Nếu như tại nhiều địa phương việc huy động người dân hiến đất, phá bỏ cây trồng, các công trình trên đất và đóng góp kinh phí làm đường giao thông nông thôn gặp không ít khó khăn thì ở thôn 2, xã Cư Suê (Cư M’gar - Đắk Lắk) việc này trở nên dễ dàng nhờ sự đồng lòng, ủng hộ của người dân.
Ông Phát (trái) trên phần đường trước là đất của gia đình.
Với sự vào cuộc tích cực của người dân, nhiều tuyến đường đã nhanh chóng được giải phóng mặt bằng để mở rộng, nâng cấp, giúp cho việc đi lại, vận chuyển nông sản thuận tiện hơn, góp phần cùng địa phương hoàn thành tiêu chí số 2 trong xây dựng nông thôn mới.
Chỉ sau thời gian ngắn, 4 tuyến đường dài hơn 2km ở thôn 2 đã nhanh chóng được giải tỏa mặt bằng, trong đó, tuyến dài nhất là 1km, ngắn nhất cũng 200m. Có được kết quả này, ngoài hỗ trợ về công máy của UBND xã, còn là sự góp sức không nhỏ từ người dân. Mỗi hộ dân hai bên đường tự nguyện lùi vào 0,5m để mở rộng, nâng cấp tuyến đường, với tổng diện tích hơn 2.000m2. Việc hiến đất cũng đồng nghĩa phải chặt bỏ hàng trăm các loại cây trồng có giá trị, như: hồ tiêu, cây ăn trái… nhưng họ vẫn sẵn sàng phá bỏ để nhường đất, xem đây là trách nhiệm của công dân đối với nhà nước.
Gia đình ông Nguyễn Tấn Phát (74 tuổi) là một trong những hộ đi đầu trong phong trào hiến đất làm đường giao thông ở địa phương. Đất của gia đình ông trải dài 80m, theo quy định mỗi bên lùi vào 0,5m nên diện tích đất phải hiến lên đến 40m2, đồng thời phải chặt đi 1 hàng cau trồng hơn 20 năm. Vì lợi ích chung, ông Phát sẵn sàng hiến đất, không những thế còn đóng góp thêm 4 triệu đồng để bê tông hóa tuyến đường.
Dẫn chúng tôi ra phần đường trước đây là đất của gia đình mình, ông Phát vui vẻ nói: “Làm đường thì mọi người sao tôi vậy, cây hồ tiêu kéo xuống trồng lại được, còn để có hàng cau như thế phải mất rất nhiều năm, tiếc lắm nhưng gia đình vẫn vui vẻ hiến để hoàn thành công trình đúng tiến độ”.
Gia đình bà Lê Thị Xuân vừa thoát khỏi diện cận nghèo, thu nhập hàng năm chỉ trông vào 8 sào cà phê và 12 trụ tiêu trước nhà… Tuy nhiên, khi thôn đến tuyên truyền, vận động, ngoài đóng góp 3,5 triệu đồng để bê tông tuyến đường, gia đình bà còn sẵn sàng hiến toàn bộ số trụ tiêu trên để nhường 32m2 đất cho địa phương làm đường. Giờ đây, tuyến đường dài hơn 265m trước nhà bà đã được giải phóng xong mặt bằng, mở rộng làn đường. Vừa tranh thủ dọn dẹp lại trước nhà khi đoạn đường vừa được san gạt, bà Xuân vừa vui vẻ nói: “Tuyến đường này nhỏ, hẹp nên việc đi lại gặp nhiều khó khăn, mưa thì lầy lội, nắng thì bụi... Nghe nói chính quyền sẽ làm đường tôi mừng lắm, đóng góp vậy chứ hơn nữa gia đình vẫn cố gắng để có con đường khang trang, sạch đẹp”.
Việc huy động người dân hiến đất, phá bỏ cây trồng, công trình trên đất và đóng góp kinh phí làm đường giao thông nông thôn đã được thôn 2, xã Cư Suê triển khai từ nhiều năm trước. Dù cuộc sống của nhiều gia đình còn khó khăn nhưng nhờ chính quyền xã tuyên truyền, vận động và thuyết phục một cách hợp lý đã khơi dậy được tinh thần tự giác, tự nguyện của nhân dân. Nhờ đó, từ năm 2015 đến nay, thôn đã bê tông hóa được 500m đường và nâng cấp, sửa chữa hơn 1km đường cấp phối, tổng kinh phí thực hiện hơn 210 triệu đồng. Có đường mới, việc đi lại, buôn bán, trao đổi hàng hóa của người dân thuận lợi hơn.
Trao đổi về vấn đề này, ông Hoàng Đình Tuấn Anh, Trưởng thôn 2, xã Cư Suê cho biết: “Thôn triển khai làm đường từ năm 2013, ngoài hiến đất, chặt bỏ các cây trồng, kiến trúc trên đất… bà con đã thống nhất đóng góp 500.000 đồng/hộ/năm để lấy kinh phí làm đường, đến khi nào các tuyến đường trong thôn làm xong mới thôi. Hiện, UBND xã đang hỗ trợ giải tỏa, gạt, lu lấy lại nền đường. Khi tiến hành giải tỏa có nhiều hộ cũng tỏ ra khó chịu nhưng được tuyên truyền, vận động thì bà con đều vui vẻ tham gia. Trong 4 tuyến đường được giải tỏa lần này, thôn sẽ tiến hành bê tông hóa 2 tuyến đường, với chiều dài 400m, kinh phí dự kiến gần 200 triệu đồng. Đối với những hộ hưởng lợi trực tiếp phải đóng góp thêm 50.000 đồng/m”.
Việc đóng góp của bà con nhân dân thôn 2, xã Cư Suê tuy chưa phải là con số lớn nhưng đã thể hiện tinh thần trách nhiệm và sự hưởng ứng của người dân địa phương đối với phong trào xây dựng nông thôn mới.
T.Dũng - Thanh Truyền
Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.
Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.
Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.