Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024  
Thứ tư, ngày 1 tháng 5 năm 2019 | 1:57

Trường ĐH Bách khoa Hà Nội xây dựng ki ốt cho thuê sai mục đích?

Mặc dù UBND TP. Hà Nội giao đất cho Trường ĐH Bách Khoa để phục vụ mục đích giáo dục, thế nhưng một phần diện tích đất tại đây lại được xây dựng ki ốt cho thuê nhiều năm nay…

Nguồn tin từ PhapluatNet.vn đăng tải mới đây cho biết, từ khi đường Trần Đại Nghĩa hoàn thành (năm 2007), phần diện tích đầu hè của hai khối nhà ký túc xá B6, B7 đất của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội được Ban giám hiệu nhà trường xây dựng thành những ki ốt để cho thuê mở quán cà phê, quán nhậu...

bách-khoa1.jpg
Trường Đại học Bách Khoa có dấu hiệu sử dụng đất sai mục đích? (Ảnh PhapluatNet)

Cụ thể, hàng loạt quán cà phê, quán ăn nằm trên đường Trần Đại Nghĩa (phường Bách Khoa, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) đối diện cổng Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội thì phần diện tích đất này được UBND TP. Hà Nội giao cho trường để phục vụ mục đích giáo dục.

Qua tìm hiểu, PV được một số chủ cửa hàng tại đây cho biết, để thuê được cửa hàng kinh doanh buôn bán tại khu vực này không hề đơn giản, phải có người quen làm trong trường (ĐH Bách Khoa) mới thuê được và giá thuê không hề rẻ, khoảng 30 – 40 triệu đồng/tháng với cửa hàng rộng khoảng 30m2. Đối với những diện tích lớn hơn, giá cho thuê lên tới cả trăm triệu đồng/tháng.

Để tìm hiểu rõ hơn về việc tại sao Trường ĐH Bách Khoa lại sử dụng đất phục vụ mục đích giáo dục vào việc xây dựng và cho các đơn vị khác thuê lại, PV đặt lịch với UBND phường Bách Khoa, UBND quận Hai Bà Trưng, tuy nhiên đã nhiều ngày qua chưa nhận được phản hồi từ các đơn vị này.

ảnh-bách-khoa3.jpg

 

bách-khoa2.jpg
Quán cà phê Highland được Trường Bách Khoa cho thuê lại trên đất phục vụ mục đích giáo dục.(Ảnh PhapluatNet)

Về phía Trường ĐH Bách Khoa, ông Lê Hiếu Học, Trưởng phòng truyền thông và quản trị thương hiệu, cho biết, do nhu cầu đời sống, học tập của sinh viên, cán bộ thì nhà trường có các đề án đối với Bộ GDĐT. Trong cái quyết định tự chủ trong đấy nhà trường được tự chủ về thương hiệu, tài sản trong việc liên danh liên kết phục vụ các hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học hỗ trợ cho sinh viên.

Thứ nhất, tất cả các địa điểm mà PV quan tâm đều có đề án gửi Bộ GDĐT để xin phép triển khai những nội dung đó.

Thứ 2, báo cáo đề xuất đối với Bộ GDĐT về việc thực hiện nội dung như vậy.

Thứ 3, tất cả các địa điểm đấy thì được nhà trường kí biên bản, hợp đồng đối với nhà trường, toàn bộ kinh phí đấy chuyển về Phòng kế hoạch, tài khoản của nhà trường quản lý.

Như vậy, các hoạt động phong trào của sinh viên, đoàn hội qua các hoạt động đấy sinh viên rèn luyện được những kỹ năng, thì có phần kinh phí đấy mà không phải gánh nặng lên việc học.

Trao đổi thêm với PV, ông Học cho biết: "Bên ĐH học Bách Khoa cũng có trao đổi tại phường, kể cả cái việc tòa nhà Highland thì cũng có giấy phép xây dựng của quận, cũng có ý kiến của phường".

Tuy nhiên, khi PV đề cập đến một số văn bản, hồ sơ, quyết định về việc phê duyệt, đề án gửi Bộ GDĐT và hồ sơ liên quan đến cấp phép xây dựng của phường Bách Khoa, UBND quận Hai Bà Trưng, nhưng nhiều ngày qua PV vẫn chưa nhận được phản hồi từ phía nhà trường.

