Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 27 tháng 4 năm 2018 | 22:24

Truy xuất rau quả xuất sang Trung Quốc: Không nên quá lo ngại!

Trước yêu cầu truy xuất nguồn gốc hoa quả xuất sang Trung Quốc, các doanh nghiệp xuất khẩu hoa quả Việt Nam lo ngại do có những yêu cầu thay đổi đối với thị trường này. Đây đang là mối quan tâm chung của ngành hàng rau quả Việt Nam.

Việc cơ quan chức năng tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) yêu cầu truy xuất nguồn gốc đối với rau quả đang là mối quan tâm chung của ngành hàng rau quả Việt Nam.

Thực tế cho thấy, đến thời điểm này, xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc vẫn đang bình thường và nhiều khả năng không bị ảnh hưởng nhiều từ quy định nói trên.

Theo thông tin từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc từ đầu năm đến nay vẫn đang tiếp tục thuận lợi. Trong quý đầu tiên của năm, thị trường Trung Quốc tiếp tục thể hiện rõ là thị trường quan trọng nhất của rau quả Việt Nam. Cụ thể, xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc trong quý 1 đạt 726,625 triệu USD, tăng 41,97% so cùng kỳ 2017 (Trung Quốc là thị trường có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong 10 thị trường lớn nhất của rau quả Việt Nam). Với giá trị xuất khẩu như trên, Trung Quốc đang chiếm tới 74,9% tổng giá trị XK rau quả của Việt Nam.

Theo bà Đặng Thu Thủy, chuyên viên thương mại của Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruit), đến thời điểm này, hoạt động xuất khẩu rau quả (chủ yếu là trái cây) sang Trung Quốc vẫn diễn biến một cách bình thường, chưa thấy khó khăn, trở ngại gì.

rau-qua.jpg
Đóng gói quả thanh long phục vụ xuất khẩu. (Nguồn: Internet)

 

Ông Trần Ngọc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Thanh long Bình Thuận, cho biết, các doanh nghiệp trên địa bàn vẫn đang xuất khẩu thanh long sang Trung Quốc bình thường. Theo ông Hiệp, Quảng Tây chỉ chiếm khoảng 10% lượng rau quả Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc. Quảng Đông mới là tỉnh chiếm phần lớn lượng rau quả Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc. Khi vào Quảng Đông, một lượng lớn rau quả Việt Nam được đưa tiếp sang tỉnh Quảng Châu để phân phối cho khu vực phía Đông của Trung Quốc. Vì những yếu tố trên mà việc tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) yêu cầu rau quả lưu thông trên địa bàn tỉnh này phải có truy xuất nguồn gốc, sẽ chưa gây ảnh hưởng nhiều tới xuất khẩu rau quả Việt Nam sang Trung Quốc.

Mặt khác, các yêu cầu truy xuất nguồn gốc rau quả của cơ quan chức năng tỉnh Quảng Tây vẫn đang mang tính hình thức là chính. Các doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có thể tự cung cấp thông tin về nhà vườn, nhà xưởng đóng gói… cho nhà nhập khẩu ở Quảng Tây.

Dầu vậy, các DN xuất khẩu rau quả cũng không thể vì thế mà không quan tâm tới việc truy xuất nguồn gốc rau quả xuất khẩu sang Quảng Tây nói riêng và Trung Quốc nói chung (nếu như sau này sẽ có quy định ở cấp quốc gia của Trung Quốc đối với truy xuất nguồn gốc rau quả). Bà Đặng Thu Thủy cho biết, từ khi có thông báo của tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) về truy xuất nguồn gốc rau quả, nhiều doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc đã chủ động liên hệ với các nhà nhập khẩu Trung Quốc để tìm hiểu rõ các quy định nhằm chủ động thực hiện theo đúng các yêu cầu của cơ quan chức năng tỉnh Quảng Tây.

