Nghị quyết 19/2017/NQ-CP của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2017, định hướng đến năm 2020 đề ra mục tiêu: Đến hết năm 2017 đạt tối thiểu bằng trung bình của các nước ASEAN 4 trên các chỉ tiêu về môi trường kinh doanh; Khởi sự kinh doanh thuộc nhóm 70 nước đứng đầu; Bảo vệ nhà đầu tư thiểu số thuộc nhóm 80 nước; Nâng cao tính minh bạch và khả năng tiếp cận tín dụng (theo cách tiếp cận của Ngân hàng thế giới) thuộc nhóm 30 nước. Riêng chỉ tiêu Tạo thuận lợi trong tiếp cận vốn vay (đánh giá theo cách tiếp cận của Diễn đàn kinh tế thế giới) phấn đấu đến năm 2020 thuộc nhóm 40 nước đứng đầu.
Cải cách thủ tục hành chính là một trong những giải pháp giúp nâng cao năng lực cạnh tranh.
Thoát bẫy trung bình
Tại Hội nghị triển khai Nghị quyết 19/2017/NQ- CP về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, một trong những vấn đề Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đặt ra cho các bộ, ngành và địa phương là, sự vào cuộc một cách đồng bộ để tìm lời giải cho bài toán “thoát bẫy trung bình và tăng trưởng GDP bình quân của Việt Nam phải đạt 8% mỗi năm”. Phó Thủ tướng cho rằng, việc đầu tiên đó là phải sửa đổi chính sách.
Theo Phó thủ tướng, hiện yêu cầu sửa đổi luật pháp, văn bản quy phạm pháp luật ở nước ta ngày một nhiều. Năm 2017 là năm thứ 4 liên tiếp Chính phủ ra Nghị quyết về cải cách môi trường kinh doanh, điều đó cho thấy quyết tâm cao của Chính phủ, người đứng đầu Chính phủ.
Tại hội nghị, Phó thủ tướng đặt vấn đề về việc sửa đổi chính sách vẫn còn nhiều bất cập. Về tinh thần cải cách thể chế kinh tế, Phó thủ tướng cho rằng: “Khi sửa đổi chính sách không nên đặt vấn đề đi tuần tự từ luật, đến nghị định, thông tư và các chính sách cụ thể. Lỗi ở đâu phải sửa ngay ở đó, điều này sẽ hạn chế việc ỷ lại vào các quy định pháp luật, cản trở doanh nghiệp và tiến trình đổi mới, cải cách”.
Đề cập đến Thông tư số 28/2012/TT-BKHCN quy định về công bố hợp chuẩn, công bố hợp quy và phương thức đánh giá sự phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật được ban hành năm 2012, Phó thủ tướng yêu cầu cần tháo gỡ ngay để thuận lợi cho doanh nghiệp.
Trên thực tế, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) thời gian qua đã thực hiện rất quyết liệt Nghị quyết 19 của Chính phủ bằng việc ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP của Chính phủ. Theo đó, Bộ KH&CN cũng đã thực hiện rất nhiều công việc như phối hợp với các bộ quản lý ngành, lĩnh vực rà soát danh mục sản phẩm, hàng hóa nhóm 2 của các bộ quản lý ngành, lĩnh vực.
Trong đó, Bộ KH&CN đã nghiên cứu, sửa đổi Thông tư số 28/2012/TT-BKHCN quy định về công bố hợp chuẩn, công bố hợp quy và các phương thức đánh giá sự phù hợp tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật theo hướng loại bỏ thủ tục hành chính, cấp thông báo tiếp nhận hồ sơ công bố hợp chuẩn, công bố hợp quy. Hàng hóa nhóm 2 không quá rủi ro khi nhập khẩu chỉ cần áp dụng cơ chế công bố hợp quy và tăng cường hậu kiểm.
Theo ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Bộ KH&CN), Tổng cục đã lấy ý kiến góp ý của các bộ quản lý ngành, lĩnh vực và 63 tỉnh, thành phố, đã ghi nhận được ý kiến của 50 đơn vị và đã nghiên cứu, tiếp thu ý kiến, chỉnh sửa lại dự thảo thông tư này. Tuy nhiên, có một số ý kiến cho rằng không nên bỏ thủ tục hành chính này vì hoạt động công bố hợp quy có liên quan đến quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm, hàng hóa, trong đó các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia là bắt buộc áp dụng để đảm bảo các mục tiêu chất lượng, an toàn.
