Chỉ thị 23-CT/TU ngày 25/7/2019 của Thành ủy TP. Hồ Chí Minh (Chỉ thị 23) về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về trật tự xây dựng đã mang lại những hiệu quả bước đầu trong việc lập lại trật tự xây dựng trên địa bàn.
Tuy nhiên, vẫn còn phát sinh những công trình vi phạm mới cần được xử lý dứt điểm.
Hàng loạt công trình vi phạm
Trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh thời điểm trước và sau khi ban hành Chỉ thị số 23 đã được các ngành chức năng phát hiện nhiều công trình vi phạm.
Đơn cử, theo Kết luận của Thanh tra Công an TP. Hồ Chí Minh về công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng trên địa bàn huyện Bình Chánh từ tháng 1/2016 đến tháng 3/2020, đã phát hiện nhiều công trình vi phạm kéo dài chưa được xử lý dứt điểm.
Cụ thể, vi phạm về xây dựng, đất đai ở huyện Bình Chánh diễn biến phức tạp, có dấu hiệu đầu cơ mua bán đất trong khi việc phối hợp, kiểm tra của chính quyền địa phương và thanh tra xây dựng chưa đồng bộ, không chủ động xử lý ngay từ đầu các trường hợp vi phạm, dẫn đến việc hình thành nhiều khu dân cư tự phát trên đất nông nghiệp. Việc tự chuyển mục đích sử dụng đất trái phép chưa được UBND huyện Bình Chánh phát hiện, ngăn chặn kịp thời để cho người dân tự ý chuyển mục đích sử dụng đất không đúng quy định, tự phân lô bán nền, xây dựng nhà ở trên đất nông nghiệp và trên đất không phải là đất ở.
Minh chứng tại xã Bình Hưng, phát hiện khu nhà hàng Hương Dừa cũ rộng khoảng 15.045m2 được tự chuyển mục đích sử dụng đất không phù hợp quy hoạch, xây dựng không phép trên đất nông nghiệp, lấn rạch để cho thuê và bán cho các hộ dân. Qua nhiều lần mua bán giấy tay, chuyển nhượng qua lại nhiều người, hình thành khu dân cư sinh sống, kinh doanh mua bán không đảm bảo hạ tầng kỹ thuật và điều kiện an sinh xã hội, ảnh hưởng đến an ninh trật tự trên khu vực.
Cũng tại xã này, khu ẩm thực Bình Xuyên rộng gần 25.000m2 được tự ý chuyển thành đất thương mại, dịch vụ khi chưa được cơ quan có thẩm quyền giao đất để đầu tư thương mại, dịch vụ, sau đó xây dựng không phép trên đất nông nghiệp, đất ao, đất rạch...
Thanh tra TP. Hồ Chí Minh cũng xác định người sử dụng đất xây dựng công trình sai phạm kéo dài từ năm 2003 nhưng đến thời điểm thanh tra (tháng 3/2020) vẫn còn tồn tại do UBND huyện Bình Chánh, Thanh tra Sở Xây dựng và UBND xã Bình Hưng chưa xử lý dứt điểm các công trình vi phạm theo đúng quy định pháp luật.
Tại “điểm nóng” quận 12, chỉ tính riêng số vụ xây dựng không phép năm 2019, mặc dù đã có kế hoạch cưỡng chế nhưng hiện vẫn còn tới 74 vụ chưa thể tiến hành cưỡng chế tháo dỡ. Đáng lưu ý, vào ngày 7/1/2021, UBND quận 12 ban hành quyết định xử phạt hộ gia đình ông V.V.T (tại phường Thạnh Lộc, quận 12) vì xây dựng sai phép khi chia nhỏ công trình thành 13 căn, trổ thêm cửa đi và cầu thang nhưng đến nay vi phạm này chưa được khắc phục triệt để.
Tương tự là 17 công trình xây dựng sai phép, vượt tầng, trái quy hoạch trên tuyến đường Nguyễn Văn Hưởng, thành phố Thủ Đức vẫn tồn tại mặc dù hơn 4 năm qua cơ quan chức năng đã ban hành không ít quyết định xử phạt, buộc tháo dỡ, khắc phục sai phạm.
Cũng tại quận 12, theo tìm hiểu của phóng viên, vào thời điểm tháng 11/2021, vẫn xảy ra tình trạng xây dựng nhà ở không phép được xây dựng trên đất quy hoạch xảy ra tại khu vực hẻm 232/1 Bùi Văn Ngữ, tổ 47 khu phố 7 phường Hiệp Thành.