Theo ông Trần Ngọc Hiệp, nếu DN có quyết tâm và làm một cách nghiêm túc, thì làm truy xuất nguồn gốc cho rau quả XK không có gì khó khăn lắm. Vấn đề đang được đặt ra hiện nay là nhiều vùng sản xuất rau quả XK chưa có mã số vùng trồng. Nhiều DN XK rau quả Việt Nam, mới chỉ có code để XK sang Mỹ, EU…, mà chưa có code XK sang Trung Quốc. Do đó, Bộ Nông nghiệp và PTNT cần sớm quan tâm tới việc cấp mã số vùng trồng, cấp code cho các DN XK rau quả sang Trung Quốc cũng như các thị trường khác.

Theo Vinafruit, trong tháng 4 này, ước tính kim ngạch xuất khẩu rau quả đạt 353,782 triệu USD, ước tăng 10% so tháng 4/2017. Ước tính trong 4 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu rau quả đã đạt 1,323 tỷ USD, tăng 29,5% so cùng kỳ năm ngoái.

 


Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường trực tiếp đi kết nối mở cửa thị trường Nhật

Nhận lời mời của Bộ trưởng Nông lâm ngư nghiệp Nhật Bản Ngài Ken Saito, Đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và PTNT do Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đã thăm và làm việc tại Nhật Bản từ ngày 23 – 24/4/2018. Tham gia Đoàn công tác có đại diện của 7 tỉnh, thành phố và hơn 20 doanh nghiệp.

bt.jpg
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường ký kết hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp với Nhật Bản. (Ảnh: PV)

 

Trong khuôn khổ chuyến công tác, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường và Bộ trưởng Ken Saito đồng chủ trì Đối thoại Nông nghiệp cấp cao Việt Nam – Nhật Bản lần thứ 4. Đây là cơ chế đối thoại thường niên giữa hai Bộ nhằm đánh giá việc triển khai Tầm nhìn trung và dài hạn về hợp tác nông nghiệp Việt Nam – Nhật Bản đã được phê duyệt năm 2015 với nội dung tập trung vào các vấn đề: Nâng cao năng suất, giá trị gia tăng; Chế biến thực phẩm, phát triển sản phẩm; Cải thiện lưu thông, dây chuyền lạnh; Hợp tác về biến đổi khí hậu; Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.

Hai Bộ trưởng trao đổi các biện pháp nhằm thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp giữa hai nước, đặc biệt là tăng cường trao đổi thương mại hàng hóa nông lâm thủy sản trong bối cảnh hai nước đã cùng ký kết Hiệp định CPTPP. Kết thúc đối thoại, hai Bộ trưởng cùng ký kết Biên bản phê duyệt sửa đổi Tầm nhìn trung và dài hạn và ký Bản ghi nhớ về áp dụng các tiêu chuẩn và chứng nhận về chất lượng nông sản và thực phẩm tại Việt Nam.

Cũng nhân dịp chuyến thăm này, Bộ Nông nghiệp hai nước đã phối hợp tổ chức Diễn đàn kết nối doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam – Nhật Bản. Hơn 150 đại biểu đến từ 65 doanh nghiệp đã tham dự sự kiện để cùng trao đổi tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư trong các lĩnh vực như: phát triển kho lạnh, dịch vụ logistics, sản xuất rau quả chất lượng cao, chuyển giao công nghệ phân loại sản phẩm, bao bì, đóng gói….

Tổ chức thành đoàn đội để hỗ trợ nhau trên biển

Trước việc Trung Quốc ra thông báo ngừng đánh cá có thời hạn trên biển Đông, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã chính thức có văn bản đề nghị các tỉnh, thành ven biển triển khai nhiều nội dung liên quan.

Theo Văn bản 3027/BNN-TCTS, Bộ Nông nghiệp nông thôn Trung Quốc thông báo tạm ngừng đánh cá có thời hạn từ 12 giờ ngày 1/5/2018 đến 12 giờ ngày 16/8/2018 trong biển Đông vùng biển từ 12 độ vĩ Bắc đến đường giao giới vùng biển Phúc Kiến - Quảng Đông kể cả Vịnh Bắc Bộ và vùng biển chủ quyền của Việt Nam.

