm sống. Ở đây, già, trẻ, gái, trai đều biết uống rượu. Họ say từ khi mặt trời xế bóng đến khi màn đêm bao phủ cánh rừng già. Sáng, khi mặt trời mọc cũng là lúc cuộc rượu tàn canh. Tất cả khật khưỡng, lảo đảo ai về nhà nấy, ngủ li bì như chết.

Sáng ra bên bờ sông Giăng, một đoàn bé gái 13 - 14 tuổi đang địu trẻ, thoắt cái đã thấy vạch áo cho... con bú. Những thiếu phụ Đan Lai mắt to, sáng, da nâu thật xinh đẹp, bản năng làm mẹ mãnh liệt nhưng khuôn mặt vẫn còn nhiều nét ngây thơ của con trẻ. Đã đói, nghèo, người Đan Lai còn đẻ nhiều. Ở đây, con gái, con trai cứ 13 - 14 tuổi là dựng vợ gả chồng. Người Đan Lai sống biệt lập, không giao lưu với người ngoài nên trai gái trong làng mới được lấy nhau. Hôn nhân cận huyết ngày càng làm cho nòi giống tộc người Đan Lai mai một. Tuổi thọ trung bình của người Đan Lai chỉ khoảng 50, dáng người ai cũng nhỏ thó, thấp bé. Trẻ con Đan Lai sau khi sinh, dù là nắng hay mưa, dù cho rét đến ghê người vẫn được người nhà đem xuống suối tắm. Đến khi tím tái, nếu đứa trẻ vẫn còn sống sót thì mới đưa về nhà”.

Nơi đây còn một hủ tục rất đáng sợ nữa là, chị em Đan Lai khi sinh con đều sinh trên sàn nhà chứ không đi ra trạm y tế, nên đã có một số thai phụ tử vong do băng huyết.

Đan Lai hồi sinh

Vào khoảng đầu năm 1980, bộ đội biên phòng Nghệ An phát hiện một nhóm người Đan Lai sinh sống như người rừng ở đầu nguồn khe Khặng. Phải rất khó khăn, bộ đội biên phòng mới có thể tiếp cận được nhóm người này.

Bà con Đan Lai đã biết làm lúa nước...

Để hồi sinh tộc người Đan Lai, chính quyền địa phương các cấp, các đoàn thể đã triển khai nhiều chương trình hỗ trợ, giúp đỡ đồng bào. Năm 2006, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án bảo tồn và phát triển bền vững tộc người thiểu số Đan Lai với mục tiêu: Nâng cao điều kiện sống, phát triển kinh tế-xã hội nhằm bảo tồn, phát triển tộc người Đan Lai hiện đang sống trong vùng lõi Vườn quốc gia Pù Mát; tổ chức di chuyển 146 hộ dân tộc thiểu số Đan Lai đang sinh sống trên thượng nguồn Khe Khặng thuộc 2 bản Khe Cồn và Bản Búng xã Môn Sơn đến vùng tái định cư tại 3 bản: Kẻ Gia, Kẻ Tắt, Bá Hạ xã Thạch Ngàn; tổ chức ổn định cuộc sống cho 30 hộ dân ở lại tại bản Cò Phạt, xã Môn Sơn, huyện Con Cuông; tiếp tục hỗ trợ 36 hộ dân đã di chuyển trước đó.

Hiện nay, hệ thống cơ sở hạ tầng gồm nhà cộng đồng, trạm y tế, trường mầm non  mọc lên như một nét chấm phá cho sự đổi thay của đồng bào Đan Lai. Ông La Văn Báo, Trưởng bản Búng, phấn khởi tâm sự: “Người Đan Lai trước đây vẫn có thói quen ngủ ngồi, sinh sống như bộ lạc thời nguyên thủy. Nhưng từ khi được Nhà nước và bộ đội biên phòng quan tâm, bà con đã biết làm lúa nước, làm kinh tế trang trại. Ai cũng có cơm ăn, áo mặc, trẻ em được đến trường, ốm đau có trạm y tế... Bà con biết ơn Đảng, Nhà nước và bộ đội biên phòng nhiều lắm”.

Một niềm vui nữa đến với đồng bào Đan Lai, đó là chiếc cầu treo kiên cố, bắc qua sông Giăng nối trung tâm xã Môn Sơn đến con đường đi vào trung tâm bản Cò Phạt đã xây xong. Tới đây, tuyến đường bộ vào Cò Phạt hoàn thành, bà con Đan Lai không còn cảnh phải ngược nguồn sông Giăng bằng thuyền nữa.