Theo khoản 4, Điều 147, Luật Đất đai 2013: Người đứng đầu cơ quan, tổ chức được giao đất, cho thuê đất có trách nhiệm bảo toàn diện tích đất được giao, được thuê và phải sử dụng đất đúng mục đích.

Nghiêm cấm việc sử dụng đất xây dựng trụ sở cơ quan, xây dựng công trình sự nghiệp vào mục đích khác. Trong đó đất xây dựng công trình sự nghiệp gồm đất xây dựng các công trình sự nghiệp thuộc các ngành và lĩnh vực về kinh tế, văn hóa, giáo dục, xã hội, y tế và đào tạo…

 

TP.HCM chỉ đạo nhưng nhiều điểm lấn chiếm công viên vẫn chưa di dời

Mới đây, Báo Lao Động đã phản ánh thực trạng liên quan đến chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong từng yêu cầu Sở Giao thông Vận tải, Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên - Môi trường và các cơ quan chức năng liên quan phải di dời các cơ sở kinh doanh lấn chiếm tại một số công viên trung tâm trước ngày 30/4/2019. Tuy nhiên, đến nay hàng loạt cơ sở trên vẫn chưa có dấu hiệu di dời.

Được biết, trên địa bàn TP.HCM hiện có hơn 500 ha đất công viên cây xanh, trong đó đất dành cho công viên cây xanh nội thành chiếm gần 60%. Nhiều công viên trên địa bàn thành phố đều tồn tại tình trạng kinh doanh khai thác sai công năng.

Trên cơ sở này, Sở GTVT đã kiến nghị UBND TP chỉ đạo Sở Tài nguyên - Môi trường phối hợp với các cơ quan liên quan di dời các trụ sở đóng trên mặt bằng công viên. Đồng thời, yêu cầu Trung tâm Phát triển quỹ đất không gia hạn hợp đồng cho thuê với các đơn vị đang sử dụng mặt bằng tại các công viên và chấm dứt trước ngày 30/4/2019.

Theo thông tin từ Báo Lao Động, vào sáng 30/4 tại Công viên 23.9, hầu hết các điểm kinh doanh lấn chiếm mặt bằng công viên vẫn đang hoạt động và chưa có dấu hiệu nào sắp di dời dù đã đến thời hạn phải di dời.

Tình hình tương tự cũng xuất hiện tại Thảo Cầm Viên, Lê Thị Riêng và một số công viên khác. Trao đổi với phóng viên, đại diện một số chủ kinh doanh cho biết đã nhận được thông tin di dời trước ngày 30/4, nhưng vì "chén cơm manh áo" nên họ cố cầm cự được ngày nào hay ngày đó.

9666904b624a8714de5b.jpg
Nhiều điểm kinh doanh tại Thảo Cầm Viên vẫn chưa di dời. (Ảnh - Huân Cao Báo Lao Động)

Ông Vũ Văn Điệp, đại diện Sở GTVT thông tin, Sở vẫn đang phối hợp cùng Sở Tài nguyên Môi trường và UBND các quận chỉnh trang, cải tạo lại với các công viên bị lấn chiếm kinh doanh.

Theo ông Điệp, Sở GTVT đã phân công viên ra thành hai nhóm để cải tạo, nhóm 13 công viên có diện tích lớn hiện hữu do Sở quản lý và nhóm hơn 300 công viên do quận, huyện quản lý. Tuy nhiên, do còn một số vướng mắc nên công việc di dời chưa hoàn thành trước ngày 30/4 theo chỉ đạo của lãnh đạo thành phố.

“Trước mắt, các công viên nằm ở khu vực trung tâm như 23.9, Thảo Cầm Viên, Lê Thị Riêng,.. sẽ được chỉnh trang, cải tạo và sớm hoàn thành theo chỉ đạo của thành phố. Sở GTVT tiếp tục phối hợp cùng Sở Tài nguyên Môi trường và các cơ quan liên quan di dời các điểm kinh doanh đóng trên mặt bằng công viên trong thời gian tới ”- đại diện Sở GTVT nói.

