Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ bảy, ngày 23 tháng 12 năm 2017 | 3:49

Vấn nạn tôm bơm tạp chất chưa có dấu hiệu hạ nhiệt

Chỉ riêng tại Bạc Liêu, nơi được mệnh danh là "vựa tôm" của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, trong năm 2017 ngành chức năng đã phát hiện hơn 9 tấn tôm bơm tạp chất. Con số này cho thấy, vấn nạn này chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, cần có biện pháp mạnh để đủ sức răn đe.

"Điểm nóng" Bạc Liêu, Cà Mau

Theo báo cáo của Sở NN&PTNT tỉnh Bạc Liêu, từ đầu năm 2017 đến nay, Sở này đã phối hợp Công an tỉnh, Đoàn kiểm tra liên ngành 389 tỉnh và các Đoàn liên ngành cho UBND các huyện, thị xã, thành phố thành lập thực hiện 89 đợt thanh, kiểm tra, với hơn 250 lượt doanh nghiệp, cơ sở thu mua, sơ chế, chế biến tôm nguyên liệu trên địa bàn tỉnh.

Tình trạng bơm tạp chất vào tôm chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

Qua đó, phát hiện 56 trường hợp vi phạm, với hơn 9 tấn tôm nguyên liệu có chứa tạp chất, ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền hơn 2,8 tỷ đồng. Trong đó, các hành vi vi phạm chủ yếu là tổ chức bơm chích tạp chất (24 trường hợp); thu gom tôm có chứa tạp chất (20 trường hợp) và vận chuyển tôm có chứa tạp chất (12 trường hợp).

Theo Sở NN&PTNT tỉnh Bạc Liêu, tính đến cuối năm 2017, 100% doanh nghiệp, cơ sở thu mua, sơ chế, chế biến đã ký cam kết không đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu, không mua tôm có chứa tạp chất.  Tuy nhiên, tình trạng đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu vẫn còn cao (số vụ vi phạm chiếm hơn 22,4% so với tổng số cơ sở được kiểm tra).

Trong quá trình thanh tra, kiểm tra cho thấy tình trạng đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu ngày càng tinh vi hơn như: có cảnh giới, có cổng rào sắt bảo vệ, lựa chọn nhà ở khu vực di chuyển được bằng xe và cả xuồng máy hoặc khu vực trong hẻm sâu, cơ quan chức năng chỉ tiếp cận bằng cách đi bộ, thậm chí đối tượng có thông tin trước khi bị kiểm tra,... Đối tượng vi phạm luôn tìm cách đối phó và sẵn sàng chống đối lực lượng chức năng, do đó gặp nhiều khó khăn trong việc phát hiện vi phạm.

Đặc biệt, lực lượng thực hiện công tác thanh tra chuyên ngành khó tiếp cận các doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu (đây là điểm đến cuối cùng của tôm nguyên liệu có chứa tạp chất). Bởi phải qua thủ tục ở khâu bảo vệ, cá biệt có trường hợp bảo vệ không cho vào, hẹn khi khác đến kiểm tra vì không có Giám đốc ở nhà máy; nhà máy có nhiều khu vực mà cơ quan chức năng chỉ được kiểm tra ở khâu tiếp nhận nguyên liệu, hoặc chế biến, còn các khu vực khác chỉ được kiểm tra khi có quyết định khám xét.

 

Lực lượng chức năng tỉnh Bạc Liêu bắt quả tang một cơ sở bơm tạp chất vào tôm. Ảnh: thanhnien.vn.

 

Ở huyện Giá Rai và Đông Hải (Bạc Liêu), hiện có nhiều cơ sở và doanh nghiệp thường xuyên tuyển lao động để “hô biến” những con tôm sạch thành những con tôm to và nặng hơn (1kg tôm sau khi được bơm sẽ tăng lên từ 1,3 - 1,5kg). Lượng tôm được “ăn” tạp chất này sẽ được chuyển đi khỏi địa phương để tiêu thụ. Để việc bơm tạp chất được thuận lợi hơn, đặc biệt là nhanh hơn và để qua mặt cơ quan chức năng, một số cơ sở ở huyện Giá Rai còn rao bán, lắp đặt hệ thống máy bơm tạp chất.