“Các ý kiến cho rằng, trong bối cảnh đã xã hội hóa về hoạt động thử nghiệm và hoạt động chứng nhận thì việc không cấp thông báo tiếp nhận hồ sơ công bố hợp quy sẽ không đảm bảo việc quản lý của cơ quan nhà nước; các tổ chức, cá nhân có thể lợi dụng và công bố sai trái, không hợp lệ, dẫn đến việc giảm chất lượng, an toàn của sản phẩm, hàng hóa lưu thông trên thị trường”, ông Linh cho biết.
Thực tế, vấn đề vướng mắc thực sự hiện nay liên quan đến Luật An toàn thực phẩm, Nghị định số 38/2012/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm và các thông tư của Bộ Nông nghiệp và PTNT, Bộ Y tế và Bộ Công Thương, trong đó quy định thực phẩm nhập khẩu phải có Giấy tiếp nhận công bố hợp quy của cơ quan nhà nước thì mới được phép nhập khẩu. Điều này đã gây khó khăn, vướng mắc và bức xúc cho doanh nghiệp nhập khẩu.
Ông Linh cho rằng, việc sửa đổi Thông tư số 28/2012/TT-BKHCN, trong đó bỏ thủ tục hành chính cấp thông báo tiếp nhận hồ sơ công bố hợp quy cũng chưa giải quyết được vấn đề bức xúc của doanh nghiệp. Vì đối với quy định hàng nhập khẩu phải có Giấy tiếp nhận công bố hợp quy mới được phép nhập khẩu và làm thủ tục thông quan là chưa cải cách thủ tục hành chính và cần chỉnh sửa quy định này tại Nghị định số 38/2012/NĐ-CP và các Thông tư hướng dẫn nghị định này.
Đề cập đến hướng tháo gỡ vướng mắc tại Thông tư số 28/2012/TT-BKHCN được ban hành trong tháng 3/2017, Phó tổng cục trưởng Nguyễn Hoàng Linh cho biết, Bộ KH&CN sẽ điều chỉnh một số quy định như giảm thời gian thực hiện tiếp nhận hồ sơ; giảm thành phần hồ sơ phải nộp… Căn cứ trên cơ sở mức độ rủi ro của hàng hóa và nhu cầu quản lý, các bộ quản lý ngành, lĩnh vực sẽ xác định và lựa chọn biện pháp quản lý thích hợp như công bố hợp quy dựa trên cơ sở kết quả chứng nhận của tổ chức chứng nhận hay tự công bố phù hợp quy chuẩn.
Với việc sửa đổi theo hướng này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp nhưng vẫn đảm bảo việc quản lý của cơ quan quản lý nhà nước, ông Linh cho biết.
“Bà đỡ” của ngành nông nghiệp
Bộ Nông nghiệp và PTNT đặt ra mục tiêu cải thiện môi trường kinh doanh nông nghiệp cả về điểm số và thứ hạng. Phấn đấu trong năm 2017 đạt mức trung bình trên các chỉ tiêu xếp hạng về môi trường kinh doanh và đến năm 2020 đạt mức trung bình trên các chỉ tiêu thông lệ quốc tế. Đồng thời, xây dựng và thực thi hệ thống cơ chế chính sách hỗ trợ, thu hút đầu tư và nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp ngành nông nghiệp, phấn đấu giai đoạn 2017-2020 mỗi năm tăng thêm khoảng 10% số lượng doanh nghiệp nông nghiệp; trong đó, doanh nghiệp có đổi mới sáng tạo chiếm khoảng 20-30%.
Để thực hiện các mục tiêu trên, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã tổ chức thực hiện các nhóm giải pháp về tiếp tục tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
Rà soát, công khai hóa và tổ chức thực hiện tốt các quy hoạch sản xuất thuộc lĩnh vực quản lý của ngành. Đồng thời, tiếp tục tái cơ cấu, sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp Nhà nước; đẩy mạnh xã hội hóa việc cung cấp dịch vụ công.
