Xác định liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông sản là nhiệm vụ sống còn, những năm gần đây, ngành Nông nghiệp Tuyên Quang triển khai nhiều giải pháp để hình thành chuỗi liên kết, bước đầu đạt kết quả đáng ghi nhận.
Hiệu quả từ liên kết
Tuyên Quang là tỉnh có nhiều thế mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa. Nhờ sự quan tâm của các cơ quan chức năng, nhận thức kịp thời của người dân trong thay đổi phương thức sản xuất mà giờ đây nhiều chuỗi liên kết được hình thành, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Ông Nông Văn Nghiệp, Giám đốc HXT Dịch vụ tổng hợp Phong Lưu (xã Phù Lưu, huyện Hàm Yên) tâm sự, trước đây, gia đình trồng cam sành theo phương pháp truyền thống, chất lượng kém, năng suất đạt thấp, tiêu thụ phụ thuộc vào thương lái, có thời điểm giá bán chỉ còn 1.400 đồng/kg.
Năm 2014, được sự hướng dẫn, hỗ trợ của huyện, tỉnh, gia đình ông chuyển sang trồng theo quy trình VietGAP. Từ đây, chất lượng cam được nâng lên, sản lượng tăng hơn 20%, giá bán đạt 7.000 - 9.000 đồng/kg, có thời điểm lên tới 14.000 đồng/kg. Đặc biệt, cam bắt đầu tiếp cận tiêu thụ tại siêu thị. Thấy hiệu quả, ông Nghiệp mở rộng diện tích từ 4ha lên 7ha.
Năm 2008, ông Nghiệp cùng một số hộ khác thành lập HTX (hiện có 16 thành viên, 50ha cam). Tuy nhiên, cam chỉ tiêu thụ được ở chợ đầu mối các tỉnh. Nhận thức về việc muốn nâng cao giá trị phải nâng cao chất lượng, tiêu thụ tại các siêu thị, ông Nghiệp cùng các thành viên tập trung sản xuất cam theo quy trình VietGAP. Năm 2011, cam của HTX bắt đầu vào được Big C, Metro…, sản lượng cứ thế tăng dần. Hiện, mỗi năm có 1.200 tấn cam của HTX tiêu thụ trong hệ thống siêu thị.
Ông Nghiệp tâm sự, giờ đây, HTX đứng ra ký hợp đồng với các đối tác cung cấp đầu vào (phân bón, thuốc bảo vệ thực vật...) và bao tiêu đầu ra cho các thành viên. Nhờ có chuỗi liên kết mà giá bán luôn ổn định, cao hơn 1.000 đồng/kg so với thị trường. Thu nhập của các thành viên đạt trung bình 200 - 300 triệu đồng/năm, có hộ lãi tới 700 triệu đồng/năm.
Là một trong những thành viên đầu tiên tham gia HTX, anh Đặng Văn Công tâm sự, trước đây cam bán với giá thấp, có hiện tượng ép giá, làm giá. Năm 2014, gia đình trồng theo quy trình VietGAP, sản lượng tăng thêm 20 -30%, mẫu mã đẹp. Đặc biệt, khi tham gia vào chuỗi liên kết, giá bán cao hơn và ổn định. Năm 2018, trừ chi phí, gia đình thu lãi 700 triệu đồng. Năm 2019, ước lãi khoảng 700 triệu đồng.
Hướng đi đúng
Ở Tuyên Quang, sản xuất nông sản theo quy trình VietGAP, nông nghiệp bền vững, GlobalGap không còn xa lạ. Nhiều hộ đã chuyển sang sản xuất hữu cơ đối với lúa, chè, cam, bưởi... HTX Ngân Sơn Trung Long (xã Trung Yên, huyện Sơn Dương) là một điển hình.
HTX Ngân Sơn Trung Long thành lập năm 2015, lúc đầu có 8 thành viên, diện tích 10ha. Ngoài ra, HTX còn liên kết với 32 hộ khác, nâng tổng diện tích chè lên 20ha; trong đó, có 6,5ha trồng theo quy trình VietGAP với giá bán chè khô 250.000 đồng/kg, trong khi chè trồng thường chỉ bán được 100.000 đồng/kg. Nắm bắt xu hướng và lắng nghe nhu cầu người tiêu dùng, năm 2018, HTX chuyển sang trồng 3ha chè hữu cơ.
Anh Nguyễn Mạnh Thắng, Giám đốc HTX Ngân Sơn Trung Long, tâm sự, khi chuyển sang trồng hữu cơ, thời gian đầu nhiều thành viên phản đối bởi trong 3 tháng đầu, cây chè bị sốc, có biểu hiện vàng lá, giảm sinh trưởng, giảm sản lượng…, các thành viên nghi ngờ về phương thức canh tác mới.
