Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ tư, ngày 4 tháng 12 năm 2024  
Thứ ba, ngày 17 tháng 3 năm 2020 | 21:2

Từ 18/3, tạm dừng cấp thị thực cho người nước ngoài nhập cảnh VN

Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo 102/TB-VPCP kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch COVID-19.

dung-cap-thi-thuc.jpg

Theo đó, tạm dừng cấp thị thực cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam trong khoảng thời gian 30 ngày bắt đầu từ 00 giờ ngày 18 tháng 3 năm 2020.

Thông báo kết luận nêu rõ, trong công tác phòng, chống dịch COVID-19, các cấp, các ngành, các địa phương đã có nhiều cố gắng, nỗ lực và đạt được kết quả tốt. Trong giai đoạn đầu phòng chống dịch, đã chữa khỏi hoàn toàn 16/16 ca mắc bệnh và hạn chế lây lan trong cộng đồng.

Thực tiễn cho thấy dịch bệnh sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp trên toàn cầu, gây hậu quả nghiêm trọng. Việt Nam vẫn là nước có nguy cơ rất lớn lây lan dịch bệnh, nhưng vẫn đang trong giai đoạn vàng để kiểm soát lây nhiễm. Các ngành, các cấp đều phải quán triệt tinh thần “chống dịch như chống giặc”, thực hiện tốt phương châm 4 tại chỗ, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, chuẩn bị tốt nhất nhân lực và cơ sở vật chất, sẵn sàng ứng phó trong trường hợp dịch bùng phát trên diện rộng, hạn chế tối đa mắc và tử vong do dịch bệnh.

Thủ tướng yêu cầu các Bộ, cơ quan, Ủy ban nhân dân các địa phương theo chức năng, nhiệm vụ được giao tập trung chỉ đạo thực hiện hiệu quả các giải pháp trọng tâm sau đây:

Tạm dừng cấp thị thực cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam trong khoảng thời gian 30 ngày bắt đầu từ 00 giờ ngày 18 tháng 3 năm 2020.

Từ 00 giờ ngày 18 tháng 3 năm 2020, các trường hợp được miễn thị thực hoặc có Giấy miễn thị thực cấp cho người gốc Việt và thân nhân, một số trường hợp đặc biệt khác (như chuyên gia, nhà quản lý doanh nghiệp, lao động tay nghề cao...) khi nhập cảnh phải có Giấy xác nhận không dương tính với vi rút COVID-19 do cơ quan có thẩm quyền nước sở tại cấp và Giấy này được Việt Nam chấp thuận. Các biện pháp nêu trên không áp dụng đối với người nhập cảnh vì mục đích ngoại giao, công vụ.

Các trường hợp nhập cảnh phải qua kiểm tra và tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp theo đúng quy định.

Cách ly tập trung người nhập cảnh từ Mỹ, châu Âu, các nước ASEAN

Ngoài các trường hợp nhập cảnh được cách ly tập trung hiện nay, thực hiện việc cách ly tập trung đối với người nhập cảnh từ Mỹ, các nước châu Âu, các nước ASEAN; đồng thời thực hiện việc cách ly, giám sát y tế tại gia đình, doanh nghiệp, cơ sở lưu trú, giám sát theo nhóm đối với các đối tượng không thuộc diện cách ly tập trung. Chính quyền cấp xã, phường và ngành y tế địa phương phải giám sát chặt chẽ việc thực hiện các biện pháp này, bảo đảm cách ly, giám sát đúng đối tượng, đủ thời gian theo quy định. Nghiêm cấm việc kỳ thị người mắc bệnh, người nghi mắc bệnh.

Tiếp tục hạn chế tối đa các chuyến bay từ vùng dịch đến Việt Nam. Các Bộ: Y tế, Quốc phòng, Công an, Giao thông vận tải xem xét, quyết định vị trí hạ cánh của các chuyến bay từ vùng dịch bảo đảm thuận lợi cho thực hiện việc cách ly người nhập cảnh và các yêu cầu phòng, chống dịch.

