Hiện, trên tuyến sông Lô chạy qua TP. Tuyên Quang và huyện Sơn Dương xuất hiện nhiều khu vực sạt lở ở mức nguy hiểm. Tại thôn Hưng Thịnh (Trường Sinh, Sơn Dương), sạt lở đã lên tới mặt đê, nguy cơ vỡ đê cao nếu không gia cố kịp thời.
Có thể xảy ra vỡ đê
Tuyến đê tả sông Lô đoạn chạy qua xã Trường Sinh (Sơn Dương) dài 9.311m, hiện nay có nhiều vị trí sạt lở lấn chiếm hành lang bảo vệ, soi bãi làm mất đất canh tác của người dân, chiều cao vách taluy sạt thẳng đứng từ 10-15m cách chân đê trung bình 20-30m. Trong đó, có một số vị trí sạt lở ở mức nguy hiểm, có thể xảy ra vỡ đê.
Ở thôn Phú Thọ, thôn Quyết Thắng khu vực sạt lở dài khoảng 1.000m, chiều cao vách taluy sạt thẳng đứng từ 8 - 12m, vị trí sạt lở gần chân đê nhất khoảng 10m. Tại thôn Phú Thọ 2 vị trí sạt lở gần nhất cách chân đê khoảng 6,5m với chiều dài khoảng 35m.
Trong khi đó ở thôn Phú Thọ 1 vị trí sạt gần nhất cách chân đê chỉ 5m, dài khoảng 30m, khu vực này đã được đặt biển cảnh báo “Khu vực sạt lở nguy hiểm ven sông” và hạn chế các phương tiên giao thông đi lại.
Nguy hiểm nhất là tại thôn Hưng Thịnh, sạt lở xảy ra với tốc độ nhanh và nguy hiểm, chiều dài khoảng 400m, vị trí sạt lở cách chân đê trung bình 5 - 7m, trong đó khoảng 100m tình trạng sạt lở đã ảnh hưởng trực tiếp vào thân đê, có đoạn đã sạt mất gần 1/2 mặt đê, với chiều cao vách taluy sạt lở từ 15 - 20m. Vị trí này có nguy cơ vỡ đê cao.
Sạt lở xảy ra với tốc độ nhanh, nguy hiểm, chiều dài khoảng 400m (thôn Hưng Thịnh, Trường Sinh).
Theo ông Chung, một người dân ở thôn Hưng Thịnh (Trường Sinh), trước đây từ chân đê ra tới mép sông rộng khoảng 120m. Gia đình ông có 4 sào (1.440m2) đất bãi soi để làm mầu nay bị sạt lở còn khoảng 120m2. Nguyên nhân chính dẫn tới sạt lở là do hút cát.
Trao đổi với phóng viên, ông Đỗ Xuân Trường, Chủ tịch UBND xã Trường Sinh (Sơn Dương) cho biết, có mấy nguyên nhân gây sạt lở gồm: khai thác thủy năng, biến đổi khí hậu, do nền địa chất yếu, thứ tư do tác động của khai thác cát sỏi làm cho lòng sông tụt xuống, dẫn tới bờ soi bị sạt lở theo. Toàn xã có 4,2 ha đất bãi soi bị sạt lở.
Vách taluy sạt lở cao từ 15 - 20m, người, động vật lại gần rất nguy hiểm (thôn Hưng Thịnh, Trường Sinh).
Riêng, tại thôn Hưng Thịnh (khu vực sạt lở nguy hiểm nhất) năm 2018, vết lở cách chân đê chỗ gần nhất là 7 m, bình quân từ 12-15m. Sang năm 2019, tiếp tục lở, đến nay đã lở mất gần 1/2 mặt đê. Sạt lở làm 47 hộ dân mất đất với diện tích 2,6 ha. Nếu không được khắc phục kịp thời khi có lũ lớn xảy ra vỡ đê có khoảng 420 dân ở 3 thôn sẽ trực tiếp bị ảnh hưởng, ngoài ra còn đất đai, hoa màu, ông Trường cho biết.
Thiếu kinh phí nghiêm trọng
Năm 2018, Tuyên Quang có văn bản báo cáo và đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét hỗ trợ kinh phí để thực hiện dự án. Trong đó có dự án: Xử lý khẩn cấp bách sạt lở, nứt dọc gần chân đê từ thôn Hưng Thịnh đến thôn Thái Thịnh, xã Trường Sinh (huyện Sơn Dương), tổng chiều dài 4,4km, kinh phí ước thực hiện khoảng 490 tỷ đồng.
Do vị trí sạt lở ở thôn Hưng Thịnh nguy hiểm, hiện nay, UBND tỉnh Tuyên Quang đang cho chủ trương xử lý khẩn cấp chiều dài khoảng 400m, tổng mức 14,9 tỷ đồng. Tuy nhiên, kinh phí thực hiện mới chỉ bố trí được 1,0/14,9 tỷ đồng từ Quỹ Phòng chống thiên tai của tỉnh. Số tiền gần 14 tỷ đồng còn lại chưa có nguồn để phân bổ.
