Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 26 tháng 4 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 15 tháng 1 năm 2021 | 16:58

Giá trị sản xuất ngành Nông nghiệp Tuyên Quang đạt hơn 9.000 tỷ đồng

Ngày 15/1, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Tuyên Quang tổ chức Hội nghị tổng kết công tác sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản và phát triển nông thôn năm 2020; phương hướng, nhiệm vụ năm 2021. Dự có ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang.

 

 Toàn cảnh Hội nghị.

 

Năm 2020, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn do thời tiết, dịch Covid-19, dịch tả lợn châu Phi, ngành mía đường tiếp tục gặp khó khăn về tiêu thụ sản phẩm và duy trì vùng nguyên liệu. Song, được sự quan tâm lãnh đạo của Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh, cùng với sự phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành; các thành phần kinh tế và nhân dân; toàn ngành nông nghiệp đã tập trung triển khai đồng bộ giải pháp nên nhiều chỉ tiêu của ngành đã đạt và vượt kế hoạch đề ra.

Sản lượng lương thực đạt 34,7 vạn tấn. Diện tích cây ăn quả tăng trên 8% so với kế hoạch. Tổng sản lượng thịt hơi các loại đạt 78.275 tấn, vượt 2,5% so với kế hoạch. Sản lượng sữa tươi 22.046 tấn, tăng 4,7% so với năm 2019. Sản lượng thuỷ sản 9.307 tấn, đạt 106,6% kế hoạch, tăng 7,9% so với năm 2019. 

 

 Ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang phát biểu tại Hội nghị.

 

Trồng rừng đạt 10.766,4 ha, sản lượng khai thác gỗ rừng trồng đạt 930.130 m3 đạt 105,7% kế hoạch, tăng 7,5% so với năm 2019. Duy trì độ che phủ của rừng trên 65%.

Hết năm 2020 có thêm 11 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 03 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, nâng tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới của tỉnh lên 47/124 xã. Hoàn thành hồ sơ đề nghị Trung ương công nhận thành phố Tuyên Quang hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản (theo giá so sánh năm 2010) ước đạt 9.213,1 tỷ đồng, đạt 105,1% kế hoạch, tăng 4,18 % so năm 2019.

 

 Ông Nguyễn Văn Việt, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh trao đổi tại Hội nghị.

 

Sở Nông nghiệp và PTNT đã xây dựng, quảng bá thương hiệu, xúc tiến thương mại, quản lý chất lượng, nâng cao sức cạnh tranh sản phẩm đạt kết quả tích cực. Hiện nay, toàn tỉnh có 90 sản phẩm đăng ký nhãn hiệu, trong đó có 47 sản phẩm đã được bảo hộ của Cục Sở hữu trí tuệ, 43 sản phẩm đã được Cục Sở hữu trí tuệ chấp nhận đơn hợp lệ; có trên 100 sản phẩm được dán tem truy xuất nguồn gốc; 24 cơ sở được chứng nhận chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn.

Thực hiện chương trình mỗi xã 1 sản phẩm (OCOP), Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP tỉnh Tuyên Quang đã đánh giá, phân hạng và công nhận cho 79 sản phẩm OCOP, trong đó, có 17 sản phẩm hạng 4 sao và 62 sản phẩm hạng 3 sao.

Cùng với đó, ngành Nông nghiệp tiếp tục đôn đốc thực hiện chính sách hỗ trợ sản xuất hàng hóa đối với một số cây trồng, vật nuôi và chính sách khuyến khích phát triển kinh tế trang trại trên địa bàn tỉnh, tạo nguồn vốn cho nhiều hộ dân phát triển sản xuất. Lũy kế đến hết tháng 11/2020, Ngân hàng đã giải ngân cho vay được 386,4 tỷ đồng; Ngân sách nhà nước đã hỗ trợ được 45,6 tỷ đồng; tổ chức hỗ trợ giống cây lâm nghiệp chất lượng cao lũy kế trồng 3.380,7 ha (đạt 100% nhu cầu đăng ký), với kinh phí 14,6 tỷ đồng.

 

 

 Các đại biểu tham quan các sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn cấp tỉnh.

 

Trong năm 2020, bàn giao đưa vào sử dụng, phục vụ sản xuất 15 công trình thủy lợi thiết yếu, cấp bách bằng nguồn kinh phí hỗ trợ sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi 2020; sửa chữa 68 đầu mối công trình; sửa chữa, nâng cấp 2.360,6 m kênh mương, phát dọn 71.422 m³ bùn đất, phát dọn 1.448.768 m2 cây cỏ rác trên công trình đầu mối và bờ kênh, bơm chống hạn cục bộ 50,85 ha.

Mục tiêu, kế hoạch năm 2021, Sở Nông nghiệp và PTNT xác định một số chỉ tiêu, giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản đạt 9.582,6 tỷ đồng, tăng trên 4% so với ước thực hiện năm 2020. Sản lượng lương thực đạt trên 34 vạn tấn.

Tốc độ tăng đàn trâu tăng 1,0%, đàn bò tăng 5%, đàn lợn tăng 4%, đàn gia cầm tăng 6% so với năm 2020; sản lượng thịt hơi các loại trên 82.900 tấn; sản lượng sữa tươi 24.000 tấn. Diện tích chuyên canh nuôi thả cá 3.097 ha; sản lượng 9.811 tấn.