Bộ Y tế hướng dẫn cụ thể việc tổ chức sàng lọc các trường hợp nhập cảnh từ trên máy bay, kiểm soát về y tế tại các sân bay và xét nghiệm đối với hành khách nhập cảnh.

Chuẩn bị thêm cơ sở cách ly

Thủ tướng giao Bộ Quốc phòng tiếp tục chuẩn bị thêm các cơ sở cách ly trong quân đội. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố chuẩn bị thêm các cơ sở cách ly và giao Tư lệnh các quân khu điều phối để sẵn sàng tiếp nhận và cách ly số lượng lớn.

Bộ Ngoại giao chủ trì, cùng các Bộ, cơ quan liên quan theo dõi sát tình hình dịch tại các nước ASEAN, khu vực và trên thế giới để kiến nghị các biện pháp ứng phó kịp thời, phù hợp.

Các bệnh viện trung ương, của quân đội, công an, địa phương đều phải có phương án nóng, chuẩn bị tốt nhất điều kiện và phương án sẵn sàng ứng phó với dịch bệnh. Ngành y tế phát động và thực hiện đợt thi đua đặc biệt, huy động toàn lực lượng của ngành, người có chuyên môn y tế, (kể cả người về hưu) ở tất cả các tuyến cho phòng, chống dịch.

Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về các biện pháp phòng, chống dịch, cách thức tự bảo vệ sức khỏe cho nhân dân, khai báo y tế tự nguyện, các điển hình tốt trong phòng, chống dịch; tiếp tục lên án và xử lý nghiêm việc đưa tin sai sự thật, khai báo y tế không trung thực, không chấp hành việc cách ly theo quy định.

Tiếp tục khuyến cáo việc ngăn ngừa lây lan dịch bệnh ngay từ trong gia đình, chú ý khuyến cáo đối với người có bệnh nền, người cao tuổi theo dõi sức khỏe, khai báo y tế tự nguyện. Tiếp tục phát huy vai trò, trách nhiệm của chính quyền cấp phường, xã, tổ dân phố trong giám sát chặt chẽ và có biện pháp hỗ trợ gia đình có người nghi nhiễm, bị cách ly.

Triển khai rộng rãi việc xét nghiệm

Triển khai rộng rãi việc xét nghiệm; lưu ý xét nghiệm đối với các trường hợp yếu thế trong xã hội.

Các bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là các thành phố lớn tập trung chỉ đạo thực hiện nghiêm giải pháp hạn chế tập trung đông người.

Thủ tướng đồng ý Bộ Y tế thực hiện việc mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế phòng, chống dịch bằng phương thức chỉ định thầu theo giá thị trường. Lập Tổ công tác do Bộ Y tế chủ trì, có sự tham gia của Bộ Tài chính và các Bộ liên quan để xác định giá thị trường, bảo đảm công khai minh bạch trong từng thời điểm để kịp thời mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế phòng, chống dịch.

Các Bộ: Quốc phòng, Công an trực tiếp mua sắm, bảo đảm trang thiết bị, vật tư y tế cho các bệnh viện của Bộ, bảo đảm đủ cơ số theo yêu cầu phòng, chống dịch.

Bộ Công Thương chỉ đạo việc sản xuất khẩu trang đáp ứng yêu cầu sử dụng cho nhân dân.

Phát động phong trào ủng hộ nguồn lực phòng, chống dịch

Thủ tướng cũng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan đàm phán gói tài trợ của Ngân hàng thế giới và các tổ chức quốc tế khác để hỗ trợ nguồn lực trước hết cho công tác phòng chống dịch.

Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đã ủng hộ nguồn lực cho phòng, chống dịch. Đề nghị Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chủ trì, tổ chức phát động phong trào và tiếp nhận ủng hộ để giao Bộ Y tế quản lý, sử dụng cho phòng, chống dịch.

Về việc công bố dịch đối với Hà Nội, Đà Nẵng và một số địa phương, Thủ tướng yêu cầu các Bộ và địa phương liên quan thống nhất thực hiện theo quy định của pháp luật.

