Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ hai, ngày 15 tháng 4 năm 2019 | 10:36

Trung Quốc siết đường tiểu ngạch, lo rau quả bí đầu ra

Rau quả Việt Nam muốn vào Trung Quốc chỉ còn cách duy nhất là đi đường chính ngạch.

Từ ngày 1/5 tới, theo lộ trình, Trung Quốc siết thêm các quy định về bao bì và truy xuất nguồn gốc nông sản nhập khẩu. Đây cũng là thời điểm nhiều loại trái cây Việt Nam vào mùa thu hoạch rộ nếu doanh nghiệp (DN) không chuẩn bị kỹ sẽ khó bán vào thị trường lớn này.

Hết "cửa" bán hàng tiểu ngạch

Năm 2018, Trung Quốc đã chi 2,7 tỉ USD để nhập khẩu rau quả từ Việt Nam, chủ yếu là thanh long, xoài, mít, sầu riêng, dưa hấu, dứa, vải, nhãn, khoai lang… qua đường chính ngạch lẫn biên mậu. Không có thống kê chính thức về tỉ lệ rau quả Việt Nam xuất khẩu Trung Quốc qua đường mậu biên nhưng trong một cuộc trao đổi với báo chí năm 2018, ông Vĩ Tích Thành, Tham tán Kinh tế thương mại Tổng Lãnh sự quán Trung Quốc tại TP HCM, nêu con số ước tính lên đến hơn 60%. Tuy nhiên gần đây, Trung Quốc đã siết đường tiểu ngạch, hướng nhập khẩu vào đường chính ngạch để quản lý về thuế, an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật. Đối với chính ngạch, Trung Quốc chỉ mới mở cửa cho 8 loại quả tươi của Việt Nam là dưa hấu, thanh long, vải, chuối, nhãn, mít, xoài, chôm chôm; những loại quả khác còn phải đợi đàm phán cho đến khi 2 bên ký hiệp định thư chính thức.

Cũng do chính sách siết nhập khẩu tiểu ngạch của Trung Quốc, từ đầu năm đến nay, một số địa phương thu hoạch khoai lang, dứa… đã gặp cảnh dội chợ, giá rẻ vì thương lái Trung Quốc không mua. Gần đây nhất, dứa Lào Cai đã không bán sang Trung Quốc được vì mặt hàng này chưa có trong danh sách được nhập khẩu. Một số xe sầu riêng từ miền Tây chở sang biên giới phải quay đầu về bán nội địa vì lý do tương tự.

 

Trung Quốc siết đường tiểu ngạch, lo rau quả bí đầu ra - Ảnh 1.

Thanh long giá rẻ bán tại TP HCM tháng 10-2018 do xuất khẩu sang Trung Quốc bị ách cục bộ

 

Ông Nguyễn Lâm Viên, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Trang trại và DN nông nghiệp Việt Nam, đánh giá những động thái trên cho thấy Trung Quốc đang thực hiện đúng những gì đã công bố. "DN, nông dân Việt Nam không nên hy vọng có thể xuất khẩu qua đường tiểu ngạch như trước. Rau quả Việt Nam muốn vào Trung Quốc chỉ còn cách duy nhất là đi đường chính ngạch. Họ cũng đã tạo điều kiện cho mua bán chính ngạch khi giảm thuế từ 17% trước đây còn 3%-4%" - ông Nguyễn Lâm Viên dẫn chứng. Cũng theo ông Viên, lâu nay nhiều người bán hàng kiểu "hàng chợ" với thương nhân Trung Quốc nên giờ lúng túng trước các quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn. "Nếu DN Việt Nam không thể làm thì ngành trái cây Việt Nam có thể phải làm gia công cho DN Trung Quốc" - ông Viên lo ngại.

Chạy đua chính ngạch

Đối với 8 loại trái cây tươi Trung Quốc đã mở cửa, DN phải tuân thủ nhiều quy định để được thông quan. Ngày 5-4 vừa qua, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã có công văn gửi Cục Bảo vệ thực vật và Hiệp hội Rau quả Việt Nam thông tin về thời hạn áp dụng quản lý truy xuất nguồn gốc trái cây nhập khẩu của Trung Quốc. Theo đó, từ ngày 1-5 tới, hải quan Trung Quốc sẽ thực hiện: không thông quan dưa hấu lót rơm, yêu cầu dùng xốp lưới hoặc chất liệu không có vi sinh vật gây hại để bọc trái; đối với mít tươi phải dùng giấy dai Kraft hoặc bao bì là thùng giấy; chuối cũng phải được bọc bằng thùng giấy hoặc túi nhựa… và bao bì phải in thông tin truy xuất nguồn gốc. Từ ngày 1-1, tất cả nông sản xuất sang Trung Quốc phải đăng ký thông tin nhà vườn, nhà xưởng.