Trước tình hình trên Bộ Nông nghiệp và PTNT đã chỉ đạo cơ quan chức năng thông báo cho ngư dân tham gia hoạt động khai thác hải sản trên biển biết về việc tạm ngừng đánh cá có thời hạn của phía Trung Quốc và khẳng định việc Trung Quốc tạm ngừng đánh cá trong vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam là không có giá trị.

Đồng thời, các địa phương động viên ngư dân bám biển sản xuất bình thường trong phạm vi vùng biển của Việt Nam và hướng dẫn tổ chức thành đoàn đội khi đi sản xuất để hỗ trợ nhau trên biển.

Bộ Nông nghiệp và PTNT cũng lưu ý, đối với tàu cá có Giấy phép đánh bắt trong vùng đánh cá chung Vịnh Bắc Bộ năm 2017 - 2018 không sang khai thác tại vùng biển phía Đông đường phân định Vịnh Bắc Bộ trong thời gian nói trên.

Bên cạnh đó, UBND các địa phương chỉ đạo các cơ quan chức năng quản lý chặt chẽ việc xuất bến của tàu cá hoạt động trong thời gian này, thường xuyên theo dõi tình hình hoạt động của tàu cá trên biển, kịp thời thông báo các vụ việc đột xuất phát sinh trên biển về Bộ NNPTNT (qua đường dây nóng của Cục Kiểm ngư) theo Quy chế thực hiện quy định sử dụng đường dây nóng Việt Nam - Trung Quốc về các vụ việc phát sinh đột xuất của hoạt động nghề cá trên biển.

Trước đó, Hội Nghề cá Việt Nam cũng phản đối việc Trung Quốc đơn phương ban hành Quy chế cấm bắt cá của Trung Quốc trên biển Đông gây cản trở sản xuất trên biển của ngư dân, xâm phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và vùng biển Vịnh Bắc Bộ, vi phạm các quyền lợi và lợi ích pháp lý của Việt Nam, vi phạm luật pháp quốc tế; trong đó có Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 và các văn bản pháp lý quốc tế liên quan, đi ngược lại với tinh thần và lời văn của Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) ký kết giữa ASEAN và Trung Quốc năm 2002, không phù hợp với xu thế phát triển của quan hệ hai nước trong bối cảnh hiện nay, không có lợi cho hòa bình và ổn định ở khu vực.

Hội Nghề cá Việt Nam kịch liệt phản đối hành động đơn phương và không có giá trị pháp lý của Trung Quốc. Quyết định trên của Trung Quốc là vô giá trị.

 

 Giá đường chạm đáy 

Giá đường liên tục giảm xuống trong những tháng qua và hiện đã xuống mức thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây.

Theo thông tin từ một số doanh nhân ngành đường, giá đường sỉ tại các nhà máy và giá bán buôn trên thị trường hiện đã xuống rất thấp. Trong nửa đầu tháng 4, giá bán buôn đường kính trắng ở Hà Nội chỉ còn 11.300 - 12.000 đồng/kg, miền Trung 10.600 - 11.200 đồng/kg, TP.HCM 11.400 - 11.600 đồng/kg. Giá bán sỉ tại các nhà máy thường thấp hơn giá bán buôn trên thị trường khoảng 400 - 500 đồng/kg.

Ông Nguyễn Hải, Tổng thư ký Hiệp hội Mía đường Việt Nam, cho hay, đây là mức giá thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây. Với giá đường như hiện nay, phần lớn các nhà máy đường đang phải bán ra với giá thấp hơn giá thành. Chỉ có một số nhà máy nhờ quy mô sản xuất lớn, nguồn nguyên liệu tốt, đa dạng hóa sản phẩm…, thì vẫn đang còn chấp nhận được với giá bán sỉ hiện tại. Còn lại phần lớn các nhà máy khác, do đã phải bán ra với giá thấp hơn giá thành, nên đang lâm vào tình trạng thua lỗ.

mia-duon.jpg
Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet.vn)

 

Do giá đường giảm mạnh, các nhà máy đã phải giảm giá thu mua mía so với đầu vụ. Chẳng hạn, hồi tháng 11/2017, Nhà máy đường Sóc Trăng thu mua mía 10 CCS tại nhà máy với giá 960.000 đồng/tấn, nay giảm còn 900.000 đồng/tấn; Nhà máy đường Bến Tre giảm từ 980.000 đồng/tấn xuống còn 910.000 đồng/tấn… Dù đã phải giảm giá thu mua mía, nhưng do giá đường xuống quá thấp, nhiều nhà máy vẫn đang rất khó khăn trong việc duy trì giá thu mua mía cho nông dân.  

