Trước tình hình dịch tả lợn châu Phi đang có diễn biến phức tạp, tỉnh Tuyên Quang đã và đang triển khai nhiều giải pháp để phòng, chống, hạn chế sự lây lan, tiến tới khống chế, dập tắt dịch trong thời gian sớm nhất có thể.
Tuyên Quang hiện có gần 550.000 con lợn. Tính đến ngày 20/10, tỉnh có 68 xã, ở 7/7 huyện, thành phố xuất hiện dịch tả lợn châu Phi, 5.645 con lợn với trọng lượng 262.641kg phải tiêu huỷ.
Trao đổi với phóng viên Kinh tế nông thôn, ông Đào Duy Quý, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Tuyên Quang, cho biết, từ cuối tháng 8/2021 đến nay, dịch tả lợn châu Phi có diễn biến phức tạp ở hầu khắp 7/7 huyện/thành phố. Trong đó, bị nhiều ở các huyện Lâm Bình, Hàm Yên, Na Hang, Chiêm Hoá…
Theo ông Quý, nguyên nhân dẫn tới dịch có diễn biến phức tạp là do chưa có vắc xin tiêm phòng; thời tiết giao mùa làm cho vi rút phát triển mạnh; công tác kiểm soát giết mổ, vận chuyển con giống, thịt thương phẩm giữa các vùng chưa được kiểm soát chặt chẽ.
Theo Luật, khi người nuôi vào đàn phải thông báo với chính quyền địa phương nhưng hiện nay chưa địa phương nào làm được, thực trạng này gần như diễn ra chung trong cả nước; chăn nuôi quy mô nhỏ lẻ dẫn tới việc áp dụng các biện pháp an toàn sinh học gặp khó khăn. Dịch cũng có thể lây qua các đại lý thức ăn, con giống không rõ nguồn gốc hay công tác tiêu độc khử trùng không được quan tâm nhiều cũng là nguyên nhân, ông Quý cho biết.
Về giải pháp, ông Quý cho biết, Chi cục tham mưu cho sở, tham mưu cho tỉnh cũng như phối hợp với chính quyền địa phương hướng dẫn cho người dân áp dụng các biện pháp nuôi an toàn sinh học; đôn đốc các địa phương tăng cường các biện pháp giết mổ, kiểm soát việc vận chuyển; vận động người dân thực hiện tốt 5K gồm: không dấu dịch; không bán chạy gia súc ốm; không giết mổ gia súc ốm, chết; không vứt xác chết ra môi trường; không sử dụng thức ăn thừa từ các hộ, cơ sở đã xuất hiện dịch.
Kế hoạch trong thời gian tới, Sở Nông nghiệp và PTNT Tuyên Quang xác định, đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và người chăn nuôi về phòng, chống, khống chế dịch, vừa đảm bảo đúng hướng dẫn, vừa bảo vệ sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, đồng thời có giải pháp phát triển đàn ở những nơi không có dịch và những cơ sở chăn nuôi thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống và áp dụng chăn nuôi an toàn sinh học.
Tiếp tục kiểm tra, kiểm soát việc mua, bán, vận chuyển, giết mổ; thực hiện nghiêm ngặt, đúng quy định công tác kiểm dịch, cấp giấy chứng nhận kiểm dịch ra, vào tỉnh. Hướng dẫn người nuôi theo dõi, áp dụng các biện pháp án toàn sinh học; vệ sinh chuồng trại, vệ sinh tiêu độc khử trùng, cùng với đó có biện pháp ngăn chặn, tiêu diệt vật chủ trung gian truyền bệnh.
Thời gian qua, Tuyên Quang có 1.513 con trâu, bò mắc bệnh viêm da nổi cục, trong đó, có 1.311 con đã được chữa khỏi bệnh, 202 con bò bị chết (chủ yếu là bê). Đến ngày 22/10, tất cả các xã trên địa bàn tỉnh đã qua 21 ngày không có trường hợp nhiễm bệnh mới (đủ điều kiện công bố hết dịch). Đây là thành công của tỉnh Tuyên Quang nói chung, ngành nông nghiệp nói riêng, khi ở một số tỉnh, số lượng trâu, bò bị mắc bệnh phải tiêu huỷ lớn. |