Bà Ngân Thị Hà, Chủ tịch UBND xã Môn Sơn, cho biết: Ngoài nỗ lực của các cấp chính quyền thì vai trò của lực lượng bộ đội biên phòng hết sức quan trọng trong việc tái định cư tại chỗ cho các hộ dân còn lại ở Cò Phạt và bản Búng. Bộ đội biên phòng đã thành lập 2 tổ công tác bám dân, bám bản, hướng dẫn bà con từng bước thay đổi thói quen săn bắt, hái lượm sang trồng trọt, chăn nuôi mang lại những thay đổi trong nhận thức của đồng bào.

Tại các điểm tái định cư ở Cửa Rào, Tân Sơn, xã Môn Sơn và bản Thạch Sơn, xã Thạch Ngàn, đồng bào Đan Lai cũng nhanh chóng hòa nhập với cộng đồng các bản, làng khác, nhất là về phương thức sản xuất. Bà con đã biết canh tác lúa nước, trồng hoa màu, làm vườn và biết trồng rừng kết hợp chăn nuôi.

Đặc biệt, khi đến tái địch cư ở Thạch Ngàn, bà con được cấp nhà sàn kiểu mới, kiên cố, khang trang, có điện lưới, trường học, ruộng nước, đất bãi và cả rừng để trồng cây nguyên liệu. Ông La Giang Sơn, Bí thư Chi bộ bản, cho biết: “Hầu hết 50 hộ gia đình ở đây đều có ti vi, điện thoại, nhiều hộ sắm được xe máy và các vật dụng đắt tiền trong gia đình; con em Đan Lai nhiều em đã học lên cấp 2, cấp 3. Bà con Đan Lai chúng tôi đang hòa nhập với các dân tộc anh em”.

Ông Hồ Đăng Tài, Phó chủ tịch UBND huyện Con Cuông, nói: “Cái được lớn nhất của đề án sau nhiều năm thực hiện không chỉ là những hạng mục như điện, đường, trường, trạm mà là sự thay đổi trong nhận thức của bà con. Hiện nay, người dân đang làm quen dần với những phương thức sản xuất mới, tình trạng hôn nhân cận huyết đang giảm dần. Đời sống kinh tế - xã hội của người dân khá lên trông thấy”.

Tộc người Đan Lai dần hòa nhập với thế giới văn minh, mùa xuân đang tràn ngập khắp các bản làng, đây là một điều đáng mừng. Song, do điểm xuất phát thấp, trình độ dân trí không đồng đều, nên việc tiếp thu khoa học kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi ở các bản Đan Lai vẫn còn chậm, do đó, người Đan Lai rất cần sự quan tâm, hỗ trợ giúp đỡ của các cấp, các ngành để tiếp tục phát triển bền vững.

Tiến Dũng

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Khai mạc Lễ hội Vịnh Ánh sáng quốc tế Nha Trang 2024

    Khai mạc Lễ hội Vịnh Ánh sáng quốc tế Nha Trang 2024

    Tối 13/7, tại thành phố biển Nha Trang, UBND Khánh Hòa lần đầu tiên khai mạc cuộc thi trình diễn ánh sáng độc đáo bằng hàng ngàn thiết bị bay không người lái mang tên Lễ hội Vịnh ánh sáng quốc tế Nha Trang 2024 với chủ đề “Ngân hà rực rỡ”.

  • Chợ quê thời Mạc, gìn giữ giá trị lịch sử

    Chợ quê thời Mạc, gìn giữ giá trị lịch sử

    Chợ quê thời Mạc lần thứ II năm 2024 sẽ được tổ chức trong 3 ngày, từ 17 - 19/7 tại Di tích lịch sử văn hoá Từ đường họ Mạc Cổ Trai, xã Ngũ Đoan, huyện Kiến Thuỵ, TP. Hải Phòng.

  • Sôi động phiên chợ trâu Bắc Hà

    Sôi động phiên chợ trâu Bắc Hà

    Phiên chợ trâu, bò cách trung tâm thị trấn Bắc Hà (Lào Cai) 1 km diễn ra vào mỗi thứ 6 hàng tuần. Sáng sớm, trâu bò từ mọi nẻo đường nườm mượp đổ về nơi giao thương trâu bò lớn nhất vùng Tây Bắc. Với bà con vùng cao, con trâu chính là tài sản có giá trị lớn nhất của mỗi gia đình.

Top