HTX Ngân Sơn Trung Long chuyển 3 ha chè sang canh tác hữu cơ, bước đầu cho hiệu quả, mở ra một hướng đi bền vững.
Những tháng tiếp theo, cây chè dần ổn định. Năm 2019, 3ha chè cho sản lượng 3 tấn khô, giảm khoảng 60% so với chè trồng theo quy trình VietGAP, nhưng giá bán lên tới 1 triệu đồng/kg, cao gấp 4 lần chè VietGAP. Tính trung bình, trồng chè hữu cơ thu nhập cao hơn vì giảm được chi phí nhân công, nguyên liệu đầu vào.
Ngoài 3ha chè hữu cơ, mỗi năm HTX Ngân Sơn Trung Long đưa ra thị trường 60 - 70 tấn chè khô các loại. HTX chủ động ký hợp đồng với một số công ty và cung cấp cho các đại lý tiêu thụ. Từ trồng chè, các thành viên có thu nhập ổn định, trung bình 6-7 triệu đồng/hộ/tháng. Dự kiến năm 2020, HTX nâng vốn điều lệ, mở rộng diện tích, hướng tới xuất khẩu chè sang các nước Trung Đông.
Liên kết sâu
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Việt, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Tuyên Quang, cho biết, những năm gầy đây, Tuyên Quang quyết liệt trong tổ chức sản xuất nông nghiệp hàng hóa, đã hình thành các vùng cây trồng chuyên canh chủ lực như: cam, bưởi, chè, lạc…
Những năm tới, ngành sẽ tập trung phát triển theo chiều sâu, tổ chức sản xuất bài bản, nâng cao chất lượng đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn theo hướng VietGAP và đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Đưa hộ sản xuất vào các HTX, sản xuất theo quy trình từ giống, phân bón, kỹ thuật đồng nhất, để tạo ra sản phẩm giống nhau, đầu ra đặt hàng theo doanh nghiệp, HTX.
Khi làm tốt khâu tổ chức sản xuất, các sản phẩm đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn, được cấp giấy chứng nhận VietGAP, dán tem truy xuất nguồn gốc thì việc tìm thị trường và tiêu thụ cũng dễ hơn, không còn tình trạng phải... giải cứu.
Về khó khăn, ông Việt cho biết, do các hộ sản xuất nhỏ lẻ, chưa tham gia HTX, tổ hợp tác nên khi tạo chuỗi liên kết rất khó. Để gỡ nút thắt này, vừa qua Sở tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 25 về củng cố, kiện toàn, phát triển các HTX sản xuất nông, lâm nghiệp trong giai đoạn 2019 - 2020, đến năm 2020, toàn tỉnh có 232 HTX hoạt động có hiệu quả. Tham mưu UBND tỉnh ban hành Nghị quyết số 11 về hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản hàng hóa theo Nghị định 98 của Chính phủ.
Theo ông Việt, khi có chính sách hỗ trợ các HTX, trang trại, hộ cá thể, doanh nghiệp, sẽ hình thành chuỗi liên kết từ tổ chức sản xuất đầu vào đến đầu ra sản phẩm một cách bền vững. Đây là cơ chế khuyến khích hình thành chuỗi liên kết. Cùng với đó, sẽ có chế tài xử lý nghiêm việc ai phá vỡ chuỗi liên kết.
Tính đến tháng 12/2019, Tuyên Quang có 772ha cam, 73ha chè theo tiêu chuẩn VietGAP; 702ha chè theo tiêu chuẩn nông nghiệp bền vững (SAN); 3ha lúa, 3ha chè theo tiêu chuẩn hữu cơ (PGS); 30ha cam, 27ha bưởi hữu cơ chuyển đổi. Giá trị sản xuất nông lâm nghiệp ước đạt 8.419 tỷ đồng, đạt 100,4% KH, tăng 4,1% so với năm 2018. Sở NN&PTNT Tuyên Quang đã phối hợp liên kết sản xuất với 8 đơn vị tổ chức thu mua 2.123 tấn sản phẩm nông sản.
Đặc biệt, Sở đã tiếp tục phối hợp với HTX Nông nghiệp Công nghệ cao Tiến Thành Tuyên Quang mở rộng mô hình liên kết sản xuất nuôi trâu, bò vỗ béo an toàn sinh học có hiệu quả gắn với tiêu thụ sản phẩm. Năm 2019, HTX đã cung ứng 1.236 con trâu và 584 con bò để các hộ nuôi vỗ béo và tiêu thụ được 840 con trâu, bò. Sau thời gian nuôi vỗ béo từ 2,5 đến 3 tháng, trừ chi phí lãi bình quân mỗi hộ nuôi lãi 4-5 triệu đồng/con trâu và 2,5-3 triệu đồng/con bò.
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.