 

Xử phạt 7 phương tiện sử dụng xung điện đánh bắt hải sản

Trong quá trình tuần tra trên biển, lực lượng chức năng phát hiện 7 tàu vỏ gỗ có hành vi tàng trữ dụng cụ xung kích điện để sử dụng vào mục đích khai thác thủy sản tại vùng biển Cù Lao Chàm (Quảng Nam).

Theo đó, vào trưa 24/4, Đồn Biên phòng Cù Lao Chàm điều động 2 ca nô cùng 15 cán bộ chiến sĩ phối hợp với BQL Bảo tồn biển Cù Lao Chàm tiến hành tuần tra, kiểm soát khu vực biển Cù Lao Chàm thì phát hiện được 7 tàu vỏ gỗ: Tàu cá QNa 00690TS do Lê Văn Cư (1980) làm chủ phương tiện; tàu cá QNa 00566 TS, 15CV, Nguyễn Hữu Anh (1980) làm chủ phương tiện; tàu cá QNa 00360 TS, Huỳnh Phước (1974) làm chủ phương tiện; tàu cá QNa 00594 TS, Trần Thanh Hiếu (1978) làm chủ phương tiện; tàu cá QNa 00143 TS, Nguyễn Hữu Nam (1980) làm chủ phương tiện; tàu cá QNa 00644, Phạm Vinh (1980) làm chủ phương tiện; tàu cá QNa 00412, công suất 15CV, Ngô Văn Cu (1974) làm chủ phương tiện. Các chủ phương tiện trên đều có hộ khẩu thường trú tại thôn Thuận An, xã Tam Hải, huyện Núi Thành có hành vi tàng trữ dụng cụ xung kích điện.

Khai nhận với lực lượng chức năng, các chủ phương tiện thừa nhận hành vi tàng trữ các dụng cụ xung kích điện này là để sử dụng vào mục đích khai thác thủy sản tại vùng biển Cù Lao Chàm. Được biết các dụng cụ xung kích điện trên đều được mua từ các đối tượng ở tỉnh Quảng Ngãi. Ngay sau đó, Đồn Biên phòng Cù Lao Chàm đã ra quyết định phạt tất cả các phương tiện với tổng số tiền 21.000.000 đồng đồng thời tịch thu 7 bộ xung kích điện gồm: 7 máy phát điện, 7 hộp kích điện, 10 súng bắn điện và khoảng 630m dây điện, 1.260m ống hơi kèm theo.

 

Sản xuất điều hữu cơ có giá bán tốt

Bình Phước là địa phương đang đi đầu trong sản xuất điều hữu cơ. Trên địa bàn tỉnh, đã xuất hiện một số HTX chuyên sản xuất điều hữu cơ với sự hỗ trợ của doanh nghiệp và có được những kết quả ban đầu.

iều.jpg

Chế biến điều phục vụ xuất khẩu. (Nguồn: Internet)

 

Sản xuất điều hữu cơ, nông dân chấp nhận năng suất sẽ thấp hơn, công chăm sóc cao hơn, nhưng bù lại, sẽ có giá bán tốt hơn và được doanh nghiệp bao tiêu toàn bộ sản phẩm có chứng nhận. Như ở HTX Nông nghiệp Bù Gia Mập, mỗi kilogam điều có chứng nhận hữu cơ, được Cty Việt Hà mua cao hơn 1.000 đồng so với giá thị trường. Ngoài ra, khi được dán nhãn thương mại công bằng, nông dân còn được hưởng thêm tiền phúc lợi trên mỗi kg điều hữu cơ xuất khẩu.

