Để chủ động nguồn cung con giống, tăng số lượng đàn bò cái nền chất lượng cao, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội (Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nội) tổ chức tập huấn và hỗ trợ thức ăn tinh cho bà con 2 huyện chăn nuôi bò trọng điểm là Ba Vì và Thanh Oai.
Đáng ghi nhận là, chương trình đã được nông dân hưởng ứng tích cực, bà con ham học hỏi để bổ sung kiến thức phát triển đàn bò bền vững.
Nuôi bò lai thu nhập cao
Ông Nguyễn Tài Tĩnh ở thôn Chu Chàng (xã Minh Châu, huyện Ba Vì) cho biết, địa phương ông nằm hoàn toàn ngoài vùng bãi bồi sông Hồng, có truyền thống nuôi bò sinh sản, bò thịt nhiều đời nay. Bản thân ông đã trồng cỏ, chăn nuôi bò hơn 20 năm, thời kỳ đầu nuôi bò cóc (giống bò địa phương), 10 năm trở lại đây nuôi bò lai Sind, lai Brahman.
Năm 2020, ông Tĩnh có 5 con bò cái sinh sản và tham gia mô hình tập huấn chăn nuôi bò sinh sản do Trung Khuyến nông Hà Nội tổ chức. Trước khi tham gia mô hình, khu chăn nuôi của ông được Trung tâm Khuyến nông kiểm tra, khảo sát kỹ lưỡng về chuồng trại, cách chăm sóc bò sinh sản và được hỗ trợ 120kg cám tinh/2 con bò mẹ.
Bình thường, để vỗ béo, chăm sóc bò sinh sản, gia đình ông thường bổ sung thức ăn xanh cho bò bằng cám ngô, mỗi ngày khoảng 1 tạ cỏ/con. Giá bê cao nhất đạt 18 triệu đồng/con 6 tháng tuổi (năm 2019). Tháng 10 tới, gia đình sẽ có bê xuất chuồng; nếu chưa xuất chuồng được, để nuôi thành bò thịt, 2 năm sau sẽ có giá 40 triệu đồng/con.
Anh Hoàng Văn Sáng ở thôn Mai Châu (xã Liên Châu, huyện Thanh Oai) cho biết, quê anh chủ yếu là đồng chiêm trũng nên gia đình chuyển sang nuôi bò sinh sản 6 năm nay. Ban đầu chỉ có 4 con bò mẹ, nay nâng lên 9 con. Trước khi lựa chọn, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội đã khảo sát kỹ chuồng trại, đảm bảo thoáng mát, sạch sẽ mới được tham gia mô hình. Mặt khác, bản thân người chăn nuôi cũng phải học hỏi để nắm vững quy trình chăm sóc bò sinh sản. Theo đó, gia đình anh được hỗ trợ thức ăn tinh cho 3 bò mẹ, mỗi con 60kg.
Ngoài ra, anh Sáng còn được cán bộ khuyến nông hướng dẫn chăm sóc bò sinh sản bằng cách bổ sung phụ phẩm nông nghiệp có sẵn tại địa phương như: cám gạo, ngô, rau xanh. Đàn bò của anh sinh được 2 con bê cái, nuôi 6 tháng tuổi có giá 12 - 13 triệu đồng/con. Bê đực cao giá hơn, 17 – 18 triệu đồng/con, thậm chí có con lên tới 20 triệu đồng, nhưng bà con để nuôi thành bò thịt, lãi hơn nhiều.
Các hộ tham gia mô hình cũng như hộ chăn nuôi bò thịt, bò sinh sản ở 2 địa phương trên đều có chung ý kiến, trước đây, người dân chủ yếu chăn nuôi theo cách truyền thống, chăn thả tự nhiên, không áp dụng khoa học kỹ thuật, vì vậy, hiệu quả kinh tế chưa cao.
