Dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới”, cộng thêm chủ động ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mà ông Đặng Văn Út cùng nhiều nông dân ở ấp 2, thị trấn Vĩnh Viễn (Long Mỹ - Hậu Giang) phát triển thành công cây bưởi da xanh ruột hồng trên vùng đất phèn.
“Nhìn vườn bưởi của gia đình gần 4 năm tuổi đang xanh tốt thì ít ai ngờ rằng, nơi đây là vùng đất phèn, mặn và từng gặp nhiều khó khăn trong sản xuất nhưng nay đã có sự đổi thay mạnh mẽ”, đây là lời chia sẻ đầu tiên trong niềm vui của ông Út khi được hỏi về mô hình trồng bưởi da xanh ruột hồng của ông và bà con trong xóm.
Theo lời kể của ông Út, trước đây, người dân xứ này cũng sống bằng nghề trồng lúa. Tuy nhiên, do đất bị nhiễm phèn và còn bị ảnh hưởng xâm nhập mặn vào mùa khô hàng năm nên năng suất lúa không cao như những vùng có đất phù sa và nguồn nước ngọt quanh năm. Do đó, nghề trồng lúa của bà con không dư dả nhiều, riêng những hộ có đất sản xuất ít thì thường gặp khó khăn.
Thế nhưng, bước ngoặc trong việc chuyển sang cuộc sống mới theo hướng tích cực của ông Út và người dân nơi đây là vào cuối năm 2017, chính quyền địa phương tổ chức vận động và bà con đã đồng ý chuyển từ đất lúa sang lên liếp, đắp mô trồng bưởi da xanh ruột hồng. Hiện, những vườn bưởi 3-4 năm tuổi cho năng suất khoảng 20 tấn trái/ha. Với trọng lượng trái dao động 1,4-2kg, giá bán bình quân khoảng 35.000 đồng/kg thì 1ha bưởi (khoảng 450 cây), nhà vườn kiếm được nguồn thu nhập khoảng 700 triệu đồng/năm, cao gần gấp 10 lần so với trồng lúa trước đây.
Tuy nhiên, đối với vùng đất phèn, mặn như nơi ông Út sinh sống mà có mô hình cho nguồn thu nhập hấp dẫn như trên thì ông và bà con đã trải qua nhiều gian nan trong việc trồng, chăm sóc.
Ông Út chia sẻ kinh nghiệm: Trước khi trồng bưởi, tiến hành đào mương, lên liếp nhằm mục đích xả phèn, mặn và nâng cao tầng canh tác. Mương thoát và tiêu nước có chiều rộng 1-2m, liếp có chiều ngang 5-8m và xung quanh vườn có bờ bao kiên cố để bảo vệ cây trồng khi có mưa, lũ. Một điểm nông dân cần đặc biệt lưu ý là khi thành lập vườn cần chú ý hướng Đông - Tây để thiết kế liếp trồng vuông góc với hướng Đông, khi đó cây trong vườn sẽ nhận đủ ánh sáng hơn. Trồng cây chắn gió là yêu cầu khi mới lập vườn nhằm ngăn chặn sự di chuyển của sâu bệnh theo gió xâm nhập vào vườn; đồng thời tạo tiểu khí hậu trong vườn, hạn chế các mức thiệt hại do gió bão gây ra.