Trồng rừng 10.350 ha, sản lượng khai thác gỗ rừng trồng 955.000 m3, khai thác tre nứa nguyên liệu 30.000 tấn; làm tốt công tác bảo vệ rừng, duy trì độ che phủ của rừng trên 65%.

 

 

 Trước đó, diễn ra nhiều tiết mục văn nghệ đặc sắc.

 

Hoàn thành lắp đặt 100 km kênh mương nội đồng bằng cấu kiện bê tông thành mỏng đúc sẵn. Phấn đấu đến hết năm 2021 toàn tỉnh có 55 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó: Duy trì, giữ vững 47 xã đạt chuẩn nông thôn mới và phấn đấu có thêm 8 xã hoàn thành đạt chuẩn nông thôn mới.

Phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang cho biết, thay mặt UBND tỉnh, tôi nhiệt liệt biểu dương và chúc mừng thành tích của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đã đạt được thời gian qua. Năm 2020, là năm về đích thực hiện Nghị quyết Đại hội và Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020 trong điều kiện phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, song toàn ngành đã  cơ bản thực hiện hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.

Tuy đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, nhưng nông nghiệp vẫn còn có hạn chế, khó khăn như: kết quả thực hiện một số chỉ tiêu còn thấp; chỉ tiêu mía đường gặp khó khăn, chưa có giải pháp tháo gỡ đảm bảo căn cơ, bền vững; bệnh dịch tả lợn châu Phi chưa có vắc xin phòng bệnh, chưa có thuốc chữa trị, việc khống chế dịch bệnh gặp nhiều khó khăn; ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất còn hạn chế, chưa tạo được đột phá; tỷ trọng sản phẩm được sản xuất dưới các hình thức liên kết còn thấp…

 

 

 Nhiều tập thể, cá nhân được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen.

 

Ông Sơn yêu cầu, năm 2021, là năm đầu tiên thực hiện các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025; cần phải phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, các thành phần kinh tế; phát huy truyền thống lao động cần cù, sáng tạo của nông dân toàn tỉnh; phát huy tính chủ động, sáng tạo của ngành nông nghiệp; quyết tâm phấn đấu hoàn thành thắng lợi các chỉ tiêu nông nghiệp, nông thôn đề ra; đề hoàn thành kế hoạch năm 2021 và mục tiêu kế hoạch 5 năm.

Tại Hội nghị, Sở Nông nghiệp và PTNT đã trao giấy chứng nhận VietGAP cho 5 tổ chức nuôi trồng thủy sản. Chủ tịch UBND tặng danh hiệu tập thể lao động xuất sắc cho 3 tập thể, tặng bằng khen cho 8 cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước năm 2020.

 

 

Hoàng Văn
Ý kiến bạn đọc
  • Tạo mọi điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo tiêp cận nguồn vốn ở TP. Lào Cai

    Tạo mọi điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo tiêp cận nguồn vốn ở TP. Lào Cai

    Hôm nay (25/4), Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội (BĐD HĐQT NHCSXH) TP. Lào Cai tổ chức hội nghị đánh giá kết quả hoạt động quý I và triển khai nhiệm vụ trọng tâm quý II/2024.

  • Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Tín dụng chính sách trợ lực giảm nghèo bền vững

    Nhằm giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo vươn lên cải thiện cuộc sống, các sở, ban, ngành và các cấp chính quyền huyện, thị, thành phố của tỉnh Hậu Giang đã và đang triển khai thực hiện các dự án đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững. Thông qua vốn tín dụng chính sách của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đầu tư vào sản xuất - kinh doanh, đời sống người dân đã được nâng cao, từng bước thoát nghèo, vươn lên khá - giàu.

  • “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    Thời gian qua, từ các chương trình tín dụng ưu đãi, hàng nghìn hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Phú Thọ được tiếp cận vốn để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

  • Nỗ lực Dần Thàng

    Nỗ lực Dần Thàng

    Chỉ vài ba năm trở về trước, xã Dần Thàng (Văn Bàn, Lào Cai) còn là một địa danh ẩn sâu trong những tán rừng, được bao bọc bởi nhiều dãy núi, nơi sinh sống chủ yếu của đồng bào dân tộc Dao. Quyết tâm XD NTM đã khiến Dần Thàng “chuyển động”, mạnh mẽ nhất là phong trào phát triển kinh tế.

  • Quảng Trị đưa xây dựng NTM vào chiều sâu và bền vững

    Quảng Trị đưa xây dựng NTM vào chiều sâu và bền vững

    Thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới (NTM) gắn với thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn đi vào chiều sâu, bền vững, từng bước hiện đại đang được Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân Quảng Trị triển khai có hiệu quả.

  • Khắc phục hạn chế để đưa sản phẩm OCOP vươn tầm thế giới

    Khắc phục hạn chế để đưa sản phẩm OCOP vươn tầm thế giới

    Để "đặt chân" sâu hơn vào thị trường quốc tế đòi hỏi sản phẩm OCOP cần phải khắc phục hạn chế và sản xuất cái thị trường cần thay vì cái mình có, định vị thị trường và mở kênh bán hàng…

Top