Tỷ lệ độ che phủ rừng duy trì trên 65%, diện tích được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững (FSC) trên 35.118ha, Tuyên Quang đã và đang khẳng định được vị thế của mình trong phát triển bền vững ngành Lâm nghiệp.
Dẫn dầu cả nước về diện tích rừng FSC
Tuyên Quang có diện tích rừng trồng lớn, có tiềm năng và thế mạnh trong phát triển kinh tế lâm nghiệp. Tỉnh xác định được 19 chủ rừng là tổ chức phải xây dựng và phê duyệt phương án quản lý rừng bền vững, trong đó có 3 ban quản lý rừng đặc dụng, 2 ban quản lý rừng phòng hộ, 14 chủ rừng quản lý rừng sản xuất.
Hiện, có 11 chủ rừng đã xây dựng và phê duyệt phương án quản lý rừng bền vững. Theo kế hoạch giai đoạn 2022 - 2025, toàn bộ chủ rừng là tổ chức trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang sẽ được xây dựng và phê duyệt phương án quản lý rừng bền vững.
Tuyên Quang đang duy trì hơn 132.000ha vùng nguyên liệu rừng trồng ổn định, trong đó rừng gỗ lớn là hơn 69.800ha, rừng được cấp chứng chỉ bền vững FSC là 35.118,06ha. Việc người dân, doanh nghiệp trồng rừng được cấp chứng chỉ FSC không chỉ mang lại hiệu quả về kinh tế mà còn bảo vệ môi trường và xã hội.
Ông Lâm Thành Trung, Trưởng phòng Kế hoạch kỹ thuật (Công ty TNHH Lâm nghiệp Tuyên Bình), cho biết, công ty có 1.419,83 ha rừng trồng được cấp chứng chỉ FSC. Gỗ rừng trồng được cấp FSC luôn bán cao hơn 50.000 - 100.000 đồng/m3 so với gỗ không được cấp chứng chỉ. Từ đó khuyến khích người trồng mở rộng diện tích rừng bền vững.
Nhờ những lợi thế nói trên mà Tuyên Quang đã thu hút được nhiều doanh nghiệp lớn đầu tư vào sản xuất, chế biến gỗ quy mô lớn, sản phẩm đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Tỉnh hiện có 9 nhà máy sản xuất chế biến gỗ rừng trồng. Trong đó có một số nhà máy có công suất lớn như: Nhà máy Bột giấy và Giấy An Hòa, công suất 1,3 triệu m3/năm; Nhà máy Chế biến gỗ của Công ty CP Woodsland Tuyên Quang 680.000m3/năm; Nhà máy Sản xuất đũa tre, giấy đế và bột giấy huyện Na Hang 25.000 m3/năm... Cùng với đó, còn 300 cơ sở chế biến gỗ rừng trồng quy mô vừa và nhỏ. Nhiều sản phẩm gỗ sau chế biến đã có mặt tại các thị trường khó tính như EU, Mỹ, Canada, Nga, Nhật Bản, góp phần gia tăng giá trị xuất khẩu và công nghiệp của tỉnh.
Theo thống kê, 9 tháng năm 2021, giá trị khẩu khẩu hàng hóa tỉnh Tuyên Quang đạt 117 triệu USD, bằng 82% kế hoạch năm và tăng 41,5% so với cùng kỳ năm 2020. Riêng mặt hàng gỗ và các sản phẩm chế biến từ gỗ, tỉnh đã xuất khẩu hơn 3.300 tấn giấy đế, giá trị hơn 1,7 triệu USD; xuất khẩu gần 8.000 tấn bột giấy, giá trị hơn 4,7 triệu USD; gỗ tinh chế (ván dán) xuất khẩu với tổng giá trị hơn 4,3 triệu USD; gỗ ván ép xuất khẩu giá trị hơn 4,2 triệu USD.
Sớm trở thành trung tâm chế biến gỗ của khu vực
Theo Quy hoạch phát triển lâm nghiệp tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2006-2010 và định hướng đến năm 2020, tỉnh đã xác định, quy hoạch vùng rừng trồng gỗ nhỏ phục vụ cho nhà máy giấy và vùng rừng trồng gỗ lớn 69.000 ha, phục vụ cho công nghiệp chế biến, với mục tiêu sớm trở thành “trung tâm chế biến gỗ của Khu vực”.
Kết quả thực hiện quy hoạch phát triển vùng rừng trồng gỗ lớn từ năm 2010 - 2020, toàn tỉnh đạt 69.861ha. Diện tích rừng trồng gỗ lớn ở giai đoạn này chủ yếu được hình thành từ các chương trình dự án trồng mới 5 triệu hecta rừng, chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững (trồng bằng các loài cây bản địa như: lát hoa, trám, sấu, mỡ, quế, de...) và một phần do nhân dân tự đầu tư trồng. Năm 2017, tỉnh ban hành chính sách hỗ trợ cây giống chất lượng cao để nhân dân trồng rừng gỗ lớn bằng các loài cây như: keo lai mô, keo tai tượng hạt ngoại.
