Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ tư, ngày 27 tháng 4 năm 2022 | 22:51

Tuyên Quang chủ động phòng trừ sâu bệnh trên cây trồng

Từ đầu tháng 4 đến nay, tại Tuyên Quang, một số sâu, bệnh gây hại như: rầy nâu-rầy lưng trắng, bệnh đạo ôn lá, bệnh bạc lá trên cây lúa; rầy xanh, bọ trĩ, nhện đỏ trên cây chè; đục thân, bệnh than đen... trên cây mía đang có chiều hướng gia tăng.

Đẩy mạnh tuyên truyền

Theo nhận định của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Tuyên Quang, thời gian tới, thời tiết có nắng nóng, xen kẽ các đợt mưa tạo điều kiện cho sâu bệnh trên tiếp tục phát sinh, gây hại tăng. Để tập trung chăm sóc cho các cây trồng sinh trưởng và phát triển tốt, hạn chế sự phát sinh, xâm nhiễm của sâu bệnh hại; đồng thời thực hiện phòng trừ sâu bệnh một cách kịp thời, có hiệu quả, Chi cục yêu cầu Phòng Nông nghiệp và PTNT các huyện, Phòng Kinh tế thành phố; Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp các huyện, thành phố tiếp tục tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh trên các cây trồng cho nhân dân.

Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp các huyện, thành phố tăng cường cán bộ bám sát cơ sở, điều tra, dự tính, dự báo sâu bệnh gây hại; phối hợp với UBND các xã, phường, thị trấn hướng dẫn nhân dân các biện pháp chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh trên các cây trồng phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, đạt hiệu quả.

Với cây chè, rầy xanh thường phát sinh, gây hại tăng khi gặp thời tiết nắng, mưa xen kẽ.

 

Các Công ty Cổ phần chè, Công ty Cổ phần mía đường Sơn Dương tăng cường cán bộ nông vụ kiểm tra, bám sát cơ sở phát hiện kịp thời sâu bệnh hại, khi có nguy cơ phát sinh gây hại cao, tiến hành tổ chức cung ứng thuốc bảo vệ thực vật đủ số lượng, đảm bảo chất lượng cho nhân dân phòng trừ sâu bệnh hại kịp thời, hiệu quả.

Để phòng trừ hiệu quả, bền vững sâu bệnh hại cây trồng cần áp dụng biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) bao gồm: biện pháp canh tác, thủ công, sinh học...Chỉ sử dụng thuốc hóa học khi cần thiết, ít độc với thiên địch, có hiệu quả với sâu hại bảo vệ môi trường sinh thái và có lợi về kinh tế, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc 4 đúng.

Điều trị kịp thời

Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Tuyên Quang cho biết, với cây lúa, hiện nay rầy nâu, rầy lưng trắng lứa 2 đang nở và gây hại, thời điểm phòng trừ rầy tốt nhất từ ngày 28/4- 5/5/2022. Biện pháp phòng trừ thường xuyên phát quang cỏ bờ để hạn chế nơi trú ngụ của rầy và kiểm tra đồng ruộng, phun thuốc phòng trừ rầy ngay từ tuổi 1,2 khi mật độ > 750 con/m2 (trên 20 con/khóm).

Sử dụng một trong các loại thuốc trừ rầy đã được đăng ký trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng ở Việt Nam. Nồng độ, liều lượng thuốc phun theo hướng dẫn trên bao bì và đảm bảo đủ lượng nước thuốc từ 20-25 lít/sào, Sau phun 3-5 ngày nếu mật độ rầy cao phun lại lần 2. Duy trì mực nước ruộng từ 2-3 cm trước và sau phun để đạt hiệu quả trừ rầy cao.

Với cây lúa, hiện nay rầy nâu, rầy lưng trắng lứa 2 đang nở và gây hại, thời điểm phòng trừ rầy tốt nhất từ ngày 28/4- 5/5/2022.

 

Với bệnh đạo ôn lá thường xuyên kiểm tra đồng ruộng khi ruộng bị nhiễm bệnh dừng ngay việc bón đạm, hoặc phun các chất kích thích sinh trưởng, phân bón lá, giữ mực nước ổn định trên ruộng và phun thuốc ngay khi bệnh mới phát sinh. Đối với đạo ôn cổ bông cần phun phòng sớm khi bệnh mới xuất hiện, đặc biệt những ruộng đã bị đạo ôn lá cần tiến hành phun phòng bệnh đạo ôn cổ bông trước khi trỗ và sau trỗ từ 5 đến 7 ngày.

Riêng với bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn thường phát sinh lây lan gây hại mạnh sau các trận mưa dông nên cần kiểm tra thường xuyên ruộng lúa thấy bệnh xuất hiện ngừng ngay việc bón phân hóa học, các chất kích thích sinh trưởng, phân bón qua lá và giữ mức nước trong ruộng ổn định từ 2 đến 3 cm..

Đối với cây chè, rầy xanh thường phát sinh, gây hại tăng khi gặp thời tiết nắng, mưa xen kẽ nên phòng trừ rầy xanh khi tỷ lệ búp bị hại từ 5% trở lên. Với bọ cánh tơ (bọ trĩ) phát triển mạnh trong thời tiết khô, nóng từ tháng 4 đến tháng 8, phòng trừ bệnh khi tỷ lệ búp bị hại từ 5% trở lên.

Với sâu đục thân trên cây mía cần kiểm tra cắt bỏ các mầm héo sát thân hom, chặt bỏ những cây bị sâu cắn, cây đã cụt ngọn, không cho sâu hóa bướm để hạn chế các lứa sau. Phun thuốc diệt sâu khi mới nở (tuổi 1, tuổi 2) còn ở bẹ lá chưa đục vào thân cây bằng một trong các loại thuốc: Sago-Super 3GR, 20EC; Patox 4GR, 95SP.

Sâu đục thân trên cây mía cần kiểm tra phát hiện điều trị kịp thời.

 

Với bệnh than, cần hạn chế để mía lưu gốc năm 3, năm 4, nhổ bỏ cây bị bệnh đem đốt; ruộng bị bệnh nặng huỷ bỏ và luân canh với cây trồng khác. Quá trình tiêu hủy cây bị bệnh phải hạn chế tối đa rơi vãi cây, lá bị bệnh hoặc phát tán bao tử nấm ra đồng ruộng; tốt nhất cho cây bị bệnh vào bao tải dứa hoặc túi nylon vận chuyển ra khỏi ruộng để tiêu hủy.

 

 

 

Hoàng Văn
Ý kiến bạn đọc
Top