Những năm qua, với sự nỗ lực của đội ngũ cán bộ, nhân viên trong việc triển khai nhiệm vụ chuyên môn, Trung tâm Y tế dự phòng (TTYTDP) tỉnh Quảng Bình đã góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho người dân.
Chú trọng thực hiện phòng chống dịch
Với chức năng, nhiệm vụ được giao, ngay từ đầu năm, TTYTDP Quảng Bình đã chủ động xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ chuyên, môn, kỹ thuật về y tế dự phòng trên cơ sở định hướng, chính sách, chiến lược, kế hoạch của Bộ Y tế và tình hình thực tế của địa phương trình Sở Y tế phê duyệt, gồm: Giám sát, phòng chống dịch, bệnh truyền nhiễm, bệnh không lây nhiễm, kiểm dịch y tế; sức khỏe môi trường, sức khỏe lao động, sức khỏe trường học. Đảm bảo chất lượng nước ăn uống, nước sinh hoạt; xét nghiệm an toàn thực phẩm; dinh dưỡng cộng đồng; vệ sinh phòng bệnh; quản lý, sử dụng vắc xin và sinh phẩm y tế; an toàn sinh học.
Đồng thời, tổ chức phòng chống tai nạn thương tích; các hoạt động nâng cao sức khỏe, phòng chống các yếu tố nguy cơ tác động lên sức khỏe; khám sàng lọc phát hiện bệnh sớm và quản lý, điều trị dự phòng ngoại trú các bệnh truyền nhiễm, bệnh không lây nhiễm.
Tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục sức khỏe cho người dân phòng chống dịch bệnh theo mùa và các dịch bệnh nguy hiểm ở người như: Tả, cúm A/H5N1, dại, bạch hầu, phòng chống sốt xuất huyết…
Các hoạt động chuyên môn; Kiểm dịch Y tế; Chương trình tiêm chủng mở rộng, vệ sinh an toàn lao động, vệ sinh môi trường… đều được chú trọng. Trong năm 2018, công tác tiêm chủng mở rộng được giám sát thường xuyên, đảm bảo an toàn trong tiêm chủng không có tai biến xảy ra. Số trẻ dưới 1 tuổi được tiêm chủng đạt 95%, tỷ lệ tiêm vắc xin viêm gan B < 24 giờ cho trẻ sơ sinh đạt và vượt chỉ tiêu so với năm 2017, triển khai kế hoạch tiêm bổ sung vắc xin bại liệt (IPV) cho trẻ 5 tháng tuổi trong tháng 10 - 11 năm 2018 đạt 3251 trẻ…
Trung tâm Y tế dự phòng Quảng Bình góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho người dân.
Bên cạnh đó, TTYTDP tỉnh Quảng Bình chỉ đạo các đơn vị trong ngành triển khai các hoạt động chuyên môn, kỹ thuật phòng chống dịch. Giám sát chặt chẽ tình hình dịch trên người, phát hiện sớm ca bệnh dịch tại cộng đồng và cơ sở y tế, tổ chức khoanh vùng, xử lý ổ dịch kịp thời, triệt để.
Trên toàn tỉnh cũng đã triển khai nhiều chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy, với 35.000 lượt hộ gia đình được kiểm tra ổ bọ gậy, huy động 7.800 lượt người tham gia, xử lý 7.200 ổ bọ gậy, cấp phát 6.000 tài liệu tuyên truyền. Chỉ đạo phun hóa chất phòng chống dịch sốt xuất huyết tại các xã, phường, thị trấn với tổng số 30.600 hộ gia đình được phun, sử dụng 64 lít hóa chất Hantox; 343 lít Permethrin và 18 lít Hanper. Tăng cường cán bộ hỗ trợ các địa phương trong công tác giám sát vét tơ truyền bệnh tại các ổ dịch, ổ dịch cũ, các xã, phường trọng điểm.
Từng bước khắc phục khó khăn
Mặc dù còn nhiều khó khăn như: Cơ sở hạ tầng, trang thiết bị cho công tác phòng chống dịch được đầu tư song chưa đáp ứng với yêu cầu trong tình hình mới; nhận thức của cộng đồng trong công tác phòng chống dịch đã được cải thiện, tuy nhiên vẫn còn một bộ phận người dân ý thức tự giác trong phòng chống dịch chưa cao; kinh phí các chương trình mục tiêu Y tế - Dân số còn hạn chế… đã phần nào ảnh hưởng đến hoạt động chuyên môn của trung tâm.
Cụ thể, năm 2018, trên địa bàn tỉnh bệnh sốt xuất huyết ghi nhận 1019 trường hợp mắc, tăng 1,13 lần so với năm 2017 (895 ca), song vẫn ở mức thấp hơn nhiều so với các tỉnh, thành trong cả nước. Bệnh nhân xuất hiện tại 8/8 huyện, thị xã, thành phố với 69/159 xã, phường, thị trấn.
Trung tâm thường xuyên tuyên truyền các biện pháp phòng chống bệnh tay, chân, miệng trên đài truyền thanh huyện, xã và lồng nghép tại các hội nghị ở các địa phương. Năm 2018, bệnh tay chân miệng có 38 trường hợp mắc, bệnh nhân phân bố tại 16/159 xã, phường, thị trấn, số ca mắc bệnh giảm 9,9% so với năm 2017.
Trao đổi về vấn đề này, BS CKII Đỗ Quốc Tiệp, Giám đốc TTYTDP Quảng Bình, cho biết: “Công tác y tế dự phòng nói chung và công tác phòng chống dịch bệnh nói riêng luôn nhận được sự quan tâm từ các cấp chính quyền địa phương và của ngành y tế, tuy nhiên trong khi triển khai công việc cũng gặp một số khó khăn như kiến thức, ý thức của một số người dân về phòng chống dịch còn hạn chế và chủ quan. Tuy vậy, với tinh thần trách nhiệm cao, mỗi cán bộ làm công tác dự phòng đã khắc phục khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Tin tưởng rằng, những kết quả đạt được của trung tâm thời gian qua sẽ là động lực để đơn vị không ngừng cố gắng, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao, góp phần quan trọng trong công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân trên địa bàn”.
Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.
Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.
Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.