Giai đoạn 2021-2025, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Tuyên Quang tiếp tục chỉ đạo, xây dựng mục tiêu phát triển rừng gỗ lớn của tỉnh đến năm 2025 đạt 89.000ha. Nhiệm vụ chủ yếu của giai đoạn này là trồng mới trên 20.000ha gỗ lớn, đồng thời tiếp tục duy trì trên 69.000ha rừng gỗ lớn hiện có. Mục tiêu là đảm bảo đủ nhu cầu nguyên liệu gỗ lớn phục vụ chế biến đồ gỗ xuất khẩu, các sản phẩm phụ được sử dụng làm viên gỗ nén, băm dam... nhằm nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, nâng cao thu nhập và đời sống của người làm nghề rừng.
Để thực hiện đạt mục tiêu trên, Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh (Khóa XVII) đã ban hành Nghị quyết số 36 về phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2021-2030, với mục đích “Nâng cao hơn nữa nhận thức, vai trò trách nhiệm và sự vào cuộc của các cấp ủy Đảng, hệ thống chính trị, các tổ chức kinh tế và nhân dân về phát triển lâm nghiệp...”.
Hội đồng nhân dân tỉnh Tuyên Quang khóa XIX, kỳ họp thứ 2, đã ban hành Nghị quyết số 03/2021/NQ-HĐND ngày 16/7/2021, trong đó nhấn mạnh: “... Hỗ trợ 50% lãi suất tiền vay cho các tổ chức, cá nhân vay vốn để chuyển hóa rừng trồng gỗ nhỏ sang gỗ lớn”, tương đương mức hỗ trợ lãi suất khoảng 8,4 triệu đồng/ha và chính sách hỗ trợ cây giống chất lượng cao để các hộ gia đình trồng rừng, làm giàu rừng, với mức hỗ trợ 5 -12 triệu đồng/ha (tùy loài cây); UBND tỉnh Tuyên Quang đã phê duyệt Đề án phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2021-2030, định hướng đến năm 2035.
Nghị quyết mang tầm chiến lược
Nghị quyết số 36 - NQ/TU của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang về phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2021-2030, đề ra mục tiêu cho giai đoạn 2021-2025: tốc độ tăng bình quân giá trị sản xuất lâm nghiệp đạt trên 9%/năm. Phát triển diện tích rừng gỗ lớn đạt trên 89.000 ha. Năng suất rừng trồng đạt bình quân 22 m3/ha/năm. Sản lượng gỗ khai thác đạt trên 5.500.000m3.
Quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ rừng theo quy định trên 90.000ha rừng sản xuất. Giá trị thu được từ gỗ nguyên liệu rừng trồng gỗ nhỏ (chu kỳ 07 năm) đạt trên 160 triệu đồng/ha; với rừng trồng gỗ lớn (chu kỳ 10 năm) đạt trên 310 triệu đồng/ha. Duy trì ổn định tỷ lệ che phủ rừng trên 65%.
Đến năm 2025, có ít nhất 01 sản phẩm đồ gỗ được công nhận “Thương hiệu quốc gia Việt Nam”; hoàn thành xây dựng ít nhất 05 mô hình du lịch sinh thái tại các khu rừng phòng hộ, đặc dụng. Hoàn thành Đề án trồng 1 tỷ cây xanh, đưa Tuyên Quang trở thành một trong những tỉnh điển hình về phát triển lâm nghiệp bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới và phát triển du lịch sinh thái.
Giai đoạn 2026-2030, tốc độ tăng bình quân giá trị sản xuất lâm nghiệp đạt 11%/năm. Duy trì diện tích rừng gỗ lớn đạt trên 89.000ha. Sản lượng gỗ khai thác đạt 6.500.000m3. Mở rộng, duy trì diện tích rừng đã được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững trên 100.000ha rừng sản xuất. Đến năm 2030, giá trị thu được từ rừng trồng gỗ nhỏ (chu kỳ 7 năm) đạt trên 190 triệu đồng/ha; với rừng trồng gỗ lớn (chu kỳ 10 năm) đạt trên 350 triệu đồng/ha. Duy trì ổn định tỷ lệ che phủ rừng trên 65%...
Với lợi thế và tầm nhìn cũng như các chính sách ban hành kịp thời, cùng với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, người dân và doanh nghiệp, tin tưởng Tuyên Quang sẽ sớm trở thành trung tâm chế biến gỗ lớn của khu vực, mang lại giá trị lớn cho người trồng rừng, cho ngành Lâm nghiệp.
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.
Không chỉ từ khi Luật Hợp tác xã năm 2023 chính thức có hiệu lực (01/7/2024), mà trước đó, nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn Quảng Ngãi đã chủ động mở rộng các dịch vụ phục vụ và phát triển sản xuất kinh doanh (SXKD) gắn với chuỗi giá trị sản phẩm. Nhờ đó, vai trò của HTX nông nghiệp (NN) đối với kinh tế hộ ngày càng rõ hơn, nhất là khi SX gặp khó khăn: hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh,…