“Theo quy hoạch, vị trí đất tại khu vực này có chức năng đất giáo dục và có quy hoạch về hạ tầng giao thông. Tuy nhiên, nhiều căn nhà bên ngoài được rào, quây lại bằng tôn, sau thời gian ngắn khi bóc, gỡ các tấm tôn đó ra lại là các căn nhà kiên cố”, ông N.V.T, người dân sống trong khu vực bức xúc cho biết.
Cũng theo ông N.V.T, để xây dựng được phải có sự “bảo kê” của cán bộ địa chính phường và cán bộ thanh tra xây dựng tên L.. Thậm chí có hiện tượng “bao từ A đến Z”, từ việc cung cấp vật liệu xây dựng, “thầu” trọn gói để căn nhà được hình thành. Tại khu vực này, ghi nhận có khoảng 30 căn nhà được xây dựng theo dạng “quây tôn”. Nhiều căn nhà còn ngang nhiên thách thức dư luận khi không cần quây tôn để “che mắt thiên hạ”.
Nâng cao vai trò, trách nhiệm người đứng đầu
Hiện, trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh, mặc dù số vụ vi phạm mới về trật tự xây dựng đã giảm sâu nhưng vẫn còn nhiều vụ việc chưa được xử lý dứt điểm. Theo báo cáo của Sở Xây dựng TP. Hồ Chí Minh, từ đầu năm 2021 đến tháng 5/2021 (từ tháng 6/2021 thành phố thực hiện các đợt giãn cách xã hội kéo dài nên tạm ngưng việc các hoạt động xây dựng), trên địa bàn thành phố phát hiện 288 trường hợp vi phạm, giảm 37,9% so với cùng kỳ năm 2020.
Tuy nhiên, tình trạng xây dựng trên đất nông nghiệp, trên đất không phù hợp quy hoạch được duyệt, vi phạm các quy định liên quan đến lĩnh vực đất đai ở huyện ngoại thành vẫn còn phức tạp trong khi thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm chưa dứt điểm, kéo dài, một số nơi có hiện tượng “buông lỏng” quản lý dẫn tới các công trình hoàn thành, mua bán, chuyển nhượng, gây khó khăn trong xử lý vi phạm hành chính.
Để tiếp tục thực hiện hiệu quả Chỉ thị 23 của Thành ủy, Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi đã yêu cầu lãnh đạo Sở Xây dựng thành phố tiếp tục tăng cường phối hợp về quản lý trật tự xây dựng, đánh giá tình hình thực hiện Chỉ thị 23, đồng thời nâng cao vai trò trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra các sai phạm trong hoạt động quản lý nhà nước về trật tự xây dựng.
Trong khi đó, theo đại diện Sở Xây dựng TP. Hồ Chí Minh, ngành Xây dựng thành phố sẽ tiếp tục kiểm tra, giám sát, kiên quyết xử lý trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân được giao nhiệm vụ quản lý trật tự xây dựng nhưng thiếu tinh thần trách nhiệm trong thực thi công vụ, buông lỏng quản lý hoặc có dấu hiệu bao che, tiếp tay cho các vi phạm, tùy theo tính chất, mức độ sai phạm bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Đồng thời, Sở Xây dựng cũng kiến nghị Bộ Xây dựng sớm có hướng dẫn hoặc sửa đổi, bổ sung Nghị định 139/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong đầu tư, xây dựng về thẩm quyền ban hành và thực hiện quyết định cưỡng chế phá dỡ công trình, bộ phận công trình vi phạm, qua đó tránh chồng chéo về thẩm quyền, gây chậm trễ trong xử lý vi phạm hành chính.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy khẳng định, dù thực hiện theo Luật Đất đai hay theo cơ chế thí điểm của Nghị quyết về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất, tất cả các dự án đó đều phải tuân thủ quy hoạch, bảo đảm việc giữ ổn định 3,5 triệu ha đất lúa, bảo đảm độ che phủ rừng...
Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản sẽ hiệu lực từ ngày 1/8, sớm 5 tháng so với thời điểm đã được Quốc hội quyết định trước đó (1/1/2025), sẽ giúp khơi thông nguồn lực đất đai, tạo điều kiện cho nền kinh tế đất nước phát triển và đảm bảo các chính sách an sinh xã hội cho người dân.