“Chỉ cần chịu khó, sản phẩm sẽ sạch và ngon!”, đó là lời khẳng định của anh Nguyễn Hồng Tuấn, 37 tuổi, ở Tân Châu (Tây Ninh).
Vườn bưởi 6 năm tuổi của anh Tuấn hiện đang thu hoạch vụ thứ hai. Vườn chỉ rộng 1ha, tất cả đều là giống da xanh ruột hồng nằm trên đất nhà ở ấp Tân Trung (xã Tân Hà, huyện Tân Châu).
Anh Tuấn cho biết, nếu bón phân hóa học, ban đầu cây sẽ lớn nhanh, trái đầu mùa rất sai, nhưng về sau cây yếu dần, cho trái không ngon, thậm chí không thể cải tạo được đất. Vì vậy, ngoài việc bón phân hữu cơ, áp dụng 20% thuốc xịt cỏ, sâu rầy, anh “tận dụng” các sản phẩm dư thừa trong vườn bón ngược lại cho vườn bưởi.
Trong vườn bưởi, những cây ớt xiêm rừng sum suê trái xanh đỏ. Có cây gốc to gần bằng cánh tay, ngọn cao qua đầu người. Vừa với tay hái từng trái ớt già xanh, anh Tuấn kể, ban đầu chúng chỉ tự mọc lên, do mình ăn rồi bỏ hạt. Nhờ chút phân bón cho vườn bưởi, nó lớn dần, cho trái khá sai, thấy vậy, anh ươm giống trồng xen thêm, khoảng 7 tháng thì thu hoạch trái.
Đến nay, anh Tuấn đã trồng khoảng 400 cây ớt xiêm rừng xen canh trong vườn bưởi. Vào lứa đầu tiên, bình quân mỗi cây hái khoảng 1kg ớt, đến lứa thứ hai, mỗi cây cho 7-8kg trái. Mỗi ngày anh hái 10- 20 kg bán cho thương lái, chợ và các quán ăn, giá dao động 60.000-100.000 đồng/kg. Trừ chi phí, anh thu lãi khoảng 1 triệu đồng/ngày.
Anh Tuấn cho biết thêm, lượng ớt bán ra chủ yếu là trái già, da còn xanh, ngả vàng. Ớt chín đỏ còn lại, anh xay nhuyễn, ủ với tỏi và rượu, sau 2 tháng thì đem ra xịt ngược lại cho vườn cây. “Nếu cứ dùng thuốc trừ sâu và phân hóa học sẽ hại chết cây trồng, vì vậy, tôi dùng ớt, tỏi xay nhuyễn, ngâm rượu rồi xịt lên cây. Vì chúng có hơi cay, nồng nên ruồi vàng, sâu bọ không về. Dùng độc trị độc vậy mà có hiệu quả!”, anh Tuấn cười nói.
Dạo quanh vườn bưởi của nhà anh Tuấn, nếu tính cây chừng 6 năm tuổi sẽ cho thua hoạch ít nhất 3 vụ. Nhưng vườn bưởi này khác hẳn. Trái tuy không nhiều nhưng tròn đều, nặng trịch. Với tay cắt trái bưởi da sần sần nám nám, anh Tuấn nói: “Chị nhìn vậy mà ngon lắm. Vì tôi không dùng thuốc diệt ruồi vàng. Trái tròn đều, đẹp thì đem bán theo loại 1, loại 2. Còn trái xấu tôi để lại gia đình ăn chơi”.
Theo anh Tuấn, trồng bưởi muốn cho trái tốt, sạch và ngon thì chỉ cần siêng năng, bỏ thêm thời gian chăm sóc. Mùa nắng chịu khó bơm nước tưới. Mùa mưa thì chỉ cần đi dọn cỏ, chống cành cho trái không bị rụng.
Hiện vườn bưởi của anh Tuấn đã được chứng nhận đạt chuẩn VietGAP. Dịp Tết Đoan Ngọ vừa qua, vườn bưởi của anh cho khoảng 1 tấn trái, giá bán tại vườn 32.000- 40.000 đồng/kg, thu về gần 40 triệu đồng.
Việt Nam và Nhật Bản có nhiều tiềm năng, lợi thế riêng để thúc đẩy hợp tác phát triển nông nghiệp. Tuy nhiên, hiện giá trị xuất khẩu nông sản của Việt Nam vào thị trường Nhật Bản chiếm chưa tới 2% tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam vào quốc gia này. Để gia tăng xuất khẩu nông sản vào thị trường Nhật Bản, còn nhiều việc phải làm.