Được biết, một số công viên trung tâm tại TP.HCM có nhiều đơn vị quản lý, khai thác nên dẫn tới việc quản lý chồng chéo. Bên cạnh đó, nhiều khu mua sắm, ăn uống và dịch vụ đã làm thay đổi công năng của công viên.

Trong khi các khu vực tiện ích tại công viên như khu sinh hoạt cộng đồng, sân chơi trẻ em, khu văn hóa thể thao cho thanh thiếu niên vẫn còn hạn chế, chưa đáp ứng đủ nhu cầu của người dân.

 

Gia Lai: Thanh tra toàn diện hàng loạt doanh nghiệp dùng đất công trái luật

Hàng loạt doanh nghiệp bị thanh tra đã dùng quyền sử dụng đất công thuê hàng năm để góp vốn liên doanh, liên kết trái với các quy định của Luật Đất đai 2013.

VOV đưa tin, UBND tỉnh Gia Lai vừa ban hành văn bản yêu cầu hàng loạt sở, ngành chức năng tại địa phương triển khai các giải pháp xử lý, khắc phục những sai phạm trong việc giao, cho thuê, quản lý, sử dụng đất công tại tỉnh trong và sau quá trình cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước (giai đoạn 2011-2017) theo kết luận của Kiểm toán Nhà nước khu vực XII.

Thông tin trên báo TNMT, UBND tỉnh Gia Lai yêu cầu Thanh tra tỉnh tiến hành ngay việc thanh tra toàn diện 6 doanh nghiệp: Công ty cổ phần Gia Lai, Công ty cổ phần Kinh doanh và Phát triển miền núi Gia Lai, Công ty cổ phần Thương mại Gia Lai, Công ty cổ phần Du lịch Gia Lai, Công ty cổ phần Xây dựng và Xây lắp điện Gia Lai, Công ty cổ phần Xây dựng Thương mại Ia Grai.

Ngoài việc bị thanh tra, cả 6 doanh nghiệp này cũng bị UBND tỉnh Gia Lai đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường tiến hành xử phạt vi phạm hành chính vì những sai phạm trong quản lý, sử dụng và cho thuê tài sản trên đất công. Đồng thời, đề nghị thu hồi 11 thửa đất công mà doanh nghiệp thuê nhưng không sử dụng dẫn tới lãng phí, bị lấn chiếm.

gia-lai.jpg
Cơ sở kinh doanh ngành ăn uống trên đất công viên. (ảnh: báo Thanh niên)

Việc thanh tra được thực hiện ngay trong quý II và yêu cầu báo cáo về UBND tỉnh trước ngày 30/6 năm nay. Từ đó, đề nghị các ngành chức năng triển khai các giải pháp xử lý, khắc phục những sai phạm trong việc giao, cho thuê, quản lý, sử dụng đất công tại tỉnh trong và sau quá trình cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước (giai đoạn 2011-2017) theo kết luận của Kiểm toán Nhà nước khu vực XII.

Trước đó, Kiểm toán nhà nước khu vực XII đã chỉ ra hàng loạt sai phạm trong việc quản lý, sử dụng đất công sau quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp tại tỉnh Gia Lai từ 2011-2017.

Đồng thời, KTNN đã kiến nghị UBND tỉnh Gia Lai chỉ đạo các đơn vị liên quan xử lý các hành vi sử dụng đất, cho thuê tài sản trên đất sai quy định; thực hiện thanh tra toàn diện và xử lý theo quy định đối với các khoản doanh nghiệp đã thu từ hợp đồng góp vốn bằng quyền sử dụng đất, cho thuê tài sản trái luật nộp vào ngân sách.

 

Nam Từ Liêm (Hà Nội): Hàng nghìn m2 đất trường học “biến tướng” thành nhà xưởng kinh doanh trục lợi

Theo Báo Xây dựng, được chấp thuận cải tạo, sửa chữa xưởng thực hành nghề gia công cơ khí, sửa chữa động cơ để phục vụ công tác đào tạo, nhưng Trường Cao đẳng Công nghệ và Môi trường Hà Nội có địa chỉ tại phố Trần Văn Lai, phường Mỹ Đình 1 (quận Nam Từ Liêm - Hà Nội) lại tự ý sử dụng làm gara ôtô nhằm kinh doanh trục lợi khiến nhiều sinh viên đang theo học tại trường và người dân địa phương vô cùng bức xúc.

