Mô hình khuyến nông mẫu là công cụ trình diễn các tiến bộ kỹ thuật mới, nhằm khuyến khích nông dân học tập, áp dụng vào điều kiện thực tế của gia đình.
Đến thăm mô hình mẫu nông, lâm nghiệp kết hợp của gia đình anh Vũ Đức Cường, thôn 31, xã Thái Sơn, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng bởi quy mô, chất lượng của mô hình. Phần đất trũng được đào thành ao nuôi cá với diện tích 3 ha. Gần 1,5 ha đất đồi có độ dốc vừa phải, gia đình anh trồng cam Vinh, bưởi Diễn và bưởi da xanh. Còn 15,3 ha núi dốc, gia đình anh trồng keo lai mô và cây sa nhân tím. Anh cũng phát triển chăn nuôi gần 100 con lợn đen, hơn 500 con gà, vịt.
Mô hình nông, lâm nghiệp kết hợp của gia đình anh Vũ Đức Cường, thôn 31, xã Thái Sơn (Hàm Yên).
Anh Cường chia sẻ: “Ban đầu gia đình chưa nhận thức được vai trò quan trọng của phát triển kinh tế trang trại, từ trồng keo đến chăn nuôi gia cầm, thủy sản đều làm theo hướng tự phát. Nhưng từ khi được cán bộ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Hàm Yên hướng dẫn, mô hình của gia đình tôi được bố trí liên hoàn và khoa học hơn. Với những kỹ thuật trồng và chăm sóc bài bản nên diện tích rừng và cây ăn quả phát triển tốt, phòng tránh được dịch bệnh cho lợn và gia cầm. Đến nay, mô hình của gia đình đã được cấp giấy chứng nhận trang trại, trung bình mỗi năm mô hình thu gần 1 tỷ đồng”.
Với kinh nghiệm nuôi gà ta thả vườn lâu năm, chị Lý Thị Huệ, thôn Đèo Ảng, xã Bình Xa (Hàm Yên) khá mát tay với đàn gà hơn 200 con của gia đình. Đặc biệt, trong khoảng 4 năm trở lại đây, chị còn mở rộng mô hình nuôi gà trống thiến, chủ yếu tập trung bán vào dịp Tết Nguyên đán. Theo chị Huệ, so với nuôi gà ta thả vườn thông thường, việc nuôi gà trống thiến ít tốn công chăm sóc, giảm bớt các chi phí về phòng, chống dịch bệnh do gà thiến thường có sức đề kháng cao. Thịt gà trống thiến thơm ngon hơn so với gà thịt thông thường.
Mô hình nuôi gà thả vườn của chị Lý Thị Huệ, thôn Đèo Ảng, xã Bình Xa (Hàm Yên).
Cùng làm mô hình nuôi gà trống thiến trong thôn, từ kinh nghiệm của bản thân cùng sự hướng dẫn của cán bộ khuyến nông, anh Lý Văn Hòe cho biết, cái khó nhất khi nuôi gà trống thiến là khâu thiến gà. Gà cần đảm bảo khỏe, đẹp mã, chân không bị tật, lông óng mượt, mào đẹp. Nếu thiến không chuẩn có thể khiến gà phát triển chậm, nhẹ cân, thậm chí dẫn đến nhiễm trùng. Sau khi thiến xong, gà cần được chăm sóc bằng chế độ riêng, sử dụng các loại thuốc chống nhiễm trùng, đường ruột…Thức ăn chủ yếu của gà thiến là ngô và cần nuôi từ 7-8 tháng mới có thể xuất chuồng, trung bình mỗi con khi xuất chuồng nặng từ 3,5 đến hơn 4 kg, giá bán dao động từ 140.000 đồng đến 160.000 đồng/kg.
Mô hình nuôi gà trống thiến được triển khai tại 6 hộ gia đình, thôn Đèo Ảng, xã Bình Xa
Chỉ tính riêng năm 2019, huyện Hàm Yên đã xây dựng 16 mô hình khuyến nông mẫu. Trong đó, 1 mô hình trồng và chăm sóc bưởi; 4 mô hình trồng mới, trồng lại chè giống mới như LDP1, LDP2, PH1; 4 mô hình trồng bí nếp vụ đông trên đất ruộng lúa 2 vụ; 1 mô hình trồng keo lai mô; 1 mô hình hướng dẫn đồng bào dân tộc Mông trồng vụ đông; 1 mô hình trồng lúa mới; 1 mô hình chăn nuôi gà thiến; 1 mô hình mía; 2 mô hình nông, lâm kết hợp. Các mô hình ứng dụng khoa học và công nghệ thời gian qua đã được thực hiện đúng yêu cầu, định hướng phát triển nông nghiệp, nông thôn của huyện, phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương.
Theo số liệu của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, tính đến nay, toàn huyện có 215 trang trại được cấp giấy chứng nhận, trong đó, 90% trang trại có diện tích từ 2 đến 31 ha, tổng doanh thu của các mô hình kinh tế trang trại đạt trên 200 tỷ đồng.
Để các mô hình hiệu quả và nhân ra diện rộng, hiện nay các cán bộ khuyến nông đã và đang tích cực hướng dẫn bà con nông dân đưa các tiến bộ khoa học áp dụng vào mô hình, hướng dẫn các hộ gia đình chăm sóc theo đúng quy trình kỹ thuật để tăng năng suất, sản lượng; đồng thời, huyện đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các cơ chế, chính sách đến người dân, hướng dẫn sản xuất theo chuỗi liên kết và đăng ký sản xuất theo tiêu chuẩn để nâng cao giá trị, hiệu quả kinh tế trong sản xuất kinh doanh.