Tuy sản lượng còn khá khiêm tốn, nhưng điều hữu cơ đã bắt đầu tham gia vào cơ cấu điều xuất khẩu của Việt Nam. Theo ông Đặng Hoàng Giang, Phó chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam, điều hữu cơ đang được xuất khẩu với giá cao hơn nhiều so với điều bình thường. Chẳng hạn, với nhân điều bình thường mã W320, đang có giá XK khoảng 4,4 USD/pao, thì nhân điều hữu cơ cùng mã đó có giá trên 6 USD/pao. Ước tính điều hữu cơ đang chiếm khoảng 1% sản lượng nhân điều XK trong những tháng đầu năm nay.


Giới thiệu nhiều sản phẩm công nghệ mới phục vụ nuôi, chế biến và xuất khẩu tôm

Từ 27 - 29/4, tại TP. Bạc Liêu (Bạc Liêu), diễn ra Hội chợ triển lãm công nghệ ngành tôm Việt Nam lần thứ 2 - VietShrimp 2018 với rất nhiều hoạt động ý nghĩa.

Đây là hội chợ chuyên ngành tôm có quy mô lớn nhất từ trước đến nay, với hơn 150 gian hàng của khoảng 100 DN thủy sản trong và ngoài nước tham gia.

Chương trình do Bộ Nông nghiệp và PTNT, Hội nghề cá Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh Bạc Liêu tổ chức hai năm một lần. Điểm mới của hội chợ năm nay là các nhà sản xuất mang đến nhiều sản phẩm công nghệ mới lạ để phục vụ cho các khâu từ nuôi, chế biến và xuất khẩu tôm. Cụ thể, các sản phẩm thức ăn sinh học, chế phẩm vi sinh thân thiện môi trường hay các thiết bị xử lý nước, môi trường, các sản phẩm tinh chế giá trị từ tôm.

bao.jpg
Giới thiệu sản phẩm của Báo Kinh tế nông thôn và Công ty TEQTO tại hội chợ.

 

Điểm nhấn của sự kiện lần này là BTC còn tổ chức hai hội thảo chuyên ngành gồm: “Khoa học công nghệ phục vụ nuôi tôm công nghệ cao” và “Phát triển nuôi tôm bền vững”. Tại đây, các nhà khoa học chia sẻ rất nhiều giải pháp tiết kiệm, hiệu quả để người người tôm có thể ứng dụng các thiết bị công nghệ cao trong sản xuất.

Theo Ban tổ chức, VietShrimp 2018 tập trung đến vấn đề nuôi tôm công nghệ, cùng đó là câu chuyện nuôi tôm theo hướng bền vững. Ngoài ra, VietShrimp 2018 là nơi để DN gần hơn với khách hàng, quảng bá được sản phẩm; người nuôi được trải nghiệm những sản phẩm đảm bảo an toàn chất lượng, nguồn gốc xuất xứ, tìm ra định hướng để vượt qua khó khăn về môi trường, dịch bệnh, con giống, thức ăn… Đây còn là cơ hội để các nhà khoa học nhìn nhận lại sản phẩm dưới tác động của khoa học - công nghệ, kỹ thuật tạo ra. VietShrimp 2018 cũng là dịp để Việt Nam tăng cường quảng bá hình ảnh con tôm Việt Nam, một trong những sản phẩm thế mạnh của nước ta đến với thị trường thế giới.

“VietShrimp 2018 ngoài giới thiệu, cập nhật những công nghệ mới nhất về ngành tôm trong nước và thế giới, còn là nơi gặp gỡ, trao đổi, học tập kinh nghiệm, hợp tác phát triển thương mại, đặc biệt tôi đánh giá cao 2 hội thảo: Khoa học công nghệ phục vụ nuôi tôm công nghệ cao và Phát triển nuôi tôm bền vững. Đây là 2 chủ đề nằm trong 2 nhóm giải pháp chủ đạo để nâng cao năng suất, chất lượng tôm nước lợ, theo hướng hữu cơ và thân thiện với môi trường…” Thứ trưởng nhấn mạnh.



Hỗ trợ tới 90% phí bảo hiểm nông nghiệp cho hộ nghèo

Theo Nghị định số 58/2018/NĐ-CP của Chính phủ, cá nhân sản xuất nông nghiệp thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo được Nhà nước hỗ trợ tối đa 90% phí bảo hiểm nông nghiệp.

