Là nước nông nghiệp, vấn đề xây dựng nông thôn mới (XDNTM) ở Việt Nam được xem là có ý nghĩa sống còn đối với sự nghiệp phát triển kinh tế, văn hóa, giáo dục và an ninh, quốc phòng của đất nước.
Vì vậy, ngay từ những ngày đầu thành lập Đảng, tiếp đến là khi Cách mạng Tháng Tám thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xem đây là phần quan trọng nhất trong chiến lược bảo vệ và xây dựng một nước Việt Nam mới. Hơn 70 năm đã trôi qua, những tư tưởng từ ngày đầu thành lập nước đến nay của Bác vẫn không hề xưa cũ.
“Tự xây dựng đời sống cho riêng mình”
Ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám (1945) thành công, phong trào “Xây dựng đời sống mới” cũng lập tức được phát động. Để hiện thực hóa phong trào, ngày 20/3/1947, tác phẩm “Đời sống mới” của Chủ tịch Hồ Chí Minh ra đời, có tác dụng chỉ đạo và là cơ sở lý luận quan trọng cho sự nghiệp XDNTM của chúng ta ngày nay.
Tác phẩm Đời sống mới thể hiện tính nhất quán của Bác Hồ về đạo đức và đạo đức cách mạng, về đời sống mới và xây dựng đời sống mới, với cách diễn đạt vắn tắt, thiết thực, những nội dung của tác phẩm đã tạo sức lan tỏa nhanh chóng và rộng khắp trong phong trào toàn dân XDNTM và văn minh đô thị trong giai đoạn hiện nay.
Trước hết, muốn xây dựng thành công NTM, mỗi người phải tự xây dựng đời sống mới cho riêng mình, trên cơ sở đó, xây dựng đời sống mới cho cả cộng đồng. Bác khẳng định: “Do nhiều người nhóm lại thành làng, nhiều làng nhóm lại thành nước. Nếu người này xấu, người kia cũng xấu, thì thành làng xấu, nước hèn; nếu mỗi người tốt, thì làng tốt, nước mạnh. Người là gốc của làng, nước, nếu mỗi người cố gắng làm đúng đời sống mới thì dân tộc nhất định phú cường”. Xây dựng đời sống mới phải được thực hiện trên các nguyên tắc: Cần, Kiệm, Liêm, Chính và tích cực tăng gia sản xuất, “Làm ngày không đủ, tranh thủ làm đêm”.
Về văn hóa, phải làm cho cả làng đều biết chữ, biết đạo đức và trách nhiệm công dân. Về phong tục, cấm say sưa cờ bạc, hút sách, trộm cắp, đĩ điếm. Tìm cách để không có đánh chửi, kiện cáo nhau. Làm cho làng trở thành “thuần phong mỹ tục”.
Theo quan điểm của Bác, người dân vừa là chủ thể, đối tượng, vừa là mục tiêu cuối cùng của công cuộc XDNTM. Về kinh tế, người dân phải có đủ cơm ăn, áo mặc, được học hành, chăm sóc sức khỏe, được chữa bệnh khi ốm đau. Về đạo đức phải trên thuận, dưới hòa, không thiên tư, thiên ái, không tham lam, ích kỷ, không tư lợi, dù là cây kim sợi chỉ của chung.
Kế thừa tư tưởng của Bác
Quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh trong công tác xây dựng đời sống mới, ngày 4/6/2010, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt “Chương trình mục tiêu quốc gia về XDNTM” giai đoạn 2010 - 2020 với mục tiêu: “Xây dựng nông thôn có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội từng bước hiện đại; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ; gắn phát triển nông thôn với đô thị theo quy hoạch. Xã hội nông thôn dân chủ, ổn định, giàu bản sắc văn hóa dân tộc; môi trường sinh thái được bảo vệ; an ninh trật tự được giữ vững; đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao; theo định hướng xã hội chủ nghĩa”.
Cụ thể, đến năm 2015 đã có 20% số xã đạt chuẩn NTM; phấn đấu đến năm 2020: 50% số xã đạt chuẩn NTM theo Bộ tiêu chí quốc gia. Trong 11 chương trình, mục tiêu đã được Chính phủ phê duyệt, phải tập trung chỉ đạo, thực hiện 4 chương trình mục tiêu trọng điểm là: “Quy hoạch XDNTM; phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội; chuyển dịch cơ cấu, phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập; xây dựng đời sống văn hóa thông tin và truyền thông nông thôn”.
Đặc biệt, điều cốt lõi phải luôn chú ý trong quá trình XDNTM, là vai trò lãnh đạo của Đảng, chính quyền từ Trung ương đến địa phương. Bác khẳng định: Phải có Đảng lãnh đạo thì XDNTM mới thành công, nhưng lãnh đạo phải dân chủ, ân cần đi sâu, đi sát, mọi việc phải đem ra bàn bạc, lấy ý kiến và sự thống nhất của nhân dân. Làm như vậy, nhân dân càng tín nhiệm Đảng, chính quyền càng nêu cao tính tập thể, tinh thần làm chủ, chủ động và càng hăng hái lao động sản xuất.