Mô đất trồng có bề rộng 50-60cm, cao 25-30cm và được đắp trước khi trồng khoảng 4 tuần. Trước khi đưa cây bưởi xuống trồng thì cho vào giữa mô đất mặt cộng thêm 100g phân dơi, 100g tro trấu, phân hữu cơ khoáng. Cho vật liệu vào hố sâu 30-35cm, tùy theo vùng đất phèn sâu hay cạn rồi đưa cây bưởi xuống trồng. Sau khi trồng thì tiến hành tưới nước giữ ẩm cho cây và dùng cỏ khô đậy gốc trong 10 ngày đầu; đến 15 ngày sau dùng phân Komix và Roos-2, cộng thêm phân dơi ngâm pha loãng tưới gốc giúp cây mau bén rễ. Nếu phát hiện bệnh thối rễ do nấm có thể phun thuốc gốc đồng như: Ridomil Gold, Metalaxyl, Coc 85…
Ngoài ra, nhà vườn luôn giữ cỏ trong vườn để tạo ẩm cho đất trong mùa khô và chống xói mòn vào mùa mưa. Về phân bón, trong 6 tháng đầu sau khi trồng có thể dùng 40g urê pha trong 8 lít nước tưới gốc khoảng một tháng/lần, đồng thời có thể sử dụng phân tôm, phân cá ủ hoặc phân dơi để tưới hoặc bón cho cây. Về cắt tỉa tạo dáng, cây bưởi sau khi trồng lên cao thêm khoảng 40-60cm thì bấm bỏ phần ngọn để các mầm ngủ và cành bên phát triển. Sau đó chọn 3 cành khỏe thẳng mọc từ thân chính và phát triển theo ba hướng đồng đều nhau là được.
Ngoài những kỹ thuật trên thì khoảng cách giữa các hàng bưởi, ông Út tiến hành đào rãnh nhằm thoát nước vào mùa mưa, cũng như dùng để hạ phèn hiệu quả. Mặt khác, ông luôn duy trì mực nước dưới mương thấp hơn mặt liếp khoảng 30cm để tạo sự thông thoáng cho bộ rễ phát triển. Ngoài ra, hàng năm, ông Út đều quét vôi gốc bưởi để ngăn sự cư trú và phát triển của sâu bệnh, đồng thời áp dụng hệ thống tưới nước tiết kiệm trên toàn bộ vườn bưởi của gia đình trong mùa nắng. Về số lượng trái, dựa vào sự phát triển của từng cây bưởi, chỉ để lại mỗi chùm 1-2 trái cho cây không mất sức...
Không chỉ chủ động ngăn mặn, trữ ngọt, ông Đặng Văn Út còn đầu tư 26 triệu đồng để lắp đặt hệ thống tưới phun cho vườn bưởi của gia đình. Ông Út chia sẻ: “Bây giờ tôi chỉ cần bật điện thoại smart phone lên, sau 15 phút đã tưới xong, tốn chưa tới 1kWh, trong khi tưới bằng máy phải mất một buổi, tiêu tốn gần 3 lít xăng. Vừa tiết kiện nhiên liệu, tiết kiệm nước, vừa tranh thủ thời gian làm việc khác, rất tiện lợi”. |
Không chỉ áp dụng tiến bộ kỹ thuật để trồng bưởi đạt hiệu quả trên vùng đất phèn, mặn, ông Út cùng nhiều bà con nơi đây còn tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất bưởi an toàn. Nhờ vậy sản phẩm làm ra được thị trường ưa chuộng khi tép bưởi có màu hồng đỏ bó chặt, dễ tách khỏi vách múi, có vị ngọt thanh và ít hạt, trái bưởi bóng bẩy và có màu xanh hơi vàng khi chín, cùng với vỏ mỏng. Điều đáng phấn khởi hơn khi hiện có gần 22ha bưởi của ông Út và bà con nơi đây được trao giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP.
Ông Đặng Văn Út bộc bạch: “Ưu điểm của việc áp dụng sản xuất theo hướng an toàn là đảm bảo được tính bền vững cho đất, đồng thời vườn cây phát triển tốt và đảm bảo sức khỏe, an toàn về lâu dài cho người trồng cũng như người sử dụng. Đặc biệt, cây ít bị bệnh và tuổi thọ của cây tăng lên. Mặt khác, mô hình còn tạo môi trường thuận lợi cho côn trùng có ích sinh sống, điều hòa cân bằng sinh thái trong vườn, nhất là đối với vùng đất phèn, mặn nơi đây”.