Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ hai, ngày 17 tháng 6 năm 2024  
Chủ nhật, ngày 17 tháng 8 năm 2014 | 2:59

Tử vong do tiêm, truyền dịch?

KTNT - Sau hai ngày điều trị ở phòng khám tư do trong người mệt mỏi; chuyển lên bệnh viện tuyến huyện, được bác sỹ tiêm, truyền dịch thì bệnh nhân bất ngờ có biểu hiện khác thường, rồi tử vong.
Theo trình bày từ phía gia đình, người thân, khi anh Chu Đình Thành (SN 1971), ở thôn Quyết Tiến, xã Ngọc Phụng (Thường Xuân - Thanh Hóa) có biểu hiện mệt, vợ anh là chị Lê Thị Thủy đưa chồng đến nhà thầy thuốc Lê Đức Thuận (SN 1956), ở thôn Ngọc Sơn, xã Lương Sơn khám.
Chiều 14/8, anh Thành được thầy thuốc Thuận truyền cho chai nước Natriclorua 0,9%. Sau đó, vợ chồng anh Thành ra về. Đến sáng 15/8, sau khi ăn sáng, chị Thủy lại đưa anh Thành đến gặp thầy thuốc Thuận. Tại đây, thầy thuốc Thuận truyền một chai Natriclorua 0,9% và một chai hoa quả. Sau khi truyền được 20cc chai hoa quả trong thời gian 20 phút, anh Thành có biểu hiện mệt mỏi. Thấy thế, thầy thuốc Thuận ngừng truyền và xử lý tiêm 1 ống Ablopin dimedron chống sốc vào bắp.  Tạm ổn định, 15 phút sau, được sự thống nhất của gia đình và thầy thuốc Thuận nên hai bên đưa anh Thành lên Bệnh viện Đa khoa huyện Thường Xuân cấp cứu.

Bệnh viện Đa khoa huyện Thường Xuân, nơi anh Thành tử vong.

Khoảng 12 giờ trưa cùng ngày, gia đình đưa anh Thành tới Bệnh viện Đa khoa huyện Thường Xuân cấp cứu. Sau khi làm bệnh án và được đưa lên phòng cấp cứu tiêm, truyền dịch thì anh Thành có biểu hiện co giật, khạc, rồi tử vong. Gia đình yêu cầu cơ quan chức năng khám nghiệm tử thi để làm rõ nguyên nhân anh Thành tử vong.
Anh Chu Đình Lập (52 tuổi, là anh trai của anh Thành), cho biết: “Thành sau khi truyền ở nhà thầy thuốc Thuận, thì khoảng 11 giờ 30 phút, tôi nhận được cuộc gọi báo Thành bị mệt, sau đó gia đình đưa anh Thành lên Bệnh viện Đa khoa huyện Đa Khoa Thường Xuân cấp cứu. Trên đường đi cấp, con tôi là Chu Đình Quân nói anh Thành vẫn bình thường và còn nói được câu: “Chú mệt lắm, cháu cõng chú đi”. Con tôi đưa Thành vào trong viện làm bệnh án rồi đưa vào phòng cấp cứu tiếp tục tiêm, truyền dịch. Sau khi được tiêm, truyền thì anh Thành có biểu hiện khác thường và tử vong trong bệnh viện”.
Qua trao đổi với phóng viên, thầy thuốc Lê Đức Thuận, từng làm y tá trong quân đội, cho biết: “Vào lúc 7 giờ ngày 15/8, vợ chồng anh Thành có lên gia đình tôi và nhờ tôi truyền dịch và nước hoa quả. Trước khi truyền, tôi đo huyết áp 135/70. Tôi truyền 2 chai Natriclorua 0,9%, rồi truyền tiếp một chai hoa quả. Thấy anh Thành trong người có biểu hiện mệt, tôi tạm dừng ngay không truyền và tiến hành tiêm bắp chống sốc Ablopin dimedron (1 ống). Sau khi tôi xử lý tạm ổn định, 15 phút sau, được sự thống nhất của tôi và gia đình, anh Thành được đưa đi bệnh viện”.

Người nhà anh Thành phản ánh vụ việc với phóng viên.

Ông Thuận trước đây là y tá một thời gian ngắn tại tiểu đoàn 24, F320, quân đoàn 3. Năm 1980, sau khi về địa phương, ông thường giúp đỡ chăm sóc sức khỏe người dân trong làng.
Được biết, gia đình anh Thành có hoàn cảnh rất khó khăn, hai vợ chồng hàng ngày phải đi phụ hồ để trang trải cuộc sống hằng ngày.
Hiện vụ việc đang được cơ quan chức năng tiếp tục điều tra, làm rõ.
Kinh tế nông thôn sẽ tiếp tục thông tin.
Hữu Chí

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Bảo vệ những cánh rừng dễ cháy

    Bảo vệ những cánh rừng dễ cháy

    Hàng chục nghìn ha rừng thông, giang nứa tại Hà Tĩnh rất dễ 'bắt' lửa nhưng mùa nắng nóng năm nay được bảo vệ tốt nên cơ bản chưa để xảy ra vụ cháy nào.

  • Khốn khổ vì ô nhiễm từ các chuồng trại chăn nuôi heo ở Lâm Đồng

    Khốn khổ vì ô nhiễm từ các chuồng trại chăn nuôi heo ở Lâm Đồng

    Điều làm nhiều người ái ngại nhất ở không ít khu vực nông thôn của tỉnh Lâm Đồng, trong đó có thôn Tầm Xá, xã Đông Thanh chính là vấn đề về môi trường. Tình trạng chăn nuôi heo tự phát theo lối truyền thống vẫn còn duy trì ở một số gia đình đã gây phiền toái không nhỏ tới các hộ xung quanh.

  • Ngăn chặn giống vật nuôi nhập lậu qua biên giới vào Việt Nam

    Ngăn chặn giống vật nuôi nhập lậu qua biên giới vào Việt Nam

    Bộ Nông nghiệp và PTNT vừa có 3 công văn gửi Chủ tịch UBND các tỉnh Lào Cai, Quảng Ninh, Lạng Sơn về việc chỉ đạo ngăn chặn, phát hiện, xử lý các trường hợp vận chuyển, buôn bán giống vật nuôi, sản phẩm giống vật nuôi nhập lậu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Top