Ông Trần Văn Hùng - người nuôi tôm trên 12 năm ở xã Tân Phong, huyện Giá Rai cho biết: “Người dân, thương lái nhỏ không làm, chỉ có lái lớn, những doanh nghiệp tư nhân thu mua tôm mới tổ chức bơm, chích tập trung, như vậy sẽ khó bị phát hiện hơn. Con tôm khi có tạp chất thường sẽ thẳng đơ chứ không cong như bình thường, đuôi xòe”. Ông Hùng cũng thông tin, chiêu trò trên đã làm cho người dân nuôi tôm như ông gặp thêm khó khăn. Bởi khi các nhà máy, xí nghiệp thu mua đã tính trừ các khoản chi phí loại bỏ tạp chất trong chế biến trước khi đem đi xuất khẩu.

Còn tại tỉnh Cà Mau, từ đầu năm 2016 đến nay cũng phát hiện trên 50 vụ tôm bơm tạp chất. Tổng số tôm vi phạm lên đến gần 10 tấn. Từ đầu năm đến nay, ngành  chức năng Cà Mau đã phát hiện nhiều vụ việc liên quan đến tình trạng trên và đã ra quyết định xử phạt hàng trăm triệu đồng. Số vụ đã phát hiện được đánh giá là rất ít so với thực tế bởi thủ đoạn thực hiện ngày càng tinh vi. Nó không chỉ xảy ra ở những tụ điểm nhỏ do thương lái tổ chức, mà còn ở cả các doanh nghiệp từng hô hào “nói không với tôm tạp chất”.

“Tình trạng bơm, chích vào tôm ở nhiều dạng (agar – rau câu, chế phẩm dạng bột CMC, rong biến nấu chín được xay nhuyễn, nước…) để tăng trọng. Vụ việc sẽ xảy ra ngày càng nhiều khi vào thời điểm nguồn nguyên liệu khan hiếm”, ông Châu Công Bằng, Phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau nói.

Ông Bằng cho biết thêm, để qua mặt lực lượng chức năng kiểm tra, những người tổ chức bơm chích tạp chất vào tôm thường đưa vào các ngõ ngách, vùng sâu, vùng xa, thậm chí là đưa lên phương tiện vận chuyển để thực hiện hành vi gian lận, đồng thời tổ chức canh gác gắt gao. Trước khi lực lượng chức năng đến kiểm tra, họ sẽ giảm tỷ lệ bơm xuống, pha loãng nên rất khó phát hiện hoặc tìm cách phi tang. Cũng có trường hợp bắt quả tang nhưng những người tổ chức lại cho người khác đứng ra nhận hàng nên rất khó xác định được đối tượng chủ mưu để xử lý.

Phải xử phạt mạnh để răn đe

Ông Lương Ngọc Lân, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bạc Liêu cho biết: Mặc dù ngành nông nghiệp tỉnh đã cố gắng nhưng cũng không thể nào khắc phục triệt để được tình trạng bơm tạp chất vào tôm.

“Chúng tôi đã có hẳn đề án chống bơm tạp chất vào tôm nhưng trong thời buổi gian lận thương mại này, chúng tôi không thể khắc phục triệt để được. Hiện tỉnh cũng đang triển khai tháng cao điểm thanh, kiểm tra, giám sát về chất lượng thủy sản, trong đó có chất cấm và tạp chất trong tôm” – ông Lân thông tin.

Theo Sở NN&PTNT các địa phương ĐBSCL, thời gian qua, công tác kiểm tra, quản lý tình trạng bơm tạp chất vào tôm vô cùng khó khăn. Bởi vùng nuôi tôm rộng lớn, lực lượng thương lái thu gom lên đến cả ngàn người ở mỗi địa phương trong khi đó lực lượng quản lý rất mỏng, dẫn đến việc kiểm soát địa bàn không chặt. Mặt khác, do hành vi bơm, chích tạp chất vào tôm sẽ tác động trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng, vì vậy hành vi này phải được nghiêm cấm, răn đe bằng chế tài mạnh.

Ông Nguyễn Văn Nhiệm – Chủ tịch Hiệp hội Tôm Mỹ Thanh (huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng) cho rằng: “Tình trạng bơm tạp chất ngày càng xảy ra nghiêm trọng và những người thực hiện thì chỉ vì lợi nhuận mà quên đi lợi ích chung. Luật pháp nên có biện pháp xử lý mạnh hơn, cho cả người mua bán tạp chất, người tổ chức bơm chích và người thu mua tôm có tạp chất”.

Ông Bằng nhận định: “Trước đây, quy định của pháp luật trong xử lý việc bơm, chích tạp chất rất nhẹ. Đến nay, mức phạt đã tăng lên nhưng vẫn chưa đủ. Theo tôi là phải xử lý hình sự, phạt tù thì mới có tính răn đe cao”.

