Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024  
Thứ bảy, ngày 13 tháng 10 năm 2018 | 15:28

Triều cường lịch sử ở ĐBSCL, do đâu?

Mấy ngày qua, khu vực ĐBSCL phải đối mặt với triều cường dâng cao bất thường. Không chỉ ảnh hưởng sản xuất nông nghiệp ở những vùng nông thôn, triều cường còn "nhấn chìm" nhiều khu vực nội ô khiến việc đi lại, sinh hoạt xáo trộn.

trieu-cuong-can-tho.jpg
 Triều cường lịch sử tại Cần Thơ

 

Cần Thơ bị vỡ 7 bờ bao

Lũ kết hợp với triều cường vượt báo động 3 những ngày qua đã làm 7 bờ bao của Cần Thơ bị vỡ, gây ngập nhiều nhà cửa; gần 450 ha vườn cây ăn trái bị ảnh hưởng; hơn 180 ha lúa và hoa màu ngã, hư hại.

Ông Nguyễn Ngọc Hoè - Giám đốc Sở Nông nghiệp, thường trực Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn TP. Cần Thơ nhận định, hiện triều cường đã giảm nhưng vẫn còn ở mức cao hơn so với đỉnh triều các năm. "Trong các ngày tới nếu như triều cường dâng cao mà kết hợp với mưa thì sẽ còn ngập sâu", ông Hoè nói và đề nghị các địa phương phải sẵn sàng phương án ứng phó.

Theo UBND TP. Cần Thơ, hiện cao độ mặt đất tại địa phương từ 0,6 đến 0,8 m, chỉ một phần trung tâm các quận Ninh Kiều, Ô Môn, Thốt Nốt là đất tương đối cao, 1,4 - 2,5 m. Toàn thành phố chỉ có 0,41% diện tích có cao độ trên 2 m. Đỉnh triều cường ngày 10/10 đã đạt mức 2,23 m, vượt báo động 3 là 0,33 m. Thời gian qua, nếu không xây dựng, bảo dưỡng hệ thống đê bao, cống đập kiểm soát lũ hiệu quả thì trên 99,5% diện tích của thành phố đã bị chìm trong triều cường vừa qua.

 

can-tho.jpg
 

Tại Vĩnh Long, đợt triều cường gây thiệt hại hơn 5 tỷ đồng. Trong đó, 134 tuyến bờ bao với chiều dài hơn 93 km bị nước tràn; 77 đập thủy lợi bị tràn, vỡ; gần 90 km đường giao thông nông thôn, liên tỉnh bị ngập; hơn 2.300 ha lúa, cây ăn trái, hoa màu và ao cá của người dân bị ngập úng. Học sinh tại 18 trường bị ngập sâu phải tạm nghỉ học đến hết ngày 12/10.

Ở Hậu Giang, diện tích mía bị ngập tại huyện Phụng Hiệp, lớn nhất từ trước đến nay, với hơn 3.000 ha (trong tổng số 6.500 ha chưa thu hoạch) và gấp 10 lần so với hai tuần trước. Trong số này, có 120 ha bị thiệt hại 30-70%, một số diện tích bị chết do úng nước lũ nhiều ngày nay chịu thêm triều cường.

Nông dân thu hoạch mía chạy lũ bán với giá thấp, 300.000 - 650.000 đồng mỗi tấn; trong khi chi phí sản suất lên đến 715.000 đồng. Giá nhân công thu hoạch tăng cao, gần 200.000 đồng mỗi tấn nhưng rất khan hiếm lao động. Tỉnh Hậu Giang đề nghị ba nhà máy đường trên địa bàn ưu tiên tiêu thụ mía bị ngập lũ để giảm thiệt hại cho người dân.

Khai thác nước ngầm quá mức

Theo GS-TS Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng Trường ĐH Nam Cần Thơ, việc nước đang gây ngập nhiều đô thị ở ĐBSCL là do biến đổi khí hậu nên không thể lường trước được chuyện gì. Khác với đợt hạn hán lịch sử năm 2016, khối nước khổng lồ từ thượng nguồn sông Mê Kông đổ về năm nay là do mưa nhiều và rải rác khắp nơi.

ThS. Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia nghiên cứu độc lập thuộc Trường ĐH Cần Thơ, cho rằng tuy năm nay lũ không đặc biệt cao nhưng vẫn gây ngập nhiều khu nội ô các tỉnh, TP trong khu vực, nhất là tại TP Cần Thơ và Vĩnh Long. Hiện nước lũ ở phía thượng nguồn sông Tiền, sông Hậu đã rút nhưng các địa phương vùng hạ nguồn như Hậu Giang, TP Cần Thơ, Vĩnh Long và Tiền Giang đã bị ngập do thủy triều dâng. Có 2 yếu tố quan trọng khiến các địa phương này chịu cảnh ngập lụt là do sụt lún đất và đê bao khép kín ở vùng trồng lúa và cây ăn trái.

Hiện tượng sụt lún này đã được nghiên cứu bởi Đại học UTRECHT (Hà Lan) và được Đại sứ quán Hà Lan công bố từ tháng 6-2017. Kết quả cho thấy trong 25 năm, từ 1991-2015, việc khai thác nước ngầm quá mức ở ĐBSCL đã gây sụt lún đất bình quân 18 cm, có điểm sụt lún trên 30 cm như Sóc Trăng và Long An với tốc độ tăng nhanh. Các TP, KCN có độ sụt lún nhanh hơn (2,5 cm/năm) so với vùng nông thôn từ 1-2 cm. Trên bản đồ sụt lún thì TP Cần Thơ, đoạn Tam Bình và Bình Minh của tỉnh Vĩnh Long được xác định là khu vực vành đai sụt lún với mức bình quân 20 cm trong 20 năm qua.