Toàn bộ xưởng thực hành nghề của Trường Cao đẳng Công nghệ và Môi trường Hà Nội thực chất là một gara ô tô đang kinh doanh bất hợp pháp.

Khu vực nhà xưởng nằm trong khuôn viên Trường Cao đẳng Công nghệ và Môi trường Hà Nội có biển hiệu ghi rõ là Trung tâm thực hành sản xuất và thực nghiệm Mỹ Đình – Xưởng dạy nghề bảo trì và sửa chữa ô tô. Tuy nhiên, chiếm ½ diện tích biển hiệu quảng cáo lại là Gara ô tô Quang Tuấn với đầy đủ các dịch vụ sửa chữa và bảo dưỡng ô tô. Hàng ngày, có rất nhiều xe ô tô ra vào để làm dịch vụ. Nhân viên ở đây tiếp nhận xe để sửa chữa, thay thế phụ tùng, không hề có bất kỳ hoạt động dạy và học nghề diễn ra tại đây.

Anh N.V.H - một người dân sinh sống gần đây cho biết: “Xưởng ô tô này đã được xây dựng khá lâu, gần đây họ lại sửa chữa và cơi nới thêm, hoạt động rầm rộ cả ngày, gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự. Xe cộ ra vào liên tục, đỗ tràn cả 2 bên đường, mùi xăng dầu lúc nào cũng nồng nặc khiến người dân quanh đây rất bức xúc”.

Bạn H.V.T, một học viên đang theo học tại trường Cao đẳng Công nghệ và Môi trường Hà Nội khẳng định: “Em là sinh viên đang theo học ngành Bảo trì và Sửa chữa ô tô tại khoa Cơ – Tin – Điện tử nhưng chưa hề biết đến Trung tâm thực hành này. Khu vực này là xưởng sửa chữa của tư nhân, hoàn toàn không liên quan đến việc học tập hay thực hành, thực nghiệm nào của học sinh, học viên trong trường. Trong khi Nhà trường thì vẫn thiếu cơ sở vật chất để phục vụ công tác đào tạo nghề mà lại để cho tư nhân hoạt động kinh doanh như thế này, chúng em cũng thấy bất cập”.

Tìm hiểu được biết, UBND quận Nam Từ Liêm có Văn bản số 170/UBND-QLĐT ngày 30/7/2018 gửi Trường Cao đẳng Công nghệ và Môi trường Hà Nội về việc chấp thuận cải tạo, sửa chữa xưởng thực hành nghề gia công cơ khí, sửa chữa động cơ: “UBND quận Nam Từ Liêm nhận được Văn bản số 67/TTr-CĐCN&MT của Trường Cao đẳng Công nghệ và Môi trường Hà Nội xin phép cải tạo, sửa chữa xưởng thực hành nghề gia công cơ khí, sửa chữa động cơ đã xuống cấp tại thửa đất số 03, tờ bản đồ số 23, diện tích 16.332m2 (trong đó diện tích sử dụng riêng là 15.682m2; diện tích sử dụng chung là 650m2), phường Mỹ Đình 1, quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội; Giấy chứng nhận quyền quản lý, sử dụng nhà đất thuộc trụ sở làm việc thuộc sở hữu Nhà nước (tại các cơ quan hành chính sự nghiệp) số 058835 ngày 10/8/2004 do Sở Tài chính Hà Nội cấp cho Trường Cao đẳng Công nghệ và Môi trường Hà Nội.

Đồng thời, xét đề xuất của UBND phường Mỹ Đình 1 tại Báo cáo số 830/BC-UBND ngày 24/7/2018, UBND quận Nam Từ Liêm chấp thuận cho Trường Cao đẳng Công nghệ và Môi trường Hà Nội cải tạo, sửa chữa xưởng thực hành nghề gia công cơ khí, sửa chữa động cơ tại phường Mỹ Đình”.

Theo đó, Trường Cao đẳng Công nghệ và Môi trường Hà Nội được phép lắp dựng khung thép, kết cấu đơn giản, không kiên cố thay thế hệ mái vì kèo thép, tấm lợp tôn đã xuống cấp. Ngoài ra, việc sửa chữa, cải tạo công trình trên tuyệt đối không được mở rộng quy mô (về diện tích, số tầng) của xưởng cũ hiện trạng.