Theo ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, thời gian qua, các DN hội viên liên tục hỏi thủ tục xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc để đáp ứng yêu cầu. Ông Đặng Phúc Nguyên dự báo tình hình tiêu thụ trái cây năm nay sẽ khó khăn do Việt Nam vẫn chưa mở thêm được mặt hàng nào mới sang thị trường Trung Quốc. "Phải mất 5-10 năm mới mở cửa được một loại trái cây tươi. Tình hình này, chúng tôi khuyến cáo nông dân không nên trồng quá nhiều mặt hàng như khoai lang, sầu riêng… để chờ thị trường Trung Quốc vì rất rủi ro. Nông dân chỉ nên trồng những mặt hàng đã xác định rõ đầu ra" - ông Nguyên lưu ý.

Theo ông Đặng Phúc Nguyên, ngay cả những mặt hàng đã được mở cửa, rất cần cơ quan chức năng cung cấp thông tin sâu về thị trường, thị hiếu tiêu dùng để tránh tình trạng được mùa, rớt giá. Ông Đặng Phúc Nguyên thừa nhận ngành rau quả tuy kim ngạch xuất khẩu năm 2018 đạt 3,8 tỉ USD nhưng chủ yếu là DN nhỏ và siêu nhỏ, thiếu tiềm lực xúc tiến thương mại, hiệp hội cũng thiếu kinh phí. Tuy vậy, tiềm năng của ngành rất lớn và được ví là một trong 3 mỏ vàng của Việt Nam (cùng với thủy sản và dịch vụ) vì nhu cầu thị trường trong và ngoài nước rất lớn. "Rau quả tươi là mặt hàng ăn ngay nên đòi hỏi cao về độ an toàn. Hiện nay, tỉ lệ rau quả VietGAP, GlobalGAP… trên tổng diện tích canh tác chỉ khoảng 10%, nếu tăng lên 60%-70% thì không lo đầu ra nên vấn đề là trồng trọt phải theo hướng chuyên nghiệp, an toàn, truy xuất được nguồn gốc" - ông Nguyên phân tích. 

 

Cảnh báo mượn xuất xứ

Hải quan Trung Quốc vừa cung cấp thông tin một số vi phạm của rau quả Việt Nam trong năm 2018. Theo đó, phía Trung Quốc phát hiện ớt nhập khẩu từ Việt Nam nghi là ớt Ấn Độ do đặc điểm, kích thước khác ớt Việt Nam trong khi ớt Ấn Độ chưa được Trung Quốc phê chuẩn nhập khẩu.

 
 
Ý kiến bạn đọc
  • Quảng Nam định hướng đưa sâm Ngọc Linh thành Thương hiệu quốc gia

    Quảng Nam định hướng đưa sâm Ngọc Linh thành Thương hiệu quốc gia

    Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Lương Nguyễn Minh Triết vừa ký ban hành Nghị quyết số 40-NQ/TU về tăng cường công tác quản lý, bảo tồn và phát triển sâm Ngọc Linh trên địa bàn tỉnh đến năm 2030, định hướng đến năm 2035.

  • Việt Nam – Mông Cổ hướng tới tăng trưởng bền vững trong nông nghiệp

    Việt Nam – Mông Cổ hướng tới tăng trưởng bền vững trong nông nghiệp

    Sáng 20/11, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan tiếp và làm việc với ông Jadamba Enkhbayar - Bộ trưởng Lương thực, Nông nghiệp và Công nghiệp nhẹ Mông Cổ, Chủ tịch Phân ban Mông Cổ trong Ủy ban liên Chính phủ song phương.

  • Ngành gỗ tăng tốc về đích sớm

    Ngành gỗ tăng tốc về đích sớm

    Một trong những điểm nhấn nổi bật trong "bức tranh" xuất khẩu nông lâm thủy sản từ đầu năm đến nay là kết quả xuất khẩu đồ gỗ và các sản phẩm từ gỗ. Đây là 1 trong 6 mặt hàng có thặng dư thương mại đạt trên 1 tỷ USD và hứa hẹn sẽ lập kỷ lục mới xuất khẩu trong năm 2024.

Top