Ngoài việc kiểm tra, xử lý hình sự, ông Bằng cho rằng, phải tập trung tuyên truyền, giáo dục, buộc các đối tượng có liên quan phải cam kết không tái phạm. Đồng thời, để giám sát chặt vấn nạn này, cần phải phối hợp đồng bộ các ngành chức năng trong tỉnh và các tỉnh lân cận, để tránh các đối tượng vi phạm chuyển địa điểm bơm chích, tuồn hàng…

Theo Hội Chế biến thuỷ sản và Xuất khẩu tỉnh Cà Mau (CASEP), thời gian qua, có những lô hàng bị phát hiện trả về do vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm. Tình trạng này đã ảnh hưởng lớn đến uy tín và sự cạnh tranh của con tôm Việt Nam trên trường quốc tế. Vì vậy, nếu Chính phủ và các bộ, ngành mà không quyết liệt vấn đề này thì con tôm sẽ “chết”, doanh nghiệp “chết trước” rồi đến người dân.

Ông Ngô Thành Lĩnh - Tổng Thư ký CASEP cho rằng: Đây không còn là chuyện của một doanh nghiệp hay một cá nhân nào, để phòng chống có hiệu quả vấn nạn này, cần có sự phối hợp từ ngành chức năng với doanh nghiệp từ địa phương này với địa phương khác và trên cả nước. Đồng thời, phải có những chế tài xử lý mạnh các vụ đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu.lơ” - ông Lĩnh lo ngại. 

Xác định tội danh để xử lý

Theo kế hoạch phòng chống, ngăn chặn tôm tạp chất của Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (NAFIQAD), đến hết năm 2017, tất cả 100% cơ sở nuôi tôm tại Cà Mau, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Kiên Giang ký cam kết không đưa tạp chất vào tôm trước khi tiêu thụ; 100% cơ sở thu mua, chế biến tại 4 tỉnh trên ký cam kết không đưa tạp chất vào tôm, không mua tôm tạp chất. Đến năm 2018, cơ bản chấm dứt tình trạng đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu tại các tỉnh trọng điểm trên phạm vi cả nước.

NAFIQAD đề nghị Bộ Công an sớm chủ trì, phối hợp với TAND Tối cao, VKSND Tối cao và Bộ NN-PTNT, Bộ Công Thương xác định tội danh đối với hành vi bơm tạp chất vào tôm để có cơ sở xử lý DN vi phạm. 

 

Cách nhận biết tôm bị bơm tạp chất

Loại tôm được chọn để bơm tạp chất phần lớn là tôm sú. Khi chọn tôm, nếu thấy con tôm cứng, thẳng đơ thì đó là tôm đã được bơm tạp chất. Bình thường mình tôm mềm, cong. Mang tôm bơm tạp chất cứng, phồng căng trong khi mang tôm thường mềm, phẳng.

Về màu sắc, gần như không thể phân biệt được tôm bơm và tôm sạch. Mình tôm bơm tạp chất thường mập, căng bất thường, mập đến nỗi các đốt trên thân tôm gần như bị giãn ra, nhất là đốt nối giữa đầu và thân.

Tôm bơm khi mới chết thường bị phù đầu, gai vểnh, xòe đuôi. Đầu và thân nhanh chóng rời nhau. Tôm bơm khi nấu chảy nhiều nước, thịt tôm bị teo lại. Khi ăn thịt bở, vị nhạt hơn so với bình thường.

Nếu là tôm bị bơm thạch, khi nấu chín, bóc vỏ tôm ra sẽ dễ dàng thấy lớp rau câu nằm giữa lớp thịt và vỏ tôm. Nhất là ở phần đầu, dưới mang.

Theo các chuyên gia về thủy, hải sản, kh i tôm, cá có chứa tạp chất lạ, nhất là dạng lỏng sẽ trở thành môi trường thuận lợi cho nhiều loại vi khuẩn nguy hiểm phát triển.Ngoài ra, việc ngâm giữ tôm trong hàn the, ure… cũng làm tăng khả năng người tiêu dùng bị ngộ độc cấp tính. Ure tích tụ trong cơ thể có thể gây ngộ độc mạn tính, mất ngủ, suy nhược cơ thể, giảm trí nhớ, gây bệnh gan, thận…

 

Anh Thơ (tổng hợp)

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
Top