Giai đoạn 2016-2020, Bắc Giang có cơ chế hỗ trợ tinh bò nhân tạo cho đàn bò nái sinh sản chăn nuôi nông hộ bằng giống ngoại, nhờ đó, tỉnh có đàn bò trên 140.000 con, trong đó hơn 60% là bò lai.
Đây là hướng đi đúng khi dịch tả lợn châu Phi trên đàn lợn diễn biến phức tạp.
Giá bê lai cao hơn 5 triệu đồng/con
Từ năm 2016 đến nay, Trung tâm Khuyến nông Bắc Giang phối hợp với Trung tâm Dịch vụ Kỹ thuật nông nghiệp các huyện triển khai hỗ trợ trên 30 nghìn liều tinh Brahman đỏ của Mỹ, tinh bò Charolais của Pháp và vật tư cho 40 dẫn tinh viên thực hiện thụ tinh nhân tạo cho đàn bò sinh sản trên địa bàn.
Gia đình bà Nguyễn Thị Luận ở thôn Cao Thượng (xã Tân Hưng, huyện Lạng Giang) nuôi bò nái sinh sản từ năm 2011 đến nay, năm nào bà cũng đăng ký phối giống bò BBB. Bà Luận nhận thấy, với giống bò này, bê con sinh ra có trọng lượng lớn hơn bò nội, ngoại hình đẹp, phàm ăn, dễ nuôi, tăng trọng nhanh. Chính vì vậy mà đến nay bà đã gây thêm hai bò nái sinh sản, bình quân mỗi năm bò đẻ một lứa, tùy theo giá cả thị trường và bê đực hay bê cái, bà cũng thu về gần 60 triệu đồng/năm.
Bà Luận cho biết, chăn nuôi bò ít dịch bệnh hơn chăn nuôi lợn, có điều cần phải có quỹ đất nhất định để trồng cỏ... Để cho đàn bò sinh trưởng, phát triển khỏe mạnh, hàng năm cần tiêm phòng bệnh tụ huyết trùng, lở mồm long móng...
Giống hộ bà Luận, gia đình bà Bùi Thị Liên ở thôn Trung Phụng, xã Tân Hưng nuôi bò nái cũng chỉ mang tính tận dụng cỏ dại ở vườn đồi, bờ ruộng hay các phụ phẩm nông nghiệp như cám gạo, rơm rạ... Thế nhưng, ba năm qua, được dẫn tinh viên tuyên truyền lấy tinh nhân tạo về phối giống cho bò thì bà Liên đã thấy được những ưu điểm vượt trội. Thực tế, bê lai sau khi sinh đều có trọng lượng 23-27 kg/con, nặng hơn bê nội 5-7 kg/con, khả năng sinh trưởng nhanh hơn. Sau khi nuôi 6 tháng, đạt trọng lượng 80-100 kg/con, bằng bê nội nuôi gần 1 năm. Không những vậy, giá bán bê lai cao hơn khoảng 5 triệu đồng/con.
Điều chỉnh cơ cấu chăn nuôi
Song song với kết quả về giá trị kinh tế mà chương trình thụ tinh nhân tạo mang lại, những năm qua, Trung tâm Khuyến nông Bắc Giang còn đào tạo đội ngũ dẫn tinh viên có tay nghề cao để thực hiện chương trình cải tạo đàn bò. Đến nay, toàn tỉnh có khoảng 40 dẫn tinh viên đang thực hiện công tác thụ tinh nhân tạo, tỷ lệ phối giống đạt 70-75%. Đồng thời, mở nhiều lớp tập huấn cho các hộ chăn nuôi giúp họ nhận biết một số giống bò lai, phát hiện bò động dục, hướng dẫn chăm sóc bò có chửa và bê sơ sinh đến trưởng thành. Cán bộ khuyến nông thường xuyên xuống kiểm tra theo dõi tình hình dịch bệnh để đảm bảo con giống phát triển theo đúng yêu cầu và tiêu chuẩn. Việc triển khai chương trình cải tạo đàn bò không chỉ tăng tổng đàn mà chất lượng bò cũng được nâng cao. Bắc Giang hiện có trên 141 nghìn con bò, trong đó có trên 100 nghìn con bò nái sinh sản, một năm tỉnh hỗ trợ 10 nghìn liều tinh thì mới đáp ứng được 10%.
Ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bắc Giang, cho biết, để phát triển chăn nuôi gia súc ăn cỏ, cần điều chỉnh cơ cấu chăn nuôi, giảm tỷ lệ thịt lợn, tăng thịt của gia súc ăn cỏ; đa dạng hóa sản phẩm tùy theo lợi thế của từng vùng, trong đó có các đối tượng như trâu, bò, ngựa, dê... Thời gian tới, Trung tâm xây dựng kế hoạch chăn nuôi tập trung theo vùng, xã trọng điểm, xa khu dân cư, gắn với ứng dụng khoa học công nghệ; nghiên cứu, phát triển các giống bò mới có khả năng miễn dịch cao, chất lượng thịt tốt. Hiện tỷ lệ bò lai toàn tỉnh đạt hơn 60% tổng đàn; phấn đấu đến năm 2020 đạt 90% tổng đàn.
Trong điều kiện ngành chăn nuôi đang gặp một số khó khăn như dịch tai xanh, dịch tả lợn châu Phi, lở mồm long móng trên đàn lợn, dịch cúm gia cầm trên đàn gia cầm, thủy cầm, việc ngành nông nghiệp Bắc Giang lựa chọn bò là một trong những con chủ lực để phát triển chăn nuôi hàng hóa và chú trọng cải tạo đàn bò là hướng đi đúng, góp phần giúp cho người dân nắm vững phương pháp chăn nuôi, phòng chống dịch bệnh, nâng cao hiệu quả chăn nuôi và tăng thu nhập.
Thực hiện Tiểu dự án 2, Dự án 3, Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030 (Chương trình MTQG 1719) về phát triển vùng trồng dược liệu quý theo chuỗi giá trị, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào DTTS&MN, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) kỳ vọng sẽ mở ra cơ hội việc làm, tăng thu nhập, góp phần nâng cao mức sống, xóa đói giảm nghèo cho bà con người DTTS.
Trong khuôn khổ Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” giai đoạn 2022 - 2024". Hôm nay (23/10), 36 hội viên Hội Nông dân huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã đi tham quan chia sẻ kinh nghiệm mô hình xử lý rác thải hữu cơ, nuôi giun (trùn) quế.