ThS Nguyễn Hữu Thiện cũng cho rằng việc vùng Tứ giác Long Xuyên và Đồng Tháp Mười làm đê bao sản xuất lúa vụ 3 cũng làm cho vùng hạ lưu ngập sâu hơn. Tuy nhiên, trên thực tế, các nhà vườn phía hạ lưu cũng đã làm đê bao bảo vệ vườn cây ăn trái hoặc trồng lúa. Trong khi đó, hầu hết đôi bờ sông ở khu vực này giờ cũng được gia cố chắc chắn thành những tuyến giao thông. Do đó, nước trên sông như máng xối tuôn về nơi trũng nhất.

 

trieu-cuong-can-tho1.jpg

Theo TS. Trần Hữu Hiệp, nước biển dâng, sạt lở, sụt lún đất, tác động tiêu cực từ vấn đề nước xuyên biên giới của sông Mê Kông và nội tại trong phát triển thiếu bền vững của vùng này. Vì vậy, đỉnh triều gây ngập tràn khu vực đô thị ở ĐBSCL năm nay cần được nhận diện theo hệ thống, có chiến lược ứng phó dài hạn, sự tiếp cận đa ngành và phối hợp giải quyết liên ngành.

Triều cường ở miền Tây cao nhất trong 40 năm

Trong Ngày Quốc tế giảm nhẹ rủi ro thiên tai tại Cần Thơ, Tổng cục phòng chống thiên tai cho biết, lũ từ đầu mùa đến nay đã gây thiệt hại cho miền Tây hơn 1.500 ha lúa; sạt lở, vỡ bờ bao ở Đồng Tháp, An Giang, Cần Thơ... Đặc biệt, những ngày qua, lũ đầu nguồn kết hợp với kỳ triều cường gây ngập nhiều tỉnh hạ nguồn sông Cửu Long. Số liệu đo được cho thấy, mực nước cao nhất tại Mỹ Thuận là 2,07 m, Cần Thơ đạt 2,23 m, đều vượt số liệu lịch sử 40 năm qua.

Theo ông Nguyễn Trường Sơn - Phó tổng cục trưởng phòng chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và PTNT), thiên tai trên thế giới và khu vực đang diễn biến phức tạp với những thảm họa động đất, siêu bão diễn ra ở nhiều nơi. Tại Việt Nam, hàng năm, thiên tai gây thiệt hại khoảng 1,5% GDP, làm trên 300 người chết và mất tích.

Đầu năm đến nay đã xuất hiện những trận mưa lịch sử gây lũ quét, sạt lở đất nghiêm trọng tại các tỉnh miền núi phía Bắc, làm 175 người chết và mất tích, gây thiệt hại kinh tế gần 12.500 tỷ đồng...

Bà Akiko Fujii - Phó giám đốc Quốc gia UNDP (Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc tại Việt Nam) cho rằng, theo chỉ số rủi ro thiên tai toàn cầu năm nay, Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề; mức thiệt hại có thể tăng 3-5% GDP vào năm 2030.

"Giai đoạn 2016 - 2018, Liên Hợp Quốc đã hỗ trợ 8 triệu USD cho hơn 500.000 dân Việt Nam để giải quyết các vấn đề về cuộc sống do thiên tai gây ra như: nước, môi trường, y tế, nơi ở...", bà Akiko Fujii nói và chia sẻ rằng phòng chống thiên tai đòi hỏi sự chung tay của cộng đồng, quan trọng nhất là sự hợp tác giữa khối công và tư.

Ông Laurent Umans - Bí thư thứ nhất về Quản lý nước và Biến đổi khí hậu (Đại sứ quán Hà Lan) cho rằng, thiên tai là không thể tránh khỏi nhưng con người có thể ngăn nó trở thành thảm họa. "Khu vực Mekong đang chìm, đất sụt lún 2,5 cm mỗi năm, lượng phù sa cũng giảm nghiêm trọng; trong khi nước biển dâng hàng năm 3 mm", ông Laurent Umans nói và cho biết đó là sự báo động, mối đe dọa có tính sống còn với người dân nơi đây.

 ====

TP.HCM tê liệt vì triều cường

Đài Khí tượng Thủy văn Khu vực Nam Bộ dự báo triều cường ngày 11-10 đạt 1,62 m trên sông Sài Gòn và kênh Đồng Điền, vượt báo động 3. Mực nước này đã khiến hàng loạt tuyến đường ở TP HCM như Huỳnh Tấn Phát (quận 7), Lê Văn Lương (huyện Nhà Bè), Nguyễn Văn Hưởng (quận 2)… ngập nặng.

 

trieu-cuong-sg.jpg

Ghi nhận tại đường Huỳnh Tấn Phát, nước ngập nửa bánh xe khiến các phương tiện đi lại khó khăn. Các tuyến đường khác ở quận 7 như: Nguyễn Thị Thập, Nguyễn Lương Bằng, Nguyễn Văn Linh cũng cùng chung cảnh ngộ khi nước dân cao. Ngay cả khu đô thị Phú Mỹ Hưng được đầu tư cơ sở hạ tầng vào loại tốt nhất TP cũng bị triều cường tấn công, nhiều người đi xe máy không dám đi vào vì sợ chết máy.

 

 

 

 

 

Vân Nhi (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
Top