Để phòng chống, khắc phục, hạn chế dịch bệnh xảy ra trên đàn vật nuôi các cơ quan chuyên môn thuộc Sở Nông nghiệp và PTNT Tuyên Quang đã chủ động triển khai công tác khử trùng tiêu độc, tiêm vắc-xin phòng bệnh cho đàn gia súc, gia cầm vụ xuân hè năm 2022.
Chủ động tiêu độc khử trùng
Xác định được tầm quan trọng của việc vệ sinh, khử trùng tiêu độc trong phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm, ngành nông nghiệp Tuyên Quang đã chủ động triển khai tháng vệ sinh, khử trùng tiêu độc môi trường. Các huyện, thành phố đã thành lập các tổ giám sát, bám sát cơ sở để kiểm tra, đôn đốc và hướng dẫn các biện pháp chuyên môn, việc sử dụng hóa chất theo đúng yêu cầu kỹ thuật; đôn đốc, kiểm tra cơ sở thực hiện công tác khử trùng tiêu độc theo đúng kế hoạch đã ban hành. Các địa phương thành lập các tổ phun thuốc sát trùng của xã, thôn để thực hiện khử trùng tiêu độc theo đúng kỹ thuật.
Ở xã Phú Bình (Chiêm Hóa) hiện đang tích cực tiến hành phun tiêu độc khử trùng môi trường chăn nuôi tại các thôn. Ông Hà Văn Nhã, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết, để thực hiện hiệu quả tháng vệ sinh, tiêu độc khử trùng, xã thành lập 11 tổ, mỗi tổ gồm 3 người tổ chức phun tại 11 thôn. Trước khi phun, các hộ chăn nuôi phát dọn vệ sinh xung quanh chuồng trại, khơi thông cống rãnh, quét dọn, thu gom phân rác, chất thải để đốt hoặc dùng chế phẩm vi sinh để ủ hoai mục. Thực hiện phun tiêu độc khử trùng toàn bộ chuồng trại, khu vực chăn nuôi và vùng phụ cận mỗi tuần 1 lần, rắc vôi thường xuyên lối đi lại khu vực chăn nuôi, buôn bán, giết mổ gia súc...
Phun khử trùng chuồng nuôi lợn tại xã Phú Bình (Chiêm Hóa).
Hưởng ứng tháng vệ sinh, tiêu độc khử trùng, gia đình anh Đinh Văn Ủy, thôn Nà Bó, xã Phú Bình tích cực vệ sinh, tiêu độc, khử trùng môi trường chăn nuôi, bổ sung chế độ ăn hợp lý cho đàn trâu của gia đình. Anh Ủy cho biết, ngoài tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin cho 15 con trâu, anh còn chủ động mua thuốc sát trùng về để phun toàn bộ chuồng trại 1 lần/tuần. Đồng thời, thường xuyên quét dọn, thu gom chất thải, phát quang bụi rậm xung quanh chuồng trại chăn nuôi. Nhờ đó, những năm gần đây đàn trâu của anh phát triển khỏe mạnh, không bị dịch bệnh.
Tiêm phòng để hạn chế dịch bệnh
Việc tiêm vắc-xin bảo đảm chất lượng, đúng kỹ thuật, đủ liều là yếu tố quyết định hiệu quả phòng bệnh. Sở Nông nghiệp và PTNT Tuyên Quang đã xây dựng kế hoạch tiêm vắc-xin phòng bệnh cho vật nuôi vụ xuân hè. Theo đó, toàn tỉnh có trên 95 nghìn con trâu, bò, gần 400 nghìn con lợn và gần 4.500 nghìn con gia cầm trong diện phải tiêm phòng. Với những cơ chế, chính sách hỗ trợ các loại vắc xin như viêm da nổi cục trâu bò; tụ huyết trùng cho đàn trâu, bò, lợn; dịch tả lợn; niu cát sơn; dịch tả vịt đối với các thôn đặc biệt khó khăn. Hỗ trợ vắc xin lở mồm long móng cho đàn trâu, bò, lợn nái, lợn đực giống cho các hộ chăn nuôi, trang trại của hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn tỉnh.
Ông Lương Văn Vân, xã Thái Sơn (Hàm Yên) cho biết, gia đình nuôi 15 con bò, 30 con lợn và gần 30 con dê. Với kinh nghiệm chăn nuôi hơn 10 năm, tôi nhận thấy để phát triển ổn định và hiệu quả thì việc tiêm vắc-xin phòng bệnh cho vật nuôi phải là ưu tiên hàng đầu. Được tỉnh hỗ trợ trong công tác tiêm phòng nên gia đình tôi giảm được chi phí, ngoài ra nếu vật nuôi đến tuổi tiêm phòng mà chưa có đợt hỗ trợ thì gia đình tôi đăng ký mua vắc-xin phòng bệnh kịp thời. Nhờ vậy, đàn gia súc của gia đình tôi luôn phát triển khỏe mạnh.
Ông Nguyễn Đăng Khoa, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh Tuyên Quang cho biết, các hộ dân vẫn còn chăn nuôi nhỏ lẻ, nhiều hộ chăn nuôi ở các xã, thôn xa trung tâm chưa chú ý việc tiêm phòng dịch bệnh cho đàn vật nuôi bởi sợ tốn kém, cho rằng vật nuôi đang khỏe không phải tiêm phòng; ở cấp xã phần lớn chưa có cơ sở giết mổ tập trung... dẫn đến công tác quản lý, kiểm soát dịch bệnh trên đàn vật nuôi khó khăn.
Tiêm phòng cho đàn bò tại gia đinh ông Vân.
Chi cục đã phối hợp với các huyện, thành phố chỉ đạo các xã, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp các huyện, thành phố kiểm tra, rà soát, thống kê lại tổng đàn gia súc, gia cầm ở các hộ, trang trại, gia trại trong diện phải tiêm phòng; triển khai kế hoạch tiêm phòng các loại vắc-xin định kỳ; tăng cường thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức về tiêm phòng và phòng chống dịch bệnh đến người chăn nuôi. Đồng thời, kiểm tra chặt chẽ việc vận chuyển, mua bán, giết mổ gia súc, gia cầm, kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm...
Đến nay, toàn tỉnh Tuyên Quang đã tiêm được 67.300 liều vắc xin lở mồm long móng, 39.200 liều vắc xin tụ huyết trùng cho đàn trâu. Đàn bò: 15.800 liều vắc xin lở mồm long móng, 15.200 liều vắc xin tụ huyết trùng. Đàn lợn: 225.300 liều vắc xin tụ huyết trùng, 22.900 liều vắc xin lở mồm long móng; 219.100 liều vắc xin dịch tả lợn. Đàn gia cầm: 2.045.100 liều vắc xin tụ huyết trùng, Niu cát xơn 2.188.300 liều; dịch tả vịt 40.900 liều. Vắc xin dại gần 19.000 liều.