Thực hiện theo chủ trương của Đảng và thấm nhuần lời dạy của Bác, tính đến tháng 3/2019, cả nước đã có 4.207 xã (chiếm 47,19%) đạt chuẩn NTM, tăng 369 xã (4,13%) so cuối năm 2018. Tổng số xã đạt chuẩn NTM tăng 369 xã (tăng 4,13% so cuối năm 2018); bình quân đạt 14,61 tiêu chí/xã. Cả nước không còn xã dưới 5 tiêu chí; có 66 đơn vị cấp huyện, thuộc 33 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ XDNTM.
Đến hết năm 2019, cả nước phấn đấu 48 - 50% số xã đạt chuẩn NTM, tăng 8 - 10% so năm 2018, và có xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; có ít nhất 70 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn NTM; cả nước không còn xã đạt dưới 5 tiêu chí...
Hà Nội dẫn đầu cả nước về XDNTM
Thấm nhuần tư tưởng Bác trong triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về XDNTM, chính quyền và nhân dân Thủ đô đã nỗ lực không ngừng và dành được những kết quả đáng khích lệ.
Hiện, Hà Nội đã có 4 huyện được công nhận đạt chuẩn XDNTM, toàn thành phố có 297/386 xã (chiếm 76,94%) đạt chuẩn NTM. Trong số 89 xã còn lại, có 72 xã đạt và cơ bản đạt 15 - 18 tiêu chí, còn 17 xã đạt và cơ bản đạt 11 - 14 tiêu chí. Từ kết quả này, Hà Nội là đơn vị dẫn đầu cả nước trong XDNTM. Tính đến nay đã có trên 369 xã đạt và cơ bản đạt tiêu chí giao thông; 377 xã đạt và cơ bản đạt tiêu chí thuỷ lợi.
Tính đến cuối năm 2018, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt trên 43,16 triệu đồng/người/năm. 100% trạm y tế xã có bác sỹ. Tỷ lệ người dân đóng BHYT đạt 86,06%; có 100% số xã kết nối internet, tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 2%. Chất lượng cuộc sống nâng lên rõ rệt, người dân phấn khởi vì lợi ích thiết thực do chương trình XDNTM đem lại.
Đặc biệt, sau khi hoàn thành XDNTM, các xã đã nâng cao các tiêu chí, điển hình là phong trào: “Đường nở hoa, nhà có số, phố có tên” ở Đan Phượng, Thanh Trì, Phú Xuyên...Từ thành quả trên, Thủ đô đã ban hành hành Bộ Tiêu chí xã đạt chuẩn NTM nâng cao giai đoạn 2018 - 2020, đây là cách làm sáng tạo của Hà Nội.
Huyện đầu tiên triển khai XDNTM kiểu mẫu
Mới đây, trên quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bộ Nông nghiệp và PTNT và UBND tỉnh Nghệ An tổ chức Hội nghị triển khai Quyết định số 17/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án thí điểm "Xây dựng huyện Nam Đàn trở thành huyện NTM kiểu mẫu theo hướng phát triển văn hóa gắn với du lịch, giai đoạn 2018 - 2025".
Đầu năm 2018, Nam Đàn đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận đạt chuẩn huyện NTM. Diện mạo nông thôn Nam Đàn tiếp tục có nhiều khởi sắc, kinh tế phát triển khá, kết cấu hạ tầng được đầu tư đồng bộ, an sinh xã hội được quan tâm chăm lo, an ninh trật tự được đảm bảo, môi trường nông thôn ngày càng xanh sạch đẹp; thu nhập bình quân đầu người đạt 43 triệu đồng, tăng 7 triệu đồng so với năm 2017, cao hơn 13 triệu so với thu nhập bình quân người dân ở khu vực nông thôn. Tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 2,21%.
Cũng như nhiều xã, huyện khác của toàn quốc đã hoàn thành 19 tiêu chí nông thôn mới, Nam Đàn tiếp tục phát triển về chiều sâu chất lượng các tiêu chí, nhưng hướng theo thế mạnh của huyện là văn hoá, du lịch để nâng cao hơn nữa đời sống nhân dân.
Với việc xây dựng Nam Đàn trở thành huyện NTM kiểu mẫu, Đề án đặt mục tiêu đến năm 2020 có 30 % số xã (7 xã) đạt chuẩn NTM nâng cao, ít nhất 3 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu về phát triển văn hóa gắn với du lịch. Đến năm 2025 có ít nhất 6 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu về phát triển văn hóa gắn với du lịch; 100% di tích lịch sử, văn hóa, cách mạng trên địa bàn huyện Nam Đàn được trùng tu, đáp ứng nhu cầu tham quan, phục vụ phát triển du lịch; kinh tế du lịch gắn với văn hóa trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đưa tỉ trọng du lịch, dịch vụ chiếm khoảng 42 - 43% trong cơ cấu kinh tế của huyện,...
Sau Nam Đàn, sắp tới, bốn huyện Hải Hậu (Nam Định), Đơn Dương (Lâm Đồng) và Xuân Lộc (Đồng Nai) sẽ đươcợc lựa chọn triển khai thí điểm xây dựng huyện nông thôn mới kiểu mẫu nhằm đúc rút kinh nghiệm và triển khai nhân rộng trên phạm vi toàn quốc trong giai đoạn sau 2020.
Hy vọng, với cách làm sáng tạo, biết khơi dậy tiềm năng, lợi thế, phát huy sức mạnh của nhân dân, chắc chắn Chương trình XDNTM ở các địa phương trên cả nước sẽ đạt được thành quả như mong đợi lúc sinh thời của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, độc lập, dân chủ và giàu mạnh.
Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.
Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.
Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.