Tổ chức sản xuất theo mô hình hợp tác, liên kết, tập trung, quy mô lớn có ứng dụng khoa học công nghệ và các quy trình sản xuất tiên tiến vào sản xuất, hướng tới nền nông nghiệp sạch, công nghệ cao, thân thiện với môi trường được hỗ trợ tối đa 20% phí bảo hiểm nông nghiệp.

Theo đó, đối tượng bảo hiểm được hỗ trợ gồm: 1/Cây trồng: Lúa, cao su, hồ tiêu, điều, cà phê, cây ăn quả, rau; 2/ Vật nuôi: Trâu, bò, lợn, gia cầm; 3/ Nuôi trồng thủy sản: Tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cá tra gặp rủi ro thiên tai, dịch bệnh...



"Không thể lọt vào hạt tiêu xuất khẩu"

Việc cơ sở thu mua của bà Nguyễn Thị Thanh Loan (xã Đắk Wer, huyện Đắk R’lấp, tỉnh Đắk Nông), bị cơ quan chức năng bắt quả tang dùng phế phẩm cà phê, sỏi nhỏ… ngâm bột pin, và được xác định là để làm tiêu giả, đang gây sự lo ngại lớn trong ngành hàng hồ tiêu.

Theo bà Nguyễn Thị Mai Oanh, PCT Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), việc làm giả hạt tiêu để gian lận thương mại đã có từ nhiều năm nay. Trước đây, người ta dùng hạt đu đủ để trộn lẫn vào hạt tiêu, vì hạt đu đủ có bề ngoài nhìn khá giống với hạt tiêu đen. Tuy nhiên, sau này, khi các DN xuất khẩu tiêu sử dụng máy móc để loại bỏ tạp chất trong tiêu nguyên liệu, thì hạt đu đủ không còn được trộn vào hạt tiêu nữa. Vì hạt đu đủ nhẹ hơn nhiều so với hạt tiêu nên dễ dàng bị hệ thống quạt trong máy loại bỏ tạp chất thổi ra ngoài.

Dù vậy, tình trạng trộn lẫn tạp chất vào tiêu để gian lận thương mại vẫn còn tiếp diễn. Tuy nhiên, có thể khẳng định các loại tạp chất, kể cả phế phẩm cà phê ngâm bột pin để làm giả hạt tiêu, không thể nào lọt vào được các lô hàng hạt tiêu xuất khẩu của Việt Nam. Bởi quy trình làm hạt tiêu xuất khẩu hiện nay đủ khả năng loại bỏ được những tạp chất đó.

hat-tieu.jpg
Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet.vn)


Bà Mai Oanh cho biết, hạt tiêu thường được nông dân đem bán trực tiếp cho các đại lý thu mua, hoặc bán thông qua những người thu mua nhỏ lẻ khác rồi những người này bán lại cho đại lý thu mua. Sau khi thu mua hạt tiêu, các đại lý sẽ loại bỏ tạp chất (cành, lá, đất đá…) trong hạt tiêu rồi phân loại sơ bộ theo từng dung trọng khác nhau. Các đại lý thu mua có thể bán tiêu trực tiếp cho DN XK hoặc bán lại cho nhà cung ứng hạt tiêu XK (cả nước hiện có khoảng 6 nhà cung ứng lớn chuyên cung ứng hạt tiêu cho các DN XK). Dù là mua hạt tiêu từ đại lý thu mua hay qua nhà cung ứng chuyên nghiệp, các DN XK cũng phải loại bỏ tạp chất một lần nữa, rồi qua các công đoạn như thổi, rửa bằng hơi nước, sấy… Với những công đoạn này, hầu hết tạp chất đều bị loại bỏ. Kể cả tiêu giả được làm bằng phế phẩm cà phê ngâm bột pin (nếu có) cũng sẽ bị rã ra và trôi ra ngoài khi qua công đoạn rửa bằng hơi nước.