Đồng thời, đề nghị trường Cao đẳng Công nghệ và Môi trường Hà Nội trước khi khởi công cải tạo, sửa chữa công trình phải lập hồ sơ hiện trạng các công trình lân cận, liền kề, có xác nhận của các chủ sở hữu, chủ sử dụng các công trình lân cận để làm cơ sở giải quyết khiếu nại nếu việc thi công cải tạo, sửa chữa làm hư hỏng công trình liền kề. Chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật nếu xâm phạm các quyền hợp pháp của các sở hữu công trình lân cận, liền kề.

Trước khi khởi công cải tạo, sửa chữa, Trường Cao đẳng Công nghệ và Môi trường Hà Nội phải thông báo đến UBND phường Mỹ Đình để kiểm tra, giám sát theo quy định. Giao UBND phường Mỹ Đình 1, Đội TTXD quận thường xuyên kiểm tra, giám sát việc cải tạo sửa chữa xưởng thực hành nghề gia công cơ khí, sửa chữa động cơ theo hiện trạng của trường Cao đẳng Công nghệ và Môi trường Hà Nội đúng với các nội dung nêu trên, từ khi khởi công đến khi hoàn thành công trình. Giao UBND phường Mỹ Đình 1 báo cáo hồ sơ hoàn công sau khi trường Cao đẳng Công nghệ và Môi trường Hà Nội hoàn thành việc cải tạo sửa chữa xưởng hành nghề gia công cơ khí, sửa chữa động cơ tại địa chỉ trên; kiểm soát chặt chẽ việc cải tạo, đảm bảo tuyệt đối không để xảy ra vi phạm trật tự xây dựng.

Như vậy, đến tháng 7/2018, quận Nam Từ Liêm mới chấp thuận cho Trường Cao đẳng Công nghệ và Môi trường Hà Nội cải tạo xưởng thực hành nghề gia công cơ khí, sửa chữa động cơ theo hiện trạng cũ; đồng thời giao trách nhiệm cho UBND phường Mỹ Đình 1, Đội TTXD quận kiểm tra, giám sát chặt chẽ quá trình cải tạo này. Trên thực tế, khu nhà xưởng đã tồn tại và hoạt động từ nhiều năm nay, nhưng chính quyền địa phương và các cơ quan liên quan vẫn chưa xác nhận được có sai phạm hay không, chưa có hồ sơ hay văn bản nào thể hiện việc tiến hành kiểm tra, xử lý?!

Trước những bất cập nêu trên, đề nghị UBND quận Nam Từ Liêm, UBND phường Mỹ Đình 1 khẩn trương kiểm tra, xử lý những sai phạm tại khu nhà xưởng trên.

 

 

 

Hữu Thắng
Ý kiến bạn đọc
  • Lợi thế đắt giá đến từ vị trí của phân khu Victoria

    Lợi thế đắt giá đến từ vị trí của phân khu Victoria

    Là phân khu hưởng trọn lợi thế siêu kết nối của đại đô thị, cùng vị trí đắc địa khi nằm tách biệt với các dự án khác, The Victoria trở thành giao điểm kết nối giữa nhịp sống sôi động và yên bình để trở thành một điểm nhấn khác biệt của Vinhome Smart City.

  • The Miami 5: Không gian sống lý tưởng cho gia đình trẻ

    The Miami 5: Không gian sống lý tưởng cho gia đình trẻ

    The Miami 5 – Tòa tháp cuối cùng của phân khu The Miami là đáp án hoàn hảo cho bài toán không gian sống mà các gia đình trẻ Hà Nội đang kiếm tìm. Đó là chốn an cư lý tưởng với hệ thống tiện ích hoàn chỉnh và cộng đồng dân cư hiện hữu.

  • Thanh Hóa vận động hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo

    Thanh Hóa vận động hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo

    Mới đây, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa đã ban hành Chỉ thị số 22-VT/TU về Cuộc vận động hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, hộ gia đình chính sách, hộ còn khó khăn về nhà ở trên địa bàn tỉnh trong 2 năm 2024-2025.

Top