Sạt lở xảy ra bất cứ lúc nào, nhiều điểm sạt đất còn rất mới (thôn Hưng Thịnh, Trường Sinh).
Ông Nguyễn Công Hàm, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Tuyên Quang cho biết, để đảm bảo an toàn cho tuyến đê, bảo vệ dân cư và đất đai trong mùa mưa lũ, đề nghị Tổng cục Phòng, chống thiên tai tiếp tục tổng hợp trình Bộ Nông nghiệp và PTNT, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính xem xét hỗ trợ Tuyên Quang kinh phí xây dựng 03 tuyến kè bảo vệ bờ sông Lô gồm: Đoạn qua xã Trường Sinh (Sơn Dương) dài 4,4 km ước vốn 490 tỷ đồng; đoạn từ xã Vân Sơn đi Hồng Lạc (Sơn Dương) dài 2,5 km ước vốn 200 tỷ đồng và đoạn từ Viên Châu đến Ruộc thuộc xã An Khang (TP.Tuyên Quang) dài 2km, ước vốn 140 tỷ đồng (theo Văn bản số 1644/UBND-ĐTXD ngày 07/6/2018 của UBND tỉnh Tuyên Quang).
Tại thôn Hưng Thịnh (Trường Sinh) sạt lở làm 47 hộ dân mất đất với diện tích 2,6 ha.
Vị trí sạt lở ở thôn Hưng Thịnh (Trường Sinh) mà không được khắc phục kịp thời không lâu sau nữa sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới cống qua đê. Cống qua đê có chức năng chặn nước sông vào đồng, và thoát nước từ đồng ra sông.
Đề nghị UBND tỉnh Tuyên Quang xem xét, hỗ trợ kinh phí để thực hiện xử lý khẩn cấp đảm bảo an toàn đoạn đê thuộc thôn Hưng Thịnh (Trường Sinh, Sơn Dương) với chiều dài khoảng 400m, ước kinh phí thực hiện 15 tỷ đồng.
Về lâu dài, đề nghị UBND tỉnh Tuyên Quang tiếp tục đề xuất với Chính phủ, cơ quan Trung ương hỗ trợ khoảng 1.500 tỷ để đầu tư xây dựng, gia cố toàn bộ tuyến đê, đảm bảo an toàn cho công trình và bảo vệ đất sản xuất nông nghiệp, ông Hàm cho biết thêm.
Tỉnh Tuyên Quang có 43.114m đê sông Lô và 52 cống tiêu dưới đê thuộc địa phận thành phố Tuyên Quang và huyện Sơn Dương. Tuyến đê Tả sông Lô có tổng chiều dài 36.214m chạy các xã Vĩnh Lợi, Cấp Tiến, Đông Thọ, Quyết Thắng, Vân Sơn, Hồng Lạc, Trường Sinh (Sơn Dương), thì gần như ở tất cả các xã này đều xảy ra việc mái đê phía đồng và phía sông xuống cấp. Đặc biệt, ở các xã Vĩnh Lợi, Cấp Tiến, Đông Thọ, Vân Sơn, Trường Sinh xảy ra nhiều vị trí sạt lở nghiêm trọng làm mất nhiều diện tích đất canh tác của người dân. Có nhiều nguyên nhân nhưng nguyên nhân chính được cho là do hút cát. Tuyến đê Hữu sông Lô dài 6.900m. Tại đây có đoạn đê Ruộc và đoạn đê Thái Long bị sạt lở có nhiều nguyên nhân nhưng theo phản ánh nguyên nhân chính cũng do hút cát. |
Tối 22/11, tại Bảo tàng tỉnh Phú Yên, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh tổ chức khai mạc trưng bày chuyên đề “Bến Vũng Rô và hoạt động tiếp nhận chi viện từ những chuyến Tàu Không số”. Hoạt động nhằm hướng đến kỷ niệm 60 năm Bến Vũng Rô tiếp nhận chuyến hàng đầu tiên của Tàu Không số (28/11/1964 – 28/11/2024).
Thời gian qua, tỉnh Nghệ An triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, cơ chế, chính sách thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, bước đầu đạt được những kết quả tích cực. Đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nâng cao ý thức tự lực, tự cường vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống, góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo nên diện mạo mới cho nông thôn miền núi xứ Nghệ.
Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về bảo hiểm tiền gửi (BHTG) 2024 là một hoạt động quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của công chúng về chính sách BHTG và hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN), qua đó truyền tải nội dung chính sách BHTG một cách mới mẻ, hấp dẫn và thu hút sự quan tâm của công chúng.