Các Bộ, ngành, địa phương nghiêm túc thực hiện Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 04 tháng 3 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ và các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.

Thủ tướng cũng giao Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 đề xuất định mức chi phù hợp cho người bị cách ly, cán bộ, nhân viên y tế, chiến sỹ và những người trực tiếp thực hiện tiếp nhận người cách ly, làm việc, phục vụ tại các khu cách ly tập trung, cách ly tại bệnh viện; báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định kịp thời những vấn đề cần thiết.

Ban cán sự Đảng Bộ Y tế khẩn trương chuẩn bị báo cáo Bộ Chính trị về tình hình phòng, chống dịch COVID-19.

D.T
Ý kiến bạn đọc
  • Thị xã Hồng Lĩnh tạo đà để bứt phá

    Thị xã Hồng Lĩnh tạo đà để bứt phá

    Trong nắng xuân ấm áp, thị xã Hồng Lĩnh căng tràn sức trẻ. Khắp các nhà máy, công trường và trên mỗi con đường, tuyến phố, hoạt động sản xuất, giao thương đang hối hả bắt nhịp thời gian. Những tuyến đường hoa nở rộ, ánh sáng đô thị lung linh về đêm cho thấy TX. Hồng Lĩnh đang vững bước trên hành trình trở thành đô thị hạt nhân phía Bắc Hà Tĩnh.

  • Ngành Nông nghiệp Mộ Đức mạnh dạn chuyển đổi số

    Ngành Nông nghiệp Mộ Đức mạnh dạn chuyển đổi số

    Mộ Đức (Quảng Ngãi) là địa phương có nhiều hoạt động về chuyển đổi số (CĐS) trong nông nghiệp (NN), là địa phương có nhiều sản phẩm OCOP, có đường quốc lộ và là cửa ngõ giao thương của Quảng Ngãi với các tỉnh Tây Nguyên.

  • Hà Nội xây dựng vùng chuyên canh sản xuất cây dược liệu

    Hà Nội xây dựng vùng chuyên canh sản xuất cây dược liệu

    Với thổ nhưỡng và khí hậu thuận lợi cho cây dược liệu phát triển, đặc biệt là vùng núi Ba Vì, Sóc Sơn và một số địa phương khác, để khai thác hiệu quả nguồn dược liệu quý báu này, Hà Nội đang có kế hoạch xây dựng chiến lược riêng cho cây dược liệu và đưa cây dược liệu thành cây trồng chủ lực.

  • Lợi ích kép từ nuôi sâu canxi, trùn quế

    Lợi ích kép từ nuôi sâu canxi, trùn quế

    Nuôi sâu canxi giúp tận dụng nguồn phế phẩm nông nghiệp, xử lý phân chuồng hiệu quả, chống ô nhiễm môi trường và tạo thành ấu trùng sâu làm nguồn thức ăn nhiều dinh dưỡng cho gia súc, gia cầm.

  • Thu hơn trăm tỷ đồng một năm từ trồng quýt

    Thu hơn trăm tỷ đồng một năm từ trồng quýt

    Huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai hiện có trên 800 ha quýt, trong đó có trên 500 ha quýt đang cho thu hoạch, phần lớn diện tích là giống quýt sen. Dự kiến sản lượng quýt của địa phương năm nay đạt trên 6.000 tấn, trung bình đạt 12 tấn/ha, thu về khoảng 140 tỷ đồng.

  • Nuôi tôm công nghệ cao lợi nhuận mỗi ha từ 700 - 800 triệu đồng/vụ

    Nuôi tôm công nghệ cao lợi nhuận mỗi ha từ 700 - 800 triệu đồng/vụ

    Nuôi tôm công nghệ cao là mô hình nuôi thủy sản đang được ưu tiên phát triển ở khu vực ven biển của tỉnh Bến Tre. Thực tế cho thấy, nếu mô hình này được đầu tư đúng mức, áp dụng tốt các kỹ thuật vào sản xuất thì cho hiệu quả kinh tế rất cao.

Top