Vậy phế phẩm cà phê ngâm bột pin làm giả loại tiêu nào? Bà Mai Oanh cho hay, phế phẩm cà phê ngâm bột pin có thể được dùng để giả làm tiêu đầu đinh hay tiêu nhẹ, tiêu lép. Tiêu đầu đinh là loại tiêu có dung trọng thấp, không đủ tiêu chuẩn làm hạt tiêu XK. Nhưng trên thị trường, loại tiêu này vẫn tiêu thụ được vì một số doanh nhân Ấn Độ, Trung Đông, Trung Quốc… vẫn tìm mua để về chiết xuất ra dầu tiêu (trong tiêu đầu đinh có nhiều dầu) hoặc xay nghiền để trộn vào các sản phẩm tiêu chế biến nào đó của họ. Sau khi thu mua tiêu đầu đinh, người ta loại bỏ tạp chất bằng cách sàng, thổi… Với những cách làm này, những tạp chất bình thường dễ bị loại bỏ vì nhẹ. Do đó, việc dùng phế phẩm ngâm bột pin nhiều khả năng là để làm cho tiêu giả trở nên nặng hơn, qua đó tránh được khả năng bị loại bỏ ra ngoài khi sàng, thổi… và lọt vào trong tiêu đầu đinh.

Bà Mai Oanh khẳng định, với những công đoạn làm hạt tiêu XK như hiện nay, chắc chắn tiêu giả từ phế phẩm cà phê ngâm bột pin không thể nào lọt được vào các lô hàng hạt tiêu XK của Việt Nam. Tuy nhiên, thông tin về việc có cơ sở dùng phế phẩm cà phê ngâm bột pin để làm tiêu giả cũng sẽ ảnh hưởng tới uy tín chung của hạt tiêu Việt Nam, vốn đang bị các đối tác quốc tế nghi ngại về dư lượng thuốc BVTV. Đã có những cơ quan truyền thông của nước ngoài đăng tải về diễn biến của vụ việc này.

Vì vậy, VPA đang đợi thông tin chính thức từ phía cơ quan chức năng tỉnh Đắk Nông và sẽ tổ chức cuộc họp với các DN hàng đầu của ngành hồ tiêu Việt Nam trong ngày 27/4 để thông tin cụ thể về vụ việc. Từ cuộc họp này, VPA cũng sẽ có những thông tin chính thức khẳng định rằng với quy trình làm hạt tiêu XK hiện nay của Việt Nam, những loại tiêu giả không thể nào lọt được vào các lô hàng hạt tiêu XK. Ngành hàng hồ tiêu Việt Nam đang nỗ lực để hạt tiêu XK của Việt Nam ngày càng đáp ứng được các yêu cầu về VSATTP…

 

Chuỗi giá trị nông sản: Hạn chế ở mọi khâu

Hiện nay, toàn ngành nông nghiệp có khoảng 700 chuỗi giá trị sản phẩm an toàn, tuy nhiên chỉ 50% số chuỗi hoạt động có hiệu quả. Đáng chú ý, chuỗi giá trị nông sản từ khâu đầu vào, sản xuất, sau thu hoạch, chế biến đến xuất khẩu (XK) đều tồn tại những hạn chế nhất định.

Đây là thông tin được TS. Đào Thế Anh, Phó Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, thành viên Liên minh Nông nghiệp cho biết tại Diễn đàn nông nghiệp mùa xuân với chủ đề: Đổi mới chuỗi cung ứng nhằm tăng cường hiệu quả nền nông nghiệp Việt Nam vừa diễn ra tại Hà Nội.

Cụ thể, tại khâu đầu vào, chi phí còn cao với giá cả biến động. Ở khâu này còn diễn ra tình trạng lạm dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và sử dụng quá nhiều nước. Tiếp đến khâu sản xuất, quy mô khá nhỏ, manh mún, thiếu liên kết. Bên cạnh đó, quy trình kỹ thuật sai, sử dụng quá nhiều lao động và chất lượng không đồng nhất cũng là những hạn chế điển hình.

chuoi-gia.jpg
Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet.vn)

 


Ở khâu sau thu hoạch, theo ông Đào Thế Anh, tổn thất sau thu hoạch còn cao. Cụ thể, mức tổn thất sau thu hoạch với rau quả là 32%, thịt là 14% và thủy sản là 12%. “Đây là mức tổn thất khá cao so với các nước trong khu vực Đông Nam Á. Bên cạnh đó, hạn chế còn là thiếu kho chứa đảm bảo tiêu chuẩn, vận chuyển và đóng gói kém và giao dịch quá nhiều khâu trung gian”, ông Thế Anh nói.