Tiếp đó là khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn lực và thị trường. Bộ sẽ hỗ trợ mở cửa thị trường nông, lâm, thủy sản xuất khẩu, bảo vệ thị trường trong nước khỏi tác động xấu của hội nhập; sửa đổi và thực thi chính sách khuyến khích doanh nghiệp nhỏ và vừa, thực hiện liên kết trong sản xuất – kinh doanh, tiếp cận tín dụng và đất đai.
Bên cạnh đó, duy trì thường xuyên việc đối thoại với doanh nghiệp để tiếp thu kiến nghị, đề xuất nhằm hoàn thiện hệ thống thể chế của ngành và giải quyết kịp thời các kiến nghị của doanh nghiệp.
Nhóm giải pháp thứ ba là cải cách hành chính. Bộ tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính ở tất cả các lĩnh vực chuyên ngành thuộc chức năng nhiệm vụ của Bộ. Đồng thời, đổi mới công tác thanh, kiểm tra chuyên ngành, tránh chồng chéo giữa các cơ quan, đơn vị; thực thi các giải pháp phòng, chống tham nhũng hiệu quả.
Trước đó, để khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, Quốc hội, Chính phủ đã ban hành nhiều luật và nhiều văn bản pháp lý về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Tuy nhiên, đến nay, các doanh nghiệp nông nghiệp tư nhân vẫn chưa phát huy được vai trò của mình, tăng trưởng chậm.
Theo thống kê, số doanh nghiệp nông, lâm, thủy sản là 3.875 với 61.000 lao động, chỉ chiếm 1,13% tổng số doanh nghiệp cả nước. Phần lớn doanh nghiệp tư nhân nông nghiệp nông thôn có quy mô nhỏ, năng lực cạnh tranh yếu, vốn kinh doanh trung bình của một doanh nghiệp nông nghiệp tư nhân tăng chậm, số lượng doanh nghiệp có vốn từ 1- 5 tỷ đồng chiếm trên 37%.
Bên cạnh đó, một khó khăn đang được đưa ra là hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp tư nhân trong nông nghiệp còn thấp, số doanh nghiệp thua lỗ có xu hướng tăng. Sự kết nối thị trường của các doanh nghiệp tư nhân trong nông nghiệp còn kém. Phần lớn các doanh nghiệp thực hiện thu mua nông sản của nông dân thông qua hệ thống các đại lý hay thương lái. Việc liên kết trực tiếp với nông dân còn hạn chế.
Mặc dù đã có nhiều chính sách hỗ trợ được đưa ra, song đầu tư về nông thôn của khối doanh nghiệp này vẫn không tăng, tỉ lệ doanh nghiệp giảm cả về đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài. Nguyên nhân cho vấn đề này được đưa ra với rất nhiều mối, nhưng mấu chốt nhất vẫn là điều kiện sản xuất kinh doanh vẫn không thực sự thuận lợi cho hình thức kinh tế quan trọng này.
Hy vọng, với sự quyết tâm cũng như những giải pháp vừa được Bộ Nông nghiệp PTNT đề ra sẽ là “bà đỡ” của ngành nông nghiệp trong thời gian tới.
Danh Hùng (tổng hợp)
Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim cho biết, chuyến thăm chính thức của Tổng Bí thư Tô Lâm tới Malaysia lần này có ý nghĩa quan trọng khi hai nước nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện. Hai bên nhất trí tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực an ninh, quốc phòng, hợp tác biển và một số lĩnh vực hợp tác về điện, kinh tế số…
Biến đổi khí hậu, thời tiết ngày càng cực đoan, thiên tai ngày càng phức tạp, gây nhiều thiệt hại trong sản xuất nông nghiệp. Tại tỉnh Quảng Bình, nông dân đã triển khai nhiều mô hình chuyển đổi trên đất gò đồi, đất kém hiệu quả để thích ứng, giảm nhẹ tác động của các loại hình thiên tai đối với sản xuất nông nghiệp, mang hiệu quả kinh tế cao.