“Nhiều năm trở lại đây, nhất là khi du nhập giống bò ngoại về Việt Nam, cơ quan chức năng cũng như người dân ngày càng chú trọng nguồn giống và áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, nên nguồn cung bò thịt dồi dào, đảm bảo chất lượng”, anh Sáng cho biết thêm.
Hỗ trợ của ngành chuyên môn
Được biết, để tăng số lượng bò cái nền chất lượng cao, tạo vùng nguyên liệu ổn định cung cấp bê giống cho người dân, nhiều năm trở lại đây, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội đã tổ chức mô hình áp dụng kỹ thuật chăn nuôi bò sinh sản, bò cái lai Sind, lai Brahman cho nông dân tham quan, học tập và ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào chăn nuôi bò sinh sản; để chủ động nguồn cung ứng giống cho địa phương, tạo sự đa dạng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng.
Theo đó, bò mẹ tham gia mô hình phải đạt trọng lượng từ 180kg trở lên (10 - 12 tháng tuổi), khỏe mạnh, đều con, không mang mầm bệnh, đã được tiêm phòng các bệnh lở mồm long móng, tụ khối huyết trùng và đáp ứng miễn dịch. Con giống được cơ quan thú y kiểm tra nguồn gốc theo quy định.
Đồng thời, phải đảm bảo đủ thức ăn thô xanh, bổ sung thức ăn hỗn hợp cho bò có hàm lượng protein từ 14% trở lên. Cơ sở chăn nuôi tham gia mô hình phải có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, hoặc hợp đồng thầu khoán, hoặc giấy xác nhận diện tích chăn nuôi... của UBND cấp xã nơi triển khai mô hình.
Chuồng trại đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật, thoáng mát, không dột nát, có nền chuồng cao, không ẩm thấp. Đảm bảo diện tích 6 - 8m2/ bò cái, có thiết bị vệ sinh, khử trùng, máng ăn, máng uống. Toàn bộ dụng cụ, trang thiết bị chuồng trại phải vệ sinh thường xuyên và được sát trùng. Đặc biệt, có sổ ghi chép quá trình chăm sóc, sinh trưởng, sinh sản và diễn biến dịch bệnh của cả đàn.
Ngoài ra, còn có sổ ghi chi, thu... để làm cơ sở hạch toán kinh tế. Thường xuyên báo cáo với cán bộ phụ trách về việc thực hiện các yêu cầu của mô hình. Sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm và giúp đỡ các hộ khác thực hiện mô hình.
Bà Vũ Thị Hương, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội, cho biết: “Mô hình tập huấn chăn nuôi bò sinh sản triển khai trong 2 năm 2019 - 2020, quy mô 80 con tại xã Minh Châu (huyện Ba Vì) và 03 xã Mỹ Hưng, Liên Châu, Cao Dương (huyện Thanh Oai). Hiện, Trung tâm đã cấp giống cho các hộ tham gia mô hình, tổng số 80 con/40 hộ. Hỗ trợ 50% con giống, 50% thức ăn hỗn hợp, với tổng số 4.740kg”.
Ngoài ra, bà Hương cho biết thêm, Trạm khuyến nông các huyện đã tổ chức tập huấn kỹ thuật chăn nuôi bò sinh sản cho 100% số hộ tham gia mô hình. Việc tập huấn giúp bà con nắm vững kiến thức để chuẩn bị tiếp nhận bò giống.
Ông Chu Phú Mỹ, Giám đốc Sở Nông nghiệp PTNT Hà Nội, yêu cầu: “Trung tâm cần cắt cử cán bộ kỹ thuật, thường xuyên bám sát mô hình để kiểm tra, theo dõi. Hướng dẫn các hộ chăm sóc, nuôi dưỡng đàn bò, vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, định kỳ phun thuốc tiêu độc chuồng trại và khu vực chăn nuôi, chủ động phòng bệnh cho đàn bò. Đồng thời, các hộ dân phải ghi chép nhật ký, theo dõi, kiểm tra, đánh giá các chỉ tiêu và kịp thời đưa ra giải pháp để nâng cao hiệu quả mô hình”.