Ở khâu chế biến, hạn chế được chỉ ra là công nghệ thấp, giá trị gia tăng thấp, quy mô nhỏ, manh mún. Đáng chú ý, chế biến hiện nay thiếu chế biến sâu và thiếu chế biến các sản phẩm phụ.

Riêng về xuất khẩu, hạn chế dễ nhận thấy là chất lượng thấp, giá thấp. Sản phẩm xuất khẩuthiếu thương hiệu. Ngoài ra, quản lý chất lượng và an toàn thực phẩm kém, thiếu thông tin thị trường.

Theo ông Trần Xuân Định, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và PTNT), hiện nay, xuất khẩu nông sản thường vướng ở khâu mở cửa thị trường và những hàng rào kỹ thuật, đặc biệt là khi xuất khẩu vào các thị trường nông nghiệp của các nước có trình độ cao hơn.

Ông Định chia sẻ thêm: Đầu tư vào nông nghiệp là lĩnh vực khó. Ngay cả trong đầu tư FDI, nếu so vốn FDI đầu tư vào nông nghiệp với đầu tư FDI nói chung thì tỷ lệ cũng rất nhỏ.

Đây là điều dễ hiểu bởi đầu tư vào nông nghiệp chịu rủi ro cao, đặc biệt trong bối cảnh biến đổi khí hậu diễn ra mạnh mẽ hiện nay. Ở những nơi vùng sâu, vùng xa, ngần ngại còn tăng lên khi hạ tầng có nhiều yếu kém…

Để có thể phát triển bền vững các chuỗi giá trị nông sản, một số chuyên gia cho rằng, thời gian tới cần tiếp tục thúc đẩy quan hệ liên kết giữa DN-hợp tác xã/tổ hợp tác; thúc đẩy quan hệ hợp tác công tư trong lĩnh vực đầu tư cơ sở hạ tầng; cải cách hiệp hội, ngành hàng để tăng cường quản trị và năng lực cạnh tranh chuỗi. Bên cạnh đó, vấn đề tài chính cho chuỗi giá trị cũng cần thúc đẩy thông qua việc thay đổi cơ chế cho vay chuỗi giá trị hay thu hút đầu tư FDI…

 

 

Thanh Tâm (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • Quảng Nam định hướng đưa sâm Ngọc Linh thành Thương hiệu quốc gia

    Quảng Nam định hướng đưa sâm Ngọc Linh thành Thương hiệu quốc gia

    Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Lương Nguyễn Minh Triết vừa ký ban hành Nghị quyết số 40-NQ/TU về tăng cường công tác quản lý, bảo tồn và phát triển sâm Ngọc Linh trên địa bàn tỉnh đến năm 2030, định hướng đến năm 2035.

  • Việt Nam – Mông Cổ hướng tới tăng trưởng bền vững trong nông nghiệp

    Việt Nam – Mông Cổ hướng tới tăng trưởng bền vững trong nông nghiệp

    Sáng 20/11, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan tiếp và làm việc với ông Jadamba Enkhbayar - Bộ trưởng Lương thực, Nông nghiệp và Công nghiệp nhẹ Mông Cổ, Chủ tịch Phân ban Mông Cổ trong Ủy ban liên Chính phủ song phương.

  • Ngành gỗ tăng tốc về đích sớm

    Ngành gỗ tăng tốc về đích sớm

    Một trong những điểm nhấn nổi bật trong "bức tranh" xuất khẩu nông lâm thủy sản từ đầu năm đến nay là kết quả xuất khẩu đồ gỗ và các sản phẩm từ gỗ. Đây là 1 trong 6 mặt hàng có thặng dư thương mại đạt trên 1 tỷ USD và hứa hẹn sẽ lập kỷ lục mới xuất khẩu trong năm 2024.

Top